Đến thực hiện, nó là sự “giao tiếp, cảm nhận” vô cùng tinh tế, ăn ý giữa diễn viên, biên đạo múa (Lê Vũ Long) và âm nhạc (Trí Minh), để rồi cả ê-kíp nghệ sĩ trên sân khấu ấy tạo nên một câu chuyện, “giao lưu” trực tiếp với khán giả một cách ấn tượng nhất.
Câu chuyện được bắt đầu bằng những ký ức bị lãng quên. Anh ta đứng đó, nhìn vào quá khứ của mình và tập làm quen với nó. Nó – Ký ức không còn thuộc về anh ta và anh ta cảm thấy xa lạ. Và anh hiểu rằng, Nó – Ký ức đang sống độc lập, nó không cần có anh để tồn tại, ngược lại, anh cần nó để biết mình đang tồn tại… Nó – Không mang hình hài mà anh ta có thể chạm tới và anh quyết định đi vào trong Nó. Trong Nó, không gian – thời gian đang giãn nở như hơi thở của anh ta. Và ở đó, anh ta gặp hình hài của mình một cách ngẫu nhiên… Đó là nội dung của Ký ức thở dài mà biên đạo Lê Vũ Long cùng đoàn múa Nơi Đến muốn thể hiện.
Hẳn là điều đầu tiên, Lê Vũ Long gây ngạc nhiên cho mọi người về vũ đoàn do anh và vợ, nghệ sĩ Lưu Thị Thu Lan thành lập lại toàn người khiếm thính. Âm nhạc là nền tảng cho nghệ thuật múa, vậy dựa vào đâu để người khiếm thính có thể dùng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện những điều muốn nói? Lê Vũ Long cho rằng, sự chuyển động nhịp nhàng, tự nhiên của cơ thể kết hợp với sự thấu hiểu, cảm nhận về nội dung câu chuyện của người diễn viên chính là chất liệu quan trọng nhất làm nên vở diễn. Còn nhạc sĩ Trí Minh thì chia sẻ: “Các nghệ sĩ múa “nghe” các chấn rung về âm thanh để chuyển động, và rồi tôi lại tiếp tục tương tác dựa trên các chuyển động đó. Do vậy, âm nhạc trong vở múa vô cùng ngẫu hứng… Nghệ sĩ trên sân khấu phản ứng với âm thanh, phỏng đoán âm thanh rất chính xác”. Bản thân các nghệ sĩ thì sao? “…khi múa, chúng tôi tập trung vào cảm giác của con tim và điệu múa. Nhưng khi có thời cơ thuận lợi, chúng tôi nhìn anh Trí Minh và cách ngón tay của anh ấy di chuyển theo những phím đàn”.
Bằng cách ấy, từ khi được thành lập (năm 2002) đến nay, Nơi Đến đã có nhiều tác phẩm ra mắt người xem và gây được ấn tượng tốt: Nơi đến, Mắt bão, Trời tròn, đất vuông, Chuyện của chúng mình và Ký ức thở dài. Trong đó, Chuyện của chúng mình – một cách nhìn mới về vấn đề của những người mang HIV/AIDS – đã lưu diễn tại bốn thành phố lớn ở Mỹ: Chicago, Portland, Seattle, New York; đồng thời tham dự Spotlight festival tại Campuchia, festival nghệ thuật tại Florence, Ý. Và đặc biệt, Ký ức thở dài nằm trong dự án “Mở rộng cách nhìn và cảm nhận múa đương đại” do quỹ Ford và Quỹ phát triển trao đổi văn hóa Đan Mạch tài trợ, đã lọt “mắt xanh” của nhà hát Pfalzbau, Ludwigshafen (Đức). Ban giám đốc nhà hát đã mua vở múa và mời đoàn biểu diễn tại sân khấu danh tiếng này từ ngày 17-5.
Đoàn múa đương đại Nơi Đến được đánh giá là một đoàn nghệ thuật đặc biệt mới lạ, tiên tiến và độc đáo, đã làm dấy lên mối quan tâm của xã hội về các vấn đề người khuyết tật – người có HIV/AIDS, nạn nhân chất độc da cam… trong cộng đồng Việt Nam thông qua nghệ thuật.
Diễm Anh