Nghiên cứu mới cho thấy hàng triệu người trưởng thành không mắc bệnh tim mạch ở Hoa Kỳ vẫn đang dùng Aspirin hàng ngày để ngăn ngừa bệnh tim, mặc dù các khuyến nghị mới nhất cho biết điều này có thể không cần thiết và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn khái quát về số lượng ước tính người trưởng thành sử dụng Aspirin để phòng ngừa bệnh tim mạch trong năm 2017, trước khi một hướng dẫn mới được đưa ra vào tháng 3.2019. Mục đích của nghiên cứu này không phải để đánh giá liệu mọi người có nên tiếp tục dùng Aspirin hàng ngày sau khi hướng dẫn mới được đưa ra hay không.
Gần 30 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ từ 40 tuổi trở lên, không mắc bệnh tim mạch đã báo cáo có sử dụng Aspirin để ngăn ngừa bệnh trong năm 2017, và hàng triệu người đã làm như vậy mà không có khuyến nghị của bác sĩ, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.
Trong cùng nhóm đó, theo nghiên cứu, ước tính rằng gần một nửa số người lớn từ 70 tuổi trở lên không mắc bệnh tim mạch đã báo cáo có sử dụng Aspirin hàng ngày để phòng ngừa bệnh.
“Điều chúng tôi hơi ngạc nhiên là số lượng lớn người lớn tuổi sử dụng Aspirin không phải vì họ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ và bởi vì càng lớn tuổi thì nguy cơ chảy máu từ Aspirin càng cao”, Tiến sĩ Christina Wee, giáo sư tại Trường Y Harvard, giám đốc chương trình nghiên cứu béo phì tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston, và là tác giả chính của nghiên cứu mới, cho biết.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm thêm nhiều thông tin về những lợi ích và tác hại của Aspirin trong việc ngăn ngừa bệnh tim và đã có được nhiều bằng chứng khác nhau cũng như những điều chỉnh trong hướng dẫn. Mỗi người nên trao đổi với bác sĩ xem liệu họ có nên dùng Aspirin hay không để ngăn ngừa bệnh tim”.
Vào tháng 3.2019, Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã công bố các hướng dẫn mới về phòng ngừa bệnh tim mạch, chỉ ra rằng Aspirin liều thấp hàng ngày không còn được coi là biện pháp phòng ngừa bệnh tim cho người lớn tuổi.
Phương pháp phòng ngừa sơ cấp đề cập đến các hành động cần thực hiện để tránh các biểu hiện ban đầu của bệnh, trong khi phương pháp phòng ngừa thứ cấp đề cập đến các hành động cần thực hiện để giảm tác động của bệnh hoặc trường hợp bệnh tái phát
Trong hướng dẫn mới, Aspirin liều thấp “có thể được xem là cách phòng ngừa sơ cấp” cho bệnh tim mạch ở những người trưởng thành từ 40 đến 70 tuổi, những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng không có nguy cơ chảy máu do tác dụng phụ của aspirin.
Theo hướng dẫn, không nên dùng Aspirin liều thấp để phòng ngừa bệnh tim mạch ở người trưởng thành trong bất kỳ độ tuổi nào có nguy cơ chảy máu cao. Nghiên cứu bao gồm dữ liệu từ báo cáo về việc sử dụng Aspirin từ Khảo sát phỏng vấn y tế quốc gia năm 2017 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ. Những người lớn từ 40 tuổi trở lên được hỏi liệu có phải bác sĩ đã yêu cầu họ dùng Aspirin liều thấp hàng ngày để phòng ngừa hoặc kiểm soát bệnh tim và liệu họ có làm theo lời khuyên đó không, cùng với một số những câu hỏi khác.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ dữ liệu khảo sát đó, bao gồm 14.328 người trưởng thành – đại diện cho toàn thể người dân Hoa Kỳ. Vì dữ liệu này đại diện cho phần còn lại của quốc gia, các nhà nghiên cứu giải thích kết quả như sau: trong số những người từ 40 tuổi trở lên không mắc bệnh tim mạch, 23,4% – hoặc khoảng 29 triệu người trên toàn quốc – báo cáo dùng Aspirin hàng ngày để phòng ngừa bệnh tim mạch, dựa trên các phản ứng khảo sát. Trong số những người này, dữ liệu cho thấy 22,8% – tương đương 6,6 triệu người – uống Aspirin mà không có khuyến nghị của bác sĩ.
Nghiên cứu có một số hạn chế, bao gồm dữ liệu dựa trên các phản hồi khảo sát tự báo cáo và không cung cấp thông tin của những người lớn dưới 40 tuổi về việc sử dụng aspirin. Bác sĩ tim mạch Sharon Reimold, giáo sư và phó chủ tịch nội khoa tại Trung tâm y tế UT Southwestern ở Dallas, người không tham gia các nghiên cứu mới, cho biết trong số liệu báo cáo “không có cách nào để biết liệu những bệnh nhân này có nên dùng Aspirin hay không”.
“Không chỉ một số lượng đáng kể bệnh nhân tự dùng Aspirin, mà những thay đổi lâm sàng từ các khuyến nghị mới còn cập nhật chậm”, Reimold nói. “Aspirin thường được coi là một loại thuốc không kê đơn và nó có thể không xuất hiện trong danh sách thuốc của bệnh nhân”, bà nói. “Bệnh nhân cần phải thảo luận vấn đề này với người cung cấp và những nhà cung cấp này cần chất vấn thông tin về việc sử dụng các liệu pháp không kê đơn như Aspirin”.
- Xem thêm: Hãy cảnh giác với triệu chứng đau ngực
Trả lời nghiên cứu mới, TS Paul Gurbel, người phát ngôn của Bayer Aspirin, nói rằng một viên Aspirin hàng ngày vẫn rất quan trọng trong việc ngăn ngừa thứ phát cơn đau tim hoặc đột quỵ. “Một trong những mối quan tâm của tôi khi thấy nghiên cứu này được công bố là nó được báo chí đăng tải và những người đang sử dụng Aspirin để phòng ngừa thứ cấp ngừng dùng Aspirin và điều đó có thể gây chết người”, TS Paul Gurbel, giám đốc nghiên cứu về can thiệp tim mạch và nghiên cứu y học tim mạch tại Inova Health System ở Maryland, nói.
“Nguy cơ sẽ là, nếu họ dừng aspirin, họ có thể bị phát bệnh. Bạn không muốn tự mình uống Aspirin, cũng giống như bạn không bao giờ nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, trừ khi bạn nói chuyện với bác sĩ trước. Sau đó, bạn không nên ngừng Aspirin hoặc nếu bạn đang cân nhắc ngừng hoặc thay đổi liều dùng, bạn cần trao đổi với bác sĩ của bạn trước”.
Kể từ khi các hướng dẫn mới được phát hành, bác sĩ tim mạch Erin Michos nói rằng bà đã “chủ động giảm kê đơn” sử dụng Aspirin cho những bệnh nhân của mình từ 70 tuổi trở lên nếu họ không bị bệnh tim. “Ngược lại, cũng có lo ngại về những nguy cơ lớn hơn: Một số người đã mắc bệnh tim có thể hiểu sai các khuyến nghị trong hướng dẫn mới và ngừng dùng Aspirin không đúng cách mà không thảo luận với bác sĩ trước” – Michos, giáo sư và phó giám đốc khoa tim mạch phòng ngừa tại bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, cho biết.
“Điều quan trọng là mọi người cần phải biết rằng những khuyến nghị mới về Aspirin áp dụng cho những người khỏe mạnh không mắc bệnh tim từ trước. Ở những người khỏe mạnh trước nay không mắc bệnh tim, tác dụng phụ của Aspirin – cụ thể là chảy máu từ đường tiêu hóa – có thể nhiều hơn lợi ích vì tỷ lệ biến cố mạch máu ở người khỏe mạnh thấp hơn nhưng nguy cơ chảy máu là tương đương”.
Số lượng người lớn tuổi ước tính vẫn sử dụng Aspirin trong nghiên cứu mới, bất chấp rủi ro, là “rất đáng lo ngại”, Michos nói. Tuy nhiên, do nghiên cứu này dựa trên dữ liệu năm 2017, trước khi các hướng dẫn mới được đưa ra, cần có thêm nghiên cứu để xác định xem liệu con số trên có giảm hay không. Tóm lại, bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ xem aspirin có phù hợp với họ hay không.