Rồi thì mẹ tôi vừa cầm điện thoại vừa nói: “Ủa, con vi rút gì đó mới, trời nóng vầy nó chết hả con?”. Có gì đó nghẹn ngang cổ, như một sự ân hận không gọi tên được dâng đầy.
Cả tháng rồi, những gì cả thế giới nghe ngóng chỉ là virus nCoV đã lan đến đâu, và bao nhiêu người chết mỗi ngày. Một người bạn tôi bay đến Mexico từ Mỹ – người Mỹ gốc Trung Quốc – cô kể chuyến đi nghỉ đã phải sắp xếp từ ba tháng trước, vì cả hai vợ chồng cô đều đi làm. Hôm đến sân bay Los Angeles, đứng giữa dòng người ùn ùn ra cửa ra máy bay, cô nơm nớp lo lắng mình sẽ bị chặn lại ở khúc nào đó, vì gương mặt châu Á nhiều người dị nghị.
Cuộc trò chuyện đó diễn ra ngắn ngủi. Cô cười tươi như cả mùa lễ hội về, bởi cuối cùng cả bốn người đã đến Mexico êm thấm, dù vừa xuống sân bay, cô đã cực kỳ vất vả mới đón được một chiếc Uber để về khách sạn. Chỉ vài ngày trước, một người Trung Quốc đến Los Angeles, thuê Uber đi chơi suốt nhiều ngày. Và khi trở về, ông bị xác định dương tính với corona. Một ngày sau đó, hãng taxi Uber tuyên bố tạm khóa 240 tài khoản của tài xế Uber ở Mexico City. Họ phải tự cách ly. Và đến bệnh viện nếu có triệu chứng gì.
Bằng cách bí ẩn nào đó, chỉ trong chừng một tháng, virus corona đã biến toàn bộ quan hệ người ở những nơi nó đi qua bằng sự ngờ vực, nơm nớp và nhiều bất an. Những bác tài xế đó ở Mexico City đổ mồ hôi kiếm tiền, mồ hôi khô là tiền cạn, họ sẽ làm gì trong suốt 14 ngày ứng dụng quay lưng đình chỉ họ? Tôi cố tưởng tượng ra hệ quả. Một gia đình thiếu nửa phần ăn. Một đứa trẻ nhìn bữa ăn vơi dần không hứa hẹn. Chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng ở Nayarit lắc đầu nói: “Sức lao động ở Mexico cực kỳ rẻ. Ngưng làm là họ ngưng có tiền. Ở đây tôi biết có những công nhân xây dựng chỉ làm đủ để mua thức ăn cho cả nhà” – ông nói vậy, và ngẫm nghĩ khi tôi hỏi mấy anh tài xế taxi đó sẽ kiếm gì ăn suốt 14 ngày cách ly.
Ở đất nước mỗi năm hàng chục ngàn người chết vì những thanh trừng của băng đảng ma túy, liệu bác tài taxi có giật mình kinh ngạc vì con virus chết người? Hay ông chỉ lầm bầm ức giận không thể kiếm sống thêm 14 ngày – vì có người khách lạ vô tình đã bước lên xe ông (hay ai đó) giữa mùa dịch bệnh.
Hôm ấy mẹ tôi gọi điện thoại. Bà dùng smartphone để liên lạc với con cháu và đọc tin tức hàng ngày. Những bà bạn bán quán liên tục chia sẻ những tin tức về virus: “Này nhé, nó chết ở trời nắng”, “Có gì mà lo, WHO bảo chẳng có gì đáng ngại”, “Đây, chị cứ xài khẩu trang vải nhúng với nước muối, yên tâm hết”. Mẹ tôi ngờ vực. Nhưng bà chẳng biết tin vào cái gì. Sau vài lần gặng hỏi tôi và nghe giải thích, sự ngờ vực dường như càng tăng lên. Mỗi tối, tivi vẫn phát đều đặn hướng dẫn dịch tễ, thông báo số ca nhiễm mới. Nhưng bà đọc được tiếng Hoa, và bà nói tin tức bên Trung Quốc khác lắm, người ta tội nghiệp lắm, nhiều người chết lắm.
Tôi không biết phải dùng kỹ thuật gì để giải thích cho bà hiểu báo chí quốc tế sẽ nhìn vấn đề khác báo chí địa phương ra sao. Và một nơi như Trung Quốc, nền thông tin bị kiểm duyệt trầm trọng đó, có thể bóp méo thông tin đến mức nào. Dù tin hay không tin, người ta vẫn ở trong một thái cực nào đó của nhầm lạc.
Nhưng mẹ tôi nói to trong điện thoại: “Mẹ không biết dịch khi nào hết. Nhưng mấy cô bán hàng nước chỗ mẹ đúng xui rồi. Chẳng ai mua nước. Chẳng có học sinh đi học. Cô bạn mẹ còn đang nuôi ba đứa con đi học” – sự mô tả thuần túy của người phụ nữ không đọc tin tức ấy đã làm hiện hình nạn nhân thực sự của thời bệnh tật. Những người vất vả lao động và phụ thuộc vào đồng tiền chạy ăn từng bữa, như chú xe ôm, anh tài taxi, cô bán nước… sẽ là nhóm đầu tiên vì virus mà vất vả hơn bao nhiêu lần.
Mẹ tôi ngừng đi bơi. Bà suy luận một hồi về nguy cơ thì bỏ đi siêu thị để khỏi bám vào thanh vịn thang máy. Suy luận tiếp, bà quyết định không đến những cửa hàng đông người, chợ búa xô bồ (nơi bà có nhiều bạn và thích chuyện trò). Người phụ nữ nhà tôi cuối cùng chỉ còn tiết mục tự tập yoga trên sân thượng và đi bộ một mình buổi chiều làm vui. Mùa dịch bệnh. Sự cô đơn là khi người ta sợ hãi phải nhìn thấy nhau.
Tôi tưởng tượng ra cái dáng lầm lũi của mẹ đi bộ trong khu phố, và nhớ đến cô bạn nhà báo của mình ở Hong Kong vừa dịch một bài viết về cô gái sống trong thành phố Vũ Hán những ngày bị cô lập. Bài viết có đoạn: “Thế giới thật yên ắng, và sự tĩnh lặng thật khủng khiếp. Tôi sống một mình, vì vậy tôi chỉ có thể biết còn có những người khác ở xung quanh mình thông qua tiếng ồn thỉnh thoảng vang lên ngoài hành lang. Tôi có rất nhiều thời gian để nghĩ cách sinh tồn”.
Ở Lyon (Pháp), người bạn đang du học của tôi nói cô không thể mua khẩu trang được ở đâu cả. Chỗ nào cũng hết, hoặc giá quá cao. Cô ngồi ở nhà suốt ba ngày không ra đường, khi những ca bệnh mới ở Pháp dần được thông báo. Những cuộc biểu tình của sinh viên, người lao động trong thành phố vốn rầm rộ vài tuần trước giờ chìm vào tĩnh lặng. Không ai muốn gặp mặt ai. Người tránh người đi để khỏi lo âu thứ virus lạ lùng lan rộng.
Cuối một buổi chiều, cô bé nhắn cho tôi: “Chị ơi, em tìm ra cách rồi. Phòng y tế ở trường em…” – hôm ấy, cô nhận được một hộp khẩu trang miễn phí, được đo thân nhiệt và trấn an bằng những món quà nhỏ từ nhân viên y tế. Họ dặn cô nếu thấy không khỏe cứ lên đây. Cô bé ôm hộp khẩu trang về nhà, xòe ra cho tôi xem bằng một tấm ảnh gửi trong tin nhắn. Suốt tuần, đó là lần đầu tiên em cười đùa trở lại, sau những âu lo dồn dập trong hộp thư trường, tin nhắn của thành phố và báo chí khắp nơi. Niềm vui được gỡ gạc lại bằng món quà khẩu trang cho em.
- Xem thêm: COVID-19 chiếm lấy mô phổi ra sao?
Vết nứt lo âu đã vỡ thêm nhiều mảnh trong lòng người từ đợt dịch bệnh này. Hôm ở siêu thị, bạn tôi bị cảm lạnh vì lướt sóng. Bạn hắt xì hai cái, vài bà người Mỹ đi sau đã không nề hà gì mà hỏi thẳng: “Bạn là người Trung Quốc hả?”.
Khi nào thì sự ngờ vực hóa thành kỳ thị? Với tám tỷ con người trên hành tinh, dịch bệnh lây nhanh hơn, sự bất tín dày thêm lớp nghi ngờ, và niềm tin cạn kiệt có khi chỉ vì người đối diện không được khỏe lắm. Tôi cố gắng mường tượng về không gian chung đầy nghẹt người như những sân bay quốc tế. Nơi ấy, chắc chắn dịch bệnh sẽ bị phát hiện qua những máy đo nhiệt độ, phòng cách ly, nhưng hàng ngàn người qua lại vẫn sẽ nhìn nhau bằng ánh mắt ngại ngùng không bày tỏ được. Họ từ đâu đến? Anh ta có phải người từ Singapore? Chuyến này nhiều người Đại lục không? – mớ câu hỏi vang lên như tiếng chuông âm âm trong đầu óc. Những uẩn ngờ không che giấu. Hãy tránh xa nhau ra. Đừng cầu đợi gì thế giới chan hòa năm châu yêu quý nhau. Con virus ấy – tượng hình trong che giấu và kiểm duyệt – đã xô đổ mọi nỗ lực gỡ bỏ hàng rào giữa người với người chỉ trong tích tắc.
Nhưng thế giới bên ngoài những chiếc khẩu trang và những hiệu lệnh cấm bay bất thần ập xuống, là chân dung của vô số người rất thực. Mấy trăm anh tài xế mất miếng cơm. Mấy trăm bà hàng nước (như bạn mẹ tôi) ngồi buồn không ai thèm ghé quán. Những du học sinh thấy mình trơ trọi giữa một thế giới mà chỉ cần mang hình hài châu Á đã hàm ẩn cùng một sự ái ngại ngờ vực. Hôm ấy, tôi đứng ở sân bay Puerto Vallarta, bỗng rùng mình tự hỏi, tôi sẽ phải chọn chuyến bay nào để về nhà, để không bị thình lình cách ly ở đâu đó giữa chặng, hoặc mất chuyến bay vì quốc gia nào đó bất ngờ chặn đường bay nối tuyến.
Trên bản tin buổi sáng, có biết bao người Philippines khác đã không thể quay lại Hồng Kông để làm người giúp việc, để làm kỹ sư, để kiếm sống lương thiện. Tổng thống của họ vừa cắt chuyến bay tới Hong Kong. Họ trở về nhà, hoang mang trước một thực tại ám đầy virus và dịch bệnh. Nhưng dường như sự đói khổ và cô đơn sẽ ập đến trước.