Đi tìm lại những pho tượng cổ, sưu tầm các loại ban thờ, ngai thờ, tượng cổ… còn được lưu giữ tại các không gian tâm linh, Hội quán Di sản(*) dần khám phá ra kho tàng mỹ thuật vô giá của dân tộc.
Trong đời sống của người Việt, khu vực thờ cúng luôn có vị trí quan trọng bậc nhất của mỗi gia đình. Trải qua nhiều thời kỳ, cùng với sự đa dạng văn hóa vùng miền mà ngày nay cách thức sắp đặt ban thờ mỗi nhà một khác. Tuy nhiên, có một vấn đề rất đáng quan tâm là sự thiếu vắng điều mà người ta thường dùng khái niệm “thuần Việt” để mô tả. Nhiều gian thờ được chạm trổ cầu kỳ với nhiều họa tiết phức tạp – sản phẩm từ các làng nghề chạm gỗ.
Nhiều gia đình khá giả chuộng các ban thờ rườm rà, có khi nặng nề, xa lạ với chính các vị thần linh, ông bà tổ tiên được thờ cúng. Đồ thờ tự từ bát hương, khay đĩa cho tới chân nến, hầu hết đều được tạo dáng tùy theo trình độ và sự hiểu biết của người thợ làng nghề. Có dịp nhìn lại các ban thờ, đồ thờ tự thời Lý, Trần, Lê, Mạc… mới thấy hết những giá trị mỹ thuật cổ từng đạt tới đỉnh cao. Và thật đáng mừng khi chương trình Ban thờ Việt do Hội quán Di sản được triển khai nhằm khôi phục các giá trị thuần khiết của tiền nhân.
Được sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng sự tư vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc, những thành viên Hội quán Di sản đã ra sức tìm kiếm tư liệu, sưu tầm mẫu vật, nghiên cứu chế tác để cho ra đời các vật dụng thờ cúng mang hồn phách Việt – một công việc đòi hỏi bao công sức và tâm trí. Đi khắp các làng nghề, tìm tới các ngôi chùa xa xôi, gặp gỡ những vị cao tăng, các nhà nghiên cứu, sử gia…, anh Trần Thanh Tùng – sáng lập viên Hội quán Di sản và các đồng sự đã khởi đầu dự án tâm huyết này từ năm 2016 nhằm phục dựng vàng son quá khứ. Không thể cứ nói “phục dựng vốn cổ” mà không có minh chứng cụ thể.
Các thành viên hội quán từng bước khám phá các kho tàng mỹ thuật của nhiều thời kỳ lịch sử. Đồ được tạo tác thời Lý thanh nhã, thời Trần lại toát lên vẻ uy dũng, còn đồ thời Nguyễn nghiêm cẩn… song đều chứa đựng giá trị văn hóa Việt đã được đúc kết qua các thời kỳ. Cho tới nay, hội quán đã phục dựng và đăng ký bản quyền 40 vật phẩm tâm linh. Riêng về ban thờ, hội quán đã dựng lại được các mẫu thời Lý, Lê, Trần tuyệt đẹp, đủ các loại hoa văn quen thuộc như rồng, mây lửa, cuốn thư. Rồi bộ ngũ sự (bát hương, khay, chân nến, mâm bồng, bình hoa) cũng được hội quán chế tác với hơi thở mới cho đời sống tâm linh người Việt.
Đặc biệt, hội quán còn tạo tác các pho tượng Phật dựa theo nguyên mẫu từ các chùa Phật Tích, Hương Sơn… được lưu giữ đã hàng trăm năm. Hiện hội quán đã cho ra đời bốn mẫu tượng: A di đà thời Lý, bộ tượng Tam Tôn mô phỏng tượng chùa Thầy thời Mạc, tượng Tuyết Sơn theo mẫu thời Tây Sơn và Quan Âm tọa sơn từ nguyên mẫu ở chùa Hương Tích thế kỷ 18. Hội quán Di sản còn kết hợp chặt chẽ với nhóm Đình làng Việt triển khai chương trình đi tìm linh vật nhằm phục dựng lại hình tượng con nghê vốn rất gắn bó với người Việt suốt hàng nghìn năm qua.
(*) Số 9 Hoàng Diệu, Q. Ba Đình, Hà Nội