Trong suốt thời gian trị vì (1820-1840), vua Minh Mạng đã cho thi hành nhiều chính sách trọng yếu từ nội chính đến ngoại giao và đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc cải cách đất nước.
Ngoài công việc triều chính, Minh Mạng còn là ông vua tinh thâm nho học, sùng đạo Khổng Mạnh nên vua rất quan tâm đến việc khoa cử, tuyển chọn nhân tài, mở mang nền học vấn nước nhà, ông đã cho dựng Quốc Sử quán để biên soạn sách sử.
Minh Mạng đã từng nói: “Nhà nước đặt phép tắc, định chế độ mong để lâu dài… Trẫm tuân giữ phép cũ mà sửa sang thêm, chủ yếu cũng là theo thời xây dựng, chấn chỉnh mối giềng để cho đời sau noi theo…”. Đối với vua Minh Mạng, mọi người kể cả hoàng tử, hoàng thân xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Ông đã biết vận dụng đạo học của Nho gia vào thực tế cuộc sống. Trước khi dùng đến Pháp trị, ông luôn dùng Lễ trị để khuyên bảo mọi người. Vì thế vào năm 1834, ông đưa ra 10 điều giáo huấn và được phổ biến rộng khắp:
1. Hậu đường luân lý (敦 仁 倫)
Đạo làm người, không gì cốt yếu bằng cho luân lý được trong sáng. Vua tôi có nghĩa, cha con có tình thân, vợ chồng có riêng biệt, anh em có thứ bậc, bạn bè có tin cậy, ấy là 5 điều luân lý quan trọng của người ta. Luân lý có trong sáng rồi sau đạo làm người mới đứng vững được. Ta muốn lũ các ngươi, tôi con, quân, dân, đều biết lấy luân lý làm trọng. Kẻ làm quan thì giữ phép công, đi đường thẳng, hết lòng làm việc, không tiến sức.
Kẻ sĩ thì chăm học, rõ đạo, mài giũa thành tài, để cho nhà nước kén dùng. Những người làm binh, nông, công, thương thì yêu nghề, chăm chỉ, vui cảnh thường, giữ phận mình, đối với trong nhà thì trên thờ cha mẹ, dưới nuôi vợ con, đối với nước thì nộp tô đóng thuế, ưa làm việc nghĩa, sốt sắng việc công. Người đã lệ thuộc vào sổ quân sĩ thì tập võ nghệ, lúc có việc thì hăng hái tiến lên. Kẻ làm lại viên thì chớ cho pháp luật là trò đùa, thay đen đổi trắng, chớ nên đục khoét dân đen, mà phải sớm tối chỉ nghĩ siêng năng, không bỏ việc công.
Còn như con cái thì phải hiếu kính cha mẹ, vợ chồng thì phải thuận hòa, anh em thì yêu thương nhau mà không tranh giành, bè bạn thì cùng tin nhau mà không lừa dối. Sách Trung Kinh có nói rằng: “Người quân tử giữ đạo, là để giữ phúc lâu dài”. Các ngươi tin theo như thế thì luân thường được tỏ sáng, mọi phúc đều họp lại để đón hạnh phúc thăng bình, rực rỡ tốt đẹp lắm thay!
2. Giữ lòng ngay thẳng (正 心 術)
Tâm là gốc của con người. Tâm mà ngay thẳng, thì muôn điều lành do đấy sinh ra; tâm mà bất chính, thì trăm điều ác đều theo đó mà gây nên. Vậy há chẳng nên cẩn thận hay sao? Do trời bẩm sinh, người ta sẵn có tính thường. Cho nên nhân, nghĩa, lễ, trí, bốn điều ấy, ai mới sinh ra cũng đều vốn có. Ta muốn trăm họ các ngươi đều giữ lấy lòng thiện, gây nuôi tính tốt, tuy mỗi người làm một nghề khác nhau, nhưng lòng hướng theo điều thiện thì ai cũng có. Người giàu chớ kiêu rông xa xỉ, kẻ nghèo chớ gian ngoan giả dối; chớ bị cám giỗ vì lợi, chớ tập sa vào thói xấu.
- Xem thêm: Vua Minh Mạng xử tội tham của bố vợ
Nếu nói một lời bất chính, làm một việc bất thiện thì trong lòng lấy làm hổ thẹn, tự mình ăn năn đổi lỗi. Vui làm việc thiện, ưa làm điều nghĩa, để giữ gìn đời sống; bỏ tính xấu xa, tránh sự gian tà để đi vào đường chính. Nếu chẳng nghĩ xét mình, thì nết làm bừa những sự gian tà dâm uế, bấy giờ mắc vào luật pháp, ăn năn thì sự đã rồi, sao còn kịp nữa! Kinh thư có câu: “Theo phải thì tốt, theo trái thì xấu, như bóng theo hình, vang theo tiếng”. Ta nuôi dạy muôn dân, chỉ vui thấy các ngươi thành đạt, không thấy các ngươi mắc vào tội lỗi. Các ngươi nên cẩn thận nghĩ đấy.
3. Chăm nghề nghiệp (務 本 業)
Trời sinh ra người, thế nào cũng phó cho mỗi người một nghề. Cho nên người ta ai cũng phải chọn lấy một nghề để làm cái cơ sở lập thân. Sĩ, nông, công, thương và những người làm vườn, đánh cá, chăn nuôi, cho đến quân lính, võ biền đều phải có nghề nghiệp để nhờ đó mà sinh sống. Làm được thành nghề là vì chăm chỉ; dở dang, là vì lười biếng.
Chuyên cần vào một nghề, làm cho thật khéo, chớ nên trễ nải, ngày chứa tháng dồn, cuối cùng sẽ thấy thành hiệu. Người làm học trò thì phải trau dồi, tu tỉnh, học rộng, nghe nhiều, để kịp thời làm nên; dù có lợi nhỏ trước mắt cũng chẳng nên vội vã đổi nghề. Kẻ làm ruộng thì nên sửa chữa cày bừa, chăm chỉ cấy gặt, để ngày đêm đầy đủ yên vui; dù có được mùa hay mất mùa không đều, cũng không nên nhân đó mà bỏ nghề nghiệp.
Các thợ thuyền thì trổ khéo trong 8 thứ vật liệu(1); người buôn bán thì làm cho tài hóa lưu thông; quân lính thì luyện tập võ nghệ. Phàm những người có chức nghiệp thông thường để sinh sống, ai cũng phải rèn tập mà yên nghiệp làm ăn. Đó là cái nghĩa chăm nghề nghiệp. Kinh thư có nói: “Nghề nghiệp ngày thêm rộng mở, là bởi sự chuyên cần”. Các ngươi nên cố gắng lên!
4. Chuộng tiết kiệm (尚 節 儉)
Đường lối làm ra của cải là ở chỗ làm nhiều, ăn ít, làm nhanh, dùng thưa thì tiền của thường đủ. Cho nên các thánh hiền mỗi khi bàn đến sự tiêu tiền thì cốt lấy tiết kiệm làm đầu. Nay nhân lúc bốn biển yên lặng, nhân dân phần nhiều hay chuộng xa hoa, quần áo đồ dùng xa xỉ, hoa lệ quá chừng, đi lại thù tạc phần nhiều phung phí. Lại nữa, một khi có hội thờ thần, cúng phật, đàn chay, lễ tế, tốn đến hàng trăm hàng nghìn! Hơn nữa những bọn u mê nghiện ngập thuốc phiện, say đắm cờ bạc, rượu chè, rốt cuộc hết của, mất nghiệp, rồi làm điều trái phép, phạm tội, thật rất đáng thương!
Các ngươi là học trò, thứ dân và quân lính đều nên kính theo lời dạy của ta, lấy cần kiệm làm cái thuật tốt để giữ mình và trị nhà: đồ mặc không nên quá xa xỉ; ăn uống phải có tiết độ, nhà cửa, đồ dùng cốt lấy chất phác; quán, hôn, táng, tế quý ở hợp nghi. Còn những hạng ngu dại và phóng đãng, trót đã hút sách rượi chè, cờ bạc thì nên chừa bỏ ngay, giữ đức tiết kiệm, để gây dựng cơ đồ dài lâu. Các ngươi nếu có thể như thế, thì sẽ gây được cái thói kiệm ước và làm thành được hiệu quả giàu có, há chẳng tốt lắm sao?
5. Gây phong tục cho trung hậu (厚 風 俗)
Phong tục có quan hệ với người ta không phải là nhỏ. Thói tốt tục hay thì có thể bỏ được hình luật và thôi được việc binh, trong bốn biển sẽ có âm thanh thái bình. Ta mong các ngươi, sĩ, thứ, quân nhân, cùng trông nhau làm điều thiện, dắt nhau đi đường chính đạo. Phải có ân tình đối với họ hàng, hòa thuận đối với làng xóm, lễ nhượng hòa vui đối với kẻ trên người dưới; chớ cậy giàu khinh nghèo; sang lấn hèn, khôn lừa ngu, khỏe đè yếu, ngày thường thì yêu nhau, giữ cho nhau; lúc có việc thì giúp đỡ nhau, cưu mang nhau.
Chớ để bụng hiềm thù, gây mối tranh chấp; chớ hay kiện tụng để hại việc làm ăn; nên liên lạc nhau mà trông coi canh giữ để trừ trộm cướp; đừng chứa chấp kẻ gian để khỏi liên lụy. Có tính liêm sỉ, trung tín, không thói lừa dối hiểm ác. Người làm học trò phải có lòng trung hậu, giữ tính êm ái. Người làm ruộng vườn, chớ lấn đất để ích mình, chớ ngăn bờ để hại người. Người làm thợ, người buôn bán thì chớ hám lợi mà tranh nhau, chớ hồ hàng để bán được nhiều lãi. Kinh Thư có nói: “Phàm các thứ dân chớ bạn với kẻ tà giâm, chớ có đức xấu”. Các ngươi nên hiểu rõ ý ấy để bỏ hết thói kiêu bạc, đi đến tục tốt, để đón lấy phúc hòa bình, bước lên con đường đại thuận. Lũ ngươi nên cố gắng lên.
6. Dạy con em (訓 子 弟)
Người ta ai cũng làm con, em, rồi sau làm cha, anh, làm thầy, làm người trên. Bây giờ chẳng biết đạo làm con em, thì sau này không biết đạo làm cha, anh, sư trưởng. Cho nên cổ nhân dạy người, tất bắt đầu từ khi làm con em trước, đấy là có ý làm cha, anh, sư trưởng sau này. Bởi thế, người xưa yêu con, dạy cho điều nghĩa phương, không đưa vào đường gian tà. Nay ta muốn lũ người là cha, anh, sư trưởng ai nấy nên chăm con em, cốt sao cho họ giữ được lương tâm, không bỏ nghiệp nhà, chớ để chơi bời, lười biếng, không chịu cần cù; chớ để rượu chè, cờ bạc, chớ để giao du kết bạn với kẻ xấu xa, chớ để quen thói ham chuộng, xa xỉ.
Tính nết phải biết trọng hiếu đễ, chăm chỉ làm ruộng. Trong lòng phải giữ lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Lâu dần tâm địa thuần phục, ngày một tiến lên cõi thiện: bậc cao thì có thể thành tài, nên đức, làm rạng vẻ cửa nhà; hạng thấp cũng đủ làm dân lương thiện, giữ được nghiệp nhà. Cái công dạy bảo hàng ngày há chẳng to lớn và sâu xa lắm sao? Con nhỏ, cháu bé, thánh nhân thế nào cũng dạy. Về bổn phận của con em, người quân tử đã phải nghiêm cẩn dạy bảo ở thiên thiếu nghi rồi. Sách Mạnh Tử có nói: “Ở rỗi mà không dạy thì sẽ gần giống như chim muông”. Các người đừng có sao nhãng!
7. Tôn sùng đạo học chân chính (崇 正 學)
Học là cốt học cái đạo làm người. Cho nên người trong thiên hạ không một người nào không học, mà cũng không một ngày nào không phải học, nhưng học cần phải học chân chính. Ta muốn triệu dân các ngươi chăm chỉ chính học, biết rõ luân lý. Đạo Nghiêu Thuấn chỉ có hiếu đễ mà thôi, đạo Khổng Mạnh thì lấy nhân nghĩa làm đầu. Đó là những điều nên học.
Còn như tả đạo nhị đoan, chớ để nó lừa dối, cám dỗ. Đạo Gia tô lại càng vô lý: trai gái chung đụng nôm tạp, việc làm giống như cầm thú. Gây vây cánh, cổ động gian tà, tự sa vào tội chết. Đó là làm cho bại hoại luân lý, hư hỏng giáo hóa, không thể tin được. Nếu có người nào bị dỗ dành thì nên mau chóng bỏ đi. Phàm những việc quán, hôn, táng, tễ đều theo lễ tục nước nhà. Nếu không đi lầm lỗi khác thì tự biết đi theo đường chính. Những người đã làm học trò, học tập Thi, Thư, tự biết nghĩa lý.
Còn như binh, nông, công há đều phải là học hành biết chữ, nhưng thấy người ta nói điều hay, làm việc phải thì thích mà theo, mà bắt chước, sẵn lòng di luân, ưa điều đức tốt, ở nhà đủ thờ cha anh, ra ngoài đủ thờ người trên. Cái đạo học thánh hiền cũng chẳng ngoài thế. Mạnh tử có nói: “Dẹp thuyết bất chính, bỏ nết không tốt, gạt lời dâm tà”. Ta ân cần thiết tha chỉ bảo, là có ý muốn gia ân cho nhân dân. Các ngươi kính cẩn nghe đấy!
8. Răn chừa tà dâm (戒 淫 慝)
Người ta sống ở trong trời đất, quý ở giữ tính chính đính, không buông mình vào vòng dâm đãng; phải đi theo đường thiện, chớ lạc vào con đường gian ác. Giữa trai và gái đường tình rất dễ mắc! Ví chẳng lấy lễ nghĩa giữ mình thì đầu mối rất nhỏ, mà tai vạ rất lớn, do đấy nảy ra hiềm thù, gây nên kiện tụng! Há chẳng nên biết răn giữ ngăn ngừa sao? Từ trước đến nay, nơi nào có người tiết phụ, trinh nữ, ta vẫn đặc cách khen thưởng: hoặc lập đền thờ hoặc ban biển ngạch, để khuyến khích những kẻ trinh tiết. Ta muốn trăm họ các ngươi, người làm cha mẹ, huynh trưởng, đều nên biết dạy bảo các con em: trai thì theo lễ phép mà sửa nết, gái thì lấy trinh tiết để giữ mình.
Cái tình trai gái được chính đáng thì trăm phúc đều họp lại. Còn lũ cường hào cậy thế để lấn át, bọn gian giảo khua múa bằng mánh lới khôn ngoan, làm hại bình dân quá lắm! Lại còn lũ du côn vô lại quen thói làm dữ: trước thì cạy hòm, đào tường, sau thì sinh sự gây biến, lẽ trời không dung, phép nước không tha được. Kinh Thi có câu: “Đạo trời giáng phúc cho người thiện, giáng vạ cho kẻ dâm” vậy người nào có phạm vào những điều ấy thì mau mau tự biết sợ hãi ăn năn, đổi ác theo lành, để được ở trong vòng nuôi dưỡng yên ổn. Điều đó là trăm họ các ngươi suy nghĩ lấy!
9. Cẩn thận giữ phép nước (慎 法 守)
Triều đình đối với dân chỉ muốn dân giữ phép, chứ không muốn dân phạm pháp. Dân ta biết giữ phép thì sau ít lỗi mà không vướng vào tội vạ, mà toàn vẹn được đời sống. Như thế là đặt ra pháp luật là vì dân. Lũ ngươi há chẳng nên nghĩ cách để cẩn thận giữ gìn pháp luật hay sao? Ta khuyên bảo trăm họ các ngươi: người làm cha anh trong nhà đều nên dạy con em, người làm đàn anh trong làng đều nên răn bảo dân chúng, thường đem pháp luật dẫn bảo lẫn nhau, chớ khinh nhờn pháp luật mà cố ý làm càn, chớ khinh bỏ phép mà phạm pháp.
Chẳng hạn như biết luật bất hiếu và bất đạo thì không dám làm điều can phạm luân thường, đạo nghĩa; biết luật đánh nhau, cướp đoạt thì không dám buông rông các khí hung dữ, lấn át; biết luật gian dâm, trộm cắp thì có thể ngăn cản được cái thói tà giâm, gian tham; biết luật việt khống(2), vu cáo thì tất có thể bỏ được cái thói khỏe kiện; biết lệ thuế khóa đã có số ngạch nhất định thì chớ có tư túi chấm mút để thiếu thuế chính cung; biết luật chứa chấp kẻ phạm tội, tất phải liên lụy, thì có có tư thông với nhau, mà oa tàng phạm nhân trốn tránh. Phàm những việc phép công đã cấm thì nên cẩn thận xa lánh, tự có thể bỏ được cái tính càn rỡ, tiến lên làm dân lương thiện. Kinh Thư có nói: “Giữ lấy phép tắc để hưởng phúc trời”. Thế thì dưới có phúc là răm rắp như gió thổi lướt theo, trên gây được cuộc thịnh trị là bỏ hình phạt, không dùng đến. Như vậy há chẳng tốt đẹp lắm sao?
10. Rộng làm việc lành (廣 善 行)
Nhà tích thiện hẳn có phúc thừa, thiện là gồm các phúc tập họp ở đó. Cái gọi là thiện ấy, chẳng qua là hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, trí mà thôi, chứ có gì khác đâu. Nay ta dạy bảo dân chúng, chớ cho rằng những điều nói trên là đủ hết. Song những điều luân lý thường dùng hàng ngày, chủ chốt cũng chẳng ngoài thế. Lũ sĩ, thứ, quân nhân các ngươi đều nên kính nghe lời ta, cố tiến đến chỗ thiện, làm rộng âm đức, thì tự nhiên tai nạn qua khỏi, phúc lộc được nhiều.
Nếu chậm báo ứng mà mình chưa được vinh hiển, thì con cháu cũng sẽ được nhờ phúc ấm, thịnh vượng rạng rỡ, mãi mãi vô cùng. Kinh Thư có nói: “Nhà làm thiện được trời giáng cho trăm điều lành”. Các ngươi đều nên thể theo ý ta, chăm làm thiện, không trễ nải, sửa tính cho ngay thẳng để giữ lấy thái hòa, cùng bước lên cõi nhân thọ. Rực rỡ thay, đẹp đẽ làm sao!
Trong lịch sử quân chủ Việt Nam, có thể khẳng định Minh Mạng là một trong số các vua chúa rất quan tâm tới việc tạo lập đối với toàn xã hội một thói quen sống và làm việc đúng với đạo đức và pháp luật. Ông đã từng ban dụ rằng: “Từ xưa, vua hiền, chúa sáng lấy chính đạo trị thiên hạ, tất lấy sự dạy dân, gây phong tục làm việc đầu tiên”. Điều này để khẳng định rằng vua Minh Mạng là một vị vua sáng suốt, sâu sắc, khuôn phép và hết sức nghiêm cẩn.
___________