Nghiên cứu cho thấy bụi trong nhà có thể chứa nhiều hóa chất làm tăng tốc độ phát triển của các tế bào chất béo, góp phần dẫn đến nguy cơ béo phì.
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quốc tế tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng của những loại hóa chất gây rối loạn nội tiết – là nhóm các chất can thiệp vào chức năng hoạt động của hệ nội tiết hoặc hormon. Đôi khi những chất này có trong các sản phẩm tẩy rửa gia dụng, và ngay cả trong đồ vật thường sử dụng hằng ngày. Chẳng hạn như nhiều loại nhựa có chứa phthalate – hóa chất gây rối loạn nội tiết. Theo cảnh báo, chúng là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, dẫn đến các vấn đề sinh sản, bệnh gan, ung thư và béo phì ở trẻ em.
Giờ đây, một nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Christopher Kassotis, Đại học Môi trường Duke, North Carolina, Hoa Kỳ, phát hiện bằng chứng cho thấy bụi trong nhà có thể tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển các tế bào chất béo, có thể chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết. Những phát hiện mới này được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết tại New Orleans, Hoa Kỳ, năm 2019.
Tiến sĩ Kassotis nhận định: “Đây là một số nghiên cứu ban đầu về mối liên hệ giữa hỗn hợp các hóa chất có trong môi trường gia đình và sức khỏe của những trẻ em sống trong những ngôi nhà đó”. Dựa trên một số gợi ý từ nghiên cứu hiện tại, tiến sĩ Kassotis và các cộng sự đã chứng minh mối liên hệ giữa phơi nhiễm các hóa chất gây rối loạn nội tiết đối với sự điều hòa chuyển hóa lipit bị suy yếu ở các mẫu động vật.
Đây là bằng chứng có liên quan đến những nghiên cứu khác, cho thấy cơ chế này góp phần dẫn đến tình trạng béo phì ở người. Trong nghiên cứu hiện tại, Kassotis và các cộng sự đã thu thập các mẫu bụi trong nhà của 194 ngôi nhà ở trung tâm North Carolina, nhằm mục đích nghiên cứu ảnh hưởng của các thành phần hóa học từ bụi đối với sức khỏe trao đổi chất. Để làm điều này, trước tiên các nhà nghiên cứu trích xuất các chất hóa học từ mẫu bụi, sau đó kiểm tra ảnh hưởng của các chất trong ống nghiệm để tìm xem liệu hỗn hợp hóa chất có thúc đẩy sự phát triển của các tế bào chất béo hay không.
Kết quả cho thấy, ngay cả sự tích tụ ở mức độ thấp của các hóa chất có trong mẫu bụi cũng có thể thúc đẩy sự phát triển các tế bào mỡ tiền thân (từ các tế bào mỡ trưởng thành phát triển), và do đó, làm tăng sự phát tiển của tế bào mỡ. Phát hiện này đặc biệt gây chú ý bởi theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường tại Hoa Kỳ, hầu hết trẻ em đều có khả năng ăn phải từ 60 đến 100mg bụi và đất mỗi ngày.
“Chúng tôi nhận thấy 2/3 chiết xuất bụi có thể thúc đẩy sự tăng trưởng tế bào chất béo ở mức 100mcg, hoặc thấp hơn khoảng 1.000 lần so với những gì trẻ em tiêu thụ hằng ngày”, tiến sĩ Kassotis nói. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã xác định sự hiện diện của hơn 100 loại hóa chất trong các mẫu bụi gia đình, và khoảng 70 những hóa chất này đã được chứng minh rằng có vai trò trong sự phát triển của các tế bào chất béo.
Các nhà nghiên cứu còn cho biết thêm, nhiều loại hóa chất dẫn đến tăng trưởng của các tế bào chất béo ở mức cao trong mẫu bụi được thu thập từ những ngôi nhà có trẻ em thừa cân hoặc béo phì. Hiện tại, tiến sĩ Kassotis và các cộng sự đang cố gắng sử dụng nghiên cứu đầu tiên này để tìm hiểu thêm nhiều thông tin cụ thể về mối liên hệ tiềm năng giữa các thành phần của những sản phẩm gia dụng thông thường và sự phát triển của các bệnh lý về chuyển hóa.