Hết một bà mẹ “bận rộn” gọi, lại đến một ông bố “bận rộn” hỏi! Đứa con ngoan của họ, 14 tuổi, bỗng trở chứng trở nết, chẳng thèm nghe ai nữa, mà chỉ mê đắm các thần tượng quái đản của nó. Có bệnh gì không? Có “tâm thần” không?
Báo chí gần đây cũng liên tục nêu vấn đề trẻ bỏ nhà đi từ Bắc vào Nam hoặc từ Nam ra Bắc để theo đuổi một thần tượng nào đó. Truyền hình luôn có nhắn tin về gấp, cha mẹ sẵn sàng tha thứ, ai biết cháu ở đâu… hậu tạ, v.v…
Bệnh tâm thần ở tuổi mới lớn luôn là vấn đề chính được đề cập trong những cuộc hội thảo về sức khỏe và phát triển vị thành niên gần đây. Không chỉ ở ta mà một số nước châu Á khác cũng vậy. Ở Nhật, người ta còn thấy hiện tượng thanh thiếu niên tự tử tập thể!
Sức ép ngày càng lớn. Ảo tưởng ngày càng to. Trẻ không lối thoát. Trẻ như những con nhái không được nhởn nhơ nhảy nhót vui chơi như nhái mà cha mẹ luôn muốn thổi lên thành con bò để nhanh chóng… vắt sữa! Sữa đâu không thấy, chỉ thấy trẻ… trầm cảm.
Mới đây đọc báo thấy có một bà mẹ dám hy sinh cho đứa con 11 tuổi không phải đứng nhất lớp, không phải luôn có điểm 10, dám chấp nhận con đứng hạng trung bình để nó được trở thành… nó thì ta phải khâm phục!
Bà mẹ đó đã nghĩ đến con thay vì nghĩ đến mình, đến người xung quanh (Không biết rồi đây các bà mẹ khác đều hưởng ứng, hy sinh vì con như vậy thì liệu ngành giáo dục quen chạy theo thành tích ảo của ta sẽ ra sao?).
- Xem thêm: Cắt nghĩa Tình yêu?
Cũng phải nhớ rằng tuổi mới lớn cần có thần tượng, nên có thần tượng. Không có thời điểm nào trong cuộc đời mà người ta thay đổi nhanh như ở tuổi mới lớn!
Chỉ một thời gian ngắn, người ta nhổ giò, trổ mã, nhìn “hết hồn” luôn! Nam thì râu ria ra rậm rạp, mụn bọc mụn trứng cá tùm lum các thứ, giọng vịt đực ồ ề; nữ thì yểu điệu, “vai gầy guộc nhỏ”, “tóc gió thôi bay”…!
Không chỉ thay đổi nhanh chóng về thể chất như vậy, trẻ còn thay đổi cả tâm hồn. Có cái gì đó như trào ra, như dâng lên, bên cạnh những tay chân lòng khòng không biết để đâu, đầu óc cũng không theo mệnh lệnh của lý trí nữa.
Cha mẹ vốn là thần tượng được tôn thờ từ thuở nhỏ bỗng thấy hụt hẫng, trở nên xa lạ, ngăn cách. Thầy cô cũng vậy. Mới ngày nào thầy cô là những thần tượng, bây giờ coi cũng… “thường” thôi!
Như vậy là sự kiểm soát từ bên ngoài, từ gia đình, từ trường học, giờ đây đã không còn “linh” nữa, không còn đủ sức kềm tỏa nữa, trong khi sự kiểm soát bên trong – sự tự kiểm soát – chưa kịp thiết lập, chưa kịp chín muồi nên trẻ dễ bị hẫng, bị hụt.
Nếu không đủ bản lãnh, không đủ tự tin, trẻ bị hút vào một vòng xoáy của đám đông, của nhóm bạn, tốt có, xấu có, và trong thời buổi hiện nay, dễ bị hút vào vòng xoáy của quảng cáo, tiếp thị, thiên hình vạn trạng, làm cho tuổi mới lớn luôn bị ám ảnh, kích thích.
Các hãng thuốc lá, các nhà sản xuất đồ tiêu dùng, thuốc làm đẹp da đẹp tóc, thuốc chống béo… luôn biết cách làm thế nào để… tô vẽ lên trang giấy trắng hình ảnh đậm nét của sản phẩm mình.
Tác động bên ngoài đó, cộng với sự thay đổi tâm sinh lý, sự tự tin quá trớn của trẻ, cái tâm lý cho rằng “chuyện đó không bao giờ xảy ra cho tôi được”, chẳng bao lâu đã thấy… nằm nhà thương vì phóng xe bạt mạng, bụng mang bầu bốn tháng mà không hay hoặc rơi vào xì ke, ma túy, HIV lúc nào chẳng biết!…
Chính trong cái lúc hết sức mong manh đó – sự kiểm soát từ bên ngoài hết linh, bên trong chưa nghiệm – trẻ dễ bị ám ảnh bởi những cái gọi là “thần tượng”.
Cả một “kỹ nghệ lăng xê” đáng nể, biến những người bình thường một đêm trở thành thần tượng của giới trẻ! Nhưng chẳng bao lâu, nếu không có thực chất, họ lập tức từ thần tượng trở thành tượng thần, lăn lóc đâu đó, rơi vào lãng quên!
Trẻ mà có bản lãnh thì tuy có thần tượng mà coi thần tượng chỉ là những cột mốc thách thức để vượt qua, chớ không phải để xì xụp cúng bái.
Say mê thần tượng thái quá, một khi vỡ mộng, do cảm xúc luôn quá độ của tuổi mới lớn, dễ dẫn đến những hành vi tuyệt vọng!
- Xem thêm: Con gái đá banh…
Thần tượng cũng chẳng sướng gì! Bị phiền nhiễu quá. Không sao có thể sống được như một người bình thường. Bị bao vây tứ phía. Bị dòm ngó khắp nơi. Giá mà cải trang được để trốn đi thì tốt quá! Có thần tượng bị xé áo, xé quần, bị nhai, bị cắn, bị bóp… ở chỗ đám đông không dám kêu cứu!
Giúp trẻ thoát khỏi tình trạng “mê tín” thần tượng không khó. Trước hết vẫn phải nhớ là trẻ cần thần tượng… Giúp trẻ thấy thần tượng không phải là tượng thần, cũng là một người thường như chúng ta, cũng ăn cũng ngủ… Thậm chí còn tệ hơn vì uống nhiều thuốc kích thích quá, vì phải phấn son lòe loẹt quá!
Hình như trong một truyện của Lan Khai có kể một cậu học trò say mê cô gái đẹp, coi là “thần tượng” của mình, đến khi thấy người đẹp cũng… đi cầu như mọi người thì thần tượng sụp đổ!
Trẻ nên có… nhiều thần tượng một lúc. Đông Tây kim cổ đâu cũng có. Mỗi thần tượng ở một lãnh vực khác nhau.
Với các thần tượng Đông Tây kim cổ này, trẻ có cái sướng là lúc nào cũng có thần tượng bên mình – đó là những cuốn sách gối đầu giường, là những tấm hình chân dung treo trên vách – những nhà bác học, những danh nhân vĩ đại trong lịch sử khoa học nghệ thuật, những cầu thủ bóng đá lừng danh thế giới, những diễn viên điện ảnh nổi tiếng của mọi thời đại.
Cần giúp trẻ say mê một cái gì đó khác để thay thế cái say mê đang có: văn chương, hội họa, điêu khắc, thể thao, âm nhạc…
Người lớn chúng ta đừng buồn quá, đừng lo quá! Hãy đợi đấy! Ráng chịu đựng ít lâu, trẻ đủ “muồi” rồi thì sẽ lại quay về với những thần tượng cũ, cha mẹ, thầy cô, miễn là ta luôn xứng đáng với “danh hiệu”… thần tượng đó của trẻ! Cũng không phải là chuyện dễ!
Hẹn thư sau. Thân mến.