Sau nhiều năm đàm luận về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các quốc gia ASEAN, Bắc Kinh cho hay họ sẽ sớm chủ trì các cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 9 tới. Trong chuyến viếng thăm Hà Nội mới đây, ông Vương Nghị khẳng định còn rất nhiều việc cần làm xung quanh tiến trình đi đến COC và những quốc gia nào kỳ vọng COC có thể đạt đến trong ngày một ngày hai là hoàn toàn không thực tế. Lý do được ông nêu ra là COC liên quan đến lợi ích của nhiều thành viên khác nhau và để đạt được một bộ luật toàn diện thì cần rất nhiều sự hợp tác đa phương, do đó không một quốc gia thành viên nào có thể áp đặt áp lực lên quốc gia khác. Không nêu đích danh chính phủ nào, nhưng ông Vương Nghị cho rằng những nỗ lực trước đây về COC thất bại vì sự “can thiệp” của một vài quốc gia khác và đề nghị các quốc gia ấy nên tạo ra một bầu không khí và điều kiện cần thiết cho việc đàm phán về COC thành công hơn. Hiện tại, Washington chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngay tháng trước đã khẳng định tại Brunei rằng sự quan tâm của Mỹ đến vấn đề tự do trong lưu thông hàng hải tại khu vực Biển Đông có tầm chiến lược và rất mong được chứng kiến việc ký kết COC nhanh chóng và thành công.
Philippines chào đón chiến hạm mới (6-8-2013)
Trong một diễn biến khác, ngày 6-8, Philippines đã đưa vào hoạt động chiến hạm lớn thứ hai của nước này mang tên BRP Ramon Alcaraz. Chiến hạm ấy sẽ sớm đến thả neo tại một số khu vực gần các hòn đảo tranh chấp với Trung Quốc. Một điều trùng hợp bất ngờ là trong cùng ngày 6-8, Nhật Bản đã hạ thủy chiếc tàu chiến lớn nhất từ trước tới nay tại cảng quân sự Yokohama để tuần tiễu vùng biển đảo tại khu vực biển Hoa Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Lâm Kiên theo Reuters và AP