Child L là biệt danh của một thiếu niên “đặc biệt” tuổi 15 mà các dịch vụ xã hội, giáo dục và cảnh sát thường xem là “tội phạm khó cải tạo”.
Tuy nhiên, em cũng là “nạn nhân mặc định” của gia đình và xã hội, mà thủ phạm là sự lơ là và “quy chụp vô trách nhiệm”.
“Tại sao tôi muốn trở thành sinh viên khi biết mình mắc chứng tự kỷ?”- Đó là câu hỏi mà cô gái “đặc biệt” Hannah Khan tự đặt ra cho mình và tự trả lời: “Vì không muốn những người tự kỷ bị cư xử bất công, bị đánh giá thấp và bị gạt ra ngoài lề xã hội”.
Sinh ra đã là tội phạm và… vĩnh viễn là tội phạm!
Child L đi khỏi nhà mỗi khi trời tối và thường không về nhà trước lúc trời sáng. Đứa trẻ cũng trốn học thường xuyên, không dự lớp cùng các bạn và bị các giáo viên xếp vào “thành phần cá biệt và có hành vi xấu, tác phong xấu”, thậm chí là “một vấn đề mà xã hội, nhà trường và gia đình phải giải quyết ngay; nếu không, hệ quả sẽ khó lường cho bản thân nó và cho người khác!”.
Child L thường giao du với những thanh niên lớn tuổi hơn tại một công viên trong thành phố và có các hành động ám muội, lén lút không giống những đứa trẻ tìm vui tại công viên.
Với con mắt nghề nghiệp, sau một thời gian quan sát, cảnh sát nghi ngờ em bán ma tuý cho người khác hoặc đã trở thành một “con lừa” vận chuyển ma tuý.
Tuy nhiên, những chuyên viên giáo dục thiếu niên có tâm gọi Child L là: “đứa trẻ khôn ngoan và có khả năng tự cứu mình”.
Bất chấp việc Child L thường xuyên bị nhốt trong một cái tủ mỗi khi quậy phá lúc còn nhỏ hoặc bị mắng chủi, hạ nhục bởi những người bạn tình của người mẹ đơn thân, đứa trẻ bất hạnh ngay từ khi lọt lòng này vẫn được gọi là “phiên bản lỗi” từ lúc sinh ra.
Cả gia đình, nhà trường và cộng đồng đều xem như thế. Hầu như tất cả mọi người đều quên mất Child L cũng là một “nạn nhân của xã hội đương đại”, một “phiên bản đúng” nhưng lớn lên trong môi trường xấu với nhiều trải nghiệm lẽ ra không nên có, và bị xâm hại liên tục cả về thể xác lẫn tinh thần nên hoá thành “sai”.
Trong suốt quãng đời thơ ấu của mình, Child L luôn phải sống trong tâm trạng sợ hãi và tự vệ trước những hành vi tồi tệ có thể đến bất cứ lúc nào.
Thiếu thốn vật chất và thức ăn khiến đôi khi nó phải phạm tội để có tiền thoả mãn sự thèm khát. Trộm cắp và kiếm tiền bất hợp pháp nảy sinh từ đó.
Chính người lớn đã tạo cơ hội cho “phần xấu” này của Child L trở thành “gien trội” lấn át gien tốt. Trầm cảm và đói khiến nó biến thành đứa trẻ không còn giống với hình mẫu được sinh ra. Một biến thể hoàn toàn khác và nguy cơ rơi vào hố thẳm của tội ác là rất cao.
Nhưng điều đáng buồn là nhân viên cảnh sát có nhiệm vụ quản lý Child L vẫn tin rằng “mọi việc đã quá trễ, đứa trẻ không còn khả năng cải tạo. Tái phạm là điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra!”.
Tệ hại hơn là khi Child L lên cơn ho cần phải đến bác sĩ, người mẹ vẫn khẳng định: “Nó đang diễn trò chứ chẳng hề đau đớn gì cả!”.
Nói chung, Child L là một cậu bé bị cả gia đình, nhà trường, cảnh sát và các dịch vụ xã hội xem là “thành phần cá biệt, nguy hiểm cho xã hội cần có biện pháp đặc biệt”. Họ xem Child L là “vấn nạn” hơn là “nạn nhân” của sự bỏ bê, ngược đãi và xâm hại nên cần cách ly.
Thấy gì trong một báo cáo về thực trạng chăm sóc thiếu niên “đặc biệt”
Không chỉ Child L mà nhiều đứa trẻ khác cũng bị cư xử tệ hại như thế. Chúng bị xem là ung nhọt chứ không phải thành phần cần được cứu giúp bằng các biện pháp nhân bản.
Mới đây, một báo cáo hợp tác của các điều tra viên thuộc 4 cơ quan: Ofsted, HMI Constabulary, HMI Probation và Care Quality Commission về trẻ em cá biệt vừa được công bố tại Anh với mục đích phát hiện ra “cách các cơ quan công quyền và các dịch vụ xã hội đối phó với thành phần trẻ em bị xem là cá biệt” đã phát hiện ra một sự thật đau lòng: “Hầu hết những người được giao nhiệm vụ quản lý trẻ em thường tập trung vào tác phong và hành vi xấu của chúng mà quên nhìn vào những trải nghiệm quá khứ đau thương của các em, quên chúng là những đứa trẻ bất hạnh dễ bị tổn thương cần sự chăm sóc và hỗ trợ”.
Báo cáo cũng nhìn vào cách những đứa trẻ lớn tuổi hơn được cảnh sát, những người quản lý, các đội chống bạo hành, các dịch vụ y tế, giáo dục và xã hội ứng xử như thế nào.
Nhưng điều quan trọng nhất là báo cáo đã chỉ ra các dấu hiệu cảnh báo về cách hành xử sai của các cơ quan có trách nhiệm đối với thành phần trẻ em lớn tuổi hơn.
“Chúng thường bị bỏ bê và ít được quan tâm hơn so với thành phần nhỏ tuổi hơn. Vì vậy, sự can thiệp đối với các hành vi ngược đãi bạo hành bao giờ cũng chậm trễ.
Khi trẻ em “đặc biệt” được đưa đến các cơ quan với một loạt vấn đề như tác phong xấu, bị trục lợi, dùng chất kích thích, ma túy hoặc các vấn đề về tâm lý, tinh thần, chúng thường được chụp ngay cái mũ ‘tội phạm’ mà không hề quan tâm đến nguyên nhân xâu xa gây ra những vấn đề này.
Chúng tôi phát hiện ra rất ít nhân viên cải huấn trẻ em xem thiếu niên đặc biệt cũng là một con người bình thường mà thường xem chúng như tội phạm cần cách ly và phải có biện pháp ngăn chặn, răn đe cần thiết.
Quá khứ của đứa trẻ và thực tế không gian sống dẫn chúng đến các tác phong tiêu cực lại không hề được xem xét.
Trong khi, không chỉ có nhi đồng mà cả lứa tuổi thiếu niên cũng nên được nhìn dưới con mắt nhân đạo, tránh qui kết tội phạm. Chúng cần được cứu chứ không phải đẩy sâu hơn nữa xuống hố thẳm!”.
Báo cáo muốn các nhân viên có trách nhiệm bỏ ra nhiều thời gian hơn nữa để tìm hiểu lịch sử của những đứa trẻ phạm pháp thay vì qui chụp thiếu trách nhiệm.
“Điều đáng buồn là nhiều bậc cha mẹ, nhà trường, cảnh sát và các cơ quan giáo dục xã hội thường bộp chộp nắm ngay phần ngọn của vấn đề qua hành vi xấu của trẻ mà không quan tâm đến phần gốc, tức nguyên nhân của hành vi.
- Xem thêm: Giao tiếp chân thành: Học cách nói lời từ trái tim với phương pháp “giao tiếp phi bạo lực”
Thiếu niên đặc biệt lớn tuổi hơn cũng cần được gia đình và xã hội chăm sóc và yêu thương vì chúng vẫn còn là thiếu niên – Yvette Stanley, giám đốc toàn quốc của tổ chức Ofsted nhận mạnh – Không may chúng không được giúp đỡ trong quá trình trở thành người tốt khi phải sống trong một môi trường đầy cạm bẫy và thành kiến.
Thực tế cho thấy những thiếu niên lớn tuổi hơn có khi bị cha mẹ xem là tội đồ, là gánh nặng và bỏ rơi suốt nhiều năm. Hệ quả là chúng rất dễ bị cái xấu lôi cuốn và trở thành tội phạm, dính líu vào các tổ chức ma tuý, băng đảng”.
Phát ngôn viên chính phủ Anh đồng ý với báo cáo về tình trạng “bỏ mặc các thiếu niên hư hỏng và xem chúng là tội phạm” đồng thời hứa chính phủ sẽ giúp đảo ngược thực trạng này và tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ cho các em, chung tay với các tổ chức xã hội bảo vệ quyền của thiếu niên.
“Đó là lý do các cơ quan chính phủ liên quan và các tổ chức xã hội phải có sự phối hợp tốt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đầy tính nhân văn này – ông nói – Chính phủ sẽ bổ sung bản hướng dẫn Working Together to Safeguard Children để giúp cho việc bảo vệ trẻ em được tốt hơn”.
Hội từ thiện Children’s Society cũng hứa sẽ có những biện pháp tích cực hơn để đối phó với vấn đề, trong đó có cả việc tư vấn cho các bậc cha mẹ về các giải pháp tốt nhất khi họ có con cái “cá biệt”.
Trường hợp của Hannah Khan
Quay sang học sinh “đặc biệt” Hannah Khan bị chứng tự kỷ. Năm 14 tuổi cô được chẩn đoán bị hội chứng tự kỷ Asperger mà người mang hội chứng này rất nhạy cảm với âm thanh và tiếp xúc người-người.
“Nếu có ai đó vỗ lên vai tôi, tôi cảm thấy như chỗ đó vừa bị đốt. Trải nghiệm thật khủng khiếp. Những tiếng động hoặc âm thanh lớn đều dẫn đến sự lo lắng và bồn chồn chạy khắp cơ thể.
Người ta không hiểu tại sao tôi sợ đụng chạm, sợ tiếng động và thích co cụm ở những góc vắng vẻ. Có lúc không kiểm soát được nỗi sợ, tôi ăn cả chiếc bánh nằm bẹp dí dưới đất để giảm căng thẳng.
Việc giao tiếp với người khác gặp rất nhiều khó khăn. Tham gia một nhóm bạn là điều không thể. Từ ngữ có trong đầu nhưng không thể nói thành câu ra ngoài.
Giữa lời nói và tư duy có một rào cản không thể vượt qua. Tôi lo lắng mình sẽ không thể thoát khỏi tình trạng tệ hại này” – cô kể lại.
Hannah cho biết cô cảm thấy bị cắt đứt khỏi các hoạt động xã hội dù nhiều bạn bè muốn kết thân với cô và muốn cô tham gia chung với họ.
“Đối với tôi, chỉ cần nói chào ai đó đã là khó khăn huống gì một cái ôm thắm thiết. May mắn là đa số bạn bè đều hiểu tôi và nỗ lực của cả hai bên đã tạo ra sự khác biệt. Tôi giao tiếp tốt hơn, bớt sợ tiếng ồn và đụng chạm dù chúng không bao giờ biến mất hoàn toàn” – cô nói.
Hannah tự lên mạng tìm hiểu căn bệnh của mình cùng những triệu chứng và kiên trì tìm cách tự vượt qua nó. Cô cũng phủ nhận những giới hạn cuả bệnh tự kỷ, thậm chí còn chơi trong một ban nhạc rock vì tin rằng “nỗi sợ âm thanh có thể trị được nếu chính mình tạo ra nó”.
Ban nhạc Synthetic Mutations của cô chỉ mới giải tán gần đây. Hanah có một khó khăn nữa là không thể nhớ được khuân mặt của người mới gặp nên cô phải dùng cách riêng để ghi nhớ. Nhưng Hannah vẫn buồn là nhiều người vẫn hiểu không đúng về người tự kỷ và bệnh tự kỷ.
“Để bước vào được trường đại học, tôi đã có trận chiến đấu thực sự với chính bản thân, với gia đình và với nhiều người khác. Vào đại học là một thách thức lớn, nhưng sẽ tệ hơn nữa nếu bạn tự ti và tin “mặc định” vào giả thuyết: trường đại học không dành cho người tự kỷ” – cô nói.
Thực tế tốt hơn mong đợi, ngay trong năm đầu tiên vào Đại học Bath, kết quả học tập của Khan khả quan hơn mong đợi dù để nhận được sự cảm thông của tất cả bạn học không phải là chuyện “một sớm một chiều”.
“Nó tiến triển từng ngày, ngay tại lớp học. Nhưng nhân tố quyết định vẫn là chính bạn. Nếu bạn làm được những gì người khác làm được, họ sẽ bị thuyết phục về khả năng của bạn và mọi việc sẽ tốt hơn rất nhiều. Có một mối ám ảnh trong đầu người tự kỷ là họ không được sinh ra để vào đại học.
Nhiều người từ chối bước vào con đường mà người khác bảo họ không thể theo hoặc không muốn theo. Mặc cảm này khiến họ không thể chiến thắng được chính mình dù chẳng có nghiên cứu khoa học nào đưa ra lời khuyên là người tự kỷ không nên vào đại học.
Chiến thắng định kiến xã hội
Đại học là môi trường khó đối với sinh viên tự kỷ, nhưng thái độ đầu hàng trước khi chiến đấu còn đáng trách hơn. Kết quả là nhiều người tự kỷ đã tự đánh mất cơ hội của mình một cách oan uổng” – Hannah nói.
Thống kê tại Mỹ cho thấy cứ 6 người bị bệnh tự kỷ mới có một người kiếm được công việc toàn thời gian, 5 người còn lại làm việc bán thời gian hoặc không có việc làm.
Người tự kỷ cũng thường được giao những công việc dưới khả năng của họ vì chủ nhân sợ họ không hoàn thành nhiệm vụ. Dĩ nhiên, thù lao cũng thấp hơn.
Đại học Bath có nhiều nỗ lực để tăng số sinh viên tự kỷ, giúp các các em chọn đúng ngành, hội nhập và học tốt. Trường lập dự án học bổng Gold Scholar mà mục tiêu là khuyến khích học sinh tự kỷ học lên cao ở các lớp hè.
Nghe tin về chương trình này, Hannah nộp đơn ghi danh qua mạng dù cô chưa lường hết những gian nan sẽ phải trải qua để lấy mảnh bằng đại học.
Hannah chọn môn khoa học máy tính với hy vọng có thể tự lập cánh sinh và kiểm soát được tương lai của mình mà không quá lệ thuộc vào gia đình.
“Thú thật, trước nhiều ý kiến bàn ra, tôi rất do dự khi muốn học tiếp lên đại học. Người tự kỷ luôn chịu nhiều áp lực để bằng lòng với hạn chế của mình. Chính thiên kiến này của xã hội đã thôi thúc tôi phải chiến đấu đến cùng.
Chiến trường lúc này là đại học. Tôi muốn chứng minh với mọi người, bệnh tự kỷ không thể làm thui chột ước mơ và có những người tự kỷ rất xuất sắc về một lĩnh vực nào đó nếu gia đình sớm phát hiện ra năng khiếu của họ.
Tự kỷ không phải là dấu hiệu kết thúc mà là khởi đầu để đi tới. Tôi không nói đến những dạng tự kỷ quá nặng không thể đến trường” – Hannah tâm sự.
Trong thời gian học đại học, Hannah rút ra một điều là các đại học cần tăng cường sự hỗ trợ tâm lý và tâm thần kinh cho các sinh viên tự kỷ để họ có thể học tốt hơn và giao tiếp tốt hơn, đặc biệt là tăng cường sự tự tin để sau khi tốt nghiệp có thể tự mình bươn chải.
Ngân hàng JP Morgan đang cộng tác với một số đại học tại Mỹ để làm điều này. Hannah cho biết cô từng gặp những người có những biểu hiện giống mình nhưng họ không được chẩn đoán, số đông là phụ nữ.
“Gia đình và bản thân các bạn ấy cùng che giấu căn bệnh, đến khi phải chấp nhận sự thật thì không kịp. Đây là điều đáng tiếc”.
Được hỏi có nhắn nhủ gì với những người cùng hoàn cảnh sau khi chiến thắng được chính mình và tốt nghiệp đại học, Hannah nói: “Tôi luôn hối tiếc cho những người tự kỷ tự đánh mất cơ hội vì quá tin những lời khuyên không đúng.
Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội một cách oan uổng và biến thành gánh nặng cho gia đình. Tôi muốn sát cánh bên họ để tạo ra sự thay đổi, không chỉ ở bên ngoài mà ngay trong cộng đồng người tự kỷ”.