Những thông tin về thực phẩm chứa chất độc hại như bún có chất huỳnh quang (Tinopal) có thể gây ung thư; sầu riêng, mít Thái được ủ bằng Carbendazim và Tebuconazole, có nguy cơ gây ung thư, quái thai, vô sinh; khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao gấp 16 lần mức an toàn, rau xanh được tưới nhớt thải pha với thuốc trừ sâu… liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong mấy tháng gần đây khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm nhưng cũng không thể đảm bảo rằng thực phẩm chứa chất độc hại không xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của chúng ta. Làm thế nào để hạn chế tối thiểu các chất độc hại từ thực phẩm? Để giải đáp cho câu hỏi này, DNSGCT đã có buổi trò chuyện với BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn của Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm Trung ương.
Thưa bác sĩ, phải chăng việc tìm một loại thực phẩm không hóa chất là điều khó khăn hiện nay?
Đúng vậy. Có thể nói hầu hết các loại thực phẩm chúng ta đang đưa vào cơ thể mỗi ngày, từ thực phẩm tươi sống đến đông lạnh hay chế biến, đều ít nhiều chứa hóa chất độc hại. Muốn tìm một loại thực phẩm không chứa hóa chất, phụ gia tôi e là điều “bất khả thi”. Bởi vì người bán thì luôn muốn kiếm lợi nhuận cao và nhanh chóng còn người tiêu dùng thì đòi hỏi món ăn phải vừa ngon vừa đẹp. Vì vậy, nhà sản xuất sử dụng ngày càng nhiều các loại hóa chất, thậm chí cả chất gây nghiện hay chất kích thích sự hưng phấn của não bộ.
Và hậu quả là…
Hậu quả là người tiêu dùng lãnh đủ các loại bệnh xuất phát từ nhu cầu ăn uống. Người ăn phải thực phẩm ô nhiễm độc tố vi khuẩn hay hóa chất thì thường có triệu chứng cấp tính xuất hiện chỉ 10 đến 15 phút sau ăn, như đau bụng, ói, đau đầu khủng khiếp, nổi mề đay, mẩn ngứa… Trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi, nếu nặng có thể tử vong trước khi đến được bệnh viện, hoặc để lại di chứng tàn phế suốt đời do bị nhiễm độc quá mức, do độc chất làm tổn thương cơ thể không hồi phục. Còn những bệnh hiểm nghèo và mãn tính là những bệnh do ăn thực phẩm bị nhiễm hóa chất, phụ gia độc hại, quá mức gây những bệnh hiểm nghèo và mãn tính như ung thư, xơ gan, u não… hoặc bệnh mang theo suốt quãng đời như: huyết áp cao, tăng mỡ máu, cholesterol cao, rối loạn tim mạch, suy nhược và đau thần kinh, rối loạn chuyển hóa, quái thai, động kinh… Trường hợp này không có bác sĩ nào có thể chẩn đoán được một khi chưa phát bệnh, vì mỗi ngày nạp vào cơ thể một lượng thấp không đủ để gây ra triệu chứng bệnh.
Đâu là những loại thực phẩm chứa nhiều hóa chất độc hại nhất?
Chứa nhiều hóa chất và phụ gia nhất là các loại thực phẩm chế biến như: lạp xưởng, xúc xích, khô bò, các loại giò chả, thịt xông khói, các loại bột, nước giải khát nhiều đường, thực phẩm ăn nhanh… Ngoài ra còn phải kể đến các loại thức ăn đường phố, nhất là món bánh tráng trộn bán khắp nơi ở TP. Hồ Chí Minh và thực phẩm ở bếp ăn công nghiệp, quán nhậu bình dân, tiệc nấu thuê.
Đã có quy định phải ghi hóa chất, phụ gia lên nhãn mác và đảm bảo mức an toàn cho phép theo quy định của Bộ Y tế…
Liệu có bao nhiêu người tiêu dùng quan tâm đọc kỹ về các chất phụ gia có trong sản phẩm? Quy định của Bộ Y tế có vẻ là một sự đảm bảo an toàn cho thực phẩm đến tay người tiêu dùng nhưng chúng ta không cảnh giác rằng mỗi chất phụ gia chỉ sử dụng đúng liều lượng an toàn nhưng khi thực phẩm cho nhiều loại phụ gia cùng một công dụng thì lượng chất phụ gia tăng lên nhiều lần”. Ngoài ra, còn nhiều chất độc hại chúng ta chưa cập nhật kịp cũng không có trong danh mục chất cấm.
Đó là chưa kể đến thực phẩm giả, nhái vẫn bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là ở chợ. Tiêu thụ thực phẩm giả, nhái cũng giống như chúng ta ăn toàn chất độc vậy.
Liệu thực phẩm ở siêu thị có đảm bảo sự an toàn cho chúng ta?
Theo tôi thấy thì thực phẩm mua ở siêu thị chưa chắc đã an toàn, chẳng hạn như hải sản đông lạnh. Nhiều siêu thị ở nước ta chưa có quy trình đông lạnh theo tiêu chuẩn quốc tế – sản phẩm phải đông thật nhanh ngay khi đánh bắt ở biển và bảo quản ở âm 18 độ C. Hải sản đã qua quá trình phân hủy mới đông lạnh hẳn là không đảm bảo an toàn.
Lượng lớn rau đưa vào siêu thị cũng từ những vườn rau đã phun đủ các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… Quy định về khoảng thời gian ngưng phun hóa chất trước khi thu hoạch chỉ là một sự đảm bảo an toàn tương đối và không phải mọi nông dân đều chấp hành quy định này. Chuyện người nông dân không dám ăn rau mình trồng ra là một điều hoàn toàn có thật.
Nhiều người cho rằng lựa chọn rau, củ, quả xấu xí dường như an toàn hơn rau quả kích thước lớn và da láng đẹp. Bác sĩ có đồng ý với ý kiến này?
Tôi không cho đây là tiêu chí để lựa chọn rau, củ, quả an toàn. Nhiều loại sâu bệnh kháng thuốc nên dù bị phun thuốc liên tục thì các loại rau, củ này vẫn bị sâu bệnh tấn công, bề ngoài không láng đẹp mà mức độảnh hưởng đến sức khỏe còn nghiêm trọng hơn. Thêm vào đó, việc lạm dụng thuốc trừ sâu cũng dẫn đến rau, củ quả bị co quắp lại, dân gian hay gọi là bị đèo.
Vậy chúng ta có thể sử dụng nước thuốc tím hay máy khử độc ozon để làm sạch rau quả không, thưa bác sĩ?
Thuốc tím là loại thuốc sát khuẩn, có thể diệt vi khuẩn nhưng nếu tồn dư thì cũng có nguy cơ gây ung thư, mà bình thường chúng ta rất khó kiểm soát lượng tồn dư. Phương pháp ozon, nano thực ra cũng không thể khử chất độc như lời quảng cáo.
Rất khó để tránh được rau, quả nhiễm độc. Muốn ăn rau sống tốt nhất chỉ có cách tự trồng trong các vườn rau nhân tạo mà thôi. Chúng ta chỉ có thể hạn chế hóa chất, phụ gia ở thịt, cá tôm bằng cách chọn mua các loại thực phẩm tươi sống vì cơ thể động vật sống có khả năng tự đào thải bớt các chất độc ra ngoài. Chúng ta cũng nên chọn những quán ăn đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.
Chọn quán ăn như thế nào để đảm bảo an toàn, xin bác sĩ giải thích rõ hơn. Liệu các nhà hàng lớn có phải là nơi ăn uống an toàn?
Thực tế thì tôi thấy có nhà hàng năm sao ở TP. Hồ Chí Minh vẫn phục vụ những loại hải sản có hóa chất vì nguồn cung cấp thực phẩm cũng từ siêu thị. Nhà hàng lớn chỉ an toàn hơn các quán nhậu bình dân hoặc các bếp ăn tập thể vì ít khi lạm dụng các hóa chất làm mềm thực phẩm (thịt bò, thịt heo) hoặc chất kích thích vị giác. Theo tôi, những quán ăn an toàn là nơi công khai quy trình chế biến, nấu nướng (thường đưa bếp ăn ra ngoài). Bản thân tôi khi ăn ở một quán nào cũng yêu cầu được phục vụ món ăn không chất phụ gia, dù là quán lớn hay nhỏ.
Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là bữa cơm được nấu ở nhà, nhất là nhân viên văn phòng. Tôi cũng khuyến khích nhân viên của mình mang cơm nhà theo để ăn trưa tại cơ quan. Ở một nước văn minh như nước Đức thì mọi người vẫn có thói quen mang theo cơm khi đi làm. Cần lưu ý là khi nấu ăn ở nhà chúng ta cũng lưu ý sử dụng các gia vị tự nhiên như gừng, nghệ, tiêu, ớt… không nên sử dụng bột ngọt và bột nêm.
Vì sao bột nêm lại không được khuyến khích sử dụng, mặc dù được quảng cáo là chiết xuất hoàn toàn từ thịt và xương?
Những lời quảng cáo như trên thoạt nghe có vẻ tiện lợi và an toàn nhưng thực tế thì bản chất của bột nêm chính là chất phụ gia siêu bột ngọt, hoàn toàn không thể thay thế các nguyên liệu thực phẩm thịt, cá. Tính ngọt của loại gia vị này gấp nhiều lần các loại bột ngọt khác. Đặc biệt, trong bột nêm chứa chủ yếu một loại chất tên gọi I & G, khiến người ăn luôn cảm thấy ngon miệng. Nhưng việc lạm dụng quá nhiều bột nêm trong nấu ăn lâu ngày sẽ dẫn đến các tác hại về tim mạch, gan, thận, hoặc gây dịứng, tê môi, tê lưỡi, mệt mỏi cho người sử dụng.
Tóm lại, chúng ta nên tránh sử dụng các loại thực phẩm nghi sử dụng nhiều phụ gia hoặc thấy phụ gia độc hại đã đăng trên báo chí. Mua thực phẩm tươi sống thì nên mua ở nơi biết rõ nguồn gốc thực phẩm, hoặc phải tìm hiểu kỹ thực phẩm đó trước khi mua. Đi ăn thì phải chọn nơi tin tưởng, thậm chí phải hỏi và biết đầu bếp chế biến như thế nào. Gia đình đông người cũng nên tự tổ chức các buổi tiệc vừa tiết kiệm vừa an toàn.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
Thanh Nhã