Cùng với sự phục hưng của nhiều loại hình văn nghệ dân gian, hát xẩm – một loại hình hát rong cũng được hồi sinh trở lại sau thời gian dài mai một. Tại khu phố cổ Hà Nội (Hàng Đào, Đồng Xuân, Bờ Hồ…), người ta còn giành không gian riêng cho hát xẩm, thu hút nhiều khán thính giả, trong đó có cả du khách nước ngoài.
Hát xẩm là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, xẩm nhằm chỉ “người mù làm nghề hát rong”. Như vậy, hát xẩm là một loại hình hát rong của người mù. Cách định danh này chưa thật chính xác. Vì, trên thực tế, có nhiều nghệ nhân hát xẩm không hề bị mù, nổi tiếng như nghệ nhân ưu tú Hà Thị Cầu chẳng hạn. Có điều, hình ảnh người mù sử dụng tiếng hát mưu sinh nơi phố chợ vốn đã trở nên quen thuộc, nên hát xẩm tự nhiên gắn với thân phận người mù. Ở Nam bộ, thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp người hát rong trên những nẻo đường xuôi ngược. Họ có thể ca Vọng cổ hay hát nhạc Bolero… Nói chung, việc chọn lựa loại hình âm nhạc nào để mưu sinh phụ thuộc vào sở trường, sở đắc của người hát, không bó hẹp nội dung, thể loại, phong cách âm nhạc. Riêng ở miền Bắc nước ta, hát xẩm đích thực nhằm chỉ một loại hình âm nhạc có tính chất, đặc điểm riêng, từ đó có khả năng tác động đến loại hình nghệ thuật khác, như chèo thường xuyên sử dụng làn điệu hát xẩm nhằm khắc họa nhân vật thầy bói, gã ăn mày, người hát rong mù, kẻ khất thực…
Hát xẩm có thể nói là một loại hình âm nhạc “bán chuyển nghiệp” tồn tại trong môi trường văn hóa dân gian. Khác với nhiều loại hình âm nhạc dân gian không chuyên, như hát ru, hát đồng dao, lý, hò, vè…, hát xẩm gắn liền với nhóm xã hội đặc biệt sử dụng tiếng đàn, tiếng hát như một công cụ mưu sinh, đồng thời qua đó bày tỏ, thể hiện tài năng của mình. Quan sát người mù hát xẩm, từ điệu bộ cho đến cách hát có thể thấy rõ tính chất trình diễn. Nghệ nhân xẩm không chỉ khoe giọng hát, trổ tiếng đàn, mà còn ngẩng cao đầu làm điệu bộ, thu hút khán thính giả bằng những câu nói duyên dáng, hóm hỉnh…
Truyền thuyết về hát xẩm
Hát xẩm ra đời từ khi nào? Hiện chưa thể biết được. Vì, âm nhạc dân gian nói chung không ghi tác giả, không rõ niên đại. Chúng tồn tại trong môi trường văn hóa dân gian, không sử dụng hình thức văn tự để ghi chép. Bởi vậy, việc xác định thời điểm ra đời của hát xẩm nhiều khi phải dựa vào truyền thuyết. Theo đó, xưa kia “Vua Trần Thánh Tông sinh được hai hoàng tử đặt tên là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Toán là anh, tính tình hung bạo, học hành biếng nhác, chỉ ham chơi lêu lổng. Đĩnh tính nết hiền lành, cần kiệm chăm chỉ, được vua cha yêu mến. Toán thấy vậy sinh lòng đố kỵ, ganh ghét với em. Một hôm, hai anh em vào rừng săn bắn, Đĩnh may mắn nhặt được viên ngọc. Toán nổi lòng tham, lấy dao chọc mù mắt em, đánh em chết ngất rồi đoạt ngọc đem về. Hắn tâu với vua cha là Đĩnh đã bị hổ lang ăn thịt và dâng cha viên ngọc quý.
Ở trong rừng, Đĩnh được những người kiếm củi cưu mang cứu chữa. Thời gian sau, chàng khỏe lại, nhưng hai mắt không còn. Thấy rõ tâm địa anh, Đĩnh chán ngán, không muốn trở về cung. Rồi chàng kiếm khúc song mây, chế ra cây đàn và tự soạn những khúc hát làm vui mọi người xung quanh. Những câu hát, điệu nhạc ấy được xóm làng ưa thích, nhanh chóng lan truyền khắp nơi…
Ở kinh thành, vua vi hành được nghe, lấy làm vừa lòng mới sai quân đòi người hát vào cung kể lại ngọn ngành. Sau khi nghe, vua cho tìm người đặt ra những khúc hát ấy về chầu để ban thưởng. Đĩnh về triều tâu vua cha đầu đuôi câu chuyện. Vua nổi giận, sai quân chém Toán, nhưng Đĩnh nhân từ, xin cha tha cho anh. Vua ưng thuận, giáng Toán xuống làm thứ dân, đuổi khỏi kinh thành. Song, Toán vẫn không tu sửa tính nết, sinh trộm cắp, đi đâu cũng bị người phỉ nhổ.
Còn Đĩnh nhờ mài ngọc quý pha nước suối rửa mà hai mắt sáng trở lại như xưa. Những người mù lòa trong nước bảo nhau học tập các câu ca ngón đàn ấy, lấy làm nghề sinh sống và truyền cho người sau đời đời ghi ơn Thánh tổ”.
Sự tích trên cũng liên quan đến sự ra đời của cây đàn bầu. Truyền thuyết này giải thích tại sao hát xẩm gắn liền với người mù và cây đàn xẩm hay đàn bầu. Trên thực tế, hát xẩm và đàn bầu không phải công cụ thực hành âm nhạc của riêng người mù. Người mù có thể vì thân phận của mình mới lấy tiếng đàn, tiếng hát làm công cụ mưu sinh, từ đó loại hình âm nhạc này mang danh hát xẩm, kể cả cây đàn bầu cũng từng lấy tên đàn xẩm. Đứng ở góc độ âm nhạc, hát xẩm không hề xác định đặc trưng dựa vào đối tượng thể hiện (người bình thường hay người khiếm thị). Bởi vậy, tìm hiểu hát xẩm cần xem xét đặc trưng âm nhạc của nó, thay vì tập trung vào nhóm đối tượng lấy hát xẩm làm công cụ mưu sinh.
Làn điệu hát xẩm
Xẩm là loại hình âm nhạc hát với nhạc cụ đệm. Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ tổng kết, hát xẩm miền Bắc thường vận dụng tám làn điệu, gồm: Xẩm chợ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bực, Phồn huê, Hò bốn mùa, Hát ai và Thập ân. Một bài xẩm có cấu trúc: dạo (đàn hoặc trống) – hát – xuyên tâm (đoạn nhạc thòng vào giữa câu hoặc vế thơ) – hát – lưu không (đoạn nhạc kết). Mỗi làn điệu xẩm có thể gồm nhiều “trổ”, hiểu là đoạn nhạc, tùy thuộc vào khuôn khổ lời thơ. Hát xẩm liên quan mật thiết tới lời ca. Lời ca chủ yếu gồm những câu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể.
Ví dụ: Phồn huê
“Mặt nước cánh bèo
Lênh đênh mặt nước cánh bèo
Đã từng lưu lạc lại nhiều gian truân
Vắt tay lên nằm ngẫm cơ trần
Đời người mấy lúc gian truân vất vả mà già
Ai ơi liệu bảy lo ba…”
Sau khi hết khổ đầu đến đoạn nhạc lưu không (gian tấu), rồi khổ tiếp theo bắt đầu bằng một câu nhắc lại câu cuối của khổ trên.
Ví dụ:
“Liệu bảy lo ba
Chứ ai ơi liệu bảy lo ba
Đạo bên chồng cũng nặng, nghĩa bên cha cũng dày
Bởi thế cho nên, một mình tôi lo hết đêm ngày
Dầu hao trắng đĩa, nước mắt đầy suốt cả năm canh
Ngồi một mình lại nghĩ một mình…”
Lời ca hát xẩm giống như hình thức kể chuyện. Trổ dưới nối tiếp trổ trên, câu cuối trổ trên mở ra câu đầu trổ dưới. Cấu trúc này lặp đi lặp lại góp phần kéo dài khuôn khổ bài hát. Bởi vậy, xuất phát từ một cấu trúc đơn giản, nhưng thông qua thủ pháp điệp cú, lồng ghép các đoạn nhạc, từ dạo, xuyên tâm cho đến lưu không giúp cho các mảnh ghép kết lại với nhau tạo nên một chỉnh thể chung.
Cũng có khi, hát xẩm mở đầu bằng cặp thơ mang tính chất “dẫn nhập”, như bài Thuốc phiện chẳng hạn.
Ví dụ: Thuốc phiện
Dạo nhạc…
Hát nói:
“Sắc sắc ninh ninh
Đại hiệu bẩm sinh tên là thần thuốc phiện
Nghe thời thầy luyện làm phép cho minh”
Lưu không… (gian tấu)
Hát:
“Cay đắng mọi mùi
Chí tỉnh say cay đắng mọi mùi
Không ăn cũng thiệt không chơi cũng già
Đời cổ giả không ăn cũng thế
Đến đời nay khao khát thì làm chi
Các miếng ngon càng lắm bệnh kỳ”.
Lưu không (gian tấu)
“Càng lắm bệnh kỳ
Các miếng ngon càng lắm bệnh kỳ
Thà rằng vắt dãi, nhìn đi đỡ thèm
Kìa cái mặt nhem mũi nhọ
Bức tự tranh đạp lọ thì chẻ xe
Quan tướng ơi nguyện quách rươu chè…”
(Lưu không)
Phương thức sáng tạo này phổ biến trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian. Nó sử dụng mô thức cố định, ổn định hình thành trong thói quen văn hóa rồi đưa vào nội dung mới nhằm thể hiện sự sáng tạo.
Nhạc cụ đệm trong hát xẩm
Nhạc cụ đệm cho hát xẩm chủ yếu có trống, phách, sênh, đàn, trong đó, trống có các loại: trống đơn (trống 1 mặt), trống cơm, trống ban, trống đế; đàn có đàn song, đàn bầu, đàn cò ke (nhị), đàn hồ, thỉnh thoảng xuất hiện thêm sáo. Sênh trong hát xẩm thường sử dụng một cặp.
Trong số nhạc cụ đệm có một nhạc cụ đóng vai trò diễn tấu giai điệu, như đàn song (bầu), đàn cò ke (nhị), các nhạc cụ gõ giữ nhịp, tạo điểm nhấn. Nhạc cụ diễn tấu giai điệu do nghệ nhận hát đảm nhận. Họ thường hát xong một trổ, rồi đàn (lưu không) vừa có tác dụng nghỉ (hát), vừa nhằm phụ họa, trổ tài đàn. Trong trường hợp vừa đàn, vừa hát, nghệ nhân hát và đàn cũng một giai điệu hoặc đàn những tiếng láy âm (thòng) chen vào giữa câu thơ. Tiếng đàn giống như tiếng hát thứ 2 phối hợp với tiếng hát thứ 1 (giọng hát). Cách làm này hóa giải được tình huống vừa hát, vừa đàn không hề dễ dàng thực hiện. Bên cạnh đó, tiếng đàn còn nhằm mục đích nâng cao tiếng hát.
Kết luận
Hát xẩm là loại hình âm nhạc dân gian bán chuyên nghiệp. Đa số tác phẩm khuyết danh, song cũng có những tác phẩm (lời ca dựa vào thơ) có tác giả, như Xẩm chợ của Tản Đà, Nói chuyện với muỗi của Phan Bội Châu, Mục hạ vô nhân của Nguyễn Khuyến… Không gian lưu truyền văn hóa của hát xẩm chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc bộ, khu vực thị tứ, giáp ranh giữa đô thị và nông thôn, cũng có khi kéo dài tới vùng miền Trung, Huế.
Xét về thân phận, đa số nghệ nhân hát xẩm xuất thân từ nông dân. Họ chọn phố thị làm nơi hành nghề. Trên con đường mưu sinh vất vả, nay đây mai đó, thường xuyên phải dịch chuyển địa điểm trình diễn, có khi chọn được một chốn ổn định thì ban ngày đi hát, tối về ngủ vật, ngủ vạ dưới gốc cây hay ngôi miếu ven đường… Nói chung, đời sống những người hát xẩm thể hiện đầy đủ cung bậc cảm xúc về cuộc sống, thân phận con người thị hiện bằng âm nhạc. Nghệ nhân hát xẩm không phải lúc nào cũng “đơn thương độc mã” mà có khi kết nhau lại thành làng, xóm, phường hội, đứng đầu có các Bô, rồi đến Trưởng cũng gọi là Trùm. Có những tổ chức cấu thành bởi các thành viên trong một gia đình, vợ chồng, con cái dắt díu nhau từ nông thôn lên phố thị sử dụng tiếng hát, tiếng đàn, tiếng phách… mưu sinh, đồng thời cũng là một cách thể hiện, bày tỏ tiếng lòng mình với đời.
Có một điều khá thú vị: những tưởng người mù trong nghệ thuật hát xẩm có “kiến văn” nhỏ hẹp, nhưng qua tiếng hát cho thấy, nó phản ánh một thế giới rộng mở, phong phú, đa dạng về đối tượng, thậm chí không ngại va chạm, dám công kích cả thế lực quyền uy, như các bài: Bà Ba Cai Vàng, Bắc tỉnh ca, Đề Thám, Đội Cấn… Trong đó, phần nhiều các bài nói về thân phận người nông dân, như: Sao nhạt giăng mờ, Bóng giăng thấp thoáng, Phồn huê, Lênh đênh mặt nước cánh bèo… Hát xẩm miền Bắc khiến chúng ta liên tưởng tới Thơ rơi miền Nam với đặc trưng “thổ sinh thổ dưỡng”, phiêu dạt trong môi trường văn hóa dân gian. Chúng dễ dàng bám rễ vào đời sống, nói lên tiếng lòng của người hát, đồng thời giúp nhận diện những khía cạnh đa dạng của đời sống.