Tại Paris, một phiên tòa tiểu hình tiết lộ lịch sử ly kỳ của một bức tranh phác thảo của George Seurat, một họa sĩ tiên phong trong nghệ thuật chấm phá của thế kỷ 19.
Bức tranh phác họa hoàn hảo của họa sĩ George Seurat (1859-1891) mang tên Chiều Chủ nhật trên đảo Grand Jatte thất lạc trong Thế chiến thứ hai, trước khi xuất hiện tại nhà một chuyên gia nghệ thuật vào năm 2008, rồi bị cảnh sát tịch thu.
10 năm sau đó, bức tranh mô tả cảnh nhàn hạ của các cặp tình nhân dạo chơi trên bãi vào chiều Chủ nhật tại một hòn đảo giữa sông Seine, ngay cửa vào thành phố Paris, lại là đối tượng xét xử của một phiên tòa tiểu hình!
Ngày 21-1-2019, một người Liban tên Naji Chartouni bị kết án ba năm tù giam vì tội tàng trữ đồ gian, theo đơn tố cáo của người thừa kế di sản quý báu này: cô Charlotte Liebert-Hellman. Nhưng bị đơn đã kháng cáo bản án.
Muốn kể lại câu chuyện kỳ cục của bức tranh quý báu này, mà theo các chuyên gia ước tính, trị giá trong khoảng 2-10 triệu euro, phải băng qua biên giới của nhiều quốc gia và quay ngược dòng thời gian hai thế kỷ để trở lại thời điểm cuối thế kỷ 19!
Tiên phong trong kỹ thuật vẽ chấm phá, họa sĩ Georges Seurat phác họa xong bức Chiều Chủ nhật trên đảo Grand Jatte vào năm 1884, trên nền gỗ kích thước 24 x 15cm. Dĩ nhiên đó là chiếc nắp của một hộp thuốc lá xì gà.
Đó chính là bước chuẩn bị cho bức tranh cuối cùng, kích thước 2 x 3m, ngày nay được trưng bày tại Chicago (Hoa Kỳ) mà cả thế giới đều biết.
Họa sĩ qua đời năm 1891, lúc 31 tuổi, sau một cơn bạo bệnh. Họa sĩ Paul Signac, bạn ông, là người thừa kế di sản. Dĩ nhiên đó là một di vật rất có giá trị bởi vì tác phẩm chính thức đã được Seurat thực hiện vào thời kỳ đỉnh điểm vinh quang nhất của mình.
- Xem thêm: Phác thảo nhỏ có giá triệu USD
Năm 1935, Paul Signac cũng qua đời. Đến đầu Thế chiến thứ hai, vợ ông là Berthe phải chạy loạn đến Saint-Tropez và nghe lời dụ dỗ của vợ chồng một người bạn tên Jean và Suzanne Metthey: phải giấu những bức tranh trước khi quân Đức đến.
Một bức tranh của Renoir và bức quý giá của Seurat được nhét trong bồ lúa một căn nhà lá của gia đình Metthey tại Reuil-la-Gadelìere, thuộc vùng Eure-et-Loir, gần miền Bắc nước Pháp.
Khi qua đời năm 1942, Berthe Signac để lại di sản cho con gái riêng của chồng (do ngoại tình) là Ginette Cachin-Signac, mà cuối cùng bà đã công nhận là con. Ginette lấy Charles, con trai của bạn bố mình (Paul Signac) là Marcel Cachin.
Ông này là một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và chủ bút tờ báo L’Humanité, xem Paul Signac là một kẻ vô chính phủ nhưng vẫn kết giao thân thiết.
Sau Thế chiến thứ hai, gia đình Metthey báo tin cho Ginette biết là ngôi nhà tại nông thôn đã bị trộm đột nhập và lấy mất cả hai bức tranh Renoir và Seurat trong năm 1940. Chuyện gì đã thực sự xảy ra trong thời kỳ loạn lạc này?
Năm 1947, Jean Metthey bị phạt nặng vì tội cộng tác với phát xít Đức. Năm 2008, một bà hàng xóm kể lại với cảnh sát rằng trong những năm 1940, Suzanne Metthey đã kêu bán hai bức tranh trên, chứ không hề có chuyện trộm cắp gì cả.
Suốt 20 năm, không ai biết tin tức gì về bức tranh phác họa của Seurat. Nhưng nó lại tái xuất hiện trong một vụ mua bán kỳ lạ.
Năm 1960, Elias Chartouni, chủ một cửa hàng bán khung tranh tại Liban, cách thủ đô Beyrouth vài km, khi đi du lịch đến nước Pháp đã mua được bức tranh này của Seurat từ tay vợ chồng một dược sĩ bán thuốc tại Côte d’Azur.
Khi đó, con trai của Chartouni là Naji, 17 tuổi kể lại: “Mẹ tôi rất giận bố tôi vì đã mua một tấm ván nhỏ xíu, có vẽ hình nguệch ngoạc chẳng có chút giá trị gì với giá cắt cổ!”.
Sau đó, không ai biết tin tức gì về nó nữa. Có lẽ do xung đột với vợ con mà nó đã bị cất giấu ở đâu đó. Năm 1985, Naji lại tìm thấy nó trong nhà ông bà nội đã qua đời của mình. Anh ta quyết định mang ra bán đấu giá tại một cửa hàng đồ cổ của gia đình. Không ai ngó ngàng tới nó.
Cho đến năm 2001, anh ta có một gã bạn người Pháp tên Franck Baille thường xuyên có mặt tại Beyrouth vì làm việc cho một tổ chức từ thiện.
Hắn chú ý đến bức tranh trên nền nắp gỗ và tự hỏi: chẳng biết nó có giá trị gì không? Hắn chụp ảnh và mang về Pháp hỏi ý kiến một chuyên gia nghệ thuật về tranh cổ điển tên Eric Turquin.
Baille còn phát hiện một vùng lõm phía sau lưng bức tranh gỗ như thể ai đó muốn bôi xóa tên tác giả. Naji Chartouni quả quyết mình không hề làm.
- Xem thêm: Steve Mumford vẽ một cuộc chiến
Xét nghiệm của Eric Turquin đưa đến kết luận: đó thực sự là một báu vật! Có thể là một bức tranh của Seurat bị đánh cắp.
Anh ta dẫn theo một luật sư chuyên môn ở Paris tên Jean-Pierre Spitzer và liên lạc với nhà Chartouni để được an ninh pháp lý khi mua bức tranh này.
Nguồn gốc của nó đáng ngờ. Nhiều thư từ qua lại giữa họ và Bộ Nội vụ Pháp, kể cả Bộ trưởng lúc đó là Domnique Villepin. Kết quả: bức tranh đã bị đánh cắp!
Tháng 9-2004, câu trả lời của chánh Văn phòng Trung ương chống buôn lậu di sản Văn hóa gởi cho luật sư: “Nó là tài sản khách hàng của ông”.
Nếu nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ, hãy gặp những người chủ trước của nó, phải tìm cho được gia đình của họa sĩ Paul Signac hay nói chính xác hơn là con gái ông ta là bà Cachin Signac, từng là giám đốc Viện Bảo tàng Pháp. Ông ta sai lầm bởi đó chính là Francoise Cachin, cháu nội chứ không phải là con gái của Paul Signac.
Trong thập niên 2000, bức tranh bí mật rời khỏi Liban. Naji Chartouni giao nó cho con gái mình là Tatiana cư ngụ ở Hà Lan. Cô này gởi cho chị mình là Joelle, nhân viên của nhà bán đấu giá Tajan tại Paris. Ông chủ nhận được lệnh của bố mình là phải báo tin cho Franck Baille và chuyên gia giám định Eric Turquin.
Tháng 9-2006, một luật sư tự giới thiệu mình là cố vấn của một người muốn mua bức tranh của Seurat, viết thư cho Francoise Cachin. Cô ta kề tai hỏi nhỏ anh: “Bằng cách nào và tại sao lại hỏi tôi để mua một bức tranh đã từng thất lạc hơn nửa thế kỷ?”.
Ngày 7-2-2007, cựu nữ Giám đốc Bảo tàng Pháp, đệ đơn kiện một người tên X về tội tàng trữ đồ gian. Luật sư Olivier Baratelli của bà giải thích: “Nhà sử học nghệ thuật nổi tiếng này không ngần ngại.
Động thái này chứng minh sự tái xuất hiện trên thị trường nghệ thuật miếng gỗ của Georges Saurat mang tên Tranh phác họa hoàn tất của bức Buổi chiều trên đảo Grand Jatte, là của mẹ mình Ginette Signac trước khi bị mất cắp”.
Nhưng phải chờ đợi không dưới 11 năm, phiên tòa xét xử mới diễn ra, sau rất nhiều biến động thăng trầm của luật pháp.
Năm 2008, tòa án nắm trong tay bức tranh sau khi cảnh sát lục soát nhà của chuyên gia nghệ thuật Eric Turquin. Thoạt tiên, quan tòa muốn làm rõ dòng chữ bôi xóa phía sau lưng bức tranh.
Phòng thí nghiệm Cảnh sát hình sự Paris đã tái tạo được như sau: “Tài sản của P. Signac – 18 đường Lafontaine”. Rồi các nhà điều tra giao cho quan tòa danh sách tác phẩm của một chuyên gia về Seurat công bố năm 1961.
Theo đó thì bức tranh đã bị đánh cắp vào năm 1940, và chuyện này dẫn đến một vụ kiện cáo. Cũng vào năm 2008, Naji Chartouni bị quan tòa thẩm vấn đến 2 lần khi ông ta đích thân đến Liban.
Năm 2011, sau khi Francoise Cachin qua đời, quan tòa giao trả bức tranh cho cô con gái tên Charlotte Liebert- Hellman và ra sắc lệnh miễn tố cho Naji Chartouni.
Nhưng đến cuối năm 2012, tòa phúc thẩm Paris xét lại hồ sơ và ra phán quyết trái ngược: điều tra Naji và hai năm sau chuyển sang tòa án tiểu hình.
Ngày 16-10-2018, trong phiên xét xử tại Tòa án Paris, Naji Chartouni ủy quyền cho hai luật sư Jean-Pierre Spitzer và Frédérique Garibaldi-Ribes.
Họ cố chứng minh thân chủ mình không hề biết bức tranh đã từng bị mất tích: Seurat đã từng vẽ hàng trăm bức phác họa cùng cỡ, ngay trên nắp hộp thuốc lá xì gà.
Hơn nữa, muốn kết tội Naji tàng trữ đồ gian, phải có chứng cớ về một vụ đánh cắp. Thế mà chuyện này không hề có.
- Xem thêm: Bức phác thảo đắt nhất thế giới
Lập luận này đã bị ba quan tòa bác bỏ một cách kiên quyết: Naji Chartouni phải biết rõ nguồn gốc phi pháp của bức tranh từ năm 2002 bởi vì anh ta biết rõ thông tin nó đã bị đánh cắp qua hai chuyên gia Baille và Turquin. Điều đó đủ để kết tội tàng trữ đồ gian!
Từ năm 2011, bức tranh phác họa của George Seurat vẫn được bình yên treo trên tường nhà của Charlotte Liebert-Hellman. Nhưng lịch sử náo loạn của nó lại được khuấy lên một lần nữa trước các quan tòa, trong phòng xét xử của tòa lâu đài cũ kỹ của pháp đình Paris, khi tòa phúc phẩm xét lại vụ án, có lẽ không trước năm 2020.