Đầu thập niên 2000, ông Rowhani từng cầm đầu phái đoàn Iran tham dự các cuộc thương thuyết về vấn đề hạt nhân với phương Tây, được nhiều người xem là có tư tưởng ôn hòa. Vì thế, việc ông lên thay cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vốn là một người có lập trường cứng rắn, khiến cho nhiều nhà bình luận hy vọng vào một chương mới trong quan hệ giữa Iran với phương Tây. Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Rowhani nêu rõ mục tiêu của ông là cải thiện đời sống của những người dân Iran bình thường đang trải qua “nhiều sức ép kinh tế” và kêu gọi phương Tây sớm ngồi vào bàn đàm phán “trên tinh thần bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, tôn trọng nhau và giảm thiểu sự thù nghịch”, đồng thời cũng nhấn mạnh “nếu quý vị muốn có một câu trả lời thích đáng, xin đừng nói với Iran bằng ngôn ngữ của sự chế tài, mà bằng ngôn ngữ của sự tôn trọng. Iran sẽ không đầu hàng trước những chế tài cũng như những lời đe dọa chiến tranh”.
Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani
Hai ngày sau buổi tuyên thệ, tân Tổng thống Iran Rowhani chủ trì một cuộc họp báo tại thủ đô Teheran, nêu rõ là Iran sẵn sàng cho những cuộc nói chuyện nghiêm túc về chương trình hạt nhân của mình và việc chính quyền Mỹ kêu gọi những chế tài cứng rắn hơn nữa (đối với Iran) chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết. Washington nhanh chóng bày tỏ quan điểm trước những phát biểu của ông Rowhani. Một tuyên bố được Nhà Trắng phổ biến nêu rõ nếu tân chính phủ Teheran tuân thủ một cách nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề, họ sẽ tìm thấy ở nước Mỹ một “đối tác giàu thiện chí”. Tuy nhiên, lời tuyên bố đó không nhận được sự đồng tình của hơn ba phần tư số thượng nghị sĩ Mỹ. Một bức thư do 76 thượng nghị sĩ ký kêu gọi chính quyền Mỹ đưa ra những biện pháp trừng phạt (Iran) cứng rắn hơn nữa. Động thái này là cái cớ để ông Rowhani lên án mạnh mẽ Thượng viện Mỹ và coi đó là trở ngại cho tiến trình đàm phán đang được các bên dự liệu. Phía Nga cũng chỉ trích lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ qua nội dung một văn thư của Ngoại trưởng Sergei Lavrov, trong đó nêu rõ: “Tôi nghĩ rằng những ý tưởng đó đi ngược lại các lợi ích căn bản của cộng đồng quốc tế. Đó là những trò chơi nguy hiểm và chúng tôi hy vọng lẽ phải sẽ thắng”.
Về phần mình, Israel nói rõ chỉ có “sự gia tăng sức ép” là ngôn ngữ duy nhất mà Iran hiểu được. Trong buổi tiếp phái đoàn gồm 36 đại biểu Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng trong hai thập niên qua, sức ép là biện pháp duy nhất có hiệu quả và “biện pháp duy nhất có hiệu quả hiện nay là gia tăng sức ép” đối với Iran. Cả Tel Aviv lẫn Washington đều từ chối loại trừ việc sử dụng hành động quân sự để ngăn chặn Teheran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng con đường ngoại giao vẫn là sự lựa chọn đầu tiên.
Còn khá sớm để có thể tiên đoán được những gì sẽ diễn ra trong các cuộc hội đàm sắp tới về chương trình làm giàu hạt nhân của Iran, nhưng chỉ riêng sự chuyển biến xích lại gần nhau hơn giữa hai phía cũng đã là một tín hiệu đáng mừng.
Lê Nguyễn tổng hợp