Dữ liệu quý I cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong quý I với Mỹ tăng 13,5 tỉ USD, so với 7,5 tỉ USD quý I năm trước.
Theo khẳng định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo bán niên về kinh tế Việt Nam mới được công bố, Việt Nam dường như được hưởng lợi trước mắt từ chuyển hướng thương mại sau khi tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc – Mỹ leo thang.
Thuế quan tăng lên, và kèm theo đó là chi phí đầu vào và sản phẩm cuối cùng tăng tương ứng dự kiến sẽ làm suy giảm lưu lượng thương mại quốc tế và tổng GDP toàn cầu.
Theo dữ liệu về thương mại của Mỹ cho giai đoạn kể từ đợt áp đặt thuế quan vòng đầu tiên từ giữa năm 2018, Việt Nam nằm trong số các quốc gia hưởng lợi từ tranh chấp thương mại, ít nhất trong ngắn hạn.
Dữ liệu quý I cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam trong quý I với Mỹ tăng 13,5 tỉ USD, so với 7,5 tỉ USD quý I năm trước, trong đó kim ngạch tăng chủ yếu ở các mặt hàng chịu thuế quan tăng lên.
Đồng thời, là một nền kinh tế có độ mở cao với tỷ lệ thương mại trên GDP lên đến gần 200%, Việt Nam cũng chịu nguy cơ do tình trạng bất định tăng lên gây khả năng gián đoạn ở các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, bắt đầu leo thang từ giữa năm 2018, gây ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế toàn cầu. Thuế quan tăng lên, và kèm theo đó là chi phí đầu vào và sản phẩm cuối cùng tăng tương ứng dự kiến sẽ làm suy giảm lưu lượng thương mại quốc tế và tổng GDP toàn cầu.
Nhưng ở cấp độ từng quốc gia vẫn có kẻ thua, người được, như được thể hiện qua số liệu về thương mại của Mỹ cho giai đoạn kể từ đợt áp đặt thuế quan vòng đầu tiên của họ từ giữa năm 2018, tiếp theo bằng các đợt tăng thuế quan trả đũa.
Theo số liệu trên, Việt Nam được cho là một trong số các quốc gia hưởng lợi từ tranh chấp thương mại, ít nhất trong ngắn hạn với lợi ích ước tính rơi vào khoảng 2,2% GDP năm 2018 của Việt Nam. Mỹ nằm trong số những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Tính bình quân từ tháng 1-2005 đến tháng 3-2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng khoảng 35%, với đóng góp khoảng 20% tổng thu từ xuất khẩu của Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ chủ yếu là hàng tiêu dùng, như giày da, may mặc, điện thoại, đồ gỗ, hàng du lịch, thủy sản, và tỷ trọng các mặt hàng đó vẫn đang tăng lên trong kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ.
Chiến tranh thương mại tạo thêm chiều cạnh khác, nhưng vì các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện nay gồm những mặt hàng thay thế được nhập khẩu từ các quốc gia châu Á khác (nghĩa là không có nhiều trùng lặp giữa hàng sản xuất tại Việt Nam và hàng sản xuất tại Mỹ). Đến cuối quý I-2019, Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ.
Nhờ duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao và liên tục, Việt Nam đạt thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ, lên đến 39,5 tỉ USD trong năm 2018 và khoảng 13,5 tỉ USD trong quý I-2019.
Phòng ngừa rủi ro gian lận thương mại trong chuyển tải quá cảnh thông qua quản lý hiệu quả các quy tắc xuất xứ, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra một số khuyến nghị dành cho Việt Nam như sau: Đảm bảo áp dụng đầy đủ các quy tắc xuất xứ trong thương mại là nghĩa vụ quan trọng trong nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, bao gồm CP-TPP và EVFTA.
Điều quan trọng không kém là giảm nhẹ rủi ro liên quan đến chuyển tải quá cảnh nhằm tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường ưu đãi hoặc né tránh bảo hộ nhập khẩu ở mức cao.
Gian lận trong chuyển tải quá cảnh có thể gây ra rủi ro kinh tế vì có thể kích hoạt các biện pháp đối phó theo các quy tắc của WTO. Để quản lý hiệu quả quy tắc xuất xứ, sau đây là một số chính sách cần được cân nhắc.
Đơn giản hóa và nâng cao minh bạch các quy định về cấp chứng nhận xuất xứ (CO). Các quy định về cấp chứng nhận xuất xứ nếu được đơn giản hóa có thể đẩy mạnh tuân thủ tự nguyện. Cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), cụ thể là Chương 3 của Hiệp định CP-TPP là căn cứ để tăng cường các quy định hiện hành về quy tắc xuất xứ và thủ tục.
Tăng cường cơ chế một cửa quốc gia. Áp dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục thông quan có thể nâng cao minh bạch, đặc biệt thông qua cơ chế một cửa quốc gia với các cơ quan kiểm soát chuyên ngành, bao gồm cả các cơ quan xem xét chứng nhận xuất xứ.
Tổ chức nâng cao nhận thức và đào tạo phù hợp cho các đơn vị xuất khẩu. Áp dụng thông lệ quốc tế, cụ thể liên quan đến yêu cầu về doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ một mặt nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó hưởng Hệ thống ưu đãi chung (GSP), nhưng lại làm tăng rủi ro về trường hợp sai quy cách, có thể do doanh nghiệp không đủ năng lực hoặc do cam kết gian trá. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp là cách để đảm bảo lợi ích của quốc gia.
Tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan của các đối tác thương mại chủ chốt (Mỹ, Trung Quốc…). Hợp tác quốc tế như vậy sẽ giúp thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi tuân thủ về chứng nhận xuất xứ (CO).
Trao đổi thông tin tình báo, đặc biệt nhằm vào các lĩnh vực rủi ro như sắt và thép, dệt may, giày da sẽ giúp giảm nhẹ rủi ro điều tra. Áp dụng công nghệ, như công nghệ blockchain, để truy xuất xuất xứ là biện pháp dài hạn.
Truy xuất xuất xứ có thể được áp dụng cho mọi chuỗi cung ứng và hệ thống logistics và là biện pháp thiết yếu để minh bạch về quy tắc xuất xứ và sản xuất để xuất khẩu sạch.