Thái Lan trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe hơi toàn cầu
Sự tàn phá của cơn lũ lịch sử năm 2011 cùng với những biến động về chính trị đã tác động không nhỏ tới cơ sở hạ tầng của Thái Lan và giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp xe hơi của nước này. Tuy nhiên, với một chiến lược phát triển nhất quán và rõ ràng, Chính phủ Thái đã ban hành nhiều ưu đãi về thuế, khiến cho các “ông lớn” như Ford, Toyota, Honda, Nissan và General Motors quyết tâm bỏ những khoản đầu tư lớn vào Thái Lan để phục hồi sản xuất, đồng thời biến nước này thành một trong những trung tâm sản xuất xe hơi toàn cầu.
Sản xuất xe hơi tại nhà máy Ford Thái Lan
Sự phục hồi của ngành công nghiệp xe hơi Thái Lan diễn ra đúng thời điểm căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc do nảy sinh những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo. Điều này khiến việc sản xuất – kinh doanh của người Nhật tại Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trước tình hình căng thẳng có thể còn kéo dài, hầu hết các nhà sản xuất xe hơi và phụ tùng của Nhật đều tính đến các phương án chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở của họ từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thái Lan được coi như một lựa chọn thay thế hợp lý nhất.
Năm ngoái, Ford Motor đã khánh thành một nhà máy lớn với tổng vốn đầu tư lên tới 450 triệu USD tại Thái Lan. Hiện nay, các nhà máy của Ford ở Thái có thể sản xuất nhiều gấp tám lần lượng tiêu thụ xe Ford tại chính nước này. Được sự hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan, Ford khẳng định lượng sản phẩm dôi ra sẽ không trở thành một gánh nặng vì đã có thị trường xuất khẩu. Nhiều sản phẩm mới trong chiến lược One Ford được sản xuất tại Thái Lan và xuất khẩu đi các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Mới đây nhất, trong buổi ra mắt EcoSport – mẫu xe thứ tư của chiến lược này tại Triển lãm ôtô Bangkok 2013, ông Alan Mullaly – CEO của Ford Motor đã tái khẳng định việc sản xuất mẫu xe này không chỉ giới hạn cho thị trường Thái Lan. Các thị trường khác trong khu vực, kể cả thị trường đang lên như Philippines, cũng đều nhập khẩu EcoSport chứ không sản xuất.
Toyota giới thiệu chiếc Vios mới tại triển lãm xe hơi Bangkok
Thái Lan đang được mệnh danh là “Detroit của phương Đông” với sự tham gia của nhiều nhà sản xuất xe hơi, trong đó đặc biệt là ba nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, gồm Toyota, Isuzu và Honda với hai dòng sản phẩm chiến lược là xe bán tải (pick up) và xe con.
Những dấu hiệu thị trường xe hơi Việt Nam bắt đầu bị “Thái hóa”
Hiện nay, rất nhiều mẫu xe thông dụng đang được tiêu thụở Việt Nam đều được nhập khẩu từ Thái Lan, từ Toyota Yaris, Toyota Hilux đến Mitsubishi Triton, Nissan Navara, Honda Accord, Ford Ranger, Chevrolet Colorado…, mà lý do chủ yếu là có sựưu đãi lớn về thuế suất. Đối với xe máy nhập khẩu, Ducati là một minh họa sát thực về lợi thế nhập khẩu xe từ Thái Lan vì thuế suất được áp chỉ 5%, trong khi nếu nhập thẳng từ Ý, thuế nhập khẩu sẽ lên đến 55% và khi đó, giá bán sẽ đội lên gần gấp đôi.
Theo hiệp định thương mại trao đổi hàng hóa trong ASEAN, thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước trong khối này về Việt Nam hiện đang thấp hơn so với các khu vực khác. Điều đó đã khiến lượng xe hơi và xe máy nhập khẩu vào nước ta trong thời gian gần đây đều tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, chỉ trong tháng 2-2013, lượng xe hơi nguyên chiếc nhập từ Thái Lan đã lên tới 527 chiếc, vượt qua con số 511 xe nhập từ Hàn Quốc. Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu 4.400 chiếc xe từ Thái Lan, đứng thứ hai sau Hàn Quốc với 11.800 chiếc.
Theo thông tư của Bộ Tài chính về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho khối ASEAN thì năm nay, thuế nhập khẩu xe hơi giảm 60% và sang năm 2015 sẽ còn 50%. Vì vậy, giới thạo tin cho rằng xe nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ tăng đột biến trong giai đoạn 2012-2014.
Nhà máy sản xuất của Ford tại Thái Lan
Từ đó có thể thấy trước một viễn cảnh là Thái Lan đang từng bước thay thế Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xe nhiều nhất vào Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ những ưu đãi về thuế theo lộ trình giảm thuế trong khối ASEAN khi giá xe hơi ngày một rẻ hơn (không tính các khoản thuế và phí), nhưng mặt trái dễ thấy là ngành công nghiệp sản xuất xe hơi trong nước sẽ bị đình đốn. Với mức tiêu thụ giảm mạnh từ năm 2012 (tổng lượng tiêu thụ của toàn thị trường xe hơi Việt Nam trong năm ngoái chỉ được hơn 92 ngàn chiếc), trong khi lộ trình ưu đãi thuế cho xe nhập khẩu trong khối ASEAN đến năm 2018 còn từ 0 đến 5%, có thể một điều không mong muốn sẽ trở thành hiện thực là nhiều liên doanh sản xuất sẽ nhập khẩu và phân phối xe từ các nước láng giềng mà không quan tâm đến các hoạt động lắp ráp cũng như chuyển giao công nghệ nữa. Thử xem xét một trường hợp điển hình là Toyota. Năm 2012, thương hiệu xe hơi bán chạy nhất Việt Nam này chỉ tiêu thụ gần 25 ngàn xe, chưa bằng 3% sản lượng của Toyota Thái Lan (năm nay dự kiến đạt 900 ngàn chiếc). Có hay không khả năng sắp tới Toyota sẽ không lắp ráp xe tại Việt Nam nữa, mà nhập xe từ Thái Lan về bán để giảm thiểu những chi phí liên quan không cần thiết?
Trong vài năm gần đây, các công ty liên doanh sản xuất xe hơi tại Việt Nam không mở rộng đầu tư, nhưng họ lại liên tục tăng cường năng lực sản xuất ở Thái Lan. Sự thay đổi trong chiến lược sản xuất – kinh doanh của các công ty toàn cầu rõ ràng đang đặt Việt Nam trước tình thế sẽ trở thành thị trường tiêu thụ xe sản xuất ở Thái Lan. Liệu dự báo này có được các nhà quản lý ngành công nghiệp ôtô nước ta để ý đến?
Quang Hiệp