Có những người khốn khổ vì cái tên của mình. Gọi tên họ ra sẽ gây tác động dây chuyền “lạnh sống lưng” và đưa mọi người vào thế thủ! Sau đây là ba trường hợp điển hình.
Khốn khổ vì cái tên của mình
Hãy tưởng tượng bạn đến một phi cảng bận rộn, một nơi nào đó ở châu Âu hay ở Mỹ, để gặp vợ bạn (tên Layla chẳng hạn) sau khi nàng kết thúc một tuần làm việc mệt mỏi và về nhà để hưởng một kỳ nghỉ mini.
Cô ấy bị chậm chuyến và bạn phải ngồi xuống quán cà phê chờ đợi. Chẳng bao lâu bạn hoảng hồn không thấy vợ vẫy tay ở bất cứ nơi nào trong ga đến.
Làm cách nào cô ta có thể đánh động sự chú ý của bạn? Gọi tên là tốt nhất. Nhưng nếu cô ấy làm như thế, những người chung quanh bạn sẽ hoảng sợ.
Lực lượng an ninh cũng sẽ cảnh giác. Người vợ sẽ bị cách ly sang một căn phòng thẩm vấn ở nơi biệt lập và có thể bị lấy cung trong nhiều giờ.
Điều gì đang xảy ra vậy? Lý do: gia đình bạn là một tín đồ đạo Hồi ngoan đạo và tên của bạn được đặt là Jihad, tức “Thánh chiến”!
Cuộc đời bạn đi vào ngõ cụt từ khi cha mẹ thân yêu của bạn đặt cho bạn một cái tên quá kiêu hãnh đối với nhiều người theo đạo Hồi, nhưng lại là một “nguy hiểm” đối với những người không cùng tôn giáo với bạn.
Cái tên gây sốc và buộc nhiều người phương Tây đi vào thế thủ khi họ nghe thấy nó. Báo động và cảnh giác cao độ được đưa ra lập tức ngay sau khi nghe ai đó hét lên một cái tên như thế, vì nó có thể là khởi đầu của một cuộc đánh bom tự sát hay cái gì đó còn ghê gớm hơn.
Một hãng tin phương Tây đã hỏi ba người đàn ông Hồi giáo có tên Jihad, một bác sĩ làm việc tại thành phố Chicago của bang Illinois (Mỹ), một diễn viên Syria nổi tiếng, một kỹ sư trẻ từ vùng lãnh thổ Palestin đi xây dựng cuộc sống mới ở thủ đô London của nước Anh.
Trong những quốc gia nói tiếng Ả Rập, Jihad (hay Jehad) là cái tên hoàn hảo và bình thường để đặt cho con. Từ này có nghĩa là “đấu tranh cho mục đích cao cả”.
Tuy nhiên, kể từ sau cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ 11-9-2001 dẫn đến cuộc chiến chống khủng bố, từ này bỗng được xem có liên quan đến “giết người hàng loạt” trong trí tưởng tượng của nhiều người phương Tây. Nó không còn cái nghĩa đúng như cha mẹ đặt cho con cái.
Trường hợp 1
Đối với Jihad Abdo, một trong những diễn viên nổi tiếng nhất của Syria trước nội chiến thì tên ông đã được hàng triệu người hâm mộ thuộc lòng.
Nhưng nó cũng khiến cái xe của ông bị đập nát khi ông chỉ trích chính phủ Syria trên tờ Los Angeles Times lúc mới nổ ra chống đối hòa bình.
Abdo được bảo hãy khuyên khán giả yêu mến mình ủng hộ Tổng thống Assad. Ông từ chối và phải chạy trốn sang Mỹ. Nhưng ngay lập tức tên của ông bị “chiếu tướng” với sự cảnh giác cao của nhiều người Mỹ.
- Xem thêm: Khi các thiếu niên “đặc biệt” tự bạch
“Tôi đào thoát đến Mỹ từ tháng 10-2011″, Abdo trả lời phỏng vấn từ Paris lúc đang đóng bộ phim tình cảm hài Mỹ Patriot tại đây, “Từ đó không có khi nào tôi giới thiệu tên mình với người khác mà không bị phản ứng tiêu cực.
Nhất là tại miền Trung Tây nước Mỹ, khi nghe tên tôi là Jihad, việc đầu tiên họ nghĩ đến là một kẻ đánh bom tự sát và những phần tử thánh chiến (jihadist) tấn công quân đội Mỹ tại Afghanistan và Iraq”.
Abdo, người từng có chương trình truyền hình thu hút đến hơn 50 triệu khán giả ở Trung Đông hầu như không thể kiếm được viêc làm tại thành phố Los Angeles.
Ông thất bại hơn 100 lần thử vai và phải chuyển sang nghề giao bánh pizza cho cửa hàng Domino’s. “Để giữ công việc của mình tôi phải dùng tên khác trong giao dịch” – ông nói.
May mắn là thỉnh thoảng Jihad “Jay” Abdo lại được đóng phim, ví dụ đóng chung với ngôi sao Hollywood Nicole Kidman trong bộ phim Queen of the Desert (2015).
“Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại vì nếu có ai đó mang cái tên mà người dân Syria sợ thì sống trên đất nước Syria họ cũng sẽ rơi vào trường hợp như tôi trong kỹ nghệ giải trí. Anh ta không thể vươn lên được.
Như thi hào Shakespeare nói cách nay 400 năm, hỏi: “Có cái gì không ổn trong một cái tên? Tôi trả lời là cần đổi nó sang tên khác. Tôi yêu tên khai sinh của mình, nhưng tôi cũng cần sống sót và tồn tại. Tôi đánh giá mình là người có đầu óc cởi mở, và vợ tôi cũng thế. Suy cho cùng, chúng tôi không quan tâm đến tên này tên nọ mà quan tâm hơn đến những gì mình sẽ làm được cho thế giới, cho dân tộc mình và cho nghề nghiệp mình yêu”.
Ông xem xét chuyển sang tên Jude, nhưng cuối cùng chọn tên Jay cho giống Mỹ.
“Vì Jay dễ nhận được sự đồng cảm hơn như người dẫn chương trình Jay Leno chẳng hạn. Người ta thoải mái khi nghe nó hơn mà không lấn cấn gì. Gia đình cũng rất vui khi tôi chọn tên này. Họ không muốn chuốc thêm thù oán với cái tên vì tư duy và trái tim của chúng tôi cũng đã khác trước”, ông nói, “Hệ quả tồi tệ tương tự từng xảy ra với cái tên Osama cách nay nhiều năm. Còn tại Nga có tên Koba sau khi Stalin qua đời. Rồi Adolf (Hitler) ở Đức”.
Jay và vợ, họa sĩ Fadia Afashe xem quyết định đổi tên là “sự hy sinh xứng đáng vì tương lai gia đình và các con”.
Nhưng Abdo, 55 tuổi, vẫn còn dùng tên khai sinh ở Syria và Trung Đông mỗi khi ông trở lại làm công việc thiện nguyện. Môt số bạn Mỹ của ông cũng thích gọi ông theo tên cũ ở chốn riêng tư.
Dĩ nhiên, họ tránh gọi ở nơi công cộng để tránh gây phiền hà cho bạn mình. Có người hỏi tôi “Tớ vẫn tiếp tục gọi cậu là Jihad được chứ? Và tôi để sự chọn lựa cho họ” – Jay kể lại.
Trường hợp 2
Rồi đến trường hợp Jihad Shoshara, 49 tuổi, sống tại Chicago cả đời mình và làm công việc của một bác sĩ nhi khoa tại đó. Có mẹ là người Mỹ gốc Mexico và cha đến từ Damascus (Syria), lúc còn bé ông đã bị trêu chọc vì cái tên của mình.
Ông nói: “Ở Syria, Lebanon và khu vực Lưỡng hà nói chung, Jihad không phải là tên quá hiếm. Tôi đã gặp một phụ nữ tên Jihad. Thậm chí ngay cả người theo đạo Thiên chúa cũng có tên Jihad dù không nhiều như tên Jacob. Nhưng tại Mỹ, tôi dùng tên Jay khi đi học và cả lên đại học. Giấu tên thật để tránh bị phiền hà và gặp những trở ngại không cần thiết”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông lại quay về với tên khai sinh của mình và giải thích lý do: “Tốt nghiệp cử nhân xong, tôi có một năm chờ sang trường y và đi cắm trại tại vùng nông thôn Wisconsin cùng với các em thiếu nhi. Tôi tự giới thiệu mình tên là Jihad với bọn trẻ và những người quản lý chúng. Tôi định nói thêm, “nhưng các em có thể gọi tôi là Jay”, bọn trẻ đã ồ lên “Jihad, cái tên quá hấp dẫn!”. Lập tức tôi nghĩ, nếu bọn trẻ 8 tuổi có thể phát âm đúng và thích thú với cái tên này thì tại sao tôi không dùng lại nó! Buổi tự giới thiệu thành công ngoài sự tưởng tượng”.
Với những lý do khác nhau, cả hai người đàn ông có tên Jihad trên đều đồng ý là không nên đặt tên con họ là Jihad. “Tuyệt đối không vì theo truyền thống Hồi giáo, âm Jnr không thực sự là cái tên” – bác sĩ Jay nói. “Tuyệt đối không!” – diễn viên Jay cũng đồng ý như thế.
Trong khi Jihad Abdo không đánh giá mình là người ngoan đạo, Jihad Shoshara cho biết ông cố gắng để trở thành một người Hồi giáo tận hiến dù không để râu như nhiều người khác.
Thời gian ông dành cho người dân Syria trong cương vị thành viên hội Syrian American Medical Society không có nhiều, kể cả những lần đi khám bệnh tại những khu trại tỵ nạn Syria ở Jordan.
Trường hợp 3
Người đàn ông trẻ nhất mang tên Jehad được phỏng vấn là Jehad Fadda, 32 tuổi, cảm thấy tên của mình là “sự tương quan phức tạp giữa cá nhân, tôn giáo và những giả định do con người tự bày ra”.
“Tôi không phải là người ngoan đạo, và đối với tôi, đây là câu hỏi cần trả lời: Tôi nên đứng ở vị trí nào trong cuộc sống? Tôn giáo có vai trò trong cuộc sống tôi nhưng bạn cũng cần tự chọn vị trí và hướng đi cho riêng mình. Trước mặt nhiều người có khi ta không thể nói lên sự chọn lựa cá nhân. Không uống rượu không nhất thiết vì tôi là người theo đạo Hồi mà còn có thể vì những lý do khác” – anh nói.
Từ Nablus ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, Jehad đến Anh cách nay bảy năm để theo học bằng thứ 2, kỹ thuật viễn thông tại thành phố Newcastle. Anh hãnh diện về tên mình do ông nội chọn sau phút đắn đo của cả gia đình.
“Vì được ông nội chọn nên tên tôi còn mang giá trị của tình yêu” – anh nói. Giống như nhiều thanh niên London cùng xuất thân ở độ tuổi 30 hoặc các hipster, Jehad có bộ râu dày.
“Râu của tôi không phải biểu tượng của người theo đạo Hồi. Đạo Hồi không để ria mép vì thiếu vệ sinh” – anh nói.
Phi cảng thường là nơi cảnh giác với các hành khách theo đạo Hồi nhưng Jehad tự xem mình là người may mắn.
“Tôi chưa gặp những trường hợp ly kỳ nào liên quan đến cái tên mà mọi sự đều bình thường. Tuy nhiên, chắc chắn vợ tôi sẽ không dám gọi tên tôi trước đám đông nếu tôi bị lạc mà phải dùng điện thoại hoặc gọi trại đi như “Jhu-Jhu” chẳng hạn. Thật thú vị khi một gã cao 1,8m có râu được gọi bằng cái tên trẻ con! Nhưng đây là chuyện bình thường ở bất cứ nơi nào đối với những người có tên Jihad” – Jehad Fadda vừa nói vừa cười.