Số liệu của các tổ chức khác cũng tương tự; theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên thế giới có 75 triệu người trẻ đang tìm kiếm việc làm; theo Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 262 triệu người trẻ tại các nước đang phát triển không đóng góp gì cho các hoạt động kinh tế. Bằng các dữ liệu đã được công bố, có thểước lượng số người trẻ hiện không có việc làm gần bằng tổng dân số của nước Mỹ (311 triệu người). Có hai yếu tố góp phần quan trọng vào hiện trạng này. Trước hết, đó là sự đình đốn kéo dài của nền kinh tế các nước phương Tây làm giảm nhu cầu thu hút lao động, việc ngưng tuyển dụng người trẻ dễ hơn là sa thải các công nhân viên già. Thứ đến là ở những nền kinh tế đang lên nhưẤn Độ, Ai Cập, sự phát triển dân số quá nhanh làm đảo lộn thị trường lao động, hậu quả là tạo ra một “vòng cung thất nghiệp” chạy từ Nam Âu qua Bắc Phi và Trung Đông, đến Nam Á, nơi sự suy thoái của những nước giàu diễn ra cùng với sự bùng nổ dân số của những nước nghèo. Tình trạng này đã dẫn đến nhiều bất ổn chính trị tại Trung Đông và sự gia tăng tội phạm tại Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha – những nước có tỷ lệ người trẻ thất nghiệp rất cao.
Người thất nghiệp trẻ ở phương Tây
Ngày nay, các nhà phân tích dễ dàng đồng tình với việc chọn tăng trưởng kinh tế như một giải pháp cho vấn đề lao động của giới trẻ toàn cầu. Các công ty, xí nghiệp thường than phiền là không tìm được lao động trẻ có kỹ năng phù hợp, điều này gợi ra hai giải pháp: cải tổ thị trường lao động và cải tiến giáo dục đào tạo. Thông thường nạn thất nghiệp ở giới trẻ khó cải thiện ở những nước có một thị trường lao động cứng nhắc, những ngành công nghiệp bị tập đoàn hóa, đánh thuế thuê mướn nhân công cao, quy định quá chặt chẽ về việc sa thải nhân công và mức lương tối thiểu cao. Nam Phi là một trong những nước có số người thất nghiệp cao nhất vùng Nam Sahara, một phần do họ có những liên minh thương mại đầy quyền lực, những quy định cứng nhắc về thuê mướn và sa thải người lao động. Nhiều nước trong “vòng cung thất nghiệp” có mức lương tối thiểu cao, thuế lao động nặng nề, trong đó, chỉ riêng Ấn Độ đã có khoảng 200 đạo luật về lao động và chi trả lao động.
Bãi bỏ những quy định quá cứng nhắc, không phù hợp, là một trong những biện pháp đối phó với nạn thất nghiệp ở giới trẻ. Bên cạnh đó, nhà nước cần giữ vai trò tích cực hơn trong kế hoạch tìm việc làm cho giới trẻ. Đức là một điển hình. Họ xếp hàng thứ hai trong số các nước giàu có số người thất nghiệp thấp nhất, ở đó, những người thất nghiệp dài hạn được trả một phần tiền lương trong hai năm đầu. Các nước Bắc Âu cung cấp cho người trẻ những kế hoạch giúp họ tìm được việc làm hay được đào tạo. Nhưng những chính sách này tỏ ra quá tốn kém ở khu vực Nam Âu với hàng triệu người thất nghiệp. Với những nước này, việc cần làm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ dễ nhận được giấy phép hoạt động, các công ty xây dựng sớm được chuẩn y các dự án đã đệ trình và các cửa hàng được phép mở cửa vào buổi tối. Nhiều công ty, tập đoàn lớn như IBM, Rolls-Royce, McDonald’s khởi động lại các chương trình huấn luyện kỹ năng, nhưng nỗi lo những người này đủ lông đủ cánh sẽ đi tìm một bến đỗ khác khiến họ ngần ngại trong việc đầu tư cho giới trẻ. Nhiều doanh nghiệp hợp tác tích cực với các trường học để cải tiến các khóa học nhằm đào tạo lớp người họ có thể sử dụng trong một tương lai gần.
Lê Cẩn tổng hợp