Mươi năm trước, nói đến việc con gái đá banh người ta cười tủm tỉm, không tin là chuyện thật. Bây giờ thì có người tiên đoán rằng, rồi đây bóng đá nam sẽ biến mất, sẽ lui vào dĩ vãng, chỉ còn lại bóng đá nữ mà thôi. Nghĩa là chỉ toàn thấy con gái đá banh thôi. Lý do? Bóng đá là một bộ môn nghệ thuật.
Người ta vẫn nói nghệ thuật nhồi bóng, những đường chuyền như dệt như thêu trên sân cỏ và những trận cầu trong mơ, những dream teams… Nào nghệ thuật, nào dệt, nào thêu, nào mộng, nào mơ, chẳng phải là một bộ môn nghệ thuật là gì, có thể nói chẳng thua kém gì văn thơ nhạc họa.
Thế mà, bóng đá nam đã dần dần trở thành bạo lực trên khắp các sân cỏ. Có nhiều trận cầu… chảy máu mũi, gãy xương ống quyển, bể mí mắt, tét da đầu… Băng tạm xong, cầu thủ lại hăng máu vào sân đá tiếp chờ… rửa hận!
Có những cú vào bóng mà bình luận viên phải la toáng lên là rất ác, rất nguy hiểm làm cho bóng đá nam ngày càng trở nên hung bạo, không còn chút gì là nghệ thuật cả, thật đáng tiếc!
Rồi đồng tiền còn ngang nhiên vào sân bóng. Người ta mua bán đội bóng, mua bán cầu thủ như mua bán “nô lệ”. Nay nghe cầu thủ này được bán giá này, cầu thủ kia được mua giá khác. Không chỉ mua đội bóng, mua cầu thủ, người ta mua cả trọng tài – vua mà cũng bán luôn – rồi mua cả từng trận đấu. Bóng đá nam trở thành canh bạc. Người coi chán. Bỏ rơi. Thế là bóng đá nam… hết lý do tồn tại!
Trong khi đó, bóng đá nữ ngày càng… thịnh, đúng theo quy luật dương suy thì âm thịnh. Cứ coi các đội bóng đá nữ của Mỹ, Trung Quốc, Thụy Điển, Brazil tranh ngôi vô địch thế giới vừa qua cũng đủ biết! Khán đài đông nghẹt như tràn ngập trong niềm hạnh phúc. Mọi người đều có vẻ hả hê như đang thưởng thức một bữa tiệc ngon (chữ của Chánh Trinh)… bày dọn từ những bàn chân dịu dàng… vẽ vời khắp mặt sân cỏ.
Hai đội nữ đối thủ vờn nhau trên sân mà cứ ngỡ là họ đang múa ballet. Họ ít khi hung hăng giành banh trối chết như đám con trai và nếu cần, họ sẵn sàng… nhường nhịn đối thủ. Chủ yếu là họ phô diễn tài nghệ dệt, thêu, đan những gấm vóc lụa là. Nhưng không phải là thiếu sự quyết liệt, chỉ không có sự hung bạo thôi. Lại còn rất văn hóa! Không thấy có tiếng chửi thề, văng tục, không có những hành động lỗ mãng với cầu thủ đội bạn và với khán giả. Họ không… phun nước bọt, không hỉ mũi, không nguyền rủa trọng tài.
Và đặc biệt, khi đưa được banh vào lưới đối phương, họ không cởi áo chạy quanh sân để mừng như nam giới! Bất quá là họ giăng hai tay như cánh bướm, cười tươi như hoa chạy ra chào khán giả, như Lưu Ngọc Mai trên sân Lạch Tray khi đá trái pénalty vào lưới đội Thái Lan. Nhiều lắm là họ ôm lấy nhau, chia sẻ niềm vui, chớ không nằm đè lên nhau một đống coi kỳ cục như nam giới.
Cũng không thấy ai mừng bằng cách… ru con hay nhảy lộn tùng phèo! Tóm lại, bóng đá nữ vừa văn hóa, vừa nghệ thuật. Ngay cả bình luận viên cũng nói năng chững chạc, chậm rãi, rõ ràng, không la hét om sòm hay dùng những từ ngữ kiểu như tranh cướp, tung cú đá hiểm hóc, chọc khe, ngả bàn đèn, v.v…
Có người nói tương lai sân bóng đá nữ sẽ còn có thể trở thành sàn diễn… thời trang. Tại sao không? Nữ cầu thủ đâu có thiếu phần xinh đẹp. Họ còn mảnh dẻ và khỏe khoắn với mái tóc đuôi gà… (đúng ra phải nói là đuôi ngựa) duyên dáng, bồng bềnh bay lượn trên sân, trông dễ thương đó chứ! Cũng không ai có đầu trọc lóc như Ronaldo!
Sao lại không thử nhờ… Minh Hạnh thiết kế một bộ thời trang cho bóng đá nữ nhỉ? Người ta chẳng đã từng nói đến quần áo đội tuyển nam Italia rất sexy, đội Đức trang nhã, Pháp hào hoa, Brazil phất phới… đó sao?
Ở các trận bóng đá nữ SEA Games 22 đang diễn ra ở nước ta, các nhà báo thể thao không chỉ bình luận về thế trận trên sân mà còn bàn cả chuyện ngoài sân. Nào cô điều phối viên FIFA tên là Angie Jalong, người Malaysia xinh đẹp, nào cô gái xinh nhất trong trận cầu lại là Mai Hoàng Trang, trợ lý trọng tài FIFA người Việt Nam. Tóm lại, nói gì thì nói, bóng đá nữ vẫn rất nữ. Ngay cả sự kỳ thị, bất công nữa: Đó là các nữ cầu thủ bị… kiểm tra giới tính rất kỹ, trong khi bóng đá nam chưa hề nghe nói chuyện này!
Giả sử có một nữ cầu thủ lọt vào đội tuyển bóng đá nam thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chả ai dại kiểm tra giới tính để loại ra cả, trái lại, người ta càng giấu nhẹm hơn và tình đoàn kết, gắn bó trong đội sẽ không cần phải nhắc nhở!
Có người hỏi các nữ cầu thủ có khi nào gặp khó khăn trong chuyện giới tính của họ không thì câu trả lời là không. Các bác sĩ cho họ uống một thứ thuốc để họ không bị vướng bận!
Bài này viết sau trận chung kết bóng đá nữ Việt Nam – Myanmar. Xin cảm ơn các tuyển thủ tuyệt vời của chúng ta và cả Myanmar, dĩ nhiên.
Hẹn thư sau. Thân mến.