Kerala là vùng đất của các vị thần và sở đắc một di sản văn hóa truyền thống phong phú. Đây cũng là bang xa nhất về phía nam của Ấn Độ và được biết đến là vùng đất xanh tươi, cây cối bạt ngàn, đặc biệt là dừa, được coi là thiên đường trên mặt đất và nhà của các thần linh.
1. Điểm nổi bật của vùng đất tuyệt vời này là có rất nhiều hoạt động văn hóa với vô vàn các hình thức nghệ thuật trình diễn (Koodiyattum, Kathakali, Mohiniyattam, Theyyam là một vài trong số đó), nhạc Carnatic, nhạc truyền thống – melam được biểu diễn tại các đền trung tâm của lễ hội với nhạc cụ Chenda bao gồm hơn hàng trăm nhạc sĩ và mỗi buổi trình diễn kéo dài trong 1 giờ.
Ở đây, nhạc gõ được sử dụng chủ yếu trong các dịp lễ kỷ niệm, nghệ thuật quân sự – Kalarippayattu và tất cả các yếu tố lối sống truyền thống của người dân Kerala đều được phản ánh thông qua nghệ thuật dân gian và các bài hát về những nơi chốn thiêng liêng.
Một số lễ hội quan trọng như Onam (được tổ chức tại Kerala, đó là lễ hội mùa vụ và lễ kỷ niệm sự trở lại của Mahabali, vị vua hiền đức trong tương lai, lễ hội thuyền Kerala (những cuộc đua thuyền tranh tài quyết liệt được tổ chức nơi sông lạch lớn ở Kerala hằng năm), lễ hội thần Vishnu – ngày lễ năm mới Malayali, Thrissur Pooram (lễ hội ngoạn mục nhất được tổ chức vào tháng 4 tại đền chùa), Payippad Jelotsavam (một lễ hội thuyền khác được tổ chức để kỷ niệm lễ Prathista của ngôi đền Haripad Subramanya, Attukal Pongala – nơi phụ nữ tụ tập dâng cúng lễ vật bằng cách dâng cúng bánh pudding đến vị nữ thần ở ngôi đền Attukul, Makaravillaku tại Sabarimala và Theyyam (thờ cúng các vị thần trong hình dạng của các động vật, rắn và cây cối). Kerala là một vùng đất có truyền thống đa dạng, hòa trộn lại với nhau tạo nên một cố kết văn hóa đặc sắc.
Trong số các lễ hội quan trọng đó, các sông lạch của Kerala cũng cung cấp cho các lễ hội một cảnh quan sông nước tuyệt đẹp.
Lễ hội thuyền Kerala là một sự kiện tiêu biểu đậm bản sắc dân tộc của bang và mang lại tinh thần đồng đội xuất sắc, và đây là dịp buôn bán thịnh mậu cho người dân. Các lễ hội thuyền thường được gọi là Vallom kalli.
Vallom kalli là lễ hội thuyền truyền thống được tổ chức ở Kerala. Chúng được tiến hành mỗi năm ở các địa phương của bang mà số lượng người tham gia đông đảo đến kinh ngạc và không khí náo nhiệt khiến cho nó trở nên đặc biệt hào hứng.
Thuyền trông giống như một chiếc xuồng có sức chứa một số lượng tay chèo cụ thể. Lễ hội thuyền chủ yếu được tổ chức trong suốt mùa vụ thu hoạch là lễ hội Onam vào mùa thu.
Lễ hội thuyền này bắt đầu bằng cách nào đó phải trải qua các cuộc chiến tranh trong suốt buổi đầu thế kỷ 14 giữa các vương quốc thời Trung cổ Kayamkulam và Chembakassery.
Vua Devanarayana của Chembakassery ra lệnh làm một chiếc thuyền chiến, gọi là Chundam Vallam do một người thợ mộc nổi tiếng của thời đó.
Theo lý thuyết, các phương pháp để tạo ra các Chundan Vallam (thuyền rắn) có tuổi đời 300 tuổi và Parthasarathi Chundan được cho là kiểu mẫu lâu đời nhất.
Cuộc đua thuyền rắn Chundan Vallom là sự kiện chính; do đó, Vallom Kalli – trò chơi thuyền cũng được đề cập như là đua thuyền rắn.
Lễ hội thuyền đem lại truyền thống vui nhộn và văn hóa đa dạng cho bang. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở Kerala và được tổ chức mỗi năm.
Người dân Kerala cử hành lễ hội thuyền với sự nhiệt tình bất kể đẳng cấp và tôn giáo nào. Tất cả các cuộc đua thuyền rắn kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9.
Chiếc thuyền được làm bằng gỗ Anjali; gỗ được cắt và vận chuyển đến nơi đóng thuyền. Việc đóng thuyền phải được bắt đầu vào ngày tốt lành.
Các quy trình theo các nghi thức Veda nói về việc đóng thuyền. Các con thuyền có chiều dài hơn 30,5; mét với phần phía sau có độ cao gia tăng lên đến khoảng 6 mét.
Chiếc thuyền giống như một con rắn với cái mang bành giương lên khi nó được hoàn thiện. Thân thuyền được đóng bằng ván dài lên đến 24 mét.
Các con thuyền được phết dầu để chống thấm. Nó được sơn bằng dầu cá, vỏ dừa, và than, trộn với trứng để giữ cho gỗ được chắc chắn và chiếc thuyền lướt đi trơn tru trong nước.
Chỉ những người đàn ông trong làng mới được phép ở trong thuyền và phải mặc áo mundu (vải trắng) và turban (khăn trùm đầu).
Người dân làng thờ cúng con thuyền và người đàn ông bước vào con thuyền bằng bàn chân trần.
Vị thuyền trưởng – Kaarnavan/Karanaadhan – sẽ điều khiển con thuyền bằng mái chèo đầu tiên (adanayampu), dưới ông là ba tay chèo sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát sự di chuyển của con thuyền.
Những người ở trên thuyền ngồi hai hàng dọc theo chiều dài của thuyền và hò theo nhịp của Vanchipattu (bài hát của người chèo thuyền).
Người hò chính sẽ dẫn dắt các người khác xướng theo đứng trên bục, giữa những tay chèo để cổ vũ họ và phối hợp chèo thuyền tiến lên phía trước.
Vanchipattu là bài hát mà các nghệ nhân lĩnh xướng dẫn dắt những tay chèo hò lặp lại và di chuyển theo nhịp.
Bài hát có một lịch sử lâu dài và bắt đầu từ thế kỷ trước thuộc các triều vua xa xưa của vương quốc Travancore và Cochin. Những tay chèo trong các cuộc đua thuyền hát bài hát này theo nhiều dị bản khác nhau.
2. Hình thức đua thuyền rắn Vallom kalli rất phổ biến, chúng tham dự vô số các sự kiện và lễ hội lớn nhỏ trải rộng khắp xứ sở Kerala với những biến tấu không thể tính hết được.
Lễ hội Kerala được xác định theo lịch Malayalam và các truyền thống, phong tục địa phương.
Cuộc đua thuyền Aranmula là lễ kỷ niệm con thuyền trên sông xa xưa nhất diễn ra ở Aranmula gần đền Hindu dành cho vị chúa tể Krishna và Arjuna.
Những tín đồ hết sức nhiệt thành đến lễ bái đền trong suốt thời gian lễ hội và cũng là sự kiện đua thuyền rắn lớn bên bờ sông Pampa.
Các con thuyền rắn được đặt tên là Palliyodams nói cách khác là Chundan Vallom, là những con tàu thần thánh của vị thần chủ trì ở đền thờ Sree Parthasarathy.
Có ba lễ hội quan trọng mà các con thuyền rắn đó phải tham gia vào các nghi lễ tôn giáo long trọng là Thiruvonam, Uthrittathi và Aranmula Vallasadya.
Thiruvonam: Các con thuyền đặc biệt đó là sự xuất hiện của Thiruvonathoni từ Kattoor được tổ chức lần đầu tiên tại Aranmula.
Một chiếc thuyền với các điều kiện cần thiết và một ngọn đèn không bao giờ tắt cũng được bố trí để cho hành trình rời khỏi đền thờ Katoor vào khoảng 6 giờ chiều để đến Aranmula vào khoảng 4 giờ sáng vào ngày hôm sau đó là ngày Thiruvonam.
Các con thuyền rắn hộ tống những chiếc thuyền đặc biệt đó trên đường đi và người dân thuộc mọi nhóm lứa tuổi tụ tập để chứng kiến sự kiện này.
Uthrittathi: Được coi là ngày của vị thần được thánh hóa ở phía nam; do đó sẽ có một cuộc chạy đua thuyền rắn ở phía trước của ngôi đền trong các lễ kỷ niệm.
Aranmula Vallasadya: Một bữa ăn phức tạp và trang trọng cho những tay chèo thuyền rắn được phục vụ ở đền Parthasarathy.
Lễ hội lớn bao gồm những người từ tất cả các vùng của bang. Valla sadya được biểu diễn theo một cách; người tổ chức bữa tiệc phải mời vị chủ xướng (karanathan).
Con thuyền trang trí sẽ xuất hiện cùng với các chiếc thuyền khác. Chúng được chào đón bằng một đám rước truyền thống, được thực hiện với niềm xác tín là để thu hút hạnh phúc và thịnh vượng và dâng cúng, diễu hành đến bữa tiệc được sắp xếp sau đó.
Các Chundan Vallom thu nhỏ là mô hình được bày biện trong mỗi ngôi nhà cũng như các cửa hàng và chợ thủ công mỹ nghệ trên toàn bang.
Người dân làng tham gia vào việc tạo tác ra những vật thu nhỏ này và đã khiến cho nghề thủ công làm nên những mô hình khuôn mẫu này ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng to lớn.
Những chiếc thuyền này được làm bằng gỗ đàn hương hoặc ngà voi để trang trí với các nút bằng đồng.
- Xem thêm: Triều Khúc, ngôi làng của xứ tơ lụa xưa
Đôi khi chúng được tạo tác với hình dáng cách điệu để làm giá nến, giá bút, móc chìa khóa và giá bán khoảng dưới 100 rupee (khoảng 34.000 đồng) đến vài trăm tùy thuộc vào kích cỡ và sự gia công trang trí, thêm thắt trên sản phẩm.
Khách du lịch muốn mua những món đồ này mang về nhà để nhớ đến của các sự kiện gắn với thuyền rắn hoặc đôi khi chỉ là kỷ niệm về hoạt động của vùng đất đó.
3. Các công cụ và nguyên liệu cần thiết để tạo tác thuyền rắn gồm các vật liệu và công cụ thô sơ. Gỗ Anjali là nguyên liệu cơ bản được sử dụng trong đóng thuyền và keo là dầu dừa, bông, nhựa thông.
Người thợ đóng thuyền dùng búa, cưa tay, kền, đục… và cũng dùng máy phay mài, khoan điện để tạo tác các bộ phận cùa một chiếc thuyền.
Quá trình thực hiện được khởi công khi những cây gỗ đóng thuyền được công ty chở tới. Mặt lưng của thuyền rắn đòi hỏi phải là những tấm gỗ nguyên, không chắp nối có kích thước với chiều dài của con thuyền.
Sau đó các tấm đà gác ngang thuyền có dạng hình bán nguyệt được chuẩn bị theo từng kích thước và hình dạng tương ứng với lưng thuyền.
Những đà gác ngang này được đóng tại một số điểm có khoảng cách trên lưng thuyền và các đà gác được cắt thành hình chữ T cho phù hợp. Những miếng gỗ này sau đó được lắp ráp và định vị trên cả hai mặt của lưng thuyền.
Những miếng gỗ này được đặt giữa mỗi điểm. Bên trên những đà gác ngang này là một đà dọc chạy từ đầu đến cuối con thuyền.
Thanh đà dọc này được cố định bằng đinh. Khi các mặt bên và đáy thuyền được hoàn thiện, các giàn giáo thiết kế bằng gỗ được gỡ bỏ.
Giờ đây thân tàu là hoàn toàn trần trụi và các tấm kê/ghim kẹp được kéo ra. Một khi việc đóng thân tàu được hoàn thành, thì những tấm ván ở mặt trên lòng thuyền được tiếp tục thực hiện.
Tiếp theo là phần mũi tàu ở đầu và đuôi được tạo tác riêng bên ngoài. Chúng được gắn lên bằng cách khoan lỗ xuyên qua thân tàu để cố định.
Sau đó, keo được trộn bông, dầu dừa và nhựa được sử dụng để xảm đầy các lỗ hổng, kẽ hở giữa hai lớp thân tàu (lớp bên ngoài và bên trong).
Thân tàu được khoan thành nhiều lỗ tại một số điểm, các lỗ này được sáng tạo để khóa giữa lớp bên trong và bên ngoài của thân tàu: các đinh ốc cùng với vòng đệm sau đó được đóng qua những lỗ này và đóng/nện để tán cong phần đinh thừa ra từ bên trong.
Khi việc đóng thuyền đã hoàn thành, thuyền được phủ lớp chống thấm nước lên trên bề mặt. Khi thân thuyền được sơn bóng bằng lớp phủ không thấm nước và hong khô, người ta kéo đến các kênh lân cận, các luồng lạch nhân tạo để hạ thủy.
Tuần trước khi đua thuyền, tất cả các thuyền được cọ rửa sạch sẽ và trang trí bằng những vật phẩm trang hoàng đầy màu sắc.
Thuyền rắn không đơn giản là chiếc thuyền đua mà là biểu tượng văn vật và tâm linh của từng cộng đồng. Chẳng hạn, chiếc thuyền rắn được đặt tên theo tên ngôi làng ở Alleppey là một ví dụ. Người dân làng quyên tiền cho việc đóng thuyền.
Cuộc đua thuyền này được cho là niềm hãnh diện của làng và họ tôn thờ chiếc thuyền như một vị thần.
- Xem thêm: Vẻ đẹp khó quên bên dòng sông Kiến Giang
Việc đóng thuyền rắn không phải là một nhiệm vụ dễ dàng: hơn 20 thợ mộc tham gia vào việc đóng Chudan Vallam.
Phải mất tám đến chín tháng để hoàn thành chiếc thuyền. Chiếc thuyền này dài khoảng 41m và rộng 1,3m.
Gỗ Anjali dài và dày hoặc những tấm gỗ poovarosu được sử dụng để đóng thân thuyền. Con thuyền được làm theo quy mô phải chứa được khoảng 111 người ngồi.
Cấu trúc của một con thuyền rắn này được tạo dựng theo cách mà đầu và đuôi thuyền sẽ nhô ra 1,5 và 0,9m trên mực nước.
Những người thợ mộc được trả khoảng 1.500 rupees (khoảng 500.000 đồng) mỗi ngày và tổng cộng tiền để chi trả trong việc đóng một con thuyền rắn vào khoảng IRN 60 lakhs (2 tỉ đồng).