Vợ tôi không gọi, cũng chẳng nhắn nhe. Không lẽ nàng chẳng còn muốn thấy tôi nữa? Không lẽ những lời dọa dẫm của tôi chẳng còn khiến nàng lo lắng và sợ hãi? Và nếu điều đó là sự thật thì chẳng lẽ trong mắt nàng tôi chẳng còn có ý nghĩa gì?
Tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe mẹ gọi giữa đêm hôm khuya khoắc như vậy. Linh tính báo cho tôi biết có việc gì đó rất hệ trọng. Tôi liên tưởng đến ba tôi. Sức khỏe của ông dạo này không tốt, chẳng lẽ có việc gì?
Nhưng không. Câu chuyện của mẹ tôi hoàn toàn khác những gì tôi lo lắng. Đúng hơn nó nằm ngoài mọi suy đoán của tôi. Mẹ tôi nói về Minh Châu, bà xã tôi. “Con Thanh cho mẹ coi hình vợ mày đăng trên mạng. Sao nó có thể ăn mặc lố lăng như thế mà khoe cho cả thiên hạ thấy? Chỉ có phường đĩ điếm mới khoe thân như vậy”.
Giọng mẹ tôi đầy giận dữ. Tôi còn chưa biết trả lời sao thì mẹ đã nói tiếp: “Ngày mai hai đứa về ngay cho mẹ bảo”. Tôi bối rối: “Làm sao về được hả mẹ? Con đang ở Côn Đảo, đâu phải nói về là về? Muốn gì thì cũng phải đợi vài hôm, con sắp xếp công việc…”. Mẹ tôi dằn giọng: “Làm gì thì làm, phải kêu con vợ mày về đây cho mẹ dạy dỗ”.
Tôi buông điện thoại, thẫn thờ nhìn vào khoảng không trước mặt. Tôi trách em gái tôi sao lại cho mẹ xem những hình ảnh ấy. Có lẽ Thanh vốn không ưa chị dâu nên có dịp là bới móc.
Dạo gần đây, đúng hơn là sau khi đi Nhật về, những tấm ảnh mát mẻ của Minh Châu xuất hiện trên facebook với tần suất dày đặc. Cũng có khi tôi không thấy vì nàng chận tôi ở một vài bài đăng nhưng cuối cùng tôi cũng biết vì mấy thằng bạn xem được và gửi cho tôi.
Thoạt đầu tôi cũng thấy khó chịu nhưng dần rồi cũng quen với suy nghĩ: “Vợ mình đẹp, cô ấy có khoe một chút cũng không sao”. Là tôi tự trấn an mình thôi chứ trong suy nghĩ vẫn có điều gì đó lấn cấn.
Trong những năm quen nhau và khi đã là vợ chồng, Minh Châu trong mắt tôi là một cô gái hơi quê mùa một chút và chân chất thật thà. Trước tôi, Minh Châu chưa từng yêu ai. Khoảng thời gian yêu nhau, đôi lần chúng tôi giận hờn, nhưng rồi cuối cùng vẫn không thể thiếu nhau.
Đám cưới hơn một năm thì vợ tôi sinh con đầu lòng. Đang có công việc ổn định ở một hãng xe nhưng vợ tôi nhất quyết nghỉ việc ở nhà chăm con. Nàng nói: “Công việc thì lúc nào cũng có thể kiếm được nhưng những năm tháng đầu đời của con mà không được chăm sóc cẩn thận thì nó không thể phát triển tốt”. Tôi đồng ý với vợ dù biết mình sẽ rất vất vả khi phải một mình gánh vác gia đình.
Tôi có nghề xây dựng nên rủ rê bạn bè lập công ty. Những ngày đầu công trình nhiều, tôi đi liên tục, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Vợ tôi vừa chăm con, vừa bán hàng online nên cũng đỡ đần cho tôi được phần nào.
Mọi việc êm xuôi chừng một năm thì tôi bắt đầu gặp rắc rối. Do nhận nhiều công trình cùng lúc, tôi không thể quán xuyến hết nên giao cho nhân viên. Hậu quả là một số công trình không đảm bảo chất lượng và tiến độ nên khách hàng gây khó, không thanh toán. Cũng có công trình hoàn thành nhưng chủ đầu tư lại cù nhầy không quyết toán. Tôi phải vay đầu nọ đắp đầu kia để trả tiền vật tư, công thợ… Công việc làm ăn nhìn bề ngoài thì hoành tráng nhưng bên trong tôi ngày càng lún sâu vào nợ nần.
Cuối cùng tôi phải nói thật với Minh Châu.
Vợ tôi giận dỗi, khóc lóc mấy ngày đêm, sau đó ẳm con bỏ về ngoại. Tôi gọi nàng không nghe máy, nhắn tin không trả lời, cùng đường tôi liều gọi cho cha vợ: “Nếu ngày mai Minh Châu không lên thì ngày mốt cô ấy chỉ có thể về để làm đám tang cho con”.
Câu dọa dẫm của tôi đã có tác dụng. Nửa đêm hôm ấy Minh Châu về tới. Nàng ôm tôi khóc vùi và nói nếu có chết thì cả nhà cùng chết. Nhưng từ giờ nàng không cho tôi nghĩ dại dột như vậy. Mọi chuyện đều có thể giải quyết.
- Xem thêm: Những món quà của hạnh phúc
Chúng tôi bán căn nhà mua bằng giấy tay chỉ đủ trả một nửa số nợ. Tất cả những gì có giá trị như vòng vàng cha mẹ hai bên cho trong ngày cưới, chiếc xe máy của tôi, thậm chí cả tivi, tủ lạnh cũng phải bán hết để thanh toán nợ nần.
Cuối cùng khoản nợ còn lại gần 500 triệu đồng. May mắn là người ta khoanh nợ và cho trả dần trong 2 năm. Vợ tôi gầy tọp đi vì không ăn, không ngủ được. Tôi thấy ân hận vô cùng, tự hứa từ đây về sau sẽ không làm gì liều lĩnh để liên lụy vợ con.
Mọi chuyện tạm yên thì một hôm vợ tôi bảo: “Anh hai Phương vừa nói cho em biết công ty ảnh có đơn hàng đi Nhật lương khá lắm mà việc lại nhẹ. Em muốn đăng ký đi để kiếm tiền trả nợ”.
Anh hai Phương là con của cậu ruột Minh Châu. Anh đang làm việc tại một công ty xuất khẩu lao động uy tín tại Sài Gòn. Nghe vậy thì tôi cũng có phần yên tâm, chỉ ngại con chúng tôi còn quá nhỏ, sao có thể xa mẹ? Nhưng Minh Châu gạt đi: “Nó 3 tuổi rồi chứ nhỏ nhít gì? Gửi nó về cho ông bà nội là yên tâm”.
Đúng là chúng tôi không phải lo lắng gì nếu gửi con về cho ba mẹ tôi chăm sóc. Vậy là chúng tôi quyết định để Minh Châu đi Nhật 3 năm.
Công việc trong nhà máy của Minh Châu là gọt khoai tây nhưng vợ tôi căn dặn: “Ai có hỏi thì anh nói là em đi trải nghiệm, vừa học, vừa làm chứ không được nói em gọt khoai tây nghe chưa”. Tôi nghe cũng phải vì mang tiếng là sang Nhật làm việc mà giờ nói là đi gọt khoai thì mất giá quá.
Vì đi “trải nghiệm” nên vợ tôi thường xuyên xuất hiện lung linh trên facebook. Bạn bè xúm lại hỏi han. Tôi trả lời đúng theo lời vợ dặn nên ai cũng trầm trồ, khen vợ tôi giỏi.
Ba năm đằng đẵng rồi cũng qua. Vợ tôi trở về. Trong mắt tôi lúc ấy, vợ tôi là bà tiên, là ông bụt, là thiên thần, là tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời này. Nàng đã giúp tôi trả hết nợ và chỉ nhắc nhẹ một câu: “Từ giờ làm gì cũng phải cẩn thận, đừng để em phải hi sinh như vậy”.
Tôi hiểu điều đó là hàm ý nói tới thời gian xa cách vắng hơi vợ chồng, là sự thiếu hụt tình cảm mẹ con, là những tháng ngày gò lưng gọt khoai trong nhà máy… Vì vậy tôi càng yêu quý, nể trọng vợ hơn.
Sau một thời gian xa cách, hai chúng tôi bỗng như vợ chồng mới cưới. Điều khiến tôi ngạc nhiên là đến tận bây giờ tôi mới nhận ra vợ tôi là người phụ nữ tuyệt vời trong chuyện vợ chồng. Có lẽ do xa cách lâu, tình cảm bị dồn nén nên vợ tôi luôn chủ động đòi hỏi. Đôi lúc nàng khiến tôi mệt nhoài nhưng rất vui vì đã làm cho nàng hạnh phúc. Tôi vui đến nỗi không nhận ra vợ mình đã là một người khác.
Vợ tôi bây giờ thích ăn món Nhật, đi nhà hàng Nhật, nói chuyện Nhật. Câu đầu môi của nàng là: “Hồi em ở bên Nhật…”. Nàng không đi được xe máy vì “ở Nhật quen rồi nên giờ chạy xe máy ra đường thấy sợ”. Nàng than thở không khí ô nhiễm đến phát bệnh và cho rằng “ở bên Nhật đâu có dơ dáy bẩn thỉu như bên này”… Có lần bực quá tôi nói thẳng: “Em cứ làm như cả đời mình ở bên Nhật vậy. Tỉnh lại đi. Đây là nơi em sinh ra, lớn lên. Đây là Việt Nam và em chỉ ở Nhật có 3 năm thôi”. Vợ tôi bĩu môi: “Còn hơn có người đến giờ này chẳng biết Nhật Bản là gì”.
Cứ vậy, càng ngày tôi càng thấy vợ mình kỳ lạ. Đến nỗi tôi không thể nào chịu nổi và quyết định trở lại với công việc của mình. Vợ tôi biết chuyện thì nhún vai: “Làm gì thì làm, đừng để vợ phải bán thân trả nợ cho anh lần nữa nghen”. Tôi sững sờ nhìn vợ: “Em nói cái gì?”. “Anh đâu có điếc mà không nghe em nói gì?”- vợ tôi dằn giọng.
Đến nước này thì tôi hết chịu nổi rồi.
Tôi ở lỳ ngoài đảo 2 tháng. Vợ tôi cũng không thèm gọi điện hỏi han. Có lần tôi bệnh sốt rét, mấy đứa bạn gọi điện báo tin thì nhận được câu trả lời lạnh lùng: “Ảnh đâu có cần tôi? Mấy anh tự lo cho nhau đi”.
Tôi ước thời gian quay lại nhiều năm trước, quay lại thuở chúng tôi yêu nhau để mọi thứ giữa chúng tôi thật ấm áp, ngọt ngào…
Nhưng việc ấy là không thể. Quá khứ như dòng sông chảy xuôi từ nguồn ra biển. Tôi không thể nào bắt con sông phải quay ngược dòng.
***
Mẹ tôi lại gọi điện giục chúng tôi về. Bí quá tôi đành gọi cho Minh Châu: “Mẹ nhớ cu Bi…”. Tôi mới nói vậy thì Minh Châu đã gạt đi: “Về để nghe chửi à? Con Thanh đã kể hết với em”. Tôi cố nài nỉ: “Ai mà dám chửi em? Mẹ nhớ cháu nội thôi. Lâu lắm rồi em đâu có về ngoài quê?”.
Vợ tôi không làm căng nữa: “Nói vậy chứ em không về được vì đã hẹn với cha về thăm mẹ. Nghe nói mấy bữa nay bệnh mẹ lại trở nặng…”.
Mẹ vợ tôi bị tai biến nằm một chỗ mấy năm nay. Nghe Minh Châu nói vậy, đột nhiên tôi cũng muốn về thăm bà. Tôi không nói gì với vợ mà lẳng lặng đặt vé và hôm sau thì bay từ Côn Đảo về Sài Gòn.
Hôm đó là thứ bảy. Tôi về đến nhà mới hơn 11 giờ trưa. Tôi gọi cửa nhưng không có ai ra mở. Tôi gọi điện, vợ tôi không bắt máy. Tôi gọi cho bà chủ nhà thì được bà cho hay vợ tôi đã trả nhà cách đây cả tháng.
Không biết chuyện gì xảy ra nhưng tôi tức tốc bắt xe đò về nhà cha mẹ vợ. Vừa thấy tôi, cha vợ tôi đã hỏi: “Con Châu với cu Bi đâu?”. Tôi ngớ người: “Con tưởng vợ con về trước rồi”. Cha vợ tôi khẽ chau mày: “Kỳ vậy. Để cha gọi cho nó coi sao”.
Tôi nói cha mở loa ngoài và đừng nói tôi đang ở đây.
Hai cha con họ nói rất nhiều chuyện với nhau nhưng tôi chỉ nhớ mỗi một đoạn: “Con lu bu lắm, không về được đâu. Chắc mẹ nhớ con nên giả bộ kêu mệt thôi. Con biết tánh mẹ quá mà. Thôi nghen cha, chừng nào rảnh con về chớ con không hứa”.
- Xem thêm: Liều thuốc độc mang tên ‘im lặng’
Ủa, vầy là sao? Tại sao vợ tôi nói dối là về thăm cha mẹ? Tại sao vợ tôi đột nhiên biến mất, đem theo cả con tôi mà không nói gì cho tôi biết? Nàng muốn gì?
Sau một đêm mất ngủ, tôi về Sài Gòn thật sớm và nhắn cho vợ: “Gọi lại cho anh nếu em còn muốn thấy anh”.
Nhưng lần này vợ tôi không thèm gọi, cũng chẳng nhắn nhe. Không lẽ nàng chẳng còn muốn thấy tôi nữa? Không lẽ những lời dọa dẫm của tôi chẳng còn khiến nàng lo lắng và sợ hãi? Và nếu điều đó là sự thật thì chẳng lẽ trong mắt nàng tôi chẳng còn có ý nghĩa gì?
Dù có thế nào đi nữa thì cũng phải đối mặt nhau chứ can cớ gì phải lẩn tránh như vậy?
Tôi đã lê hết quán cà phê này đến quán cà phê khác suốt ngày chủ nhật và tự hỏi tôi có nên lục tung cả Sài Gòn, tìm cho bằng được Minh Châu để làm sáng tỏ mọi chuyện hay trở về đảo làm tiếp công việc đang dồn đống đợi mình?