Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là sản phẩm của cuộc cạnh tranh sức mạnh trong chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Liên minh này không những là phương tiện để duy trì cân bằng sức mạnh ở châu Âu so với ưu thế của các loại vũ khí thông thường và các lực lượng chiến đấu của Liên Xô, mà còn có nghĩa để hợp nhất Mỹ với châu Âu. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến sự tồn tại của NATO.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen
Trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Bush bị chỉ trích, vì không những đòi hỏi NATO phải phát huy vai trò chủ động mà còn mở rộng tổ chức bao gồm tất cả các nước sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chiến tranh với Mỹ. Kể từ khi Liên Xô tan rã đến nay, NATO đã hai lần mở rộng: năm 1999 khi NATO kết nạp một số nước Đông Âu như Hungari và Ba Lan, và năm 2004 kết nạp các nước Baltic như Latvia, Litva và Bulgari… Mặc dù việc thành lập Liên minh châu Âu (EU) ở mức độ nào đó có thể coi như một đối trọng với NATO, nhưng trong bối cảnh vai trò mới của Nga và EU, châu Âu và Mỹ nhận thấy NATO vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của an ninh chính trị quốc tế, đặc biệt khi sự chuyển dịch sang châu Á ngày càng tăng. Để đề ra vai trò hoặc xác định lại mục đích và mục tiêu của NATO, các nhà lãnh đạo tiếp tục chú trọng các yếu tố chính sách gồm: mục tiêu của châu Âu, lợi ích chiến lược của Mỹở bên trong và ngoài châu Âu, các cam kết quân sự của NATO, mối quan hệ NATO – Nga và quyết tâm chính trị của một số quốc gia châu Âu. Một thực tế nữa cần được quan tâm trong quá trình xác định lại tương lai của NATO là Bộ Quốc phòng Mỹ đã thực hiện kế hoạch tổ chức lại hệ thống căn cứ và lực lượng quân sựở nước ngoài nhằm bảo đảm các lợi ích địa chính trị và kiểm soát các nước tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới trong thập niên qua, một sự thay đổi từ các hoạt động phòng thủ sang tấn công và không chắc chắn về độ tin cậy của các đồng minh lâu dài trong tương lai, đặc biệt các nước thuộc “châu Âu cũ”. Yếu tố không chắc chắn không những thể hiện sự thay đổi của các mối quan hệ Mỹ – châu Âu, mà còn giải thích sự thay đổi trọng tâm chiến lược về châu Á hay “Chính sách trở lại châu Á” của chính phủ Mỹ. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, sự phụ thuộc của Mỹ vào EU đã giảm và vị thế của EU cũng thay đổi. Sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu ngày càng tăng và được thể hiện rõ qua các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh Iraq, chính sách “Trở lại châu Á” của Mỹ và tầm quan trọng của các lợi ích an ninh của Mỹở châu Âu ngày càng giảm. Các lợi ích và mục tiêu của châu Âu không nhất thiết phù hợp với lợi ích và mục tiêu của Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng nỗi lo sợ Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực ở Trung Đông có thể giúp thúc đẩy EU hướng tới đoàn kết. Ngày càng nhiều người châu Âu coi chìa khóa tương lai của họ gắn bó chặt chẽ với EU hơn NATO.Pháp và Đức thẳng thắn đề nghị xóa bỏ những hạn chế về thương mại vũ khí với Trung Quốc. Đức đã đi trước trong việc cải thiện quan hệ song phương với Trung Quốc. Tương tự, mặc dù hiến pháp EU đã thực hiện một khoản hợp tác chặt chẽ giữa EU và NATO, nhưng EU đã thực hiện một số nhiệm vụ nào đó của NATO ở một số khu vực như Bosnia và triển khai binh sĩ ở Congo và Macedonia năm 2003. Nói chung, hiến pháp của EU không coi trọng NATO, nhưng NATO liên quan đến các lợi ích của Mỹ và chừng nào Mỹ còn duy trì quan hệ thân thiện với các nước thành viên quan trọng của NATO/EU, tương lai của NATO vẫn chắc chắn. Vì EU vẫn đang phát triển và đối mặt với cuộc khủng hoảng nên không thể đảm nhận các vấn đề quân sự. Mặt khác, chiến lược của Mỹ đối với châu Âu cho thấy Mỹ muốn duy trì quyền bá chủở châu Âu để ngăn chặn sự phát triển của bất cứ nhà nước bá quyền và hùng mạnh nào khác như đã xảy ra trong những năm 1930 (trường hợp của Đức) và sau đó trong những năm cuối thập niên 1940 (trường hợp của Liên Xô). Để duy trì địa vị thống trị, Mỹ phải kiềm chế các nước châu Âu mạnh bằng những hạn chế của hệ thống do Mỹ tạo ra sau Chiến tranh thế giới thứ II. Thông qua NATO, Mỹ muốn đạt được hai mục tiêu liên quan đến châu Âu: Thứ nhất, dính líu và thống trị các vấn đề châu Âu; thứ hai, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của EU. Nói cách khác, chính sách của Mỹ đối với châu Âu không những nhằm chống lại sự phát triển bá quyền của các nước khác mà còn duy trì ảnh hưởng của Mỹ. Châu Âu vẫn liên quan đến nhiều mục tiêu thế kỷ XXI của Mỹ, chính vì lý do này, được sự giúp đỡ của các đồng minh quan trọng ở châu Âu, Mỹ đã xác định lại và mở rộng khu vực hoạt động truyền thống (chiến tranh lạnh) của NATO, dẫn đến việc xác định không chỉ dừng lại ở các lớp học thuyết tác chiến mới, mà cả lực lượng để phù hợp với các mục tiêu quan trọng của Mỹ liên quan đến châu Âu cũng như châu Á.
Cuộc họp của các Tham mưu trưởng Quốc phòng của 28 nước thành viên hôm 15-5
Binh sĩ NATO trò chuyện với người Afghanistan tại một trạm gác
Chiến tranh lạnh chấm dứt đã chuyển vai trò của NATO từ một tổ chức quân sự phòng thủ sang một tổ chức quân sự tấn công. Việc NATO tham gia cuộc chiến tranh Afghanistan đã hình thành vai trò mới ở bên ngoài khu vực châu Âu. Năm 2003, Lực lượng Phản ứng nhanh của NATO được thành lập tại Hà Lan. Lực lượng này có thể triển khai trong năm ngày ở bất cứ nơi nào trên thế giới và thực hiện các nhiệm vụ kéo dài trong một tháng, kể cả nhiệm vụ chống mối đe dọa khủng bố quốc tế.Hiện nay NATO có năm triệu binh sĩ, nhưng hầu hết các nước thành viên không muốn cung cấp lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ xa xôi của NATO.Ở thời điểm cao nhất, năm 2004 NATO chỉ huy động được 8.400 binh sĩ tham gia cuộc chiến tranh Afghanistan, trong khi số lượng binh sĩ của Anh, Mỹ và Ba Lan chiếm 85% quân số còn lại. Bằng cách tiếp tục nuôi dưỡng NATO, Mỹ chủ trương lôi kéo EU can dự các chiến dịch quân sự trên thế giới dưới danh nghĩa cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố, từ đó chia sẻ gánh nặng của các chiến dịch quân sự trên khắp thế giới. Thỏa thuận “Founding Act” năm 1997 giữa NATO và Nga đã giúp Nga có tiếng nói lớn hơn trong NATO nhưng không có quyền phủ quyết và đảm bảo Nga sẽ được NATO tham khảo ý kiến về các vấn đề an ninh quan trọng bên ngoài lãnh thổ châu Âu. Tất nhiên nhiều thành viên Đông Âu của NATO tiếp tục coi NATO đóng vai trò bảo vệ họ chống lại bất cứ hành động quân sự nào của Nga. Ví dụ, một số người Ba Lan cho rằng mục tiêu của Tổng thống Putin là củng cố quyền lực ở trong nước, sau đó xây dựng lại Liên Xô và áp đặt sự thống trị của ông đối với Đông Âu như các nhà lãnh đạo Nga từng làm trong nhiều thế kỷ trước. Đối với họ, tham gia NATO là cách duy nhất để người Ba Lan có thể bảo vệ đất nước thoát khỏi mối nguy hiểm từ Nga.Nga cũng tỏ ra bất bình với việc mở rộng về phía Đông của NATO.Mặc dù các mối quan hệ EU – Nga có nhiều cải thiện, nhưng Mỹ cũng như EU không coi Nga như một nước bạn bè hoặc một đồng minh. Tuy phản ứng nhẹ nhàng của Moscow trước kế hoạch mở rộng của NATO năm 2004 hoàn toàn ngược lại sự phản đối năm 1999, nhưng phương pháp mở rộng về hướng Đông của NATO khiến Nga ngày càng mất lòng tin và nghi ngờ NATO. Tương lai của mọi tổ chức đều phụ thuộc vào quyết tâm của các quốc gia tiếp tục cam kết với các mục tiêu và thích nghi với các yêu cầu và nghĩa vụ mới. Mười nước tham gia NATO từ năm 1999 đã thể hiện quyết tâm này, nhưng quyết tâm chính trị chủ yếu xuất phát từ bốn nước thành viên chính gồm: Pháp, Đức, Anh và Mỹ. Mặc dù các nước thành viên khác cũng có ảnh hưởng, nhưng cơ sở của cuộc tranh luận về tương lai của NATO sẽ phụ thuộc chủ yếu bốn nước thành viên này. Do nhận thức cuộc chiến tranh chống khủng bố của Mỹ không được ủng hộ rộng rãi, Washington có thể ít nhiều bị cô lập. Nhưng mối quan hệ đặc biệt giữa Washington với London và các khó khăn kinh tế ngày càng tăng của EU thúc giục Mỹ tăng cường can dự EU và cho phép Washington tiếp tục sử dụng NATO để thực hiện các mục tiêu chiến lược toàn cầu.
T.L tổng hợp