Sự thèm khát đột ngột, khó nhịn đối với một món ăn nào đó nói lên nhiều điều về sức khỏe của bạn. Cơ thể của bạn đang cố gửi đến bạn một thông tin thông qua sự thèm muốn ấy. Nếu quan tâm, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Thèm ăn đá
Nhiều người thích nhai rào rạo những viên đá nhỏ, nhưng nếu bạn lúc nào cũng muốn ngậm đá, có thể bạn bị thiếu máu. Việc thèm nhai đá có thể thể hiện một dạng ăn bừa bãi, một rối loạn hành vi ăn uống đặc trưng biểu lộ bằng cách hấp thu vào cơ thể những chất không ăn được như bụi hay bột giặt, liên quan đến sự thiếu sắt. Các nhà nghiên cứu nêu giả thuyết nhai đá làm tăng tạm thời dòng máu lên não, điều chỉnh sự tuần hoàn máu chậm do thiếu sắt.
Thèm chocolat
Nếu bạn liên tục ăn chocolat, có thể bạn bị trầm uất và bạn thử tìm một cách tự điều trị với thực phẩm ngọt này, theo một nghiên cứu của Hội Hóa học Mỹ. 30 gram chocolat đen sản xuất sérotonine và dopamine, là những “hormone gây cảm giác vui vẻ”. Hơn nữa, chocolat chứa magnésium và théobromine, mà ta biết là 2 thành phần làm giảm mức hormone gây stress và tạo thuận lợi cho sự thư giãn cơ.
Thèm phô mai
Phô mai là thành phần chủ yếu trong nhiều món ăn được ưa thích, điều cũng dễ hiểu vì nó chứa L-tryptophane giúp cải thiện tính khí và tạo thuận lợi cho sự thư giãn. Nếu bạn thích ăn món pizza trộn phô mai, hẳn bạn đang cần nhiệt tình và tình yêu. Đó là một cách giải stress và giúp bạn thư thái hơn. Nhưng nếu bạn liên tục dùng thức ăn bùi này, có thể bạn đang gặp những vấn đề về tập trung hay trí nhớ. Một nghiên cứu cho thấy những người bị rối loạn về chú ý (có thể kèm hay không kèm tăng động) thường ngấu nghiến phô mai cao gấp 2 lần những người khác.
Thèm đường
Bạn lúc nào cũng thèm món ngọt? Nếu đúng vậy, bạn cần dành thời gian nhiều hơn cho giấc ngủ, theo một nghiên cứu của Clinique Mayo. Những người bị thiếu ngủ hơn một tiếng đồng hồ ăn bình quân thêm 550 calorie vào ngày hôm sau, không phải là rau hay thịt mà là chất ngọt. Theo các nhà khoa học, những đối tượng ấy sử dụng đường để chống lại sự mệt mỏi. Tiếc thay, đây chỉ là một chiến lược ngắn hạn, dùng quá nhiều đường có thể khiến bạn mệt mỏi hơn về lâu dài.
Thèm thức uống có gaz
Nhiều người bảo rằng họ không thể không uống một lon nước ngọt có gaz mỗi ngày. Có thể họ thích vị ngọt của thứ nước sủi bọt ấy, nhưng cũng có thể do liều caffeine trong nước. Một lon nước C. chứa 30mg caffeine, đủ khiến bạn phấn khích tức thì, nhưng không đủ gây bồn chồn, kích động. Một lý do ít được biết hơn nơi những người hay uống loại nước ngọt này: sự thiếu calcium. Acid phosphoric trong nước có gaz có thể thu calcium và magnésium của xương bạn, tạo nên một cái vòng lẩn quẩn thiếu và thèm, theo trang WebMD.
Thèm món chiên giòn
Khoai tây chiên được nhiều người ưa thích, nhưng nếu bạn ăn vô độ, nhiều gói thức ăn béo và mặn này trong chớp nhoáng có thể cơ thể bạn thiếu chất béo tốt, đặc biệt là oméga-3. Cơ thể chúng ta không sản xuất chất béo này và chúng ta phải tìm liều hàng ngày trong thực phẩm như cá hồi và những loại cá béo khác. Ăn quá nhiều món chiên giòn có nghĩa là bạn không hấp thụ đủ chất béo tốt nói chung, và không ăn đủ thức ăn khác như quả bơ, hạt dẻ và dầu ô liu.
Thèm bánh mặn
Thèm muối có thể là dấu hiệu thiếu chất khoáng, nhất là nơi phụ nữ, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Physiology and Behavior. Những người ăn nhiều muối có mức thấp nhất về calcium, magnésium và kẽm. Ăn món nhiều muối một cách không thể kiểm soát cũng có thể là dấu hiệu của bệnh Addison (suy thượng thận) hay hội chứng Bartter (một bệnh do vấn đề ở gien, trong đó cơ thể loại bỏ quá nhiều muối vá calci khi đi tiểu), nhất là khi thèm ăm đi kèm với các triệu chứng như kiệt sức, giảm trọng lượng hay da mất màu.
Thèm nước xốt cay
Ăn cay thường là một đáp ứng cho cơ thể để điều chỉnh nhiệt độ cao, là một trong những giả thuyết để giải thích tại sao các quốc gia vùng nhiệt đới chuộng món ăn nhiều gia vị. Thoạt nghe có vẻ phi lý, nhưng ăn nước xốt và cà ri rất cay làm tăng tạm thời sự chuyển hóa của cơ thể. Nếu bạn không bị tăng nhiệt quá mức, bạn thích món cay có lẽ để giảm adrénaline do cảm giác đau trong thời gian ngắn. Một số ngưới thích món ăn gây kích thích này đến độ nghiền.
Thèm bắp rang
Cơ thể chúng ta cần sodim và glucose để hoạt động suôn sẻ, 2 chất cạn kiệt nhanh chóng khi bạn chơi thể thao, nhất là khi đổ mồ hôi nhiều. Vì vậy, khi bạn thèm ăm món gì vừa mặn vừa ngọt như bắp rang chẳng hạn, hẳn cơ thể bạn muốn nói với bạn rằng cần bổ sung trữ lượng. Đây là lý do khiến đa số thức uống dành cho vận động viên đều chứa cả đường và muối.
- Xem thêm: 7 cặp đôi ‘vàng’ trong ẩm thực
Thèm đủ thứ
Thèm ăn bất kỳ món gì thường được cho là vì đói, nhưng trên thực tế, có thể là dấu hiệu bạn bị mất nước. Nên biết khát là tín hiệu cầu cứu cuối cùng do mất nước. Chúng ta thường đoán sai những tín hiệu mà cơ thể chúng ta gửi đi. Trong xã hội hiện nay, chúng ta thường bị mất nước mạn tính. Nếu lần tới, bạn thèm một món ngọt hay mặn, bạn thử làm dịu cơn thèm bằng một ly nước và chờ vài phút. Rất có thể bạn bị bất ngờ vì kết quả.
Khát không kiểm soát
Nếu bạn có cảm giác khát khô cổ, có thể bạn bị mất nước và cơ thể của bạn đòi nước. Nhưng nếu cơn khát kéo dài dai dẳng bất kể bạn đã uống nhiều nước, bạn có thể gặp một vấn đề trầm trọng hơn là tiểu đường. Uống nhiều và tiểu nhiều đến thái quá là một trong những dấu hiệu báo trước mức insuline của bạn bị rối loạn. Đường tích tụ quá nhiều trong máu khiến thận phải làm thêm nhiều giờ để loại bỏ đường. Khi thận không còn đủ sức, lượng đường vượt trội được tống vào nước tiểu khiến bạn lại bị khát.