Năm ngoái, một người đàn ông được đưa đến phòng cấp cứu của một bệnh viện ở Hoa Kỳ. Người đàn ông này có triệu chứng đau đầu và cổ nghiêm trọng và còn bị nôn khan.
Bác sĩ đã thực hiện ngay một loạt các bước kiểm tra người bệnh này như quét CT, xét nghiệm nước tiểu, đo huyết áp v.v. Cuối cùng, bác sĩ kết luận rằng anh ta không bị nhiễm độc cũng không bị cảm mà là bị mắc một căn bệnh thần bí gì đó, hóa ra là do anh ta đã ăn một loại ớt cay nhất thế giới nên đã bị như vậy.
Cay, nhưng con người vẫn thích
Đây là loại ớt tử thần có tên là carolina reaper, loại ớt này cay gấp hơn 275 lần so với loại ớt jalapeno của Mexico. Người đàn ông 34 tuổi trong khi tham gia một cuộc thi ăn ớt đã quyết định ăn “thử” loại ớt carolina death và đã xảy ra hiện tượng như trên. Vị cay của ớt đã làm cho động mạch chủ của người đàn ông co hẹp lại gây nên chứng đau đầu khủng khiếp, may mà vị cay đã đi qua nhanh và bệnh tình của người đàn ông dần dần tốt lên, sau đó tất cả trở lại bình thường.
Đây là một ví dụ có tính tiêu cực bởi vì trên toàn thế giới có hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu người dùng vị cay làm thực phẩm, không có vị cay thì không sướng cái miệng. Khi ăn ớt chúng ta sẽ cảm thấy đầu lưỡi và khoang miệng nóng rát hoặc có khi đau ở dạ dày, đôi khi cũng thấy xuất hiện những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Nhưng tại sao chúng ta lại đam mê vị cay?
Điều này không thể giải thích bằng một câu nói. Đầu tiên, con người ăn ớt đã có lịch sử hàng ngàn năm và sản lượng ớt trên toàn cầu cũng ngày một tăng từ 27 triệu tấn năm 2007 lên đến 37 triệu tấn năm 2018.
Bản năng tiến hóa
Nếu trọng lượng bình quân của một quả ớt là 20 gam thì mỗi người chúng ta đã ăn 250 quả ớt trong một năm. Tùy theo từng quốc gia, có một số nước ăn cay nhiều hơn. Chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ, trung bình mỗi ngày người ta ăn 86,5 gram ớt đứng đầu thế giới, Mexico đứng thứ hai với trung bình một người là 50,95 gram.
Vì sao chúng ta lại thích vị cay đến như vậy? Lý do này rất phức tạp nó có thể liên quan đến tâm lý tìm kiếm sự kích thích của nhân loại và trò chơi của bản năng tiến hóa.
Loại ớt thông minh
Trong quả ớt có chứa chất capsaicin vì chất capsaicin quyết định độ cay của ớt. Quả ớt trong quá trình tiến hóa chất capsaicin cũng không ngừng thay đổi.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng quả ớt đang thay đổi theo thời gian và ngày càng cay hơn. Cây ớt làm như vậy với hy vọng ngăn chặn côn trùng và động vật có vú ăn, nhưng điều này lại không thể ngăn được loại chim ăn ớt.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Arizona đã phát hiện ra rằng hệ thống tiêu hóa của động vật có vú có thể tiêu được cả hạt ớt làm nó không thể nảy mầm được. Đối với chim thì lại khác, các loại hạt quả đi qua hệ thống tiêu hóa của chúng mà không bị tổn hại gì, hạt ớt trong phân chim như được trợ giúp lại nảy mầm rất nhanh và phát triển thành cây.
Chất capsaicin trong quả ớt dường như ngăn chặn thành công động vật có vú, nhưng tại sao nó không có tác dụng với con người? Con người trong quá trình tiến hóa vị đắng cay thường liên quan đến chất độc, nó là một bộ phận của cơ chế sinh tồn và tiến hóa của con người, nhưng chỉ có con người là động vật có vú duy nhất ăn ớt. Nguyên nhân vì sao?
Một giả thuyết cho rằng thực phẩm cay có tính kháng khuẩn và kháng nấm, người ta còn nhận thức được rằng thực phẩm cay không dễ bị thiu thối.
Phổ biến khắp thế giới
Lý luận này được các nhà sinh học Jennifer Billing và Paul W. Sherman của Đại học Cornell Hoa Kỳ đề xuất năm 1998. Hai nhà sinh học này đã phân tích hàng ngàn công thức nấu món ăn truyền thống từ 36 quốc gia và thấy rằng các nước nhiệt đới sử dụng nhiều hương liệu và ớt hơn, nguyên nhân có thể là do thời tiết nên thực phẩm ở vùng nhiệt đới dễ biến chất.
Hai nhà sinh học giải thích rằng ở các quốc gia càng nóng, các món ăn được sử dụng nhiều ớt, còn các nước ôn đới, chỉ có một vài loại gia vị được sử dụng hoặc là không được sử dụng. Những nước nhiệt đới này bao gồm: Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Malaysia… còn ở Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy vùng Bắc Âu lạnh giá nơi ít sử dụng gia vị cay.
Hai nhà sinh học còn nói rằng chúng ta thường sấy khô, nấu chín, hun khói và ướp thêm các loại gia vị cay vào thực phẩm là để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.
Một chuyên gia thực phẩm khác là bà Kaori O’Connor lại đưa ra một lời giải thích khác. Bà nói rằng trong nhiều thế kỷ giống như mía và khoai tây, ớt cũng không được người châu Âu biết đến. Kể từ khi các nhà thám hiểm châu Âu đến châu Mỹ và mở con đường giao lưu thương mại, ớt bắt đầu lan rộng khắp thế giới.
Các nhà thám hiểm đã mang ớt về châu Âu và mọi người trên khắp thế giới cũng nhanh chóng đón nhận hương vị kích thích này, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.
Bà O’Connor nói rằng trước đây hương vị của thực phẩm châu Âu có thể rất nhạt nhẽo và đơn điệu, và ớt giống như đường làm tăng hương vị đậm đà của món ăn.
Kích thích tâm lý
Có một lý luận khác lại cho rằng nguyên nhân con người thích ăn ớt có liên quan đến tâm lý theo đuổi sự kích thích giống như ngày nay chúng ta thích chơi các môn thể thao cảm giác mạnh như đi xe địa hình leo núi, đi tàu lượn và nhảy dù. Đây là quan điểm của giáo sư tâm lý học Paul Rozin tại Đại học Pennsylvania.
Theo thử nghiệm của giáo sư Paul Rozin, mọi người không ngừng thử ăn những loại ớt cay nhất cho đến khi họ không thể chịu đựng được mới thôi. Đồng thời, trong khi thử nghiệm giáo sư Paul Rozin yêu cầu mọi người chọn loại ớt mà mình yêu thích thì họ thường chọn loại ớt cay nhất mà họ có thể chịu được.
Giáo sư Paul Rozin nói rằng bộ não của chúng ta nhận ra rằng chúng ta thực sự vẫn ổn mặc dù cơ thể chúng ta đã xuất hiện sự phản ứng là quá cay, điều này giống như chúng ta thích xem phim kinh dị.
Đàn ông và phụ nữ có khác nhau
Trong cuộc sống, có người đặc biệt thích ăn cay nhưng một số người khác thì không ăn cay, tất nhiên có những lý do khác nhau cho việc này nhưng về giới tính mà nói đàn ông hình như ăn cay nhiều hơn
Chuyên gia thực phẩm Nadia Byrnes đã nghiên cứu phản ứng của cả hai giới đối với thực phẩm cay, bà thấy rằng đàn ông bị chi phối nhiều hơn bởi các yếu tố bên ngoài, họ thường chọn loại ớt cay hơn còn phụ nữ chú ý nhiều hơn đến tác động cảm xúc mà chính ớt đã mang lại cho cơ thể họ. Bà Nadia Burns quan sát thấy rằng lượng tiêu thụ ớt ở Mexico có liên quan chặt chẽ đến sức mạnh, sự táo bạo và đặc điểm tính cách nam giới.