Có ông bạn nói: “Đời bây giờ giả dối, hình thức quá, chẳng có gì ý nghĩa, nên tôi bây giờ đến cả đám ma đám cưới cũng… không đi nữa!”. “Ơ cái ông này. Thế nhà ông sẽ không bao giờ có đám cưới đám ma sao? Ai sẽ đến với ông?”.
“Thế mới gọi là giả dối, đi để trả nợ chứ có ý nghĩa gì” – Ông bạn cố cãi. “Nhưng tôi hỏi ông, nhà ông có cưới con, trời bữa đó chỉ hơi xìu xìu như muốn mưa là ông đã sợ mất mật rồi. Phải đến để chứng kiến chung vui với người ta chứ. Còn đám ma, ông quên câu “nghĩa tử là nghĩa tận” à. Ông đến vì tình thương và nhìn lần cuối người ra đi vĩnh viễn chứ, ông thật là…”.
Nhưng ông bạn vẫn bảo lưu quan điểm, “nếu cần xem xét lại thì ông chỉ đến với đám nhà nghèo thôi. Đám ma thì chỉ đến với ai mà ít người tới ấy, chứ như đám ma quan chức hoặc các vị có con cái dâu rể làm quan chức hay đại gia lắm tiền lắm quan hệ, người đông đến nỗi phải xếp hàng chờ đến lượt, thì thôi xin kiếu, những ông bà ấy chẳng cần cái thằng tôi đến viếng làm gì”.
- Xem thêm: Cái gì cũng khủng
Cãi với ông bạn này coi như huề, chẳng đi tới đâu. Là vì lý lẽ của tôi xác đáng đã đành, mà lý của anh ấy cũng… đúng. Anh ấy còn nói, cái người nằm xuống đó, chẳng đợi đám ma đâu mà hồi ổng còn sống, người đến chúc tết cũng còn phải… xếp hàng. Sở dĩ anh bạn biết vì có một năm, cơ quan cử anh trong đoàn mang lễ vật đến chúc tết.
Anh dính ca trực mấy ngày tết nên bị bắt vô danh sách. Nói thật, người ta lo cái lễ trong phong bì cả rồi. Chỉ ông bà nào muốn gặp mặt lấy lòng, cho cấp trên ghi nhớ thì mới đi, chứ mấy anh tép riu như anh thì chỉ đi cho đẹp đội hình làm đúng thủ tục thôi. Nào ngờ, các đoàn đến đông quá, phải xếp hàng hết gần buổi sáng mới xong.
Anh ấy kể về ông già mình, lúc gần mất, tỉnh táo lắm. Dặn các con không được đưa đi cấp cứu làm gì. Người đã đến lúc đi là đi thôi, y tế chẳng có phép màu, lại thêm bận rộn cho con cháu. Khi cụ mất xong thì tùy điều kiện thuận lợi nhất của con cái mà lo.
Cụ đã dành dụm đủ số tiền cho các con lo đám ma của mình. Đem thiêu cũng được, để cốt trên chùa, khi nào có dịp về quê thì đem về nghĩa trang ông bà. Nếu không tiện thì rải xuống sông quê. Ngày giỗ làm nhẹ nhàng cho con cháu nhớ, mà bận quá thì thắp nén hương. Tiền phúng điếu đem làm từ thiện. Không kèn trống điếc tai khu phố…
Anh nói, đầu tiên nghe cụ dặn, anh em bàn bạc mãi. Người ý kiến, thiêu thì cha nóng và đau đớn, đã ai từ cõi chết trở về đâu mà biết, cho nên cứ tránh đi là hơn. Chôn sau ba năm bốc về quê, xây mồ mả cho đẹp. Vì mồ mả ông bà còn ảnh hưởng đến thịnh suy của con cháu.
Đâu phải tự nhiên mà người ta phải xây cất những khu mồ mả to như một đô thị có nhà cửa hàng rào đẹp đẽ như vậy. Người đi khắp thế giới vẫn chung tiền gửi về nhờ người nào còn sống ở làng chăm sóc đèn nhang cúng quải cẩn thận.
Mình theo lời ba dặn làm không đầy đủ sao được. Nhất là khi ba yếu đi, ông đã lo làm di chúc đầy đủ, dù không giàu có cũng có chút ít chia công bằng cho các con. Lúc ba làm di chúc, có người khen, nói bên Tây người ta làm di chúc từ lúc họ mới bốn mươi tuổi kia. Người chê thì nói, vậy là ta khôn hơn Tây, đợi thật già yếu mới di chúc. Không xem phim Âu – Mỹ thấy các vụ án giết nhau cho chết sớm để di chúc có hiệu lực đó thôi.
Kể xong chuyện của cha mình, anh bạn ngậm ngùi: “Lo mồ mả ở quê, biết hết đời mình, đời con mình còn có thể, chứ đến đời cháu như đứa ba, bốn tuổi bây giờ sau này chúng biết ai mà thăm. Làng quê xa, chúng còn chẳng bao giờ về, chẳng bao giờ biết, thì rồi mồ mả phơi với gió mưa chứ ai mà về thăm…
- Xem thêm: Nhà ai nấy giỗ
Đó, anh thấy chưa, cái tình của mình với người nằm xuống sâu nặng lắm. Vậy mà nay ở đô thị lớn, người chết nằm xuống lại đào lên cho người khác vào, đám ma giống nhau y chang, không cẩn thận vào nhà tang lễ nhầm sang đám khác như nhầm đám cưới”.
Ôi, cái chết cũng phải tích cực. Người sắp ra đi còn lo cả việc khi mình nằm xuống sao cho không tốn kém, sao cho con cái không vất vả, lo xem tro cốt mình rải xuống đâu…