Mức giá đất ở đô thị cao nhất tại TP.HCM vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng/m2; giá đất ở đô thị thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở…
Sáng 15-1, HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức kỳ họp bất thường. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.
Tại kỳ họp này, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn giai đoạn 2020-2024 nêu tại Tờ trình 5462 ngày 31.12.2019 của UBND TP. Đây sẽ là căn cứ để UBND TP.HCM ban hành quyết định bảng giá đất áp dụng trong 5 năm tới.
Theo tờ trình của UBND thành phố, bảng giá đất được xây dựng đảm bảo nằm trong khung giá đất của Chính phủ quy định, giá đất mới giai đoạn 2020-2024 được đề xuất giữ nguyên mức giá hiện hành của các tuyến đường.
Mức giá cao nhất là 162 triệu đồng/m2 đất ở tại đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1). Giá đất ở đô thị thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2…
Ngoài ra, bổ sung 4 loại đất chưa được quy định trong bảng giá đất giai đoạn 2015 – 2019 gồm: đất khu chế xuất, khu công nghiệp và đất trong khu công nghệ cao; đất nghĩa trang, nghĩa địa; đất giáo dục, y tế; đất tôn giáo nhằm khắc phục những hạn chế của bảng giá đất giai đoạn này.
Thay đổi, điều chỉnh tên một số tuyến đường trong bảng giá đất ở của 23 quận, huyện với 445 tuyến đường; bổ sung mới 364 tuyến đường, đoạn đường tại 15 quận, huyện; đồng thời loại bỏ giá đất ở 266 tuyến, đoạn đường do đã điều chỉnh
Sau khi Nghị quyết ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất được Hội đồng Nhân dân thông qua, đây sẽ là cơ sở để áp dụng trong giai đoạn 2020 – 2024, dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt, tính tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại…
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố khẩn trương triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chú ý lắng nghe ý kiến của người dân để kịp thời chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng và trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất này được xây dựng 5 năm 1 lần và công bố vào ngày 1/1 năm đầu tiên của chu kỳ.
Giải thích cho việc không kịp công bố bảng giá đất mới theo luật định, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp.HCM, cho biết việc xây dựng bảng giá, hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với trình tự pháp lý và Luật Đất đai.
UBND Tp.HCM và sở không kịp trình Hội đồng Nhân dân thành phố tờ trình về bảng giá đất và quy định hệ số điều chỉnh giá đất trong kỳ họp trước bởi nghị định quy định về khung giá đất được Chính phủ ban hành ngày 19/12, sau kỳ họp thường niên cuối năm của Hội đồng Nhân dân.
“Đây là lần đầu tiên nghị định của Chính phủ về khung giá đất cơ bản giữ nguyên khung giá của chu kỳ cũ, việc này giúp giá đất giữ tính đảm bảo và hạn chế biến động bất thường”, ông Nguyễn Toàn Thắng lý giải.