Là mảnh đất có bề dày lịch sử, quận Thủ Đức nằm ngay cửa ngõ phía Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có nhiều đình, chùa…, trong đó, có 6 di tích cấp thành phố và 2 di tích cấp quốc gia, nổi bật là di tích đình Xuân Hiệp.
Đây là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được xếp hạng di tích theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15.12.2004 của Bộ Văn hóa-Thông tin.
Lịch sử đình Xuân Hiệp
Đình thần Xuân Hiệp (tên cũ là đình Xuân Trường) vì trước đây ngôi đình tọa lạc trên đất của thôn Xuân Trường, trên một khu đất tương đối cao, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20km về hướng Đông Bắc và cách chợ Thủ Đức khoảng 4km về hướng Nam. Đình thần Xuân Hiệp Cổng nằm lọt giữa khu dân cư đông đúc tại địa bàn khu phố 2, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức. Mặt tiền của đình quay về hướng Đông Nam; phía Tây đình giáp chợ Xuân Hiệp và Trường Trung học cơ sở Xuân Trường; phía Bắc và Nam đình giáp khu dân cư.
Theo sách Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, địa danh Xuân Trường đã có nhiều biến đổi trong lịch sử. Năm 1818, thôn Xuân Trường Tây Giáp thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, trấn Biên Hòa.
Năm 1836, thôn Xuân Trường Tây ở xứ Gò Thia (Đông giáp Mỹ Hòa, Tây giáp Tân An Hạ), tổng An Thủy Trung, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Từ năm 1885-1889, thôn Xuân Trường thuộc tổng An Điền, hạt Gia Định. Năm 1910, thôn Xuân Trường vẫn thuộc tổng An Điền, tỉnh Gia Định. Năm 1944, là thôn Linh Xuân, tổng An Điền, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Từ năm 1972, thôn Linh Xuân thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
Từ sau ngày 30.4.1975, là ấp Xuân Hiệp 2, xã Linh Xuân, huyện Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1.4.1997, là khu phố 2, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Thôn Xuân Trường Tây Giáp được thành lập vào khoảng năm 1818. Sau đó đổi thành thôn Xuân Trường Tây (khoảng năm 1836), rồilà thôn Xuân Trường (1885), nên đình Xuân Hiệp có thể được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1818 đến năm 1885, tức cách nay hơn 100 năm.
Xưa kia vùng đất đình Xuân Hiệp tọa lạc là khu rừng già với nhiều cây cổ thụ, cư dân thưa thớt. Tương truyền, ở vị trí phía trước cổng đình có một mạch nước ngầm tự nhiên phun lên từ dưới lòng đất tạo thành dòng suối Xuân Trường trong mát, là nguồn nước ngọt quan trọng phục vụ cho cư dân bản địa sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Khoảng năm 1937, bà Nguyễn Thị Chấn là cư dân địa phương đã bỏ tiền xây dựng ngôi miếu Thủy Long thờ Thần nước suối Xuân Trường, hiện ngôi miếu này nằm ở vị trí bên phải đi từ ngoài vào đình. Đồng thời, người Pháp cũng xây dựng một hồ tắm lấy nước từ mạch nước ngầm phun lên và xây dựng một nhà hàng phục vụ ăn uống cho khách đến tham quan cảnh đẹp suối Xuân Trường. “Ăn nem Thủ Đức, tắm suối Xuân Trường” là địa chỉ quen thuộc của khách du lịch ngày xưa khi đến vùng đất này.
Lúc đầu, ngôi đình có quy mô nhỏ, kiến trúc bằng tre lá, cây gỗ đơn sơ, phục vụ nhu cầu tâm linh thiết yếu cho những người con xa xứ tới vùng đất này mở làng, lập ấp. Năm 1928, khi dân số nơi đây đông hơn, cuộc sống khá giả, nhân dân trong vùng đã cùng nhau chung tay xây dựng lại đình Xuân Trường kiên cố với các khối nhà như: võ ca (nằm ngay trước sân tiền điện), nhà khách (nối liền khoảng sân giữa hậu điện và nhà túc) và đổi tên là đình Xuân Hiệp.
Từ năm 1928 đến nay, đình đã trải qua nhiều lần tu bổ. Năm 1946, các ông Mười Mỹ, ông chủ Hảo và các vị cao niên đã đứng ra tổ chức sửa chữa ngôi đình, thay thế các vì kèo, rui mè đã bị mục nát đều được thay mới. Mái ngói được lợp đẹp hơn và chắc chắn hơn, thay cửa mặt tiền của đình. Năm 1971, các vị cao niên tổ chức xây dựng tường rào bao xung quanh để bảo vệ đình. Năm 1972, đình trùng tu võ ca, khu hậu đình nơi thờ Tiền hiền, Hậu hiền, Chiến sĩ trận vong. Năm 1998, sửa chữa thay mới các vì kèo, rui mè bị mục nát. Tháng 10.2000, nền chính điện của ngôi đình được lát gạch bông thay cho nền bằng xi măng trước đây. Mặc dù vậy đình vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc của một ngôi đình cổ.
Đình Xuân Hiệp thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của thôn Xuân Hiệp. Sắc phong của đình ghi các mỹ tự: “Khai Nguyên Diệu Hóa Chính Đạo Đại Vương Tôn Thần”, cấp ngày 27 tháng 7 năm Bảo Đại thứ IX (1934). Ngoài ra, đình còn thờ Tả ban, Hữu ban, Ngũ thổ, Ngũ cốc, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, Thủy Long, Thần Hổ, Bạch Mã…
- Xem thêm: Thương nhớ đình làng
Đình Xuân Hiệp có kiến trúc 3 gian, 2 chái, diện tích xây dựng 765m2 trên tổng diện tích 2.012m2, gồm 5 khối nhà bao gồm: võ ca, tiền điện, chính điện, hậu đình, nhà khách và nhà túc. Chính điện và hậu đình kiến trúc dạng nhà tứ trụ, mái lợp ngói vảy cá, trên đường bờ nóc gắn tượng gốm “lưỡng long tranh châu”. Chính điện có khám thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, án thờ Tả ban, Hữu ban và án thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, khám thờ thần Ngũ Cốc, khám thờ thần Ngũ Thổ. Kề chính điện là hậu đình, thờ các vị tổ nghề, hương chức, viên quan viên chức có công với làng xã. Chính điện có các bao lam, khán thờ, hoành phi, câu đối được chạm khắc gỗ từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với các đề tài tứ linh, rồng phượng uốn khúc trong mây, mẫu đơn – trĩ, tùng – lộc…
Hàng năm, đình Xuân Hiệp có lệ cúng chính là lễ Kỳ yên vào các ngày 15-16.11 âm lịch, có mời đoàn hát tham gia biểu diễn. Đây là lễ hội được tổ chức trang trọng nhất với mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lệ cúng trong đình được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ gồm các nghi thức: lễ tế Tiền hiền – Hậu hiền, lễ tế các chư thần, nghi thức cúng chính gồm một loạt các lễ Thỉnh sanh, lễ Túc yết và lễ Đàn cả, giỗ Tiền hiền, hát bóng rỗi ở miếu bà Thủy Long.
Hát bóng rỗi ở miếu bà Thủy Long có ba phần: Chầu mời thỉnh tổ, Hát rỗi và diễn chặp bóng tuồng Địa Nàng. Mỗi lễ tế đều có đầy đủ số lượng học trò lễ, tế đủ 1 tuần hương, 1 tuần đăng (đèn), 3 tuần rượu, 1 tuần trà. Bước chân của học trò lễ, nhạc lễ, từng phần trong nghi thức hay văn cúng bằng chữ Hán… đều có thể được coi là những chuẩn mực trong nghi thức cúng đình thần.
Ngoài lễ Kỳ yên, đình Xuân Hiệp còn tổ chức lễ cúng vào các dịp: lễ Khai sơn, Khai hạ, Hạ nêu (7.1 âm lịch), lễ Thượng nguyên (15.1 âm lịch), lễ Trung nguyên (15.7 âm lịch), lễ Bà Thủy Long (10.10 âm lịch), lễ Hạ nguyên (15.10 âm lịch). Lễ vật cúng trong các dịp lễ này cũng gồm có: hương, đèn, trà, quả, rượu, xôi, thịt. Riêng lễ cúng Bà Thủy có heo quay, đầu heo luộc, cặp vịt, giấy vàng bạc… với nghi thức lễ cổ truyền.
Giá trị của đình thần Xuân Hiệp
Đình Xuân Hiệp được xây dựng cách nay hơn 100 năm, mang nhiều dấu ấn trong lịch sử kiến trúc Việt, tồn tại đã hơn 1 thế kỷ. Với quy mô và vị trí gò đồi, ngôi đình cho đến nay vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính từ khi khởi dựng.
Giá trị lịch sử văn hóa
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình thần Xuân Hiệp vẫn còn nguyên vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa của một vùng đất, là trung tâm tín ngưỡng, hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống, duy trì những thuần phong mỹ tục. Giá trị văn hóa của đình Xuân Hiệp được thể hiện thông qua các lễ hội văn hóa dân gian theo đúng tập tục và các nghi thức xưa. Trong những ngày lễ hội, cả một vùng rực rỡ sắc màu. Hàng năm vào ngày lễ hội, người dân thập phương về với quê hương để đóng góp công sức tạo nên một ngày hội văn hóa lớn nhất của địa phương.
- Xem thêm: Bông ô môi
Trước kia, đình thần Xuân Hiệp là nơi bàn bạc công việc chung của làng và là điểm sinh hoạt văn hóa. Ngày nay, sân đình là nơi thiếu nhi, đoàn viên thanh niên tập văn nghệ, thường xuyên tổ chức các hội trại truyền thống. Ngoài ra, đình còn là nơi họp để bàn những vấn đề liên quan đến tập thể như: tu sửa đình, tổ chức ngày hội, họp bàn những việc tang ma, hiếu hỷ, tổ chức các lớp học tình thương,… thể hiện tính cộng đồng sâu sắc.
Quận Thủ Đức có 7 ngôi đình thờ thần, đều có tổ chức lễ Kỳ yên, nhưng có lẽ không có lễ hội nào trên địa bàn quận lại thu hút được nhiều người tham dự như ở đình Xuân Hiệp. Bởi lẽ, Thủ Đức là vùng đất tập trung nhiều người dân ở khắp mọi miền trong cả nước về làm việc, mưu sinh. Đặc biệt hơn, ngôi đình nằm cạnh chợ Xuân Hiệp nên có rất nhiều tiểu thương và khách vãng lai đến viếng. Sự kết nối mà lễ hội đình Xuân Hiệp mang lại đó là thu hút được cả những con người tuy không được sinh ra và lớn lên ở Thủ Đức, nhưng đã coi đình Xuân Hiệp cũng như lễ hội nơi đây là điểm tựa tinh thần, là nơi để họ hướng về cội nguồn, tìm về ký ức quê hương và hướng về những giá trị tốt đẹp.
Ngày nay, đình Xuân Hiệp còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị. Đặc biệt, có nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao về kiến trúc xây dựng, hiện vật thờ cúng và nghi thức cúng tế mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Giá trị kiến trúc nghệ thuật
Kiến trúc đình Xuân Hiệp mang những đặc điểm nổi bật của ngôi đình tuyền thống, các trang trí trên kiến trúc thể hiện rõ nét tâm nguyện của người dân địa phương, các mảng chạm khắc cầu kỳ, đề tài phong phú đã góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Toàn bộ các cửa ra vào của ngôi đình, hệ thống cột, kèo, câu đầu, xà, con đội, đòn tay, rui, mè, các hoành phi, liễn đối, bao lam, khám thờ, xuyên hoa, ngai thần, trống mõ, lỗ bộ, hạc, lư đèn… đều là những tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật có giá trị gắn với di tích và được bảo tồn nguyên vẹn, thể hiện sự tài hoa, đức tính cần mẫn của cha ông thời xưa.
- Xem thêm: Có một Chùa Hương khác
Văn hóa luôn biến đổi không ngừng và để phát triển văn hóa, những chủ thể nắm giữ văn hóa phải biết chọn lọc, tiếp thu những cái mới dựa trên nền tảng về cái đẹp và sự tích hợp các giá trị; kết hợp có hiệu quả truyền thống và hiện đại, tạo nên một hệ thống giá trị, thu hút được người dân, định hướng người dân đến với những giá trị văn hóa truyền thống, kết nối con người với con người là ý nghĩa lớn nhất mà đình Xuân Hiệp cũng như lễ hội Kỳ yên nơi đây mang lại. Đình Xuân Hiệp cùng những di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận đã góp phần tạo nên diện mạo của một Thủ Đức đang trên đà phát triển đô thị vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.