Nền kinh tế đang có dấu hiệu thoát khỏi trì trệ. Doanh nghiệp mong đợi Chính phủ tiếp tục những chính sách hợp lý củng cố niềm tin về ổn định kinh tế vĩ mô để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư tiếp tục sản xuất kinh doanh. Ngân hàng đang tích cực thay đổi cách tiếp cận doanh nghiệp, không để thừa tiền nhưng thiếu vốn.Những nội dung trên đây không chỉ doanh nghiệp quan tâm mà cả các chuyên gia đang bàn chuyện tháo gỡ.
Có dấu hiệu thoát khỏi trì trệ
TS Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã đưa ra nhận định: cho đến thời điểm này – tháng 8-2013, có thể nói kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, kim ngạch xuất nhập khẩu… có sựổn định hơn năm trước. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn trong giai đoạn tăng trưởng thấp và thật sự không thể nóng vội thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Vì sao không thể thúc đẩy tăng trưởng nhanh vào lúc này? TS Trần Du Lịch phân tích, từ năm 2008 đến nay, hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tính tình thế nhằm xử lý bất ổn kinh tế vĩ mô, tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục, lúc thắt chặt, lúc nới lỏng chính sách tiền tệ đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Không phủ nhận tác động tiêu cực của thị trường thế giới, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là sự bất cập của cơ cấu kinh tế và tác động hai mặt của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ. Đầu năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế giảm mạnh đã tạo nên vòng lẩn quẩn “sức mua giảm – tồn kho tăng – sản xuất giảm – nợ xấu tăng – tín dụng giảm”. Bước vào năm 2013, tuy tình hình có cải thiện nhưng về cơ bản nền kinh tế vẫn đối diện với các thách thức ngắn hạn, đó là: nguy cơ tái lạm phát vẫn rình rập, tình hình nợ xấu còn làm cho dòng tín dụng bị tắc nghẽn, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều. Những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện thì việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.
Doanh nhân tham dự hội thảo Cơ hội kinh doanh cuối năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa tổ chức ngày 13-8
Nhận định như trên, song TS Trần Du Lịch cũng cho rằng các khó khăn về sức mua, hàng tồn kho, nợ xấu, lãi suất cao, doanh nghiệp thiếu vốn… sẽ được cải thiện. Với lạm phát kỳ vọng 6 – 7% và tỷ giá giữa tiền đồng và USD được Ngân hàng Nhà nước giữở biên độ 2 – 3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tếứng dụng, cũng đánh giá kinh tế đang có dấu hiệu tích cực thoát khỏi trì trệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp bảy tháng đầu năm 2013 tăng 5,2%, cao hơn so với mức tăng của bảy tháng đầu năm 2012. Mức tăng tồn kho giảm mạnh (chỉ số tồn kho đầu năm có mức tăng 21,5%, vào ngày 1-7 chỉ còn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2012), ngoài yếu tố doanh nghiệp đang cân đối giữa sản xuất với tiêu thụ, đã có nhiều doanh nghiệp bán được hàng. Khởi sắc tốt nhất là lĩnh vực thương mại – dịch vụ. Đầu năm 2013, nhiều người dự báo đây sẽ là lĩnh vực khó phát triển trong năm nay, nhưng đến thời điểm này nó đang tăng trưởng tốt. Đây là tín hiệu khả quan để các ngành sản xuất hàng hóa có hy vọng tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cũng lưu ý thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đang tăng trưởng mạnh ở một số ngành sản xuất phục vụ số đông người lao động thu nhập trung bình, còn những ngành phục vụ cho người tiêu dùng trung lưu trở lên vẫn còn chậm. Vì vậy, doanh nghiệp nên nghiên cứu lại thị trường để cơ cấu lại sản phẩm trước mắt và dài hạn.
Ngân hàng đến với doanh nghiệp
Những cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền hay các bộ, ngành lúc nào cũng có câu chuyện liên quan đến ngân hàng. Ba, bốn năm trước, các ngân hàng có mặt trong những cuộc đối thoại như bị ép buộc hoặc ở tư thế người ban ơn cho doanh nghiệp, nên hầu như chỉ đến khi được mời. Có một sự thay đổi nhận thấy rõ trong năm nay, ở hầu hết những cuộc hội thảo, hội nghị nói về các vấn đề kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều ngân hàng chủ động đưa đội ngũ tiếp thị tín dụng doanh nghiệp đến rất đông. Một số lãnh đạo ngân hàng thẳng thắn nhìn nhận hiện nay ngân hàng thừa vốn sẵn sàng cho vay, nhưng do cách tiếp cận không đúng của doanh nghiệp khiến ngân hàng không thể cho vay. Hóa giải những hiểu lầm, ngân hàng đã chủ động tổ chức đội ngũ nhân viên tín dụng, tiếp thị đến giải thích cho doanh nghiệp.
Ông Doãn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết từ nay đến 30-9, VPBank dành 2.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi ngắn hạn với lãi suất giảm 2 – 3%/năm so với mức thông thường. Nếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, có nguồn thu ngoại tệ, có thể chọn vay tiền đồng theo lãi suất ngoại tệ, chấp nhận rủi ro tỷ giá để có thể hưởng lãi suất thấp 7 – 8%/năm. VPBank còn có nguồn vốn của JICA (Nhật) cho vay trung và dài hạn đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, lãi suất thấp hơn từ 2 – 3%/năm. Ngoài ra, VPBank giúp doanh nghiệp giải quyết nhu cầu tiền mặt qua hình thức bao thanh toán, tài trợ các khoản phải thu. Với nguồn vốn sẵn sàng đó, VPBank luôn mong muốn được cung cấp các thông tin trung thực, chính xác và kịp thời, kể cả thông tin tiêu cực của doanh nghiệp thì ngân hàng mới có giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trước đây các ngân hàng chỉ biết được thông tin xấu của doanh nghiệp khi doanh nghiệp chậm hoặc ngừng trả nợ ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng phải giảm hạn mức cho vay hoặc ngừng cho vay.
Ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) khẳng định vốn rẻ hiện nay rất nhiều nên cả doanh nghiệp và ngân hàng phải mạnh dạn tái cơ cấu các khoản vay. Ngân hàng kêu gọi doanh nghiệp có nợ quá hạn hợp tác với ngân hàng, nếu có thể xử lý được thì cơ cấu lại dòng tiền đáp ứng được trả lãi và gốc đều, sẽ có khoản vay lành mạnh, sau đó lãi suất sẽ giảm xuống, nguồn tiền cấp cho doanh nghiệp sẽ khá hơn nhiều, so với để nợ quá hạn. Nếu như không thể nào tái cơ cấu được thì cũng nên lựa chọn giải pháp xử lý khoản vay cũ càng sớm càng tốt, nếu doanh nghiệp để thông tin nợ quá hạn cứ lưu mãi trên trung tâm thông tin tín dụng thì cũng không thể vay bất cứ nơi nào. SeABank đang dành gói 2.000 tỉ đồng tín dụng ngắn hạn với lãi suất 9 – 11% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đánh giá lại khả năng trả nợ cũ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn về vốn đã được Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện. Từng tổ chức tín dụng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc miễn giảm lãi tính từ tháng 7-2012 cho đến tháng 6-2013. Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết trong sáu tháng đầu năm, đã có 82.456 doanh nghiệp được hỗ trợ, trong đó có 6.166 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ với số tiền trên 108.700 tỉ đồng. Có 76.290 doanh nghiệp được điều chỉnh giảm lãi suất với dư nợ 215.242 tỉ đồng. Cơ chế này góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí trả lãi, giảm áp lực trả nợ, để các doanh nghiệp có điều kiện cân đối lại sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn.
Ở TP.HCM, chương trình vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và các quận, huyện triển khai tích cực. Đáng chú ý là chương trình “kết nối ngân hàng với doanh nghiệp vừa và nhỏ” của từng quận, huyện, với lãi suất cho vay thấp từ 8 – 10%/năm. Các ngân hàng chủ động đi xuống tận các doanh nghiệp thẩm định hoạt động sản xuất kinh doanh và tiến hành ký kết cho vay tại các quận, huyện khi thấy doanh nghiệp đủ điều kiện và giải ngân ngay. Triển khai từ tháng 7-2012, đã có 15 ngân hàng đăng ký tham gia gói hỗ trợ là 34.900 tỉ đồng, nhưng số vốn thực hiện cho vay năm lĩnh vực ưu tiên đã vượt mức đăng ký ban đầu, đạt 96.163 tỉ đồng. Ngân hàng còn kết nối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đến thời điểm này đã có năm ngân hàng đăng ký với gói hỗ trợ 1.960 tỉ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn là 6%/năm, trung và dài hạn là 10%/năm. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã nhận danh sách thêm 140 doanh nghiệp có nhu cầu vốn và gửi đến các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM động viên các doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất nhu cầu vay vốn và sẵn sàng minh bạch thông tin để được hỗ trợ.
Theo TS Đinh Thế Hiển, sản xuất công nghiệp sẽ còn khó trong những tháng cuối năm do mức tiêu thụ chưa thật sự được khơi thông, tuy nhiên, ngành này sẽ tiếp nhận nguồn vốn tín dụng mạnh và phục hồi vào giữa năm 2014. Xây dựng – bất động sản chỉ phục hồi nhẹ về xây dựng, còn lực cầu bất động sản còn thấp, do vậy ngành này sẽ còn tiếp tục khó trong năm 2014. Sản xuất hàng hóa xuất khẩu sẽ phục hồi nhanh nhất do nhu cầu thế giới tăng trở lại, nguồn tín dụng dồi dào và lãi suất thấp sẽ là động lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thương mại – dịch vụ với nguồn tín dụng tăng cho tiêu dùng và lãi suất giảm sẽ giúp nhóm này phục hồi trong những tháng cuối năm nay và tăng trưởng tốt trong năm 2014.
Với nỗi lo tỷ giá, Dragon Capital nhận định VNĐ sẽổn định trong nửa cuối năm 2013 và kỳ vọng Việt Nam sẽ có thặng dư cán cân vãng lai khoảng 5 tỉ USD trong năm 2013. Ngân hàng HSBC dự báo tỷ giá cuối năm nay sẽ vào khoảng 21.800 đồng/USD, nếu các biện pháp ổn định thị trường không có tác động nhiều sẽ có một đợt giảm giá nhẹ của tiền đồng so với USD vào quý III năm nay. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho rằng doanh nghiệp không quá lo vì Ngân hàng Nhà nước quyết tâm điều hành tỷ giá ổn định, điều chỉnh tối đa 2 – 3% và kết hợp với quản lý thị trường ngoại tệ tự do không để gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Những nhân tố từ nay đến cuối năm sẽ hỗ trợ cho tỷ giá ổn định đó là: lượng kiều hối sẽ tăng khi nền kinh tế Mỹ đang phục hồi; vốn thực hiện của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân cao hơn năm 2012; lạm phát được kiểm soát.
Nguyễn Ngọc