Khi xây dựng một chiến dịch tiếp thị, hầu hết các doanh nghiệp đều dành nhiều thời gian để suy tính về hình thức của chiến dịch, nhưng rất ít khi tự hỏi chiến dịch mới sẽ tạo ra trải nghiệm như thế nào cho khách hàng.
Khi lần đầu tiên, được trải nghiệm một điều gì đó mới mẻ và hấp dẫn, người ta thường sử dụng tất cả các giác quan để tạo ra một dấu ấn trong trí nhớ của mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong việc xây dựng nhãn hiệu của doanh nghiệp, làm sao phải tạo cho khách hàng thật nhiều cảm xúc tích cực bằng nhiều giác quan khác nhau để hình thành ấn tượng về nhãn hiệu thì họ mới gắn bó với nhãn hiệu đó.
Những lời khuyên sau đây hẳn sẽ giúp cho các doanh nghiệp thiết kế những chương trình, chiến dịch hay marketing có khả năng tác động vào tất cả các giác quan của khách hàng.
Tác động đến thị giác
Để tăng hiệu quả cho một chiến dịch tiếp thị, làm cho khách hàng nhớ đến nhãn hiệu của mình nhiều hơn, doanh nghiệp cần để ý đến các yếu tố hình ảnh như màu sắc, kiểu chữ, logo, ánh sáng…
- Xem thêm: Làm mới sản phẩm
Vẫn còn nhiều cách tạo ấn tượng tích cực cho nhãn quan của khách hàng mà nhiều doanh nghiệp chưa biết tận dụng, chẳng hạn thông qua các bức ảnh của chủ doanh nghiệp được đăng tải trên các mạng xã hội hoặc hình ảnh của các nhân viên bán hàng trong các cuộc tiếp xúc với khách hàng, hình ảnh của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong các cuộc hội thảo, họp báo được nhiều người biết đến.
Tác động đến xúc giác
Nếu doanh nghiệp sản xuất và bán ra sản phẩm vật chất, cảm xúc mà khách hàng có được khi sờ, chạm vào sản phẩm sẽ tạo ra một ấn tượng mạnh cho nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nên sử dụng các nguyên vật liệu có chất lượng tốt cho sản phẩm hay các tài liệu tiếp thị vì chúng sẽ tạo ra cảm giác lâu bền và sang trọng cho khách hàng.
Tài liệu tiếp thị được sản xuất bằng các chất liệu tốt cũng thường được khách hàng trân trọng và cất giữ lâu hơn những tài liệu được sản xuất bằng các chất liệu thông thường vì khách hàng có thể cảm thấy sự khác biệt.
Tác động đến vị giác
Đối với các doanh nghiệp không thuộc ngành thực phẩm, tạo ra ấn tượng cho nhãn hiệu của mình thông qua việc đánh thức vị giác của khách hàng quả là một chuyện khó.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng doanh nghiệp có thể tặng một số bánh kẹo có hương vị đặc biệt và dễ liên tưởng tới sản phẩm, hình ảnh và nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Mời khách hàng tham gia vào những sự kiện ẩm thực độc đáo cũng là một cách làm để chinh phục khách hàng, làm cho họ nhớ đến nhãn hiệu của doanh nghiệp nhiều hơn.
Có thể tặng thức uống như cà phê, nước giải khát kèm theo các tài liệu tiếp thị để khơi dậy vị giác của khách hàng và gắn liền ấn tượng đó với nhãn hiệu của doanh nghiệp.
Tác động đến khứu giác
Nhãn hiệu nào cũng có một mùi hương riêng (cho dù doanh nghiệp có muốn điều đó hay không) và nếu mùi hương ấy đủ mạnh, nó sẽ làm cho khách hàng nhớ đến doanh nghiệp nhiều hơn.
Doanh nghiệp có thể đưa mùi hương này vào các tài liệu tiếp thị, trong các không gian cửa hàng, văn phòng để tạo thêm cảm xúc và ấn tượng cho khách hàng.
Tác động đến thính giác
Ngoài các chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, đài truyền hình, vẫn có những kênh âm thanh khác có thể tác động đến cảm xúc của khách hàng như giọng nói của nhân viên tổng đài, của các nhân viên dịch vụ khách hàng, nhân viên bán hàng hay của lời chào tự động từ các đường dây nóng.
Chúng cũng là một yếu tố quyết định tạo nên ấn tượng tốt cho khách hàng về doanh nghiệp. Không thể xem nhẹ cả việc gài nhạc chờ điện thoại khi khách hàng gọi đến.
Việc để cho khách hàng phải chờ đợi trước khi gặp nhân viên dịch vụ khách hàng của doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi, nên chọn những đoạn nhạc chờ thích hợp sẽ giúp giảm bớt những lời than phiền, giận dữ của khách hàng khi họ phải mất công chờ đợi.