Tôi luôn tự thấy mình là dân Quảng Nam trong khi tôi hầu như chẳng sống hay lớn lên ở đó. Từ khi còn được mẹ bồng trên tay, tôi đã cùng cha mẹ và hai chị trở thành công dân Đà Nẵng – loại dân-hồi-cư, sau nhiều năm gia đình tản cư từ Quảng Nam và trở về từ Bình Định. Vậy mà trong tôi có gì đó cứ đinh ninh rằng mình là dân Quảng-Nam-rặt. Chuyện này chắc chắn có phần quyết định từ mẹ tôi.
Mẹ tôi luôn có vô vàn chuyện để kể, chuyện dài chuyện ngắn, chuyện vui chuyện buồn, chuyện làng Bảo An quê mẹ làng Phú Bông quê cha… Mẹ cần kể, như là cách để sống thêm lần nữa những gì mẹ đã sống, đã từng trải, đã mất đi. Mẹ cần chia sẻ cảm xúc, khoảnh khắc, hồi ức đó với người khác. Và khi nào tôi cũng là người nghe với tất cả sự chăm chú hào hứng. Tôi có thể nghe cùng một câu chuyện tới lần thứ năm, mười, hai mươi… mà vẫn thấy như thể lần đầu. Trong khi hai chị tôi, mỗi khi mẹ vừa mào đầu những câu quen thuộc là hai chị đã kêu “Hi hi, tái bản lần thứ một trăm…” rồi hè nhau bỏ chạy. Tôi trở thành một cặp với mẹ, vì mẹ thích nói còn tôi lại thích nghe.
Nếu không được nghe mẹ kể, làm sao tôi biết cái làng Phú Bông từ xưa xửa xừa xưa đã có dáng dấp một đô thị văn minh, nhà đã xây hai tầng và đồ nội thất thì toàn gỗ quý được thợ mộc Kim Bồng chạm trổ kỳ công. Làng có thư viện để người ta tới đọc sách, có sân để thanh niên chơi bóng đá, có cả sân khấu để thanh niên biểu diễn hát bội… Cha tôi là thành viên của cả hai đội bóng đá và hát bội, và đặc biệt, vì cha tôi hát giọng kim nên được giao đóng vai nữ, lý do đội hát bội không dành chỗ cho nữ. (Điều này khiến tôi liên tưởng tới kịch Noh Nhật Bản, cũng cho nam giới đóng thế vai nữ). Tất cả sự sung túc mà Phú Bông có được đều nhờ vào nghề trồng dâu nuôi tằm, với các sản phẩm tơ, lụa, đũi, tuýt-xo… nổi tiếng. Cha tôi chỉ học tới tiểu học, sau đó đi buôn hàng vải, mang từng tàu hàng sản phẩm của đại gia đình ra bán tận Hà Nội, sang cả hai thủ đô Nam Vang, Vạn Tượng.
Nếu không nhờ mẹ kể, sao tôi biết được thuở nhỏ, mẹ đã được bà ngoại gởi xuống Phố (Hội An), ở nhà người cậu để đi học. Nhưng chưa được nửa năm thì đã bị cậu Một – con trai duy nhứt của bà ngoại – bắt về, kẻo “Học cho lắm, lớn lên chỉ viết thơ cho trai”. Mẹ rất “hằm” câu nói này, mà mẹ đoán là từ vợ của cậu, chớ cậu không tự nghĩ ra. Đàn bà không đi học thường ganh ghét với người được đi học.
Nếu không nghe mẹ kể, sao tôi biết được thời thiếu nữ, mẹ đã phải vào vai “hộ vệ”, để đưa đường các cô thợ dệt của bà ngoại vào mỗi cuối chiều. Cô Chín/Mẹ là con út, phải đảm đương mọi việc trong nhà khi các anh chị đều đã có chồng vợ và ra riêng. Mỗi chiều tối khi ra đi, Cô Chín cầm theo hai vũ khí: cây roi dâu để dùng với ma, và cây gậy dài để dùng cho bọn con trai hay chọc phá. Chạng vạng tối là giờ ma thường hiện lên đi lẫn với người, các cô thợ dệt rất sợ nên phải có người đưa về. Quãng đường khá dài, ngang qua những đoạn nổi tiếng nhiều ma. Đó là cái giếng nơi một cặp tình nhân đã nhảy xuống tự trầm, do bị gia đình ngăn cấm bởi không môn đăng hộ đối. Mỗi hoàng hôn, cặp tình nhân ma lại xuất hiện, quẩn quanh lảng vảng nơi ngày xưa họ từng hẹn hò, tình tự… Tôi hỏi mẹ: “Cây roi dâu là để mẹ đánh ma à?”. “Làm răng dám đánh, để “quét” dưới chưn thôi, coi thử là ma hay người”. “Gặp ma thì mẹ làm chi?”. “Thì chạy đứt thở về nhà chớ làm chi”. Nhờ cây roi dâu nên ma không hại được mình, ma kỵ cây dâu.
Rồi mẹ kể những lần gặp “ma sống”. Đó là những tối thượng/hạ tuần, trời không trăng. Đường làng hai bên toàn tre, trong bóng đêm, tiếng tre nghiến kẽo kẹt hệt tiếng ma đang đưa võng. Lần đó, trên đường trở về, mẹ sựng lại khi thấy trên vòm tre giữa đường những hình người trắng lướt thướt giống thây ma mặc đồ liệm cứ quằn quại, đu đưa, chờn vờn chặn đường mình. Mẹ chết lặng hồi lâu, sau đó lấy hết can đảm giơ cây roi dâu lên, quơ thử… Cây roi đụng phải một thứ có hình dạng. Vậy là người, không phải ma! Mẹ bèn vung gậy lên, quất cật lực vào mấy con ma… Bận treo người trên ngọn tre không thể tránh đòn, mấy con ma kêu oai oái: “Đau quá chị Chín ơi! Tụi tui sợ rồi, hông dám chọc chị nữa…”.
Qua những chuyện kể của mẹ, tôi còn biết được những ông chồng Quảng Nam ngày xưa đã “qua mặt” vợ ra sao…
Đó là ông cậu Q. của mẹ. Mỗi khi bà mợ có việc đi Phố (Hội An), ông lại kêu mẹ qua nhà, sai chạy sang hàng xóm gọi một bà nào đó tới nhà, để đảm nhiệm ngắn hạn vai trò của bà mợ… Mẹ kể, trong khi mẹ còn chưa ra khỏi nhà, ông cậu đã mau mắn giũ dọn giường chiếu, sẵn sàng đón khách. Sau này, mỗi lần về quê ngoại, chạy chơi trong ngôi nhà ngói cao rộng, với những cột gỗ tròn to có phần chân lót đá, tôi thường vịn tay chạy quanh cột gỗ bóng lộn rồi hét thật lớn để nghe tiếng mình dội lại. Rồi tôi nhìn quanh quất, cứ sợ ông cậu đang đứng ngồi đâu đó sẽ la rầy, dù ông cậu đã mất từ lâu.
Đó cũng chính là cha tôi. Khi mẹ đang sinh chị Ba, còn nằm trong buồng gói, thì mẹ nghe tiếng trống tom-chát vang lên gần xa. Sinh nghi, mẹ vào lục tủ, phát hiện cái khăn gói đầy tiền đã biến mất theo cha tôi. Vậy là mẹ túm chị Ba chỉ bằng một tay, xông thẳng tới cái nhà đang tom-chát nọ. Đích thị cha tôi đang hớn hở thả trống chầu thưởng các đào nương mặt hoa da phấn rước từ Hà Nội về đang lảnh lót Hồng hồng tuyết tuyết… Mẹ vẫn rất kiềm chế, gọi nhỏ: “Cha con S. (tên chị Ba) ra tui gặp chút coi”. Cha nhìn ra, thấy “hình tượng” mẹ và chị Ba như vậy, bèn lẳng lặng đứng lên đi ra, theo mẹ về nhà. Nhưng ông vẫn để cái khăn tiền lại cho mấy ông bạn tiếp tục cuộc vui.
Tôi hỏi: “Nếu cha không chịu về thì mẹ làm chi?” – “Thì tau về nằm vạ, bắt phải “để”. Tau nằm cho tới lúc con giòi to bằng cái bắp tay, lạy tau tau còn chưa dậy, chớ tưởng giỡn mặt với tau hả…”. Ui trời, hèn chi cha tôi luôn nể sợ mẹ, đi đông đi tây gì rồi cũng trở về, để làm cây cột cái trong gia đình…
***
Là Quảng-Nam-rặt, nên khi lội trong cái chợ Bà Hoa-Bảy Hiền ngập tràn đồ ăn xứ Quảng, tôi như thấy cả tuổi thơ mình sống lại.
Đó là hai món bánh tổ, xôi ngọt luôn song hành cùng bánh tét ngày Tết. Bánh tổ làm từ bột nếp, mềm và ngọt dịu với lớp mè trắng rắc bên trên, có thể xắt ra ăn sống trong ngày Tết. Sau Tết, bánh đã cứng lại, đem xắt lát chiên giòn, lại có một vị ngon kiểu khác. Xôi ngọt mẹ tôi đóng khuôn luôn rất đẹp: khô ráo, chín vừa, không quá ngọt, là món lương khô tôi mang vào Sài Gòn sau Tết, để lúc đói cắt một miếng, nhấm nháp vị bùi của đậu đen trộn lẫn vị béo của mè, vị cay và mùi thơm của gừng, an ủi cõi lòng cô sinh viên nhớ nhà nhớ Tết.
Đó là những món mắm siêu đẳng với tôm, ruốc tươi hồng hay cá cơm thuyền chài mới đánh về còn ánh lân tinh. Ngoài mắm trường để ăn dài ngày, mắm xổi ăn liền sẽ được cho ít muối. Khi mắm vừa chín, bà ngoại sẽ phụ trách việc “nhận” dưa vào hũ mắm. Có thể là loại dưa đèo dùng nguyên trái, cũng có thể là dưa gang dài, xắt lát mỏng sau khi đã bỏ ruột. Mỗi lần bà ngoại ngồi xắt dưa, lũ cháu chầu hẫu xung quanh, chờ được ăn ruột dưa. Những cái ruột dưa tuổi thơ sao mà mát lành ngon ngọt. Bà ngoại phải phân phối đồng đều, hết đứa này tới đứa khác, để không phải nghe những lời thưa kiện dông dài.
Đó cũng là món bánh thuẫn quê mùa thân thiết, thơm phức trứng gà tươi va-ni, mà chỉ riêng việc đánh trứng đánh bột sao cho “nổi”, bài gia chánh đầu tiên mẹ chỉ dẫn, đã là niềm vui lớn của những cô gái nhỏ.
Lại còn món ruột già xào nghệ, món-ăn-thuốc-nam hấp dẫn, dành cho những đứa con bị ho hen/cảm lạnh của mẹ. Ruột già làm thiệt kỹ không còn mùi, nghệ tươi và củ nén giã giập, thêm lá hẹ, xào lên thơm phức. Khi ăn vào, người cứ nóng bừng lên và cổ họng thì được tẩy rửa sạch bong, bao nhiêu ho hen biến mất. Ngôi chợ Bà Hoa là một nét duyên hết sức riêng biệt của Làng dệt Bảy Hiền. Ngày xưa, vùng ngoại vi này là rừng cao su. Trận lụt Giáp Thìn 1964 xóa sạch bao ngôi làng Quảng Nam, đưa những lưu dân xứ Quảng vào đây, hình thành một làng dệt ăn nên làm ra với những xưởng lớn nhỏ máy chạy ầm ào suốt ngày, và cùng với hàng lãnh, satin, là giọng Quảng “rẹt” khắp nơi, ngay cả với thế hệ được sinh ra ở Sài Gòn.
Càng trưởng thành, tôi càng hiểu tâm hồn mỗi con người được bồi đắp từ những mẩu chuyện, những câu nói, những cảm xúc vô cùng bé nhỏ, để hình thành tính cách và bản ngã cá nhân, một cách không hề chủ định.
Nếu bạn là người hay hoài niệm, hãy lội chợ Bà Hoa để thưởng thức bao món ăn nhà quê ngập tràn tình-thương-mến-thương: bánh đập mắm nêm, mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, mít trộn, ốc xào… mê tơi, rẻ rề, no cành bụng. Khi rời chợ, bạn còn có thể mang về hàng chục loại mắm ngon vô kể, các loại bánh mè/dừa/đậu xanh, chả bò Đà Nẵng, mạch nha Quảng Ngãi, mè xửng Huế…, chưa kể những thứ như củ nén, trái bồ kết, đường tán… là hàng độc quyền của chợ Bà Hoa.
Chợ Bà Hoa hay ho thú vị là vậy, mà chẳng hiểu vì sao lại bị xóa tên, thay bằng cái tên Chợ Phường 11 trụi lủi, vô duyên vô vị, mất hết giá trị văn hóa lịch sử của cái tên cũ giàu tình nghĩa. Vẫn còn những Bà Quẹo, Bà Chiểu, Bà Hom… khắp Sài Gòn, thì tại sao Bà Hoa lại biến mất? Người ta không chịu hiểu rằng trong cái tên bình thường ấy chất chứa bao nét văn hóa lịch sử đáng yêu đáng quý, đáng trao truyền gìn giữ thật sao?
Nếu đúng vậy thì thật đáng tiếc cho Làng dệt Bảy Hiền và đáng thương cho những kẻ mù văn hóa đang xóa đi rất nhiều giá trị không dễ gì có được.
Ngày xưa, khi kể cho tôi những câu chuyện không đầu không cuối, mẹ tôi chẳng hề có ý định “giáo dục” tôi. Nhưng những chuyện kể ấy cứ đi thẳng vào tim, ngủ lại trong đó, rồi lớn lên cùng tôi theo năm tháng. Càng trưởng thành, tôi càng hiểu tâm hồn mỗi con người được bồi đắp từ những mẩu chuyện, những câu nói, những cảm xúc vô cùng bé nhỏ, để hình thành tính cách và bản ngã cá nhân, một cách không hề chủ định.
- Xem thêm: Bò tái cầu Mống
Một vùng đất cũng vậy. Văn hóa không bao giờ có sẵn một cục to bự để nhét ngay vào đầu ai đó trong một sớm chiều, mà nó lẳng lặng, âm thầm, thấm dần từ những giọng nói, món ăn, cái tên, cách ứng xử… Và qua rất nhiều năm tháng, nhiều biến thiên sàng lọc, để loại bỏ cái cần phải bỏ và giữ lại cái cần gìn giữ.
Văn hóa, quả thật là đơn giản nhưng không phải ai cũng hiểu và ai cũng có thể sở đắc…