Trong số các nhà tư vấn doanh nghiệp có bề dày hàng đầu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group – ông Lý Trường Chiến mang một phong cách riêng không thể lẫn với bất kỳ ai: Đó là vẻ ngoài mộc mạc cùng lối nói chuyện tình cảm, chân thành.
Từ một kỹ sư “cả ngày chẳng mở miệng” trở thành doanh nhân liên tục tương tác với nhiều đối tượng khác nhau, rồi trở thành chuyên gia tư vấn dùng sự quan tâm, tư duy và lời nói truyền thông để giúp thay đổi vận mệnh của các doanh nghiệp, ông là thành công điển hình cho việc dám bước ra khỏi “vùng an toàn” mở rộng sự nghiệp và cuộc sống theo chiều hướng tích cực.
Buổi trò chuyện mà chuyên gia Lý Trường Chiến dành cho doanhnhanplus.vn bắt đầu từ một câu nói mà ông không thích của người Việt Nam xưa, và cũng là một trong những điều ông đã dành nhiều thời gian để góp phần thay đổi, đó là quan niệm “Thà cho vàng chứ không chỉ đàng đi buôn”.
Ông chia sẻ: “Ngay từ khi mới bước chân ra đi làm, tôi đã nhận thấy tính giấu nghề là một trong những hạn chế lớn của người Việt cũng như nhiều dân các nước châu Á để phát triển. Nếu như chỉ với món gà rán, người Mỹ có thể cùng KFC đi khắp thế giới, tạo ra giá trị hàng tỉ đôla thì “bún mắng, cháo chửi” Việt Nam chỉ có thể mang lại sự giàu có cho một gia đình”.
____
Vậy nhu cầu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm có phải là động lực khiến ông từ một kỹ sư cơ khí trở thành diễn giả và nhà tư vấn?
Tôi vốn không hoạt ngôn. Thời trẻ, bạn bè thường nhận xét là chơi với tôi thì yên tâm nhưng rất chán, lý do là tôi cực kỳ ít nói.
Mười năm đầu sau khi ra trường tôi tập trung làm kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp, sau đó mới chuyển sang làm tiếp thị rồi làm quản lý, quản lý cấp cao.
Công việc buộc mình phải truyền cho người khác thông hiểu nhiều hơn, và tôi quyết tâm nâng cao khả năng nói chuyện trước mọi người vì đó là kỹ năng sống quan trọng để tương tác phát triển.
Bản chất cuộc sống là luôn có vấn đề và tin rằng vấn đề nào cũng có giải pháp, dù mọi giải pháp đều lại sẽ có vấn đề, nhưng khi chúng ta quan tâm sâu sắc, tư duy tích cực, thảo luận chí tình thì sẽ tạo ra các giải pháp thông minh để giải quyết… cả chuỗi vấn đề.
____
Tại sao ông quyết định dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là marketing trong khi đang làm chuyên môn kỹ thuật rất thành công?
Từ năm 25 tuổi, tôi bắt tay khởi nghiệp lần đầu với Văn phòng LTC chuyên thiết kế chế tạo lắp đặt máy thiết bị và chuyển giao công nghệ. Mười năm làm kỹ thuật công nghệ tôi liên tiếp nhận được 16 giải thưởng của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM và Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc cho các giải pháp đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên sau đó, tôi muốn làm mới, hoàn thiện mình dấn thân với những thử thách mới, bởi vì nếu mãi làm công việc này mình cũng chỉ ở trong khối công nghiệp khi xã hội và cuộc sống đã tiến xa.
Năm 1995 từ bộ phận kỹ thuật, tôi bắt đầu thử sức cho gian hàng của Công ty Hóa mỹ phẩm P/S trong một hội chợ với vai trò tổ trưởng tiếp thị.
Sau khi có nhiều đề xuất tích cực, với doanh số bán hàng cao, trưng bày đẹp, nhân viên chăm sóc khách hàng chu đáo…
P/S thành công và tôi đã đạt được giải thưởng về xây dựng đội ngũ tiếp thị xuất sắc của ban tổ chức. Lãnh đạo Công ty P/S tin cậy, quyết định nhận và giao cho tôi nhiều việc hơn.
Khi P/S liên doanh với Unilever Việt Nam tôi được giao vị trí phó giám đốc tiếp thị ngành hàng chăm sóc răng miệng, rồi kiêm luôn giám đốc mãi vụ ngành hàng chăm sóc cá nhân.
Sau khi kết thúc liên doanh, tôi được Tập đoàn Unilever mời về đảm nhiệm chức vụ giám đốc tiếp thị chuyên nghiệp cho tất cả các ngành hàng chăm sóc cá nhân, gia đình và thực phầm.
Lúc này, số đông vẫn theo cách tiếp thị truyền thống, khi muốn giới thiệu một sản phẩm sẽ thông qua các mẫu quảng cáo khuyến mại. Phần mình, tôi đã đề xuất việc giới thiệu sản phẩm qua các hoạt động mang tính xã hội và liên kết.
Tiêu biểu là ba chương trình: P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam, Omo áo trắng ngời sáng tương lai và Lifebuoy chăm sóc vệ sinh gia đình.
Lúc đầu chưa nhiều người ủng hộ tôi. Không bỏ cuộc, tôi đưa ra từ chiến lược 5 năm đến những chương trình hành động cụ thể và kiên trì thuyết phục.
Thời đầu liên doanh tôi đã nhận được sự nhất trí cao và được cấp gần 100 triệu đồng để thử nghiệm ban đầu với P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam…
Các chương trình trên nhanh chóng đạt được kết quả khả quan, đến nỗi Unilever quyết định rót thêm cho tôi 2 triệu USD hằng năm để tiếp tục thực hiện các chương trình này.
Điều vui nhất của tôi là đến nay những chương trình này vẫn được duy trì và phát triển. Đó là nhờ tính chiến lược và chiều sâu của chương trình.
____
Và cũng lặp lại chu kỳ 10 năm, năm 2006 ông rời tập đoàn đa quốc gia để lại khởi nghiệp với nghề tư vấn doanh nghiệp – một lĩnh vực khá mới mẻ ở thời điểm đó?
Đúng là sau 10 năm tôi lại muốn làm mới mình. Từ chối đi nước ngoài và lời mời của nhiều công ty MNC đến Việt nam, tôi thành lập Trí Tri Group.
Tôi không có nhiều bằng cấp nhưng chịu học, chịu cày, tích lũy được nhiều vốn sống và khả năng lý luận gắn liền thực tiễn. Tôi cũng tự tin mình có khả năng khái quát mà không thiếu hay thừa chi tiết, lại có tính ứng dụng cao.
Với Trí Tri Group, tôi tập trung vào hoạt động tư vấn, huấn luyện, khai phát tứ năng con người và tổ chức, thông qua triết lý khai phát “Tứ Năng” gia tăng “Tứ lực”.
Theo triết lý này, cần đánh thức Tiềm năng thành Khả năng, rèn luyện Khả năng thành Kỹ năng và tích hợp Kỹ năng cùng khát vọng tốt đẹp sẽ tỏa sáng thành Tài năng từ đó gia tăng Thể lực Trí lực Tâm Lực và “Nội lực”.
Tôi thích “được là chính mình” với vẻ ngoài “dân dã”, hơi xuề xòa một tí. Đối tượng giao tiếp hằng ngày của tôi rất rộng, từ các chính trị gia, doanh nhân quyền lực, nghệ sĩ cho đến những người lao động phổ thông. Tôi muốn ngay cả những người “bình dân” khi tiếp xúc mình, họ cũng thấy thoải mái, dễ chịu.
____
Hầu hết các diễn giả, các nhà tư vấn đều ít nhiều chú trọng đến bề ngoài, riêng ông suốt mấy chục năm qua vẫn giữ nguyên phong cách như kỹ sư trong xưởng máy. Điều này có ảnh hưởng đến công việc của ông không?
Đầu tiên, tôi muốn được thoải mái với ngoại hình của mình. Tôi thích “được là chính mình” với vẻ ngoài “dân dã”, hơi xuề xòa một tí.
Đối tượng giao tiếp hằng ngày của tôi rất rộng, từ các chính trị gia, doanh nhân quyền lực, nghệ sĩ cho đến những người lao động phổ thông.
Tôi muốn ngay cả những người “bình dân” khi tiếp xúc mình, họ cũng thấy thoải mái, dễ chịu. Tôi yêu thương con người đặc biệt là chăm sóc trẻ em…
Với thực tế đó và ngoại hình này tôi được nhiều người gọi là ông già Noel và tôi thường đi tặng quà cho các bé vào Giáng sinh (cười).
Tôi còn nhớ, sếp cũ của tôi, Chủ tịch Unilever Việt Nam từng nói với tôi đầy vẻ tiếc nuối: “Chiến à! Cậu mà chịu khó thay đổi bề ngoài một chút thôi là tương lai sáng hơn nhiều nữa đó!”. Tôi chỉ cười và ghi nhận.
Có lẽ một phần tôi không quan trọng bề ngoài là do căn tính kỹ thuật, thích chiêm nghiệm, suy ngẫm, hướng đến bản chất của mọi vấn đề.
Nhưng chính nhờ sự gần gũi, lắng nghe những người lao động phổ thông mà trong công việc, tôi biết cách biến ngôn ngữ hàn lâm “bác học” thành ngôn ngữ bình dân “bác hai”, giúp cho mọi người mình tiếp xúc có thể tiếp nhận các vấn đề dễ dàng hơn.
____
Cũng chính cựu Chủ tịch Unilever Việt Nam từng nhận xét là ông có phương pháp xuất sắc để kết nối những thành viên người Việt với người nước ngoài; giữa văn hóa bản địa với các văn hóa khác trong tổ chức đa văn hóa?
Dù học Bách khoa chuyên ngành kỹ thuật nhưng tôi đọc sách khá nhiều và luôn quan tâm sâu sắc đến con người. Nhờ đó mà tôi hiểu sâu hơn về văn hóa, tâm lý từng cá nhân mình làm việc và giao tiếp.
Và cũng nhờ bản tính không thành kiến, thích học hỏi, tôi tiếp nhận và tích hợp được phương pháp, kỹ thuật hiệu quả của phương Tây với văn hóa thâm trầm Á đông.
Sự thấu hiểu hai nền văn hóa khác nhau, cộng với thực tâm hướng đến con người đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Hiện nay, với công việc huấn luyện, tôi cũng tích hợp logic, phương pháp, công cụ hiệu quả của phương Tây cùng văn hóa tinh hoa của phương Đông theo nguyên tắc Thực học Thực hành và học sâu hành sắc.
Kỷ nguyên 4.0 thay đổi nhanh, nhiều, nhộn nhịp và có phần nhiễu loạn, nhưng dù phát triển đến đâu đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm và tương tác giữa con người với con người.
____
Ông có phong cách giản dị, hào sảng của người Nam bộ, nhưng cách dùng từ ngữ khi nói chuyện lại chọn lọc, sâu xa giống như “kẻ sĩ Bắc Hà”?
Tôi có quê nội ở Vĩnh Long, quê ngoại ở Hà Nội, chắc nhờ vậy mà tôi có tính cách cả hai vùng miền. Tôi thích sự thâm thúy, sâu sắc của người miền Bắc và cách sống tình cảm, chân tình của người miền Nam. Nhiều người cho rằng ngày nay xã hội thay đổi phát triển nhanh quá không biết bắt đầu từ đâu.
Tôi vẫn chia sẻ, kỷ nguyên 4.0 thay đổi nhanh, nhiều, nhộn nhịp và có phần nhiễu loạn, nhưng dù phát triển đến đâu đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm và tương tác giữa con người với con người.
Do đó người làm quản lý phải có sự quan tâm chân thành và sâu sắc để thấu cảm người khác thì mới có sự ủng hộ chí tình vì ai cũng có hoàn cảnh, tình cảm và suy nghĩ riêng tư. Chỉ khi có sự ủng hộ của người khác, thường phải là số đông thì mới có thể phát triển lên tầm cao mới.
Ngay cả ở các nước phát triển, việc tạo quan hệ tốt giữa người với người đúng luật để công việc thuận lợi hơn cũng luôn được chú trọng. Do đó mới có khái niệm lobby – vận động hành lang.
____
Cùng với sự thấu hiểu tâm lý người khác để có được sự ủng hộ, người làm quản lý hiện nay cần phải có thêm những điều gì nữa, thưa ông?
Theo tôi, đã là doanh nhân, doanh chủ cần luôn suy nghĩ và làm đúng đạo lý. Đạo lý căn bản là lợi ích của mình không xâm phạm lợi ích của người khác, là làm việc công tâm tức luôn hướng đến mục tiêu chung, là đảm bảo công bằng tức là ai tạo ra giá trị nhiều sẽ được hưởng mức tương xứng, và cần sự công khai minh bạch của hệ thống để tạo ra sức mạnh. Ngoài ra đạo lý cũng bao gồm luôn việc chịu trách nhiệm về lời nói và việc làm của mình.
Ở thời đại này, cũng cần có luận lý, tức là biết đọc và hiểu được các con số, phải thấy được vấn đề của các chỉ số, biết giải quyết vấn đề để cải thiện chỉ số và thuyết phục người khác qua các “con số biết nói”.
Nếu sống đúng đạo lý sẽ được ủng hộ thì thuyết phục có luận lý sẽ được tin cậy, và ứng xử tâm lý sẽ được người khác dấn thân vì mục tiêu chung cùng mình.
- Xem thêm: Tôi mới thực hiện được một phần giấc mơ
Tôi thường nói với thân chủ, học trò của mình rằng nếu doanh nghiệp như một chuỗi ngọc thì người quản lý là sợi dây giữ vai trò kết nối, xâu chuỗi các viên ngọc tức các chức năng hay thành viên.
Một chuỗi ngọc chắc chắn sẽ đẹp và giá trị lớn hơn rất nhiều so với một vốc hạt ngọc rời rạc. Nhưng nhìn từ bên ngoài, người ta chỉ thấy vẻ long lanh, lóng lánh của từng và các hạt ngọc chứ ít khi thấy được sợi dây.
Tương tự, người làm quản lý cần là người đứng phía sau, xâu kết, nhưng là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên giá trị của tổ chức.
____
Ở lĩnh vực nào thì ông cũng thường được nhiều người yêu mến vì sự hài hước, lạc quan. Giờ đây khi bước vào tuổi tri thiên mệnh, ông vẫn giữ được sự lạc quan như trước đây chứ?
Tôi vẫn rất lạc quan, nhiều lúc đến mức lạc lối (cười)! Nói đùa chút thôi chứ tôi hiểu bản chất cuộc sống là luôn có vấn đề và tin rằng vấn đề nào cũng có giải pháp, dù mọi giải pháp đều lại sẽ có vấn đề, nhưng khi chúng ta quan tâm sâu sắc, tư duy tích cực, thảo luận chí tình thì sẽ tạo ra các giải pháp thông minh để giải quyết… cả chuỗi vấn đề.
Đến tuổi này tôi vẫn luôn học hỏi từ sách báo, cả người trên, dưới và ngang với mình, cả trong lẫn ở ngoài tổ chức. Tôi trân trọng quá khứ, sống hết mình với hiện tại và lạc quan tỉnh táo hướng đến tương lai.
____
Xin cảm ơn ông!