Hiện nay, kỹ năng sống đang được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện về đội ngũ chuyên môn và cơ sở vật chất của từng trường.
Do yêu cầu của thực tế xã hội, ngày càng đòi hỏi mỗi người giảng viên kỹ năng sống phải có phương pháp giảng dạy hiện đại, không ngừng nâng cao chuyên môn nhằm mang đến cho mỗi học sinh những kỹ năng sống cơ bản, cần thiết trong học tập và cuộc sống. Nhưng yêu cầu này có đủ để kỹ năng sống đến với học sinh một cách tích cực và hiệu quả nhất đáp ứng được với những đòi hỏi mà xã hội đang đặt ra cho giới trẻ – thế hệ có vai trò chủ lực trong việc tạo dựng tương lai?
Giáo dục kỹ năng sống cần mang tính thích ứng
Do tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, dưới tác động của kỹ thuật công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện đại, học sinh ở các thành phố lớn thường năng động trong giao tiếp, thoải mái và tự nhiên khi tiếp cận các vấn đề về tình bạn và tình yêu. Trong khi đó, học sinh ở tỉnh thường rụt rè và thiếu tự tin trong giao tiếp, các em ích chủ động đưa ra thắc mắc khi chuyên gia tâm lý chia sẻ trực tiếp, các em ngại ngùng và rất khép nép khi đề cập đến các vấn đề tình bạn, tình yêu.
Trong cùng một địa phương thì nhu cầu học kỹ năng sống của các em cũng rất khác nhau. Ở các trường chuyên, học sinh thường rơi vào trạng thái căng thằng, mệt mỏi do áp lực trong học tập quá lớn. Đặc biệt, ở trường chuyên xuất hiện những tình huống rất chuyên biệt. Chẳng hạn như trong chương trình Tư vấn học đường tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa – Đồng Nai), không ít học sinh đã chia sẻ và có cả trường hợp các em bật khóc nức nở trong sự đồng cảm của rất nhiều học sinh giữa sân trường: “Em phải làm sao khi bị bạn bè cũ tẩy chay vì mình học trường chuyên?”; “Làm thế nào để em – một học sinh ở huyện có thể hòa nhập với bạn bè ở tỉnh khi bước vào trường chuyên?”. Đó là những băn khoăn, trăn trở và của rất nhiều học sinh. Áp lực, căng thẳng càng nhiều hơn bởi môi trường học tập đòi hỏi phải luôn nỗ lực và gia đình, thầy cô đặt nhiêu kỳ vọng vào các em.
Ở các trường trung học phổ thông khác, học sinh không chịu áp lực cao trong học tập như học sinh trường chuyên nhưng các em thường thiếu các phương pháp học tập hiệu quả, thiếu sự nhận thức và đánh giá bản thân. Những điều kể trên khiến cho định hướng giá trị của các em có thể bị sai lệch và dễ dẫn tới các vấn nạn về bạo lực học đường, nghiện game online, nhiều các vấn nạn xã hội khác… Chính vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống không thể cào bằng, rải đều mà không cần biết kỹ năng ấy có thật sự có thiết thực, có chạm vào đúng tâm tư và những điều các em mong mỏi hay không.
- Xem thêm: 19 kỹ năng ta nên học khi ở độ tuổi 20
Mục tiêu của kỹ năng sống là giúp học sinh có khả năng thích ứng tốt khi gặp những thách thức và áp lực trong quan hệ cá nhân, ở trường, ở trong gia đình và môi trường xung quanh. Để thực hiện được mục tiêu kể trên thì cần thiết giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải phù hợp với lứa tuổi, cấp học, tình hình thực tế của từng vùng, từng trường… sao cho học sinh cảm thấy gần gũi, chứ không chỉ trên sách vở hay những lời nói suông. Chính vì vậy, giáo dục kỹ năng sống cần mang tính thích ứng.
Cần lấy người học làm trung tâm
Việc giáo dục kỹ năng sống mang tính thích ứng là một thách thức cấp bách và là một biện pháp thiết thực nhất để xây dựng hành trang vào đời cho thế hệ trẻ. Bởi những giá trị sống và kỹ năng sống ngày càng được nâng cao theo sự phát triển chung của xã hội. Sự cập nhật và thay đổi những kỹ năng hiện đại hơn như là một quy luật tất yếu của đời sống. Vấn đề then chốt của tính thích ứng trong giáo dục năng là làm sao những kỹ năng sống được triển khai đáp ứng được nhu cầu thực tế ở học sinh?
Điều này đòi hỏi nhà trường cần lựa chọn các kỹ năng phù hợp với đặc điểm tâm lý học sinh, với những chuyển biến và thực trạng đang xảy ra trong cuộc sống. Quan trọng hơn là có sự điều tiết đế hướng đến người học qua việc chọn lọc và lồng ghép các kỹ năng phù hợp đáp ứng chính xác nhu cầu hiện tại của học sinh để các em kịp thời thích nghi, phát triến.
Hơn nữa, để đáp ứng được đúng nhu cầu của học sinh thì cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong công tác giáo dục kỹ năng sống. Thầy cô cần phải quan sát, nhìn nhận, đánh giá, khảo sát các nhu cầu ở học sinh mình. Nhà trường cần trao đổi với các phụ huynh về những nguy cơ đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại và cả những thách thức sắp diễn ra trong tương lai. Thầy cô cần hỗ trợ phụ huynh cách nhận biết, phát hiện được các nguy cơ đang biểu hiện để kịp thời định hướng cho các em. Và trên hết, phụ huynh và thầy cô cần lắng nghe những chia sẻ của học sinh để đáp ứng một cách cụ thể nhu cầu của các em.
- Xem thêm: Thế hệ phố phường
Ngoài ra, việc hình thành kỹ năng sống chỉ trong một hai buổi dạy là điều không thể. Điều mà thầy cô cần thực sự chú ý đó là phải “chuyển hóa” mô hình kỹ năng thành ý thức của học sinh: Phải làm sao để các em hiểu được cái cốt lõi hay cái thần của từng kỹ năng, xác lập các thói quen tích cực và hạn chế các thói quen tiêu cực có liên quan đến kỹ năng ấy… Hành trình này không thể được hình thành qua những tiếng cười vui trên lớp học hay những trò chơi giải phóng năng lượng mà phải là sự trải nghiệm thực sự.
Tóm lại, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế trong việc khám phá, sáng tạo, có sự đầu tư nghiêm túc về mặt chuyên môn của người làm công tác giảng dạy. Nhưng tất cả sự khéo léo và tinh tế ấy phải dựa trên nguyên tắc lấy người học làm trung tâm để có thể tạo dựng được sự tích cực và hứng thú lĩnh hội kỹ năng sống.