Nhiều năm qua, dù được nói đến rất nhiều nhưng vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong khu công nghiệp (KCN) vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Trong nhiều lý do thì các rào cản về thủ tục đất đai đến nay vẫn được xem là nguyên nhân hàng đầu.
Tại Đồng Nai hiện có hơn 576 ngàn lao động đang làm việc trong các KCN và nhu cầu về nhà ở rất lớn. Có những công ty hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp có sẵn đất thuê, đề nghị làm nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thủ tục về đất đai rất rườm rà khiến nhiều doanh nghiệp khi đưa hồ sơ đi làm dự án đã từ bỏ ý định.
Ông Hà Quan Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) – nhà đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty chúng tôi có 8.000m2 đất trong KCN rất thuận lợi để làm nhà ở công nhân, nhưng theo quy định muốn thực hiện dự án phải làm thủ tục xin Chính phủ cho tách khu đất trên ra khỏi KCN. Thủ tục tách thửa đất rất phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nên công ty tạm dừng, đợi chính sách thông thoáng hơn sẽ triển khai”.
Tương tự, nhiều KCN khác như: Amata, Hố Nai, Tam Phước… đang trong quá trình thực hiện hồ sơ về dự án nhà ở công nhân. Trong đó, có công ty hạ tầng đề nghị được đầu tư dự án nhà ở công nhân, cũng có doanh nghiệp xin giao lại diện tích phải dành làm nhà ở công nhân để địa phương kêu gọi đơn vị đầu tư khác.
Thực tế, các doanh nghiệp rất ngại rót vốn vào các dự án nhà ở công nhân vì vốn đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, thủ tục phức tạp. Giám đốc một công ty xây dựng tại TP. Biên Hòa chia sẻ, trước đây ông cũng dự tính thực hiện dự án nhà ở công nhân, nhưng tìm hiểu kỹ thấy thủ tục rườm rà hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại nên đã xin rút, chuyển sang đầu tư dự án nhà ở thương mại để nhanh thu hồi vốn, giá bán lại không bị giới hạn. Chính vì thủ tục đất đai khó khăn nên việc thu hút đầu tư dự án nhà ở công nhân rất chậm, doanh nghiệp không mặn mà. Nhiều doanh nghiệp góp ý rằng muốn giải quyết được những vướng mắc trên thì thủ tục về đất đai phải đơn giản hóa từ nhiều cấp.
Tại TP. Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao (SHTP) cũng đang được kỳ vọng sẽ sớm có khu nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Mới đây, bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng ban quản lý SHTP cho biết, ngoài việc thực hiện các giải pháp tăng thu hút đầu tư, tới đây, SHTP sẽ triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội có diện tích hơn 3ha. “Dự án có thể đáp ứng về chỗ ở cho khoảng 10.000 lao động làm việc tại SHTP. Chúng tôi sẽ sớm làm xong các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án này và mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án”, bà Lê Bích Loan nói.