Ta thường nói: “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, ngoài ra, bếp có Táo quân, núi có Sơn thần, làng có Thành hoàng, biển có Long vương… Ở vùng quê miền Bắc, có khi cây đa trăm năm đầu làng cũng thành thần, hương khói nghi ngút.
Dân ta vốn tín ngưỡng đa thần, dù hiện nay ta du nhập nhiều tôn giáo, nhưng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, bản chất tín ngưỡng đa thần của nhân dân ta không hề thay đổi. Để góp vui, tôi còn khảo cứu ra có vị nữ thần cầu tiêu xinh đẹp cô Ba.
Trật tự trên thiên đình
Thế giới thần tiên cũng phỏng theo nhân gian thế tục, có tôn ti trật tự nghiêm ngặt. Ngọc Hoàng là chúa của muôn thần, ngụ cao vót trên tầng trời thứ 33. Dưới trướng Ngài có thủy lục quân (chưa nghe có không quân và lính vũ trụ), đầy đủ văn võ bá quan. Chưa thấy Ngài động thủ với ai, có thể Ngài đã giấu nghề, nên không thể nói xằng về võ công cao thấp của Ngài. Khi Tôn Đại Thánh đại náo thiên cung, các thiên binh thiên tướng đều bó tay, chẳng thấy Ngài ra tay mà chỉ nghĩ cách phủ dụ, không mang lại được bình yên cho thiên đình.
Trên tầng trời thứ 33 là Ly Hận Thiên, nơi tu hành của Thái Thượng Lão Quân. Lão Quân hằng ngày ngoài lo chuyện luyện đan ra, còn làm cố vấn cho Ngọc Hoàng, giới thiệu Nhị Lang Thần Dương Tiễn đến thu phục Tề Thiên. Phật tổ ở Tây thiên, lo chuyện hoằng pháp giáo hóa, tương đương với mục vụ bên Thiên Chúa giáo; khi hữu sự, Ngọc Hoàng phải “thỉnh”.
Thế giới thần tiên không có tư tưởng trọng nam khinh nữ, nên số lượng tiên nữ cũng ngang bằng tiên nam. Để dễ bề quản lý, Ngọc Hoàng đã phân công Tây Vương Mẫu, là vợ Ngài, xếp sòng các vị nữ tiên.
Trong đạo Cao Đài, Tây Vương Mẫu được tôn vinh thành Diêu Trì Kim Mẫu hoặc Đức Phật Mẫu và được nâng lên tầm cao mới. Đức Phạm Hộ Pháp từng thuật lại lúc ông vào Diêu Trì Cung bái kiến Đức Phật Mẫu, tận mắt thấy quyền năng vô biên của Đức Phật Mẫu.
Tục lệ thờ Mẫu
Tôi từng đến viếng chùa Đậu ở huyện Thường Tín, cách Hà Nội 25km. Điều tôi cảm thấy thú vị là, ngoài Phật ra, chùa còn thờ Tứ Pháp: các bà Pháp Vũ (cai quản về mưa), Pháp Vân (mây), Pháp Lôi (sấm), Pháp Điện (chớp) là bốn vị nữ thần đặc hữu của Việt Nam. Tuy các vị nữ thần đều có quyền năng vô hạn để cứu độ con người, thờ sánh ngang Phật, nhưng hình tượng các nữ thần còn rất sơ khai, họ là những phụ nữ bình dị, mặt mũi đem nhẻm, gần gũi với dân chúng, chứ không dữ tợn như “Tứ đại thiên vương” canh gác bốn cổng thiên đình.
Đền Phủ Dầy ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, thờ Liễu Hạnh Công Chúa, thủy tổ của trò đồng bóng. Ở miền Nam, nơi nào có hầu đồng đều thờ bà. Bà là người làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, ái nữ của Lê Thái Công. Bà là người văn hay chữ tốt đã được triều đình sắc phong Công chúa. Bà tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ.
Trong tiềm thức của nhân dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng của khát vọng tự giải phóng, nhất là phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến, khát vọng vươn tới đạt được những ước vọng của hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam đã được ký thác niềm tin vào biểu tượng người mẹ.
Miền Nam cũng thịnh hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Linh sơn Thánh Mẫu, nước da ngăm đen, dân tộc Khmer, tục danh Bà Đen, nơi thờ phụng chính là núi Bà Đen. Trong năm vị Thánh Mẫu, Bà được thờ ở giữa và là tổ sư của nhiều ngôi chùa.
Bà chúa Sam, nơi thờ tự chính là núi Sam – Châu Đốc, là vị nữ thần linh nghiệm nhất và gần gũi nhất trong lòng nhân dân Nam bộ.
Kim Linh Thánh Mẫu từ Trung Quốc đến cũng đã nhập tịch Việt Nam để góp vui. Khác với các vị Thánh Mẫu khác, bà dung nhan mặn mà, pháp lực cao cường. Theo truyện Phong thần, trong trận Vạn tiên, bà đã dùng cây ngọc như ý chống chọi với ba vị bồ tát Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền mà không hề nao núng, phải nhờ đến Nhiên Đăng đạo nhân đánh lén bằng 24 viên định hải châu mới giết được bà, thế mới biết bà có pháp lực vô song. Sau khi chết, bà thụ phong “Đẩu Mẫu Nguyên Quân”, là mẹ của các vì sao trên khắp bầu trời.
Chẳng lẽ chỉ thờ Mẫu, mà không thờ Cha? Mới đây trong chuyến đi du khảo về Công tử Bạc Liêu, tôi đã bừng tỉnh: nhân dân ta như biển cả bao quát muôn dòng, không bỏ sót một hiện tượng linh thiêng nào.
Sầm uất thánh đường Tắc Sậy
Bước qua địa giới tỉnh Bạc Liêu, thuộc xã Tân Phong, huyện Giá Rai, đập vào mắt tôi là thánh đường Tắc Sậy đồ sộ. Nhà thờ không được liệt vào “Bạc Liêu Thập cảnh”, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến danh tiếng của thánh đường, tôi vẫn bị thu hút bởi cảnh sầm uất cũng như lối kiến trúc độc đáo của nó.
Địa danh Tắc Sậy, theo những người bậc kỳ lão địa phương kể: Trước đây, có một con đường tắt, nhỏ, đi ngang qua nhà thờ nằm giữa đám lau sậy, vì phát âm của người miền Tây, chữ “Tắt” thành chữ “Tắc”. Giáo xứ Tắc Sậy được thành lập từ năm 1925, phía trước nhà thờ có câu đối tiếng Việt: “Vũ trụ nhiệm mầu, chính đạo bao trùm trời đất – Thiên nhiên kỳ vĩ, ơn lành tỏa khắp thế gian”.
Tôi đến khoảng 8 giờ sáng, nhà thờ ước chừng có vài trăm du khách. Tiếng kinh râm ran, khói nhang nghi ngút. Trong số đó thấy có nhiều người ngoại giáo nhờ nhìn cách thắp nhang: hai tay cầm nhang để trên đầu trước trán và lâm râm khấn vái.
Đến với nhà thờ Tắc Sậy ngoài việc viếng thăm mộ phần của Cha Trương Bửu Diệp thì mọi người có thể chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của nhà thờ, đây được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất và lớn nhất trong các tỉnh miền Tây. Nhà thờ mang kiến trúc lạ và độc đáo gồm có ba tầng, tầng trệt là nơi để cho khách nghỉ ngơi, tầng 2 và 3 là nơi dâng thánh lễ với tiền sảnh rất rộng.
Ở bên cạnh nhà thờ, nơi đặt phần mộ được kiến trúc như một tòa nhà rộng lớn có ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn nổi bật cho cả tòa nhà. Nhiều bức tượng gỗ quý, cao 2,5m với nét điêu khắc tinh vi càng khiến cho không khí linh thiêng nơi đây thêm trang trọng. Hai bên phía trước mộ cha Diệp có câu đối còn mang âm hưởng mùa xuân: “Tết đến, Xuân sang, người nô nức – Năm qua, tuổi tới, Chúa chúc lành”. Kiểu chữ thư pháp Việt cách điệu, thoáng qua, tôi lại tưởng chữ Nôm.
Cha Diệp linh thiêng?
Trong khuôn viên nhà thờ, có ngôi mộ chứa hài cốt Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp (1897-1946). Ngôi nhà mồ của Ngài được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989, đã nâng cơ sở Tắc Sậy lên thành Trung tâm hành hương Thánh Phanxicô (hình dưới). ngày 12-3-2016, Giáo phận Cần Thơ đã tổ chức trọng thể lễ giỗ lần thứ 70 của ông. Trước đó, mặc dù nhà thờ còn thô sơ, nhưng người hành hương đã đổ về không ngớt, vì tin tưởng sự linh thiêng của ông qua khẩu truyền.
Mặc dù đức Giám mục Emmanuel Lê Phong Thuận đặt viên đá đầu tiên ngày 24-2-2004, nhưng nhiều người tin tưởng vào sự linh thiêng, nhiều khách hành hương đến viếng, mỗi ngày một đông thêm từ thập niên 1990. Tôi đã đến viếng lần này là lần thứ 2. So với lần trước, cách đây ba năm, thánh đường khang trang hơn, khách hành hương cũng đông hơn. Khách hành hương nhiều người đồn rằng, đã có không ít trường hợp xin ơn và được ơn. Tôi đã chứng kiến có người cúng cả con heo quay tạ ơn, như cúng Bà Chúa Xứ vậy.
Theo truyền miệng của người dân kể lại, sở dĩ nhà thờ Cha Diệp trở nên nổi tiếng là do sự linh thiêng của Cha Diệp đem lại “ai đến khấn điều gì cũng đều được”. Công giáo không thờ người phàm, Cha đã vượt qua khuôn sáo chính thống, trở thành thần hộ mệnh của dân miền Tây.
Một trong những điềm báo của Cha, vì Cha thấy lương dân rất nhiều người hiện nay đang đau khổ vì bệnh tật, nên Cha cho biết nơi chôn cất Cha phía trên đào xuống khoảng hai gang tay sẽ có nước trong sạch, và ai đến với lòng tin tưởng nguyện xin Thiên Chúa bệnh tật sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn…
- Xem thêm: Nữ thần lúa ở Đông Nam Á
Điều linh dị đáng tin hay không là tùy từng người, nhưng lạ lùng là phần mộ trong phòng thánh nhà thờ cao hơn mặt đất, mà chỉ sâu chừng hai gang tay mà có nước. Mỗi ngày khách hành hương đến nhiều múc hoài mà không thấy cạn.
Tôi đi quanh bên ngoài, xem những tấm ghi lời tạ ơn gắn chi chít lên bức tường dài, có đến hàng nghìn. Những lời tạ ơn ngắn gọn, na ná nhau: “Tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp”.
Thờ Cha, cũng như tín ngưỡng Mẫu phổ biến ở Nam bộ, chỉ là ký thác niềm tin, không nặng màu sắc tôn giáo. Cha Diệp nơi chín suối nếu linh thiêng chắc cũng mỉm cười khi mộ mình đã trở thành danh thiếp du lịch tâm linh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa đất nước.