Nữ sĩ quan cảnh sát không nhận hối lộ ở Peru
Trong 4 năm làm cảnh sát giao thông trên các tuyến đường chính ở thủ đô Lima của Peru, nữ sĩ quan cảnh sát giao thông Estefany Cerro Flores đã nhìn thấy và nghe thấy đủ mọi chuyện. Duy chỉ có một điều luôn khiến cho cô bực mình: đó là cánh tài xế nghĩ rằng họ có thể đưa tiền hối lộ để không bị xé vé phạt. Nếu như nạn tham nhũng lan tràn như bệnh dịch tại nhiều nước Mỹ La tinh có “bộ mặt công khai” thì có lẽ đó chính là những sĩ quan cảnh sát biến chất vòi tiền hối lộ để cho phép các tài xế phạm luật giao thông không bị phạt.
Tham nhũng được chấp nhận như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày ở Peru, và bất cứ tài xế taxi nào cũng than phiền họ phải trả “coima” (tiền hối lộ) cho cảnh sát giao thông. Nhưng với sự xuất hiện của lực lượng nữ cảnh sát, thực tế đó khó tiếp tục tồn tại. Vào cuối thập niên 1990, vấn nạn tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng đến mức hai thành phố Mexico City của Mexico và Lima của Peru phải tiến hành cuộc thử nghiệm mới: đó là sử dụng nữ sĩ quan cảnh sát tuần tra trên các tuyến đường thủ đô.
Mặc dù gần như không có cuộc nghiên cứu hay dữ liệu vững chắc nào được thực hiện, song mọi người đều nhất trí rằng lực lượng nữ cảnh sát giao thông làm việc có hiệu quả và minh bạch hơn nam giới. Nghiên cứu năm 2012 của Proetica – chi nhánh tổ chức chống tham nhũng Transparency International (Minh bạch Quốc tế – TI) ở Peru – ghi nhận 66% sĩ quan cảnh sát nam tham nhũng so với chỉ 19% ở phái nữ.
Cuộc điều tra trực tuyến do trang web Peru.com tiến hành tiết lộ 69% những người tham gia trả lời đồng ý với sáng kiến nữ cảnh sát thay thế nam cảnh sát trên đường phố nhằm cải thiện tình trạng an toàn giao thông cũng như giảm bớt nạn tham nhũng, trong khi có 29% không đồng ý. Năm 2014, chính quyền thành phố Lima đã rút 500 nam cảnh sát ra khỏi đường phố và thay vào đó là 2.074 nữ cảnh sát.
Ở Peru, chiến lược sử dụng nữ cảnh sát lần đầu tiên được thi hành dưới thời tổng thống Alberto Fujimori (1990-2000). Một nữ cảnh sát giấu tên cho biết: “Chúng tôi được thuê dụng để làm sạch đường phố. Cánh tài xế có thể lăng mạ chúng tôi nhưng không thể đưa tiền hối lộ”. Tuy nhiên, các nữ cảnh sát cũng thừa nhận tham nhũng là vấn đề lớn nhất trong lực lượng Cảnh sát Quốc gia Peru (PNP).
Ngay sau khi Peru sử dụng nữ cảnh sát vào năm 1998, Mexico City cũng thông báo chương trình cải tổ thay thế 900 nam cảnh sát giao thông với phụ nữ. El Salvador, Panama, Ecuador và Bolivia cũng biên chế phụ nữ trong các đội cảnh sát giao thông.
Nữ sĩ cảnh sát chống phân biệt chủng tộc ở Thụy Điển
Những cuộc bạo động xảy ra ở Thụy Điển vào tháng 5.2013 gây chấn động thế giới và trong hoàn cảnh rối ren như thế đất nước này cần đến những người như Rissa Seidou, nữ sĩ quan cảnh sát ưu tú thông thạo khu vực Husby – vùng ngoại ô thủ đô Stockholm – và người dân ở đó. Husby là địa phương khởi phát những cuộc bạo động và từ đó lan ra các vùng ngoại ô khác. Tình trạng rối loạn cho thấy rõ mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa lực lượng cảnh sát và một số người dân trong những cộng đồng nghèo khổ – họ than phiền về thái độ phân biệt chủng tộc của cảnh sát.
Rissa Seidou thừa nhận cảnh sát đã sử dụng những ngôn từ phân biệt chủng tộc trong những cuộc bạo động của người dân. Nói tóm lại, người nhập cư luôn là đối tượng phân biệt đối xử của cảnh sát Thụy Điển hiện nay. Gần 85% trong dân số 12.000 người của Husby là dân nhập cư thuộc thế hệ đầu hay thế hệ thứ hai. Lý do dẫn đến những cuộc bạo động ở Thụy Điển là vấn đề phân biệt chủng tộc gây tranh cãi. Rissa Seidou phục vụ ngành cảnh sát đã 8 năm và nay đã hơn 30 tuổi. Rissa chào đời ở quốc gia Tây Phi Togo, nhưng lớn lên ở Pháp. Khi được 20 tuổi, Rissa theo cha mẹ đến Thụy Điển sinh sống.
Lúc đó, Thụy Điển chưa gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nên không chấp nhận nền giáo dục Pháp của cô. Rissa thế là buộc phải học lại bậc trung học ở Thụy Điển cùng với học trò bản xứ nhỏ tuổi hơn nhiều. Về sau, Rissa gia nhập lực lượng cảnh sát Thụy Điển bất chấp sự ngăn cản từ người thân và gia đình vì họ cho rằng cảnh sát nước này phân biệt chủng tộc.
Rissa Seidou cho biết cô là nữ sĩ quan cảnh sát Thụy Điển đầu tiên có cha mẹ là người Phi. Rissa thường xuyên xuống phố tiếp xúc với người dân, nói chuyện với thanh thiếu niên trong câu lạc bộ. Rissa nói: “Người dân nhập cư đóng thuế như mọi công dân Thụy Điển khác và họ cần cảnh sát. Do đó, cảnh sát nên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ”. Hiện nay, chỉ có 1 trong số 20 sĩ quan cảnh sát Thụy Điển xuất thân từ gia đình người nhập cư.
Nhưng Rissa cho rằng cảnh sát Thụy Điển không cần phải tuyển mộ thêm người từ các cộng đồng dân nhập cư mà thay vào đó nên thường xuyên tiếp xúc với người nhập cư từ các quốc gia khác, học hỏi văn hóa của họ. Người dân Husby đánh giá Rissa là cảnh sát tốt và họ nhận định mọi người sẽ không thù ghét cảnh sát nếu như tất cả đều giống như Rissa Seidou.
Mexico tăng cường tuyển dụng nữ cảnh sát
Giám đốc Cảnh sát Giao thông bang Mexico là Rosalba Sanchez Velazquez. Bà phục vụ trong ngành đã 25 năm và lãnh đạo lực lượng từ năm 2011 khi chính sách sử dụng phụ nữ được thi hành. Rosalba cho biết: “Theo một nghiên cứu, phụ nữ có trách nhiệm hơn và biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu làm điều xấu. Những lời kêu ca về nạn tham nhũng lan tràn gia tăng đến mức thống đốc phải ra quyết định thành lập một đơn vị cảnh sát chỉ toàn nữ.
Kết quả là từ 100 vụ than phiền thì bây giờ chỉ còn 1 hay 2”. Tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Mexico đã trở thành dịch bệnh nguy hiểm đến mức bang Mexico phải tìm kiếm giải pháp chống đỡ bằng cách tăng cường tuyển dụng phụ nữ và hiện nay có gần 400 nữ cảnh sát. Maria Elena Morera, nhà hoạt động an ninh công cộng, bình luận: “Những gì mà chúng ta nhìn thấy được trong lực lượng cảnh sát là chỉ có 3 trong số 10 nam giới vượt qua được cuộc kiểm tra lý lịch, trong khi đó có đến 7 trong số 10 phụ nữ vượt qua vòng này. Hơn nữa, thời gian và quy trình tuyển mộ phụ nữ cũng nhanh hơn. Phụ nữ được đánh giá là ít tham nhũng hơn nam giới”.
Ximena Andion, giám đốc điều hành Viện Khoa học Lãnh đạo Simone de Beauvoir của Canada, bình luận: “Do những vai trò trong xã hội như là chăm sóc người bệnh trong gia đình nên phụ nữ có xu hướng nghĩ đến sự thịnh vượng của xã hội. Theo tôi, đó là một trong những lý do khiến cho phụ nữ ít tham nhũng hơn nam giới”. Tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Mexico rất phức tạp và xảy ra ở mọi cơ quan hành pháp địa phương đến bang và liên bang. Nhiều người muốn gia nhập cảnh sát vì những động cơ cá nhân giấu kín hơn là do thực sự muốn bảo vệ luật pháp.
Thậm chí, một số người gia nhập cảnh sát để kiếm được số tiền kha khá trước khi rời khỏi ngành để thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, một số khác muốn trở thành cảnh sát để dễ bề phạm pháp mà không bị trừng phạt. Khoảng 43% người dân Mexico tin rằng tham nhũng là rào cản chính để xây dựng lực lượng cảnh sát hoạt động hiệu quả.
Nhiều người dân Mexico khẳng định họ sẵn sàng hối lộ cảnh sát chỉ vì một số lỗi nhỏ nhặt như là đỗ xe không đúng quy định hay vi phạm khi tham gia giao thông. Giới doanh nhân Mexico nhấn mạnh cảnh sát tham nhũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Một số người còn tuyên bố tham nhũng là cuộc khủng hoảng quốc gia.
Juan Pardinas, tổng giám đốc Viện Cạnh tranh Mexico, nhận xét: “Tất cả những vấn đề lớn như là tội phạm có tổ chức, bạo lực, nghèo đói và kinh tế tăng trưởng chậm đều trở nên trầm trọng hơn do nạn tham nhũng. Mọi vấn đề này đều liên quan trực tiếp đến sự bất lực của chính quyền trong trừng phạt cảnh sát và chính khách nhận hối lộ từ tội phạm. Nếu chúng ta không thể đối mặt với nạn tham nhũng thì chúng ta cũng sẽ không thể đối với những vấn đề khác”. Theo số liệu nghiên cứu từ Viện Thống kê Quốc gia Mexico, có đến 55% người dân nước này bị buộc phải hối lộ cho cảnh sát.
Không dung tha cho tội phạm và chống tham nhũng ở Ukraine
Maya Breslavska, 31 tuổi, phụ nữ đầu tiên lãnh đạo lực lượng cảnh sát tuần tra Boryspil – một trong 28 cơ quan cảnh sát ở Ukraine, được thành lập hồi mùa hè năm 2015. Hồi còn trẻ, Breslavska là vận động viên đấu kiếm hàng đầu của Ukraine.
Môn thể thao mà người phụ nữ nhỏ nhắn này đam mê đòi hỏi tinh thần kỷ luật cao, sức bền và phản xạ tốt – những phẩm chất thích hợp cho Breslavska trở thành người chỉ huy 178 sĩ quan cảnh sát dưới quyền. Breslavska vượt qua nhiều bài kiểm tra khắt khe trước khi được chọn vào lực lượng cảnh sát trong số 4.000 thí sinh.
Các bài kiểm tra bao gồm thử thách trí thông minh và thể lực cũng như một số câu hỏi trắc nghiệm kiến thức và tính liêm chính. Cảnh sát Tuần tra Boryspil – thành phố nằm trong vùng Kiev Oblast miền Bắc Ukraine và là nơi tọa lạc sân bay quốc tế của Kiev – mặc cảnh phục màu đen giống như cảnh sát Mỹ và camera nhỏ được cài trên ve áo của họ để quay video làm bằng chứng truy tố tội phạm về sau hay được sử dụng cho những chương trình truyền hình thực tế.
Breslavska nói: “Người của tôi được huấn luyện kỹ càng và điều quan trọng là phải nắm vững về luật pháp cũng như có khả năng xử lý giảm nhiệt những tình huống căng thẳng. Sử dụng bạo lực đã thuộc về quá khứ”. Hối lộ cũng bị ngăn cấm trong lực lượng. Một sĩ quan tiết lộ: “Chúng tôi nói rõ với người dân rằng hối lộ được coi là một tội và có thể bị truy tố trước pháp luật”.
Các thành viên Cảnh sát Tuần tra Boryspil nhận lương trong khoảng từ 350 đến 530 euro/tháng – gấp đôi mức lương trung bình ở Ukraine và gấp 5 lần mức lương của cảnh sát trước đây. Khi được các phóng viên báo chí đặt câu hỏi về thời gian làm việc, Breslavska trả lời đó là vấn đề tự nguyện: “Tôi bắt đầu làm việc từ 8 giờ sáng và có thể ở lại cơ quan đến tận nửa đêm”.
Không chỉ làm việc quá giờ quy định mà Breslavska còn hết sức tận tụy với nhiệm vụ. Breslavska mong muốn có được một phòng tập thể dục dành riêng cho các sĩ quan và phòng nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng. Theo định kỳ, sĩ quan cảnh sát Ukraine sẽ bay đến Mỹ, Canada hay Đức để tập huấn cùng với các đối tác hải ngoại. Tuy nhiên, vẫn có một số người cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng mới không có gì ngoài một cuộn băng nhỏ dùng để băng bó vết thương quá lớn – đó là nạn tham nhũng lan tràn ở Ukraine.
Chỉ số về tham nhũng của tổ chức phi lợi nhuận Minh bạch Quốc tế (TI) đặt trụ sở tại thủ đô Berlin nước Đức xếp Ukraine đứng vị trí thứ 130 trong số 167 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Khoảng 67% người Ukraine tin rằng tham nhũng là vấn nạn quốc gia. Ngoài lực lượng an ninh, các công tố viên, thẩm phán và giới chức thuế quan được đánh giá là những người tham nhũng.