Bà mẹ trong cơn giận con cái than thở kèm theo những giọt nước mắt: “Mẹ cả đời hy sinh mà các con không nghĩ cho mẹ. Ai vì các con mà ngủ không tròn giấc? Một cái áo đẹp, đắt tiền nhìn thế mà rồi cũng lắc đầu quay đi? Thấy bạn bè đi du lịch nước này nước kia mà ngậm ngùi. Đâu phải mẹ không có khả năng, nhưng phải nghĩ đến các con và bao thứ khác cần thiết hơn…”.
Lời than vãn của bà nghe đến xót xa! Cuối cùng, một cô con gái đến bên mẹ: “Mẹ à, thôi mẹ hãy sống cho mình một chút đi. Chúng con chưa làm ra tiền để có thể mua gì tặng mẹ, nhưng chúng con sẽ không đòi hỏi những thứ không cần thiết nữa!”.
Đó là lời của cô con gái hiểu và thương mẹ, nhưng không thiếu những đứa con vô tình không thấy nỗi khát khao rất đỗi bình thường của một người mẹ.
Một bà mẹ trẻ tâm sự rằng năm năm nay chưa đi hát karaoke, không hề có một buổi sáng thứ Bảy hay Chủ nhật nào được thảnh thơi ngồi cà phê với bạn bè.
Những điều ước rất đỗi bình thường đó của người phụ nữ dường như bị tước đoạt bởi công việc bận rộn và quỹ thời gian eo hẹp.
Người phụ nữ hiểu rất rõ rằng nếu mình không hy sinh thì có nhiều nhu cầu khác trong gia đình sẽ phải… hy sinh. Chẳng hạn, muốn đi du lịch thì còn phải nghĩ đến cái nhà cần sửa, cái máy vi tính mà con đang cần…
Họ không hề hiểu rằng nếu có hy sinh một chút những thứ đó, thậm chí biết cắt bớt một hai khoản cho chồng con thì cũng không sao, hạnh phúc gia đình đâu có suy giảm đi.
Nhiều khi, suy nghĩ của các bà mẹ rất “cổ” là họ thấy hạnh phúc khi được hy sinh cho chồng con, vui sướng khi thấy mình lam lũ cho chồng con tươm tất!
Nhiều người mẹ sẵn sàng đầu tắt mặt tối trong bếp để bưng lên mâm bát đủ đầy cho chồng con đang ngồi… chờ ở bàn ăn!
Vào bữa cơm, bà mẹ cứ ngồi xới hết chén này đến chén kia, tiếp tế (từ bếp lên bàn) hết món này đến món khác, không hề đụng đũa lấy một miếng nhưng lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng!
Có bà mẹ tuần nào cũng dành hai ngày nghỉ cuối tuần lao vào việc chợ búa, nấu nướng, đóng thùng gửi thức ăn cho con đang học ở xa.
Thực ra, những thức ăn đó cô con gái hoàn toàn có thể tự lo được, có khi thức ăn mẹ gửi cô không ăn kịp (vì đi ăn với bạn bè), cuối cùng phải bỏ!
Thậm chí có bà mẹ một đời khổ cực, đến khi con cái làm có tiền, mua sắm cho cái gì cũng tiếc tiền, dù là tiền của con. Đi siêu thị hay các trung tâm thương mại, bà chỉ dám nhìn chứ không dám sờ!
Nhiều cô gái thấy mẹ mình cổ hủ kiểu đó, lắc đầu: “Nếu là con, con sẽ không như vậy!”. Bà mẹ mỉm cười bao dung vì biết đó chỉ là quan niệm tức thời. Mai mốt cô lấy chồng, có con rồi thì cô sẽ biết thế nào là… lễ độ!
Sống cho mình – một điều tưởng dễ dàng nhưng xem ra rất khó khăn với nhiều phụ nữ trong thời hiện đại. Còn có nhiều phụ nữ tự trói mình vào khuôn khổ gia đình, chỉ lo cho chồng con, một chút riêng tư cho mình cũng không dám.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa cổ xúy cho phụ nữ… vùng lên! Cả ngày dạo hết cửa hàng này đến plaza khác săn hàng độc, hết mốt tóc này đến kiểu áo nọ, trang sức này đến trang sức kia. Rảnh thì ngồi… sòng! Hình mẫu phụ nữ này rõ ràng một trời một vực so với hình mẫu người phụ nữ ở trên.
- Xem thêm: Già theo con
Nhiều phụ nữ cho rằng biết sắp xếp thời gian, biết cân đối ngân quỹ gia đình cũng là một cách khiến mình tự tin hơn. Đi ăn, đi cà phê, hát karaoke với bạn bè một bữa cũng không mất thời gian bao nhiêu.
May vài cái áo đầm, sắm mấy thứ mỹ phẩm dưỡng da cũng không làm ngân sách gia đình thâm thủng đi; thậm chí mua yến là thứ đắt tiền nhất để tẩm bổ cho mình sau quá trình lao động mệt nhọc cũng không có gì phải áy náy: quan trọng là đừng cố “quy ra thóc” để tự làm khổ mình, bởi vì cuối cùng, muốn sống cho mình cũng không xong!
Sống cho mình cũng là một trong những cách tích cực trong chăm lo cuộc sống của toàn gia đình. Lý do rất đơn giản: mẹ có vui, có khỏe, có hài lòng thì mọi thành viên trong gia đình mới thoải mái và hạnh phúc.