Căng thẳng là điều phổ biến trong gia đình, nhất là khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nghiên cứu mới phát hiện, việc cha mẹ kìm nén căng thẳng khi ở bên con cái có thể lan truyền những cảm xúc đó cho con cái của họ.
Nghiên cứu mối tương tác giữa cha mẹ và con cái, độ tuổi từ 7 đến 11, Sara Waters, trợ lý giáo sư khoa Phát triển Con người, trường ĐH Washington, cho biết:”Trẻ em thường có phản ứng về thể chất khi cha mẹ cố gắng che giấu những cảm xúc của họ trước mặt chúng. Phản ứng xảy ra dưới da này cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi bạn nói với trẻ rằng bạn ổn, nhưng sự thật bạn không như vậy. Mặc dù, bạn không muốn làm trẻ căng thẳng, nhưng bạn vô tình làm điều hoàn toàn ngược lại với trẻ”.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 107 bậc cha mẹ, gần phân nửa trong số đó là những ông bố và con cái của họ. Tất cả phải liệt kê 5 đề tài dễ gây căng thẳng giữa mọi người với nhau. Sau đó, cha mẹ được tách khỏi con cái và mỗi cha mẹ được yêu cầu thực hiện một hoạt động căng thẳng, như nói chuyện trước đám đông, để kích hoạt hệ thống phản ứng căng thẳng sinh lý. Tiếp theo, cha mẹ được tiếp xúc trở lại với con cái và được yêu cầu về đề tài gây căng thẳng cao nhất trong danh sách đã liệt kê trước đó.
Phân nửa trong số các bậc cha mẹ được yêu cầu kìm nén cảm xúc của họ trong lúc trò chuyện. Kết quả phát hiện, ở những nhóm kìm nén cảm xúc, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái ít ấm áp, gắn bó với nhau hơn. Điều này cho thấy nếu cha mẹ bị phân tâm bằng cách cố gắng che giấu sự căng thẳng của họ, thì trẻ sẽ nhanh chóng thay đổi hành vi để phù hợp với cha mẹ.
Trong nghiên cứu, các bà mẹ trong nhóm được kiểm soát không truyền sự căng thẳng của họ cho con cái. Tuy nhiên, đối với những bà mẹ được yêu cầu kìm nén cảm xúc của mình, thì con của họ có nhiều biểu hiện căng thẳng hơn, cả về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Điều này hoàn toàn khác với những ông bố.
“Chúng tôi nhận thấy những ông bố và bà mẹ rất khác nhau. Chúng tôi không tìm thấy phản ứng sinh lý nào trong điều kiện kiểm soát hoặc thử nghiệm, mà trong đó các ông bố truyền căng thẳng cho con cái của họ. Điều này có thể do những ông bố có xu hướng kìm nén cảm xúc xung quanh trước con cái tốt hơn những bà mẹ. Những trẻ từng trải qua việc cha của chúng nói rằng mọi thứ đều ổn, ngay cả khi họ không ổn. Nhưng sẽ là không bình thường ở những trẻ nhìn thấy mẹ kìm nén cảm xúc của mình, có xu hướng phản ứng với điều đó”, Waters nói.
- Xem thêm: Trẻ con là ‘người thầy giỏi nhất’
Trong một đại dịch toàn cầu, cha mẹ càng cảm thấy mất kiểm soát, thì cảm giác đó có thể trở nên trầm trọng hơn, khiến họ càng có thêm động lực để trấn an con cái của mình rằng mọi thứ đều ổn. Nghiên cứu cho thấy trẻ em cảm thấy thoải mái hơn khi được cha mẹ tôn trọng cảm xúc của chúng, hơn là chỉ nghe nói rằng mọi thứ vẫn ổn.
“Điều quan trọng là hãy tôn trọng những cảm xúc của bạn và của trẻ, và đủ can đảm để nhìn nhận sự việc. Con bạn sẽ cố gắng để vượt qua căng thẳng, vì chúng rất giỏi làm điều đó. Cho phép bản thân bạn cảm thấy cởi mở tâm trí, để giải quyết vấn đề tốt và hiệu quả hơn, vì đó là một điều nên làm”, Waters nói.