Sau khi hàng ngàn cổ vật vô giá bị lực lượng Taliban đập vỡ, Bảo tàng Quốc gia Afghanistan đang cố gắng ghép các mảnh vỡ lại với nhau và hy vọng sẽ tiết lộ chúng trong năm 2020.
Di tích lịch sử trước sự tàn khốc của chiến tranh và Taliban
Nằm ở góc phía Tây Nam của Kabul, nép mình giữa những đỉnh núi phủ tuyết trắng xa xôi của dãy núi Hindu Kush và sông Kabul rộng lớn, Bảo tàng Quốc gia Afghanistan là một trong những chứng tích cổ đại vĩ đại nhất thế giới. Bảo tàng Quốc gia Afghanistan, còn được gọi là Bảo tàng Kabul, là một tòa nhà hai tầng nằm cách trung tâm Kabul ở Afghanistan 9 km về phía Tây Nam. Kể từ năm 2014, bảo tàng được mở rộng theo tiêu chuẩn quốc tế, với một khu vườn liền kề kích thước lớn hơn để du khách thư giãn và đi dạo xung quanh.
Với bộ sưu tập kéo dài 50.000 năm từ các di tích thời tiền sử đến nghệ thuật Hồi giáo, bảo tàng nêu bật lịch sử phong phú của Afghanistan ở ngã tư của thế giới cổ đại. Bảo tàng đã sống sót kỳ diệu qua nhiều thập kỷ xung đột trong suốt lịch sử 89 năm của nó. Giám đốc bảo tàng Fahim Rahimi cho biết: “Afghanistan rất phong phú với các di sản và cấu trúc. Afghanistan là quốc gia kết nối Trung Á, Nam Á và Trung Đông.
Có sự đa dạng ở đây và những người thuộc các nền văn hóa khác nhau đã lưu giữ di sản của họ ở đây”. Ở tầng 2 bảo tàng là nơi mà từ nay bắt đầu diễn ra các cuộc triển lãm từ nghệ thuật Hy Lạp thế kỷ 4 đến các đồ tạo tác Hồi giáo từ triều đại Ghaznavid vào thế kỷ 12. Tuy nhiên, vì giá trị to lớn của bộ sưu tập và vị trí của tòa nhà bên cạnh cung điện hoàng gia Darul Aman mang tính biểu tượng của thành phố, bảo tàng và các đồ tạo tác của nó đã nhiều lần bị đe dọa, cướp bóc hoặc phá hủy bởi các chế độ kế tiếp nhau chiến đấu để kiểm soát thủ đô Afghanistan.
Đồ trang sức bằng vàng, vũ khí và tiền xu từ Thế kỷ 1 sau Công nguyên được cất giấu trong cuộc chiến tranh năm 1979. Vào đầu thập niên 1990, bảo tàng đã bị cuốn vào cuộc chiến chéo nổ ra khi nhiều nhóm du kích mujahideen tranh giành quyền lực và kiểm soát Kabul. Vào năm 1993, một quả tên lửa đâm sầm vào mái nhà của bảo tàng, phá hủy một bức tranh tường thế kỷ 4 và chôn vùi nhiều đồ gốm cổ và đồ đồng. Năm 1997, một tên lửa thứ hai tấn công tòa nhà.
Và vào cuối thập niên 1990, khoảng 70% cổ vật còn lại của bảo tàng đã bị cướp phá hoặc phá hủy. Rahimi nói về bạo lực quét qua Kabul trong phần lớn thập niên 1990: “Ở mỗi hướng đều có một nhóm quân sự khác nhau chiến đấu với nhau, với bảo tàng nằm ở trung tâm xung đột. Nhân viên bảo tàng không thể bảo vệ các di tích lịch sử bởi vì thậm chí không thể mạo hiểm đi đến những địa điểm nóng này. Do đó mà chính trong thời gian này, chúng tôi đã mất một số cổ vật quý giá”.
Tuy nhiên, nhờ vào tinh thần anh dũng của nhân viên của bảo tàng, một số lượng lớn các bộ sưu tập ban đầu của bảo tàng được bí mật di chuyển đi cất giấu trong Chiến tranh Liên Xô-Afghanistan kéo dài từ những năm 1979-1989, và một lần nữa sau này trong những năm ngay trước khi Taliban nắm quyền – do đó cứu được cổ vật khỏi sự hủy diệt. Theo Rahimi, trong thập niên 1980, những người phụ trách bảo tàng đã thuyết phục chính phủ cất giấu 2/3 bộ sưu tập của bảo tàng trong kho tiền ngân hàng và không gian lưu trữ bên trong Bộ Thông tin và Văn hóa ở trung tâm Kabul để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của người Hồi giáo.
Sau đó, khi các nhóm mujahideen khác nhau chiến đấu ở Kabul trong khoảng thời gian từ 1992 đến 1996, phần lớn bảo tàng đã bị thu nhỏ thành đống đổ nát và không còn điện hay nước. Nhưng trong một thời gian ngắn ngủi trong cuộc chiến, nhân viên của bảo tàng (nhiều người trong số họ đã không được trả tiền khi cuộc nội chiến nổ ra) đã quay trở lại tòa nhà đóng cửa vào năm 1994 và âm thầm làm việc với những ngọn đèn dầu hỏa để di chuyển hàng ngàn đồ tạo tác vào khoảng 500 chiếc rương, thùng và hộp bìa cứng và bí mật di dời chúng đến khách sạn Kabul (nay là khách sạn Kabul Serena) để giữ an toàn.
Khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul năm 1996, những cuộc giao tranh đã bớt khốc liệt, nhưng chế độ đã gây ra thiệt hại lớn nhất cho các cổ vật của Afghanistan: bọn chúng phá hủy bất cứ thứ gì được coi là đi ngược lại Hồi giáo.
Trong một hành động hủy diệt gây chấn động thế giới vào tháng 3.2001, bọn chỉ huy Taliban cài chất nổ trong và xung quanh nơi từng là tượng Phật cao nhất thế giới và phá hủy các cấu trúc sa thạch 3.000 năm tuổi ở tỉnh Bamiyan của Afghanistan. Tuy nhiên, tội ác ít được biết đến là sự hủy diệt của Taliban diễn ra ngay tại Bảo tàng Quốc gia. Tháng 2.2001, giới quan chức Taliban ra lệnh cho chiến binh tiến vào nhà bảo tàng và bắt đầu đập phá bằng búa và rìu bất cứ thứ gì ở dạng người hoặc động vật mà bọn chúng tin là báng bổ Hồi giáo.
Những hành động phá hoại như thế cứ tiếp tục, và cuối cùng, hàng ngàn vật thể vô giá có niên đại hàng ngàn năm đã bị phá hủy một cách tàn bạo. Một cựu nhân viên bảo tàng Mohammad Asif nhớ lại: “Trong một vài tuần, Taliban thường xuyên đến bảo tàng và đập vỡ nhiều bức tượng lịch sử mà chúng tôi đã trưng bày bên trong bảo tàng, bao gồm nhiều bức tượng Phật giáo mà chúng cho là không phù hợp với đạo Hồi”. Asif cũng kể lại chuyện bản thân gặp rất nhiều nguy hiểm khi giúp giải cứu các cổ vật từ tay Taliban.
Asif, người làm việc với bảo tàng trong 40 trước khi rời khỏi đất nước sống lưu vong, nói: “Khi tôi trở về Afghanistan, tài sản nhà bảo tàng không còn nhiều. Chúng tôi đã cố gắng cứu lấy một ít cổ vật còn sống sót sau chiến tranh, nhưng cuối cùng Taliban cũng đến và hủy diệt chúng”.
Afghanistan đầy những mảnh vỡ lịch sử tuyệt vời
Không thể đứng bên ngoài mà theo dõi sự hủy diệt của lịch sử đất nước, Asif và các đồng nghiệp bí mật thu thập các cổ vật bị vỡ để lại sau mỗi cơn thịnh nộ của Taliban và giấu chúng xung quanh bảo tàng. Fahim Rahimi thừa nhận: “Nhờ những nỗ lực của các đồng nghiệp của chúng tôi hồi đó, những người đã cứu những mảnh này bằng cách thu thập những phần bị hỏng của họ, giấu chúng dưới thùng rác hoặc trong những căn phòng nơi Taliban không nhìn thấy, mà bây giờ chúng tôi mới có được cơ hội quý giá khôi phục một số di tích lịch sử”.
Ngày nay, bộ sưu tập ban đầu mà các nhân viên lưu giữ đã được trưng bày kể từ khi bảo tàng mở cửa trở lại vào năm 2004. Và bây giờ, một nhóm nhỏ gồm các chuyên gia Afghanistan và quốc tế – đứng đầu là nhà bảo tồn Fabio Colombo và được hỗ trợ bởi Viện Phương Đông Đại học Chicago – đang làm việc để khôi phục nhiều đồ tạo tác mà Asif và nhân viên của bảo tàng đã cất giấu trước bàn tay phá hoại của chiến binh Taliban. Dự án khôi phục nhằm mục đích ghép lại khoảng 2.500 bức tượng Phật và gốm sứ từ bộ sưu tập của bảo tàng, tập trung vào Hadda – một trung tâm Phật giáo nhộn nhịp tồn tại ở Afghanistan khoảng 2.500 năm trước.
Asif nói: “Người Pháp lần đầu tiên khai quật bộ sưu tập các bức tượng ở Hadda vào thập niên 1930. Một phần của những phát hiện đã được đưa tới Pháp và phần còn lại được trưng bày ở Kabul, nơi cuối cùng chúng đã bị Taliban phá hủy vào năm 2001”. Asif cho du khách nhìn thấy một số trong số hơn 7.500 mảnh tượng được trải trên nhiều bàn – một số nhỏ xíu như những hạt sạn – mà các chuyên gia đang chắp nối lại trong các phòng sau của Bảo tàng.
Colombo đã mất hơn một năm để đánh giá và phân tích các mảnh vỡ để thiết lập ngân sách cho dự án 4 năm đầy tham vọng, nhằm mục đích đạt đến đỉnh cao với một triển lãm trong Bảo tàng Quốc gia vào cuối năm 2020. Theo Rahimi, người Pháp đã khai quật gần 20.000 bức tượng Phật từ Hadda, và trong những năm sau đó, các nhà khảo cổ Afghanistan cũng đã phục hồi được một kho đáng kể các cổ vật khác từ địa điểm này.
Rahimi nói: “Chúng tôi sẽ không bao giờ biết con số chính xác bởi vì chúng tôi không có tài liệu về điều đó, chúng cũng đã bị mất trong cuộc nội chiến và chế độ Taliban. Đây giống như cố gắng lắp ráp các mảnh ghép từ những câu đố ghép hình khác nhau mà tất cả đã được xếp lại với nhau mà không có hình ảnh gốc từ các hộp. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia vẫn quyết tâm khôi phục càng nhiều bức tượng cổ càng tốt”.
Một vài tài liệu kiểm kê từ những năm 1960 và 70 được tìm thấy dưới tầng hầm bảo tàng và cung cấp một số hướng trực quan để giúp các chuyên gia ghép các cổ vật lại với nhau, mặc dù không nhiều. Khi hoàn thành, các đồ tạo tác Hadda được trưng bày trong Bảo tàng Quốc gia sẽ mô tả một câu chuyện quan trọng về lịch sử Phật giáo Afghanistan, một tôn giáo có ảnh hưởng đáng kể trong các phần của dãy núi Hindu Kush của Afghanistan.
Rahimi giải thích: “Phật giáo đến Afghanistan vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, trong thời kỳ Ashoka. Và đây cũng là thời gian chúng ta có ảnh hưởng phổ biến của thời kỳ Bactrian; vì vậy, bạn có thể thấy sự hợp nhất của hai nền văn hóa dưới dạng những bức tượng rất thanh lịch và đẹp đẽ mà bạn nhìn thấy ở Hadda”.
Những di vật vô giá, một số bị cướp theo đơn đặt hàng, qua tay trên thị trường buôn bán nghệ thuật quốc tế. Các vật khác bị chôn vùi trong những đống đổ nát hoặc bị dùng làm củi đốt. Nhưng kho vàng huyền thoại Bactrian – mà các chuyên gia lo ngại đã bị đánh cắp và nấu chảy – trên thực tế đã được đóng gói, cùng một di vật chính trong bộ sưu tập, và được di chuyển đến một kho ngầm của Ngân hàng Trung ương tại Kabul của Afghanistan năm 1989.
Phải cần cả 5 chiếc chìa khóa mới mở được hầm ngầm này – và mỗi người trong số họ đã liều cả mạng sống của mình chứ không giao chúng cho các chiến binh Taliban. Những người nắm giữ các chìa khóa này cũng giữ bí mật địa điểm của căn hầm đó – nếu một người giữ chìa khóa qua đời, thì họ thống nhất là chìa khóa sẽ được giao lại cho người con trai cả của người này. Bằng cách đó, các di vật vô giá đã được bảo tồn.
Bí ẩn về kho vàng Bactrian ám ảnh tâm trí người dân Afghanistan bắt đầu được làm sáng tỏ sau khi chế độ Taliban sụp đổ vài năm. Năm 2003, Tổng thống Hamid Karzai thông báo một số chiếc hộp của Bảo tàng Quốc gia Afghanistan được tìm thấy trong một căn hầm, cùng với kho chứa vàng của ngân hàng được giấu kín. Cho đến nay danh tính của “những người giữ chìa khóa” vẫn chưa được biết. Christian Manhart, chuyên gia về Afghanistan của UNESCO, tin tưởng chỉ có một người duy nhất giữ chìa khóa kho tàng, mặc dù truyền thuyết nói là nhiều người.
Ông nói: “Afghanistan là đất nước tinh thông nghệ thuật giữ bí mật, và họ thật sự biết cách tạo nên sự bí ẩn. Mỗi khi hỏi đến họ, bạn sẽ nghe một câu chuyện khác nhau”. Thái độ khinh bỉ đối với nghệ thuật Tiền Hồi giáo của phe Taliban đã trở nên quá rõ qua việc họ phá hủy những tượng Phật khổng lồ tại Bamiyan hồi năm 2001. Cũng trong năm đó, họ ra lệnh là tất cả các tác phẩm nghệ thuật Tiền Hồi giáo trên đất nước này phải bị phá hủy và thành lập một nhóm đặc biệt để thực hiện nhiệm vụ này.
Các chuyên gia ước tính Taliban đã phá hủy khoảng 2.500 tác phẩm nghệ thuật. Những hành động man rợ đó đã khiến mọi người dân Afghanistan phải giận dữ và nó thể hiện một sự mất mát không thể thay thế được. Thiệt hại khủng khiếp nhất xảy ra tại mọi địa điểm khảo cổ trên đất nước này. Chẳng có thế hệ mai sau nào của Afghanistan hay lịch sử nhân loại có thể quên được một thời kỳ bạo chúa và tàn phá này.
Tuy nhiên, đối với Colombo, người đã làm việc cho các dự án phục hồi khảo cổ và lịch sử khác nhau ở Afghanistan kể từ năm 2002, sáng kiến này không chỉ dừng lại ở Hadda. Rahimi nói: “Afghanistan nói đầy rẫy những mảnh lịch sử đáng kinh ngạc, nhưng chúng ta có rất nhiều vấn đề với các mối đe dọa an ninh. Đây là một cơ hội cho người Afghanistan trong lĩnh vực này. Tôi hy vọng nó sẽ là khởi đầu của một cái gì đó khác – một hoặc hai thế hệ có thể được đào tạo xung quanh dự án này. Tôi đang nói về những người bảo tồn, nhà khảo cổ học, nhà sử học nghệ thuật và thậm chí là kỹ sư và kiến trúc sư. Có quá nhiều thứ để học hỏi từ điều này”.
Tuy nhiên, mỗi thành viên tham gia vào dự án bảo tồn Hadda vẫn quan tâm sâu sắc đến tình hình chính trị đang phát triển xung quanh họ. Rahimi bình luận: “Chúng tôi có một lịch sử Hồi giáo rất vinh quang mà chúng tôi tự hào, nhưng chúng tôi cũng có một lịch sử tiền Hồi giáo phong phú mà chúng tôi phải bảo tồn. Điều rất quan trọng là giới trẻ ngày nay cần phải tìm hiểu về lịch sử này, sự đa dạng và di sản đất nước”.
Colombo vẫn còn hy vọng. Colombo nói rất nhiều về sự thay đổi trong cách mọi người nhìn nhận lịch sử và khảo cổ học. Rahimi cũng hy vọng sẽ đào tạo thế hệ những người giám hộ văn hóa Afghanistan tiếp theo để bảo vệ và giữ gìn quá khứ của đất nước. Một thế hệ chưa có nhiều cơ hội. “Chúng ta cần cố gắng nhiều hơn nữa để thúc đẩy thế hệ trẻ và cho họ cơ hội theo đuổi công việc trong lĩnh vực này”.