Cùng với ngôi đình, ngôi chùa làng là hai biểu tượng của làng quê đã có từ ngàn xưa khi người Việt Nam bắt đầu dựng nước, dựng làng.
Nếu đình là nơi cúng kỵ những người có công dựng làng thì chùa là nơi thờ Phật để dân làng lễ bái, tu thân, trau dồi đức hạnh, ăn hiền ở lành, để phước đức lại cho con cháu. Đó là đời sống tinh thần thiết thân của người Việt mà nếu không có nó thì mất đi ý nghĩa của một làng.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam được người Việt tiếp nhận và đã góp phần tạo nên nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Trong tiến trình thành lập làng xã ở vùng Bắc bộ, hay trong tiến trình lập làng mới ở đất phương Nam, người Việt định cư và lập làng ở đâu là dường như dựng chùa ở đó. Những ngôi chùa được xây dựng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và đã trở thành nét đẹp, biểu tượng trong tâm hồn của cư dân làng xã.
Ban đầu chỉ là những mái chùa tranh, vách đất, tượng Phật bằng đất trộn với trấu, rơm rồi tự tay người dân nắn ra. Tượng Phật đứng có, tượng ngồi trên tòa sen có. Có thể nói đó là đạo Phật của dân làng. Mỗi ngôi chùa làng đều được xây dựng ở những nơi có thế đất tốt, ở vị trí đầu làng hay ở giữa làng. Thời nhà Nguyễn, triều đình còn có chỉ dẫn cụ thể về việc xây dựng chùa.
Theo đó, “việc xây dựng chùa phải chọn đất tốt, ngày, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, hoặc có sông – ao hồ ôm bọc. Trước mặt chùa có minh đường hay không có minh đường cũng được nhưng phía sau không nên có núi áp kề, ấy là thế đất tốt”.
- Xem thêm: Thương nhớ đình làng
Ở những ngôi chùa làng, trước sân điện thờ, thường có những cây cổ thụ tỏa bóng mát tạo thêm không gian u tịch, cổ kính cho ngôi chùa. Theo các cụ xưa, trước khi xây chùa đã phải định vị trí trồng cây trước điện thờ với những loại cây như cây đại, cây đa, đề…, khi chùa dựng xong đã có bóng mát của cây xanh tỏa xuống.
Có chùa được dựng nơi thoáng đãng, trước có hồ sen, trong sân trồng nhãn, mai, thiên tuế và chuối. Cây chuối cũng có công dụng để lấy nãi cúng Phật. Chùa làng thường không có cửa hoặc có cửa nhưng không bao giờ đóng, cũng có khi chùa chỉ xây dựng hai trụ biểu tượng trưng cho chiếc cổng. Trong làng, dân cư ở thành xóm, nhà vườn liên tiếp nhau; xóm nào có nơi làm chùa làng thường được gọi là Xóm Chùa; khắp nơi làng nào cũng có Xóm Chùa.
Sư trụ trì chùa có thể là sư xuất gia, hay bán thế xuất gia, có khi họ chỉ là những thầy đồ hay chữ nửa tăng nửa tục, chăm sóc cây trái trong vườn chùa để hương khói ngày rằm, mồng một và thỉnh chuông chiều chuông sớm… Vì hằng thuận chúng sinh nên thầy thường thâm nhập vào cuộc sống đời thường, và chỉ khác với dân làng ở bộ quần áo nâu sòng, chiếc áo năm thân ngắn, lẫn chiếc quần có ống cao đến nửa bắp chân đều được nhuộm màu nâu đậm.
Thầy ở chùa thường biết chữ Nho nên bất cớ việc gì dân cũng đến nhờ thầy. Và vì thế hình ảnh vị thầy cùng với ngôi chùa làng đã trở thành cái không thể thiếu trong nếp sống văn hóa làng quê của biết bao thế hệ.
Chùa làng có nhiều cách thờ tự khác nhau. Mái chùa thấp nên thờ tự không phân biệt. Chỉ có tượng Thích Ca lúc nào cũng thiết chính giữa, còn chung quanh có chùa thờ đủ loại tượng. Trong căn nhà vuông nhỏ có hai chái mà trong đó có cả thờ tự, có chuông trống, phướn cờ, thế nhưng lại rất thân mật với dân làng.
Vào các ngày lễ lớn như rằm tháng Tư, rằm tháng Tám, lễ, Tết, nam nữ trong làng và những người lớn tuổi thường đến chùa lễ Phật. Những người dân quê hiền lành cùng với những lời cầu nguyện mùa màng tươi tốt, gia đạo bình yên, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đó cũng chính là lời cầu nguyện mẹ cha sức khỏe, gia đạo yên vui trong các ngày lễ lớn như mùa Vu Lan báo hiếu.
Có thể nói, mái chùa làng đã trở thành một mái ấm tinh thần của cư dân cả làng. Ai cũng đều có thể đến đây thỉnh một tiếng chuông, thắp hương lễ Phật, tìm thấy nơi đây sự bình yên và thanh thản trong tâm hồn. Cũng từ những dịp gặp gỡ tại chùa mà tình bà con, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn. Nề nếp của làng, của gia đình được giữ gìn bởi những vị tuổi cao đức trọng, những vị tộc trưởng. tình cảm của dân làng và mái chùa làng cứ thế dày thêm theo năm tháng…
Ngôi chùa làng một thời đã in dấu trong tâm trí của bao thế hệ, với tiếng chuông chùa sớm chiều vang lên trong không gian đồng quê yên bình. Tiếng chuông như nhắc nhở mọi người hãy sống thuận hòa, biết chăm lo cày cấy để có cuộc sống ấm no. Tuổi thơ nhiều người đã từng gắn bó với sân chùa, cây đa, gốc đại với biết bao kỷ niệm đẹp.
- Xem thêm: Đình làng Xuân Hiệp
Qua năm tháng, những ngôi chùa làng ở các miền quê không còn cảnh “tranh tre nứa lá” mà đã được xây dựng kiên cố, thờ phụng trang nghiêm hơn, thế nhưng nét trầm lặng, u tịch, rêu phong của những ngôi chùa làng vẫn luôn thể hiện nét đẹp và chiều sâu văn hóa với những nét đặc trưng về kiến trúc, điêu khắc, lịch sử của làng nói riêng, và của đất nước nói chung. Ngôi chùa mãi vươn cao mình như để che chở cho cả làng quê.
Trên con đường về các làng quê, đặc biệt ở đồng bằng Bắc bộ, chúng ta có thể thấy ngôi chùa làng hiện ra xa xa, mờ ảo trong làn sương khói dưới những tán cây cổ thụ. Hình ảnh đó gợi trong lòng kẻ tha hương bao nỗi rộn ràng náo nức; cho ai dù ở bốn phương trời, nhớ về quê cũ vẫn mong được nghe một tiếng chuông chùa, ngắm nhìn làng quê trong buổi chiều hôm với những cánh cò vội vã bay về tổ ấm…
Sách Quốc văn giáo khoa thư có bài học Chùa làng tôi, bài văn thật cảm động về những kỷ niệm với mái chùa làng: “… Ngày rằm, mồng một, cứ đến tối, tôi thường theo bà tôi lên chùa lễ. Sư cụ tụng kinh gõ mõ, ngồi ở trên; bà tôi và các già ngồi ở dưới, vừa lễ vừa Na mô Phật. Trên bàn thờ thì đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút trông thật nghiêm trang…”.
- Xem thêm: Nét đẹp xưa ở làng Cổ Am
Và nói đến chùa làng, chúng ta không thể không nhắc đến bài thơ Nhớ chùa của tác giả Huyền Không, tức cố Hòa thượng Thích Mãn Giác (1929-2006); một vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này thầy viết ở Sài Gòn năm 1956, sau khi từ Huế vào hành đạo ở chốn đô thành. Lời thơ chan chứa biết bao kỷ niệm nồng thắm với mái chùa xưa, trong đó có những câu:
“Vì vậy làng tôi sống thái bình,
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh.
Sắn khoai gạo bắp nuôi thôn xóm.
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Tối đến dân quê đón gió lành,
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh.
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi,
An ủi dân hiền mọi mái tranh…”.