Kỷ lục thú vị này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6.2018 và do nhóm Nghiên cứu Khảo cổ học của Trường đại học Copenhagen ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch (do Tiến sĩ Tobias Richter, Giám đốc Viện Khảo cổ học Trung Cận Đông trực thuộc Đại học Copenhagen làm Trưởng nhóm) phá đổ tại khu vực Shubayqa thuộc thời đại Đồ Đá Mới ở phần đất trung tâm của Sa mạc Đen (Black Desert) của Vương quốc Jordan thuộc vùng Trung Đông vào ngày 12.6.2018, khi họ đào bới trên nền đá Shubayqa của Sa mạc Đen và phát hiện một ổ bánh mì (đã gần như hóa thạch) có tuổi đời sơ sơ… 14.400 năm tuổi!
Kỷ lục cũ là ổ bánh mì cũng được giới khảo cổ phát hiện ở Trung Đông, có tuổi đời 9.000 năm tuổi. Việc khai quật tàn tích để phát hiện bánh mì cổ xưa ở Sa mạc Đen còn có sự giúp sức của các chuyên gia thuộc Đại học London và Đại học Cambridge (Anh).
Với bề mặt hiện nay phủ đầy đá basalt đen trên lớp đất cát mênh mông, Sa mạc Đen (còn gọi là phế tích Jawa) là địa điểm phát triển đô thị lâu đời nhất ở phía Đông Bắc Vương quốc Jordan, từng tồn tại một thị trấn lớn và sầm uất, có niên đại từ cách nay 15.500 năm (thời đại Đồ Đá) đến cuối thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên (thời đại Đồ Đồng), với số dân đạt 5.000 người, di cư đến đó từ phía Bắc và phía Đông Jordan.
Thị trấn Jawa phát triển mạnh, từng mở rộng đến 100.000m2, với tổ chức đô thị quy củ cũng như hệ thống thủy văn (mương, hào nước và hồ chứa nước), tường lũy chắc chắn bao quanh thị trấn, nhằm đối phó với giặc ngoại xâm và hạn hán, lũ lụt. Cư dân nơi này (được gọi là người Jawa cổ đại hoặc người Natufian, tức là những người thời tiền sử sống ở Levant – tên gọi ngày xưa của khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải, bao gồm những vùng đất của Lebanon, Syria, Jordan, Israel, Palestine, Cộng hòa Cyprus, Iraq và bán đảo Sinai ngày nay) trồng lúa mạch, lúa mì, đậu xanh, đậu lăng, nho, nuôi nhiều bò, cừu, dê, chó. Và với sự kiện phát hiện ổ bánh mì cổ xưa nhất thế giới ở nơi đây, chứng tỏ bánh mì từng là loại thức ăn phổ biến của người Natufians.
Thị trấn Jawa tồn tại hùng mạnh trong một thời gian không lâu, sau đó dần dần lụi tàn không rõ nguyên nhân. Ngày nay, phế tích Jawa bị chôn vùi trong lớp đá basalt đen tại khu vực khô nóng nhất của Sa mạc Đen, chỉ còn sót lại một ngôi nhà kiên cố (đường kính 8m, nội thất lát đá tốt) ở trung tâm phế tích thị trấn, có niên đại cách nay 15.500 – 14.000 năm và không liên kết với bất cứ cấu trúc đá nào khác. Đây có thể là nơi sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo và tổ chức tiệc ăn uống chung cho cư dân Jawa.
Nhóm khảo cổ học đã tìm thấy ổ bánh mì cổ xưa nhất này từ đầu tháng 6.2018 trong một lò sưởi bằng đá (lỗ tròn rộng được khoét trên nền lát đá phẳng, để sưởi ấm và nấu ăn) tại tòa nhà kiên cố nói trên ở khu vực Shubayqa thuộc phế tích Jawa, nhưng tuổi của nó mới được giám định chính xác vào ngày 12.6.2018. Việc phân tích, giám định niên đại bánh mì do chuyên gia Lara Gonzalez Carretero của Viện Khảo cổ học trực thuộc Đại học London (Anh) và Tiến sĩ Sử học Amaia Arranz-Otaegui của Trường đại học Copenhagen đảm nhiệm.
Trong lò sưởi đá này vẫn còn dấu tích của nhiều loại thực phẩm khác ăn kèm với 3 loại bánh mì không men, bao gồm thịt linh dương gazelle, gà nước, cừu, thỏ, hạt mù tạt và 95 loại củ, quả, chồi cây hoang dã. “Hình dáng của ổ bánh mì cổ xưa nhất giống như những ổ bánh mì không men tại một số địa điểm thuộc thời đại Đồ Đá Mới và tại La Mã ở châu Âu cũng như tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nó được làm từ các loại ngũ cốc hoang dã như lúa mạch, lúa mì dại (einkorn) và yến mạch.
24 mẫu tàn tích bánh mì thuộc 3 loại bánh mì không men khác nhau (được người Natufian làm từ 3 loại bột gồm bột làm hoàn toàn từ lúa mì hoang dã, hoặc bột làm từ hỗn hợp lúa mì, lúa mạch và yến mạch hoang dã, hoặc bột làm từ hỗn hợp lúa mì hoang dã trộn hạt mù tạt và củ của cây cỏ lõi bấc – bullrush) còn sót lại bên cạnh ổ bánh mì cổ xưa nhất này đã và đang được chúng tôi phân tích, cho thấy rằng tổ tiên hoang dã của các loại ngũ cốc được thuần hóa hiện nay (như lúa mạch, lúa mì dại và yến mạch) đã được cư dân Jawa cổ xưa dùng một hòn đá để nghiền chúng thành bột mịn trên một bàn nghiền bằng đá, rồi nhào bột với nước để nặn thành bánh và nướng bánh mì trong tro nóng của lò sưởi đá hoặc trên phiến đá phẳng được đốt nóng.
- Xem thêm: Những cái… nhất trên Trái Đất!
Họ cũng khá thành thạo trong kỹ thuật làm bánh mì khi họ đã biết cách sản xuất loại bánh mì mỏng, chỉ dày 5 – 7mm”, TS. Amaia Arranz-Otaegui và nhà khảo cổ Ali Shakaiteer – hai thành viên trong Nhóm Nghiên cứu Khảo cổ học Đại học Copenhagen cho biết.
“Ổ bánh mì 14.400 năm tuổi đã phá kỷ lục thế giới khi trước đây, các nhà nghiên cứu chỉ phát hiện được dấu vết ổ bánh mì 9.000 năm tuổi. Như vậy, với bằng chứng này, chúng ta có thể khẳng định rằng các sản phẩm giống như bánh mì thời hiện đại đã được sản xuất từ rất lâu, ít nhất là lâu hơn 4.000 năm trước khi nền nông nghiệp cổ đại ra đời và phát triển.
Thời ấy, người Jawa cổ đã biết dùng các loại ngũ cốc hoang dã để làm thực phẩm và bánh mì. Và rõ ràng, việc sản xuất bánh mì từ ngũ cốc hoang dã đã giúp con người chuyển đổi công việc từ hái lượm, săn bắn sang trồng trọt và làm nông nghiệp. Việc chuyển đổi này đã diễn ra lâu đời hơn (14.400 năm) so với kết quả nghiên cứu mà giới khảo cổ học công bố trước đây (9.000 năm). Nó đã giúp thúc đẩy cuộc cách mạng nông nghiệp thời đại Đồ Đá Mới.
Nói cách khác, việc sản xuất bánh mì từ ngũ cốc hoang dại đã giúp thúc đẩy nền nông nghiệp cổ đại ra đời để con người biết trồng trọt và thuần hóa ngũ cốc, chứ không phải như các học giả lâu nay vẫn nghĩ rằng nền nông nghiệp cổ đại ra đời mới dẫn đến việc phát minh ra bánh mì. Từ khu vực Trung Đông cổ đại, bánh mì và sự ra đời của nông nghiệp đã lan sang Bắc Phi và châu Âu”, TS. Amaia Arranz-Otaegui và Giáo sư Dorian Fuller của Viện Khảo cổ học thuộc Đại học London (Anh) đưa ra khám phá mới và kết luận quan trọng. Khám phá quan trọng này và việc phát hiện ổ bánh mì cổ xưa nhất thế giới vừa mới được công bố trên tạp chí chuyên đề uy tín của Mỹ, Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (Proceedings of the National Academy of Sciences).
Cũng cần nói thêm, “bạn đồng hành” của một ổ bánh mì cổ xưa nhất là “Miếng phó-mát lâu đời nhất thế giới”. Theo Sách Kỷ lục Guinness Thế giới, đó là miếng phó-mát cứng có tuổi đời 3.200 năm, với niên đại thế kỷ 13 trước Công nguyên, được các chuyên gia khảo cổ tìm thấy trong một chiếc lọ chôn trong ngôi mộ của Ptahmes, thị trưởng thành phố cổ Memphis ở Ai Cập. Khối trắng đông cứng này đã được các nhà hóa học phân tích và khẳng định rằng đó là sản phẩm sữa cứng thu được bằng cách trộn sữa bò với sữa cừu hoặc dê.