Một chiến dịch mới hy vọng sẽ thuyết phục các bác sĩ không thực hiện những thủ tục và kiểm tra không cần thiết hoặc thậm chí có hại. Dưới đây là một số điều bạn nên lưu ý.
Chiến dịch “Sự lựa chọn khôn ngoan” nhằm khuyến khích các bác sĩ giảm thiểu những thiệt hại cho bệnh nhân đang được phổ biến trên khắp thế giới.
Chiến dịch bắt đầu ở Mỹ cách đây hai năm, với Hội đồng y học Hoa Kỳ (ABIM) giúp các chuyên gia biên soạn danh sách những can thiệp y tế không cần thiết hoặc có hại trong lĩnh vực của họ.
Tại Anh, Viện Y tế Quốc gia về chất lượng điều trị (Nice) đã lập danh sách những việc “không được làm” để hướng dẫn cho các bác sĩ.
Tuy nhiên, những thói quen cũ khó có thể thay đổi và các bác sĩ vẫn thường xuyên cho thử nghiệm, cấp thuốc và thực hiện các thủ tục vô ích đối với bệnh nhân. Dưới đây là 5 điều không được làm mà các bác sĩ vẫn phớt lờ.
1. Không scan cho bệnh đau thắt lưng
Đau lưng dưới thường cải thiện trong vòng một tháng. Những người đi chụp X-quang, CT hoặc MRI có nhiều khả năng sẽ phải trải qua giải phẫu hơn so với những người không thực hiện những kiểm tra trên. Tuy nhiên, trung bình, cả hai nhóm đều bình phục trong cùng thời gian.
Khoảng 99% những người bị đau lưng dưới đến bác sĩ đa khoa đều có có thể tự khỏi bệnh sau một thời gian. Nhưng làm thế nào để biết liệu bạn có thuộc 1% không may mắn, với một tình trạng nghiêm trọng cần chú ý khẩn cấp?
Các bác sĩ được đào tạo để xác định các dấu hiệu nguy hiểm, hoặc đáng báo động, cần can thiệp. Chúng có thể là chẩn đoán trước bệnh ung thư, loãng xương, hoặc lần té ngã tồi tệ gần đây. Bạn có thể tìm thấy những dấu hiệu nguy hiểm trên trang mạng y tế NHS Choices.
Tóm lại: Không scan hoặc chụp X-quang cho bệnh đau thắt lưng trong 6 tuần đầu tiên.
2. Không kê đơn các loại thuốc ho cho trẻ em
Hầu hết bệnh ho và cảm lạnh ở trẻ em là do virus – triệu chứng thường kéo dài trong một vài ngày, sau đó sẽ đỡ hơn. Uống Paracetamol hoặc Ibuprofen là ổn đối với một cơn sốt cao.
Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) hướng dẫn trong chiến dịch “Sự lựa chọn khôn ngoan”: những loại thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại virus và thuốc điều trị ho đàm hoặc ho khan, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi và viêm họng không nên cho đơn.
Nhiều sản phẩm trị ho và cảm lạnh cho trẻ em có nhiều hơn một thành phần, làm tăng nguy cơ quá liều nếu kết hợp với sản phẩm khác.
Tóm lại: Tất nhiên là hỉ sạch mũi, nhưng chỉ nên dùng một ít xi-rô ho.
3. Không phải lúc nào cũng thực hiện xét nghiệm dị ứng
Một loạt các triệu chứng được cho là do “dị ứng thực phẩm” mặc dù bệnh nhân thường không chắc chắn những gì khiến họ bị dị ứng.
Tuy nhiên, các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng và sụt cân quy cho “dị ứng” có thể gây hiểu nhầm, và đồng nghĩa với việc một tình trạng nghiêm trọng hơn bị bỏ qua. Nếu bạn bị dị ứng, điều quan trọng là xác định thủ phạm bằng cách nhớ lại những gì bạn đã ăn.
Thông thường, chúng ta ít khi nghi ngờ điều gì khác. Nếu bạn bị nôn mửa, bị sưng hoặc gần như ngưng thở khi bạn ăn hạt thuốc phiện, bạn không cần xét nghiệm mà thường có thể kết luận ngay bạn bị dị ứng.
Và nếu xét nghiệm máu cho kết quả rằng bạn bị dị ứng với đậu phộng, nhưng bạn có thể ăn chúng mà không bị gì thì bạn không cần phải tránh ăn đậu phụng.
Trong thực tế, 8% dân số có kết quả dương tính với đậu phụng khi xét nghiệm dị ứng, nhưng chỉ có 1% là thực sự dị ứng và có các triệu chứng khi ăn chúng.
Tóm lại: Xét nghiệm dị ứng chỉ dành cho những người có phản ứng dị ứng “thực sự”.
4. Không chữa bệnh cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh là những sinh vật lộn xộn. Chúng ợ sữa, ợ hơi và khóc. Một số được chẩn đoán là bị trào ngược dạ dày hoặc GER. Nhưng nếu chúng tăng cân và thở đều thì không cần đưa chúng đi điều trị.
“Các bậc cha mẹ cần được tư vấn rằng GER là bình thường ở trẻ sơ sinh và không liên quan đến bất cứ điều gì ngoài quần áo bẩn”, AAP cho biết.
Những cuộc kiểm tra chỉ nên mang tính chất đảm bảo rằng trẻ không có gì bất thường hoặc có vấn đề về hô hấp.
Những loại thuốc ngăn chặn acid (như ranitidine) và có tác động lên ruột (như metoclopramide) thường được các bác sĩ nhi khoa kê toa, đặc biệt là trong các phòng khám tư nhân.
Nhưng các chuyên gia cho biết trẻ sơ sinh bị GER hiếm khi gây ra bất kỳ tác hại lâu dài và các loại thuốc này không giúp được gì trong thời gian ngắn hay dài.
Tóm lại: Việc ọc sữa là bình thường đối với trẻ sơ sinh.
5. Không nên khuyên dùng St John’ s wort cho bệnh trầm cảm
(St. John’s Wort (hay Hypericum Perforatum) là một loại thảo dược số 1 ở Đức và được Cơ quan Commission E (Đức) nghiên cứu mở rộng, nổi tiếng với công dụng chống trầm cảm).
Theo Nice, có bằng chứng cho thấy St John wort (SJW) có thể giúp làm dịu hoặc điều hòa cơn trầm cảm. Tuy nhiên, các bác sĩ không nên kê toa hoặc thậm chí tư vấn sử dụng nó bởi vì rất khó để chắc chắn liều lượng chính xác, không có một tiêu chuẩn cụ thể và ảnh hưởng của nó có thể kéo dài theo thời gian.
SJW cũng tương tác với nhiều loại thuốc khác, bao gồm cả thuốc ngừa thai và các loại thuốc làm loãng máu như warfarin.
Tóm lại: Chỉ vì nó hiệu quả không có nghĩa là bạn nên dùng nó.
Vấn đề là những thói quen cũ khó bỏ: bác sĩ có thể tiếp tục học để tìm hiểu về những bằng chứng mới, nhưng thật khó để thay đổi thực hành thực tế.
Chẳng hạn như chiến dịch “Sự lựa chọn khôn ngoan” cho biết bệnh nhân và bác sĩ nên đặt câu hỏi về việc cho thuốc kháng sinh đối với trẻ em bị nhiễm trùng ở tai nếu chúng không quá nghiêm trọng – những thiệt hại nhiều hơn là lợi ích.
Nhưng khi phải đối mặt với một đứa trẻ la hét và phụ huynh thiếu ngủ, nhiều bác sỹ thường kê toa cho dùng kháng sinh.
Chiến dịch này cũng cho rằng không cần khám âm đạo trước khi bắt đầu uống thuốc tránh thai. Những cuộc kiểm tra thường xuyên nhưng trực tiếp vào trong cơ thể được giảng dạy trong các trường y nhưng thường không có cơ sở hợp lý thực sự.
Và một số xét nghiệm quét cũng cần phải được xem xét vì chúng gây ra sự lo lắng không cần thiết và không thực sự giúp đỡ.
Ví dụ: quét tầm soát ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm máu hoặc kiểm tra trực tràng kỹ thuật số có thể gây thắc mắc và đàn ông chỉ nên lựa chọn kiểm tra quét cơ thể nếu họ đã được thông báo đầy đủ về những ưu và khuyết điểm.
Vì vậy, trước khi tiến hành bất kì cuộc xét nghiệm nào hay mua một toa thuốc nào, hãy có một cuộc trò chuyện nghiêm túc với bác sĩ. Nó có thể là một trong những thứ “không nên làm”.