Eugen Ruge – tác giả cuốn tiểu thuyết phản ánh lịch sử “Thời nắng lịm” sẽ giao lưu với độc giả Sài Gòn vào tối ngày 14-5. Cuốn tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện, phản ánh một giai đoạn lịch sử Cộng hòa Dân chủ Đức (CHDC Đức) trong câu chuyện của một gia đình thân thuộc với độc giả Việt.
Trong khuôn khổ Ngày Sách châu Âu tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 12 đến ngày 20-5, tác giả Eugen Ruge cùng dịch giả Hoàng Đăng Lãnh sẽ trò chuyện và giao lưu cùng độc giả vào lúc 19g ngày 14-5 tại Cà phê Thứ Bảy (264 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM).
Eugen Ruge (sinh năm 1954 tại Sverdlovsk Oblast, Liên Xô cũ) là con trai của nhà sử học CHDC Đức Wolfgang Ruge, mẹ anh là người Nga. Khi hai tuổi, Eugen Ruge cùng với cha mẹ về Đông Berlin. Cuốn tiểu thuyết phảng phất câu chuyện của cá nhân và những uẩn khúc của gia đình nhà văn.
Sau khi tốt nghiệp khoa Toán Đại học Humboldt ở Berlin, Eugen Ruge trở thành một
cán bộ nghiên cứu tại Viện Vật lý Trung tâm Trái đất tại Viện hàn lâm Khoa học của CHDC Đức. Năm 1986, ông bắt đầu viết văn, làm phim tài liệu và biên kịch. Năm 1988, ông chuyển sang Cộng hòa Liên bang Đức. Và từ năm 1989, ông chủ yếu viết kịch bản cho nhà hát, đài phát thanh và kịch bản phim. Bên cạnh việc dịch một số vở kịch của Chekhov và viết kịch bản cho phim tài liệu và sân khấu, ông còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Nghệ thuật Berlin.
Tiêu đề của cuốn sách đề cập đến thời điểm đầu mùa thu, là mùa thu hoạch khoai tây ở Ural – nơi gắn liền với những ký ức của bà ngoại người Nga, nhưng nó cũng ẩn dụ về ánh sáng mờ nhạt dần của việc xây dựng một chủ nghĩa mới ở Cộng hòa Dân chủ Đức.
Trong suốt nửa thế kỷ câu chuyện diễn ra, các nhân vật vừa đi tìm chính mình, vừa chạy trốn những di sản thế hệ trước đè nặng trên vai. Họ không nhận ra lịch sử được viết trong chính gia đình mình, hành động của mình.
Cuốn tiểu thuyết được trao giải thưởng Alfred Döblin năm 2009, đến năm 2011 được Giải thưởng Văn học và Giải thưởng Sách Đức.