Không chỉ biểu diễn trong không gian nhà hát hay Festival Biển tại Nha Trang, Five Play cũng sẽ có những buổi biểu diễn giao lưu với công nhân tại các khu công nghiệp, các sinh viên của các trường đại học.
Nhóm Five Play gồm năm thành viên: Sherrie Maricle – trống/ trưởng nhóm, từng tham gia bộ phim tài liệu The girls in the band – phim nói về các ban nhạc jazz nữ của thế kỷ XX, những nỗ lực của họ để vượt qua sự kỳ thị và chứng tỏ tài năng của mình trong một thế giới nhạc jazz thường được cho là thống trị bởi đàn ông. Các thành viên khác là Tomoko Ohno – piano, Noriko Ueda – bass, Jami Dauber – trumpet, Janelle Reichman – tenor saxophone và clarinet. Five Play là một trong những nhóm nhạc jazz nữ hiếm hoi của Hoa Kỳ, đã thách thức các định kiến cho rằng chỉ những nhạc công nam mới có thể thăng hoa trong dòng nhạc jazz đầy ngẫu hứng này. Kể từ lúc thành lập từ năm 1999 đến nay, Five Play đã cho ra mắt ba album được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao là On the Brink, Five Play Plus và What The World Needs Now.
Sherrie Maricle
Tomoko Ohno
Noriko Ueda
Chương trình bao gồm 10 nhạc phẩm jazz nổi tiếng được Five Play phối lại như Groove Merchant, Besame Mucho, On The Sunny Side of the Street, Caravan, Organ Grinder’s Swing… Các nhạc phẩm được Five Play trình diễn là sự kết hợp giữa các giai điệu classic và các màu sắc âm nhạc đương đại. Âm nhạc của Five Play tươi sáng, hạnh phúc, đầy ngẫu hứng nhưng theo một phong cách rất nữ tính và có chút mơ mộng. Các thành viên có sự tung hứng vừa vặn, ăn ý khi phối hợp nhưng vẫn thể hiện được những nét riêng khi solo. Trong năm thành viên của Five Play, tay trống Sherrie gây nhiều ấn tượng với số đông khán giả khi liên tục có những đoạn solo đầy ngẫu hứng, mạnh mẽ không thua kém các tay trống nam. Nhưng nổi bật nhất phải kể đến Janelle Reichman với phần nhạc cảm và cảm xúc tuyệt vời với các giai điệu, khi thì sôi động mạnh mẽ với tiếng saxophone, khi thì vui tươi, uyển chuyển với tiếng kèn clarinet. Kết hợp cùng với tiếng kèn trumpet của Jami Dauber, khán giả liên tục được nghe phần đối thoại, tung hứng của hai cây kèn qua các cung bậc cảm xúc khác nhau ở mỗi bài hòa tấu. Ngoài ra, cả nhóm cũng kết hợp khá mượt mà với ca sĩ khách mời Tuyết Loan trong hai bài hát Besame Mucho và On The Sunny Side of The Street.
Jami Dauber
Janelle Reichman
Five Play đến với Việt Nam lần này không chỉ giới thiệu dòng nhạc jazz truyền thống – di sản văn hóa mà mọi người Mỹ đều tự hào, mà còn cổ vũ cho bình đẳng giới và xoa dịu nỗi đau của các trẻ em và phụ nữ bị thiệt thòi trong các mái ấm, nhà mở… Là dòng nhạc được sáng tạo bởi những người Mỹ da đen vào đầu thế kỷ XX, tự bản thân jazz đã kể câu chuyện về những con người bị bỏ mặc, bị đối xử bất công trong xã hội. Qua lời kể của trưởng nhóm Sherrie, khán giả cũng được biết thêm về bài hát kinh điển Cry Me A River, ban đầu được sáng tác cho bộ phim Pete Kelly’s Blues nhưng đã bị loại khỏi bộ phim do vấp phải sự phản đối của công chúng, chỉ vì một lý do, nữ ca sĩ Ella Fitzgerald là người da màu. Dĩ nhiên, theo như những gì chúng ta biết bây giờ, cả Cry Me A River lẫn Ella Fitzgerald đều đã trở thành những tượng đài trong lịch sử âm nhạc thế giới. Đến giữa chương trình, cả khán phòng lặng đi khi nghệ sĩ Tomoko Ohno trân trọng đưa nghệ sĩ dương cầm khiếm thị Quốc Đạt lên sân khấu và ngồi vào đàn piano thay vị trí của mình trong nhạc phẩm All Of Me.
Quốc Đạt
Tuyết Loan
Một bất ngờ thú vị mà Five Play dành tặng cho khán giả Việt Nam là phần trình diễn bàiBèo dạt mây trôi theo phong cách jazz. Tuy nhiên, sự lựa chọn này xem ra chưa được phù hợp. Giai điệu mượt mà, đượm buồn của Bèo dạt mây trôi khi được làm mới lại trong một bản phối swing ngẫu hứng, vui tươi đã làm không ít khán giả… chưng hửng. Đó cũng là một điểm trừ nho nhỏ trong phần nội dung âm nhạc khá chỉn chu của chương trình.
Nhật Hà
Ảnh Vũ Duy Giang