Biết bao nghệ sĩ phải chờ những năm dài đăng đẵng, thậm chí sau khi họ qua đời, tài năng của họ mới được thừa nhận. Riêng Rembrandt van Rijn, họa sĩ bậc thầy Hà Lan thế kỷ XVII, danh tiếng đạt đỉnh cao khi chỉ mới 26 tuổi.
Cha của họa sĩ, chủ một hiệu xay bột, mong muốn con trai trở thành một người học thức nên ông làm việc cật lực, dè sẻn tiêu pha để con theo học Đại học Leyde. Nhưng chỉ sau 6 tháng, rõ ràng chàng trai chẳng để đầu óc vào việc học. Không phải cậu thiếu thông minh, mà vì cậu dành hết thời gian để vẽ. Cha mẹ Rembrandt đành gửi con cho một họa sĩ ở Leyde.
Chàng trai tiến bộ rất nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn, cậu đã có thể kiếm tiền ăn học nhờ thực hiện những khảo họa. Rồi Rembrandt gặp một người buôn tranh tên Hendrik van Uylenburg. Ông này đề nghị dành cho cậu một xưởng họa để vẽ chân dung những nhân vật giàu có, đáp lại cậu được hưởng tiền hoa hồng. Chàng trai không để lỡ cơ hội, nhận lời ngay.
Công việc này có lợi cho cả người vẽ và người bán tranh, có lẽ sẽ kéo dài nhiều năm nếu Rembrandt không tơ tưởng Saskia, cháu của Hendrik van Uylenburgh, đang được ông bảo trơ êvì sớm mất cha mẹ. Anh muốn chứng tỏ khả năng vượt lên số phận của mình với người yêu, vốn được thừa kế một tài sản lớn.
Cơ hội đã đến với anh vào cuối năm 1631. Y sĩ đoàn Amsterdam đăêt Rembrandt vẽ một bức tranh để treo trong phòng họp, với chủ đề bài giảng về giải phẫu học. Đây là một đề tài cổ điển nhằm tập hợp chân dung một số thầy thuốc trong một bức tranh. Chủ đề này thường thấy trong hội họa Hà Lan, cho đến lúc ấy chỉ giới thiệu những tác phẩm lạnh lẽo vô hồn.
Rembrandt đưa ra một cái nhìn khác về thể loại tranh này: thể hiện những gương mặt bộc lộ cảm xúc, từ vẻ ngạc nhiên pha lẫn khiếp sợ hay chăm chú, căng thẳng như bị mê hoặc, mà đa số con người thường cảm thấy khi dự một bài giảng về môn giải phẫu. Rembrandt chọn một bố cục cực kỳ đơn giản: các nhân vật nằm trong một hình tam giác.
Để tập trung sự chú ý vào các gương mặt, họa sĩ chọn trình bày phần ít quan trọng của bài học: nghiên cứu các cơ ở cánh tay. Kết quả: tác phẩm Anatomy Lesson of Dr. Nicolaes Tulp nhanh chóng lưu hành khắp Amsterdam. Chỉ hôm trước hôm sau, Rembrandt trở thành họa sĩ được hâm mộ vô cùng ở Hà Lan.
Năm 1631, họa sĩ chỉ nhận được một đơn đặt hàng chính thức, năm sau con số ấy lên đến 16. Tiền thù lao cao dần, cho đến 500 florin một chân dung, một số tiền đáng kể vào thời ấy. Mỗi sinh viên được nhận vào xưởng của Rembrandt phải trả mức học phí chóng mặt: 100 florin mỗi năm.
Saskia van Uylenburgh, một thiếu nữ có đôi mắt xanh biếc, cũng yêu Rembrandt ngay lần gặp đầu tiên. Rembrandt chỉ còn việc chinh phục người giám hộ khó tính Hendrik. Trong vòng 2 năm, bức rào cản ngăn cách cô gái quý tộc mồ côi giàu có với con trai một người xay bột nghèo khó bị xoá nhòa. Họ kết hôn vào năm 1634, khi chàng 28 tuổi và nàng 22.
Anh yêu nàng, nàng là ánh sáng, là niềm vui của trái tim anh. Rembrandt vẽ nhiều chân dung của Sakia, nàng là người mẫu trong nhiều tranh tôn giáo và lịch sử. Nhiều lần, Rembrandt thể hiện Saskia như Flora, nữ thần Mùa xuân. Một sự diễn đạt tinh thần phơi phới, thăng hoa của chính người vẽ. Một giai đoạn sáng tác cực thịnh của Rembrandt.
Hai vợ chồng sống trong một tòa nhà lộng lẫy ở Jodenbreestraat (hiện nay trở thành Bảo tàng Rembrandt). 3 đứa trẻ lần lượt chào đời rồi chết ít lâu sau khi sinh. Chỉ đứa con trai tên Titus được sinh vào năm 1641 và sống đến tuổi trưởng thành. Năm sau đó, Saskia qua đời, có lẽ do lao phổi. Những điều không may nối tiếp nhau kéo đến. Các chủ nợ bắt đầu hoạnh họe (họa sĩ vay tiền để mua nhà, đầu tư vào một số việc khác và cả vì lối sống hoang phí).
Bức tranh De Natchtwatch (Tuần tra ban đêm), mà họa sĩ bỏ công suốt một năm trời, chỉ được đón nhận bằng sự lãnh đạm. Trong nỗi cô đơn và thất vọng, Rembrandt ngả vào vòng tay cô giữ trẻ Geertje Dircx. Trong thời gian Saskia lâm bệnh, cô này được thuê để chăm sóc Titus. Rembrandt tặng nữ trang của vợ cho người tình.
Hành động này khiến gia đình van Uylenburgh bất bình. Vài năm sau, Geertje muốn tổ chức lễ cưới, nhưng họa sĩ từ chối. Dù sao đi nữa, theo di chúc của Saskia, người chồng sẽ mất quyền thừa kế tài sản của nàng nếu tái hôn. Geertje bỏ đi và toan bán số nữ trang được tạâng trên, nhưng bị Rembrandt ngăn cản. Geertje kiện ra tòa hầu nhận số tiền trợ cấp nhiều hơn số 160 florin/năm do Rembrandt ấn định. Phản ứng của họa sĩ rất tàn nhẫn, ông khiến mọi người tin rằng Geertje bị điên, khiến cô này bị đưa vào viện tâm thần ở Gouda.
Rồi Rembrandt dan díu với Hendrickje Stoffels, 23 tuổi, người giúp việc. Cô cũng trở thành người mẫu cho họa sĩ trong một số tranh. Năm 1654, cô hạ sinh một bé gái, Cornelia. Vào năm 1663, sau 15 năm chung sống, Hendrickje qua đời lúc 38 tuổi, do bệnh dịch hạch.
Những vụ tai tiếng ấy dần dần lan ra, số đơn đặt hàng vẽ chân dung cũng giảm. Trong 14 năm trời, Rembrandt liên tục gặp thất bại về mặt tài chính. Năm 1656, Tòa tối cao tuyên bố họa sĩ Rembrandt khánh kiệt. Ông bị trục xuất khỏi nhà, đồ đạc bị bán đấu giá cũng không thu đủ tiền để trang trải nợ.
Do Hội Họa sĩ Amsterdam ra luật cấm tất cả những người trong hòan cảnh tương tự như Rembrandt được tham gia buôn bán tranh với tư cách họa sĩ nên trong những năm cuối đời của Rembrandt, Titus và Hendrickje Stoffels phải dứng tên kinh doanh tranh, còn Rembrandt chỉ là người làm thuê: một giải pháp giúp họa sĩ tiếp tục vẽ mà không bị các chủ nợ đeo đuổi. Họa sĩ qua đời năm 1669, thọ 63 tuổi.
Chúng ta thường nghe nói một nghệ sĩ phải nếm trải nỗi đau khổ, lo âu và thất vọng thì tài năng của người ấy mới phát triển về cả sức mạnh lẫn chiều sâu và đạt đến sự toàn bích. Trường hợp Rembrandt đã chứng minh quy luật tàn nhẫn ấy. Khi các thử thách càng đè nặng, nghệ thuật của ông càng bừng nở. Trong nỗi đau đớn, thất vọng, nhiều kiệt tác hội họa ra đời. Một sự nghiệp lớn lao khởi đầu từ thành công đầu tiên của họa sĩ: Bài giảng giải phẫu của Dr. Nicolaes Tulp.