Nguồn nhân lực luôn là thế mạnh và tài sản có giá trị nhất của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các nhân viên hài lòng với công việc của mình thường làm việc tích cực hơn những nhân viên không thích thú với những gì họ đang làm.
Vấn đề là làm thế nào để tiếp thêm nhiệt tình cho nhân viên và thúc đẩy họ cống hiến hết mình hoặc thậm chí hơn khả năng của mình cho công việc?
Nếu mức lương thỏa đáng là một yếu tố quan trọng để làm cho các nhân viên hài lòng thì họ còn mong đợi nhiều điều khác: sự tin tưởng, tôn trọng, những phản hồi mang tính xây dựng, các chương trình đào tạo, cơ hội tham gia vào các công việc quan trọng, có được tiếng nói trong nhiều vấn đề khác nhau của tổ chức, khả năng làm chủ và trên hết mọi điều là cảm giác mình là người có ích và cần thiết cho tổ chức.
- Xem thêm: Thắp lửa nhiệt tình cho nhân viên
Theo các chuyên gia về quản trị nguồn nhân lực, để tiếp thêm nhiệt tình cho nhân viên và khuyến khích họ đóng góp 100% khả năng của mình cho công việc, doanh nghiệp cần phải thực hiện những điều sau.
1. Giao tiếp hiệu quả: Giao tiếp một chiều vẫn chưa đủ, do đó doanh nghiệp phải tạo ra một mô hình giao tiếp hai chiều để các nhân viên có thể góp tiếng nói của họ trong các công việc hằng ngày cũng như các diễn đàn quan trọng của tổ chức.
2. Xây dựng lòng tin: Các giám đốc cần phải làm cho các nhân viên hoàn toàn tin tưởng mình. Khuyến khích các nhân viên nói chuyện với ban giám đốc về tất cả những điều mà họ muốn tham khảo ý kiến, thảo luận để làm rõ.
3. Xây dựng sự tự tin: Các nhân viên luôn có nhu cầu tìm đến lãnh đạo để được động viên, khuyến khích và có thêm sự tự tin. Các giám đốc phải sẵn sàng làm điều này nếu muốn các nhân viên của mình phát huy 100% khả năng của họ trong bất cứ nhiệm vụ nào mà họ đang đảm nhận. Xây dựng tinh thần vững mạnh cho nhân viên cũng quan trọng không kém việc đặt ra các mục tiêu cho họ và đánh giá thành tích làm việc của họ.
4. Làm các cầu nối: Việc giúp các nhân viên xây dựng một mối quan hệ xã hội vững mạnh là một yếu tố quan trọng bởi vì điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tăng hiệu quả công việc, cải thiện giao tiếp, tạo ra sự gắn bó lâu dài của các nhân viên với tổ chức.
5. Xây dựng tinh thần làm việc đồng đội: Các hoạt động xây dựng tinh thần làm việc đồng đội cũng sẽ giúp các nhân viên gắn bó hơn với tổ chức, tạo ra sự thi đua giúp tăng hiệu quả công việc.
6. Chia sẻ sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp: Các nhân viên sẽ cảm thấy như có thêm lửa khi họ thấm được sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Họ sẽ hiểu hơn những mong muốn, hy vọng của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn cũng như vai trò quan trọng của họ trong việc biến những điều ấy thành hiện thực.
7. Đào tạo và huấn luyện nhân viên: Đây là một phần không thể tách rời trong thế giới công việc nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo và huấn luyện đội ngũ nhân sự thỏa đáng. Nên lên kế hoạch đào tạo, thảo luận, phản hồi về cách làm việc của nhân viên hằng tuần, hằng tháng tại từng phòng ban. Nên cử nhân viên tham gia các cuộc hội thảo, hội nghị bên ngoài để họ có cơ hội mở rộng kiến thức về những xu hướng phát triển mới của ngành, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả của họ trong công việc.
8. Công nhận và khen thưởng: Công nhận và chúc mừng nhân viên khi họ đạt được một thành tích nào đó là một việc làm cũng quan trọng không kém việc giúp các nhân viên nhận ra những sai lầm hay yếu điểm của họ. Khi một nhân viên hay một bộ phận nào đó vượt các chỉ tiêu đặt ra, các giám đốc nên chia sẻ niềm vui với họ và khen thưởng họ kịp thời.