Những nỗ lực hóa thân
Hành trình hóa thân thành một con người được cả thế giới yêu mến bao giờ cũng đòi hỏi những nỗ lực gấp nhiều lần một vai diễn bình thường của các diễn viên. Năm 2012, bộ phim The Lady nói về Aung San Suu Kyi, người phụ nữ vĩ đại của đất nước Myanmar ra mắt trong sự ngạc nhiên của chính những người dân Miến Điện: Dương Tử Quỳnh hoàn toàn là một bản sao trên màn ảnh vị lãnh tụ họ yêu mến. Cựu hoa hậu Malaysia đã học tiếng Myanmar trong một thời gian dài, luyện tập thuyết trình một cách đầy nội lực như nhân vật của mình, xem hơn 200 giờ phim tư liệu về vị lãnh đạo này. Dương Tử Quỳnh nhiều lần bay sang Myanmar để xin diện kiến và được bà tiếp chuyện…
Cách mà Colin Firth, diễn viên nhập vai vua George VI của nước Anh trong The King’s Speech đã chọn là tìm mọi cách xin một cuộc hẹn với thái tử Charles. Ông tin rằng việc tiếp cận và làm quen với cung cách ứng xử cũng như có thêm thông tin về gia đình Hoàng gia Anh sẽ giúp ích cho vai diễn của mình. Vượt trên giải Oscar, diễn xuất của Colin đã đem đến cái nhìn chân thực về một vị vua biết nỗ lực vượt qua tật nói lắp của mình, xóa bỏ tự ti để trị vì đất nước đang đối mặt với khủng hoảng chiến tranh thế giới thứ hai. Colin Firth thừa nhận trong suốt quá trình làm phim, ông phải luôn căng cổ họng và cơ mặt để vào vai người nói lắp. Ông muốn khán giả nghe được cảm giác đau đớn và u uất thật sự của nhà vua trong âm thanh giọng nói. Chứng đau đầu, co cơ và đau dây thần kinh trái của Colin Firth là hậu quả để lại sau một thời gian dài thực hiện bộ phim.
Hình tượng của nhân vật tổng thống vĩ đại Lincoln trong bộ phim cùng tên là một nỗ lực khác của toàn bộ ê-kíp làm phim. Steven Spielberg đã làm một bộ phim hoàn toàn khác với những tên phim còn lại trong sự nghiệp lừng lẫy của mình. Steven Spielberg làm sống lại trên màn ảnh rộng, một dấu ấn mang tính thời đại trong cuộc đời tổng thống và của cả lịch sử nước Mỹ: tìm cách thông qua Tu chính án thứ 13, giải phóng cho những nô lệ da đen và chấm dứt cuộc nội chiến. Mất nhiều năm để tìm được một kịch bản ưng ý, sau khi bắt nhà biên kịch phải chỉnh sửa nhiều lần, Steven mất thêm nhiều chuyến bay để thuyết phục Day – Lewis, diễn viên kỳ cựu người Anh nổi tiếng nhận vai diễn này. Để nhập vai Lincoln, diễn viên này phải sửa giọng nói Anh của mình theo giọng Mỹ cho những đoạn tranh luận hùng hồn với nội các và diễn thuyết trước đông người. Day – Lewis mất nhiều tháng trời để tìm những tư liệu lịch sử về vị tổng thống này, nhất là cách để thể hiện giọng nói. Không có một băng ghi âm nào để mô tả, cuối cùng ông chọn cách thể hiện âm vực cao và trầm ấm để thể hiện thần thái của Lincoln, theo như một số tư liệu lịch sử ghi lại. Chỉ có những nỗ lực tuyệt vời của ê-kíp xuất sắc này mới làm cho người xem có cảm giác chiếc ghế ngồi trong rạp chiếu hóa thành cỗ máy thời gian đưa mình về thế kỷ XIX, đối diện với vị tổng thống lừng danh được cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ yêu mến.
Phim ảnh và sự thật lịch sử
Được xem là một tác phẩm khác biệt hoàn toàn về thể loại phim tiểu sử, The Iron Lady không đề cao nhân vật bà đầm thép Margaret Thatcher mà chủ yếu khai thác quãng thời gian về già, đã nghỉ hưu, ốm yếu và mắc chứng bệnh mất trí nhớ. Phim có những cảnh đan xen thời điểm hiện tại với hồi tưởng của bà về quá khứ huy hoàng. Dù diễn viên Meryl Streep được công nhận là diễn xuất quá tuyệt vời, từ cách đi đứng đến nụ cười, giọng nói, phong thái nhưng bộ phim cũng vấp phải nhiều sự phản đối. Báo chí Anh chỉ trích rằng bộ phim đã “làm quá” lên về khoảng thời gian cô đơn và ảo tưởng về quá khứ khi vị nữ lãnh đạo này phải trả giá cho quyền lực chính trị của mình. Thủ tướng Anh David Cameron thậm chí chỉ trích bộ phim này chỉ là tác phẩm về một người già cô độc chứ không phải một nữ thủ tướng uy lực khi cầm quyền với những chính sách xoay chuyển thời cuộc đáng kinh ngạc, khả năng lãnh đạo đáng khâm phục của bà bị phớt lờ. Chính gia đình và bạn bè của bà lên tiếng phản đối về hình tượng người phụ nữ cô độc trong phim. Bản thân nữ thủ tướng cũng đã từ chối cuộc gặp với Meryl Streep ngay trước khi khởi quay, cũng như đến dự buổi ra mắt phim vì không muốn cái nhìn về 11 năm cầm quyền của bà bị bóp méo.
Với đề tài khai thác cuộc sống của hoàng gia Anh sau tháng 9-1997, khi công nương Diana qua đời ở Pháp vì tai nạn xe hơi, bộ phim The Queen đã tôn vinh vai trò của nữ hoàng Elizabeth II một cách đầy tôn quý, trí tuệ và cũng vô cùng hóm hỉnh trong vai trò dẫn dắt hoàng tộc đi qua khủng hoảng. Tuy nhiên, đời sống riêng tư của nữ hoàng lúc nào cũng nằm trong vòng bí ẩn đến đáng sợ. Chính điều đó đã khiến Helen Mirren, nữ diễn viên thủ vai nữ hoàng e ngại rằng rất khó để diễn tả đúng một phần sự thật của lịch sử, dễ thất bại khi cường điệu mọi cảm xúc. Tuy nhiên, đạo diễn Stephen Frears đã quyết định đưa lên màn ảnh sự thật về cuộc sống của nữ hoàng và mọi thành viên hoàng gia ở điền trang tại Scotland sau khi nghe tin Diana mất, không cần biết đến mọi phản ứng của người dân. Bộ phim đã khắc họa chân thực hình ảnh của một nữ hoàng dữ dội, quyền lực trên chính trường nhưng cũng đầy yếu đuối và mệt mỏi khi bị áp lực như bất kỳ người đàn bà nào khác. Cuối cùng bộ phim cũng được tạp chí EntertainmentWeekly xếp vào danh sách những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất, bội thu giải thưởng tại Oscar 2006 và góp phần đem đến cho Helen Mirren giải Thành tựu trọn đời do Viện Điện ảnh châu Âu trao tặng.
Không chỉ khắc họa tính cách và tường thuật chân dung của một nhân vật lịch sử, điều mà nhiều bộ phim lãnh tụ đã làm được là truyền cảm hứng đến cho hàng triệu khán giả về một giai đoạn lịch sử mà những nhân vật vĩ đại đã đi qua. Nhắc đến cảm xúc mãnh liệt từ phim lãnh tụ, khó thể bỏ qua bộ phim Invictus của đạo diễn Clint Eastwood. Bộ phim do diễn viên kỳ cựu Morgan Freeman thủ vai cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, nói về nỗ lực của ông trong việc hòa giải dân tộc Nam Phi. Biết bao nhiêu giọt nước mắt của khán giả đã rơi khi nhìn thấy cảnh kết phim trong bộ phim Gandhi, người dân rắc tro cốt của vị thánh Ấn Độ này trên sông Hằng… Bộ phim đã khái quát lại cuộc đấu tranh bất bạo động vì nhân dân cùng khổ Ấn Độ của vị lãnh tụ vĩ đại được nhân loại xưng tụng như một vị thánh. Cũng như cảnh kết phim Lincoln, người xem dường như không thở được khi Lincoln bị ám sát qua đời sau cơn hôn mê kéo dài chín giờ, trong tiếng cầu nguyện của vị linh mục và Bộ trưởng Bộ chiến tranh Stanton gửi lời chào tiễn biệt: “Nay ông đã thuộc về thời đại”!