Khi có nhu cầu, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về tổ chức, cá nhân cho vay cùng các điều khoản trước khi đồng ý thực hiện giao dịch vay tiền. Nếu có nhu cầu vay tiền nên tìm hiểu và lựa chọn các hình thức vay vốn an toàn, hợp pháp, trực tiếp qua hệ thống các ngân hàng…
Với sự phát triển công nghệ, nhiều ứng dụng (app) cho điện thoại smartphone ra đời để phục vụ người dùng. Bên cạnh những app có lợi cho người sử dụng thì cũng có những app đánh lừa người dùng cài đặt để thu phí, hoặc khai thác thông tin người dùng; thậm chí cả lừa đảo; trong đó có hàng loạt app cho vay tiền online. Nếu không am hiểu công nghệ, nhẹ dạ cả tin, người dùng rất dễ bị sập bẫy…
Hầu hết các app có chức năng cho vay tiền, thì sau khi truy cập vào sẽ xuất hiện dòng chữ cam kết sẽ bảo đảm an toàn thông tin người dùng và yêu cầu cho phép truy cập vị trí theo định vị GPS của điện thoại. Sau khi người dùng cho phép truy cập vị trí thiết bị điện thoại và cung cấp số điện thoại, app đưa ra các mức vay cũng như thời hạn trả… Để trấn an người vay, trên giao diện các app thường xuất hiện dòng chữ “Chúng tôi sẽ không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác”.
Khi tham gia vay trên các app, người sử dụng phải cung cấp rất nhiều thông tin cá nhân như họ tên, ngày sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, con cái, địa chỉ thường trú, số CMND… và cho phép dịch vụ này thực hiện quản lý cuộc gọi điện thoại, truy cập danh bạ điện thoại, Facebook cá nhân.
Sau khi người dùng cung cấp đầy đủ thông tin, app đưa ra ngay hạn mức được vay. Nếu bấm nút đồng ý vay, app thông tin ngay tiền phí dịch vụ; lãi suất và trừ ngay vào số tiền người dùng vay (ví dụ vay 3 triệu đồng, thì app trừ 400 ngàn đồng tiền phí và lãi, người vay chỉ nhận được 2,6 triệu đồng). Toàn bộ các bước từ tải app đến khi được phê duyệt, nhận tiền vay tiền chỉ mất khoảng 10 phút…
Theo phản ánh của chị L. (huyện Krông Năng, Đắk Lắk), tình cờ lướt Facebook thấy có trang quảng cáo cho vay tiền qua app bằng hình thức online với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, lại không cần thế chấp tài sản nên chị đăng ký vay 3 triệu đồng. Ngay lập tức, app yêu cầu chụp CMND, ảnh chân dung, thông tin cá nhân… Sau 15 phút khi hoàn tất các thủ tục, L. được chuyển 2,6 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng, thời hạn vay 14 ngày. App “cho vay” thông báo giữ lại 400.000 đồng chi phí làm thủ tục và lãi suất.
Thế nhưng, chưa đến hạn 14 ngày, chị L. nhận được nhiều cuộc gọi của người xưng nhân viên của app cho vay tiền thúc đòi nợ, đồng thời gửi cho chị đường link dẫn đến app khác cho vay lần thứ 2 để đáo hạn. Chị L. được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân mới giải ngân để trả cho app vay thứ nhất. Tương tự, gần đến hạn thanh toán, app vay thứ 2 cũng hướng dẫn chị truy cập vào link của app thứ 3 để vay trả cho app thứ 2…
Cứ như vậy, thông qua app, L. vay lần lượt tại 9 app khác nhau (mỗi lần vay từ 900.000 đồng đến 4 triệu đồng để trả cho app trước). Đến khi app thứ 9 hướng dẫn đến đường link của app 10 thì L. không truy cập nữa. Ngay sau đó, nhiều đối tượng sử dụng các số điện thoại khác nhau nhắn tin, gọi điện cho chị để uy hiếp, đe dọa… Theo thông báo, số tiền lãi và gốc chị L. vay lên đến trên 40 triệu đồng.
- Xem thêm: Cẩn trọng với “vay tiền nhanh”
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đây thực chất là thủ đoạn biến tướng của hoạt động tín dụng đen dưới hình thức phí quản lý để lách các quy định của pháp luật. Vậy nên, khi có nhu cầu, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về tổ chức, cá nhân cho vay cùng các điều khoản trước khi đồng ý thực hiện giao dịch vay tiền. Nếu có nhu cầu vay tiền nên tìm hiểu và lựa chọn các hình thức vay vốn an toàn, hợp pháp, trực tiếp qua hệ thống các ngân hàng…