Theo số liệu điều tra và đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù nền kinh tế 2012 có phần suy giảm, nhưng tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn được cải thiện nhẹ với các tỷ lệ 1,99 và 2,8%. Tại khu vực thành thị, tỷ lệ này dù vẫn cao hơn mức thất nghiệp bình quân nhưng cũng thể hiện sự giảm nhẹ, từ 3,6% năm 2011 xuống còn 3,25% trong năm 2012.
Với con số 55.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động trong năm 2012 được cơ quan thống kê công bố, Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong báo cáo đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2013 đã đối chiếu và tỏ ra hoài nghi quanh các số liệu chính thức về tỷ lệ thất nghiệp, mất việc làm và thu nhập là ba yếu tố chính phản ánh sức khỏe của thị trường lao động.
Giả định rằng các số liệu trên là chính xác thì cũng không có gì đảm bảo thị trường lao động sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong năm 2013 khi mà tình hình kinh tế năm nay được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I-2013, cả nước có 183.600 người mới gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, do nền kinh tế không tạo đủ việc làm nên số lượng người thất nghiệp nói chung và thiếu việc làm vẫn có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ lao động thiếu việc làm chiếm 3,58%, tỷ lệ thất nghiệp chung 2,1%. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn đều tăng so với năm 2012.Gần một triệu người đang không có việc làm.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh năm 2012 tại Đại học Nguyễn Tất Thành
Trên cả nước, TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp với mức 3,9%, tiếp theo đến Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội, còn tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc ở mức thấp nhất, chỉ gần 0,8%.
Tình hình lao động, việc làm được ghi nhận một cách khiên cưỡng như trên đây dù sao cũng phác họa một bức tranh nhân lực rất đáng lo.
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013 hồi cuối tháng 1 cho thấy, số lao động chưa có việc làm trên địa bàn hiện là 312.000, gồm 142.000 sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, 60.000 lao động thôi việc, mất việc trong năm 2012 và 110.000 người trong độ tuổi lao động nhưng chưa có việc làm.
Tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản, cắt giảm nhân sự gia tăng, lượng lao động thất nghiệp cũng tăng theo, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng lao động không nhiều khiến thị trường lao động cuối năm ở TP.HCM trở nên đìu hiu.
Thời gian qua, các trung tâm đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải do số lượng người đăng ký thất nghiệp ngày càng tăng cao, nhân viên giải quyết hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp làm không xuể công việc.
Tìm việc đang là một vấn đề lớn đối với thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 bởi nhóm này chiếm tới 47% tổng số người thất nghiệp.
Đây là hậu quả của việc đào tạo tràn lan, không có quy hoạch, không kiểm soát về chất lượng. Tệ nạn kinh doanh giáo dục bằng mọi cách đã khiến số lượng các trường đại học nhiều đến mức khó kiểm soát được chất lượng đào tạo, cũng như khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Có thể dẫn chứng từ thực tế ở một vài địa phương. Như tại An Giang chẳng hạn, theo thống kê ban đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho thấy hiện khoảng 300 cử nhân chưa có việc làm, trong đó phần lớn là cử nhân sư phạm, tập trung ở bậc trung học phổ thông.
Để giải quyết vấn đề này, từ đầu năm học 2012-2013 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã tăng cường tuyển dụng và bố trí các cử nhân thất nghiệp vào làm công tác đội hoặc phụ trách những phòng chức năng như thư viện, thiết bị của các trường.
Một dẫn chứng khác. Theo thống kê của Phòng Việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, thành phố này đang thiếu nhân lực lao động phổ thông trong khi lao động có trình độ đại học lại quá thừa. Tại mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng dành cho lao động phổ thông chiếm gần 70%, còn cử nhân chỉ dao động ở mức 5 – 10%. Đà Nẵng có tám trường đại học với số lượng cử nhân tốt nghiệp mỗi năm lên đến hàng chục ngàn gây nên tình trạng thất nghiệp tràn lan bởi cung vượt cầu. Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt, cử nhân nếu không muốn thất nghiệp đành phải làm những công việc thời vụ.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định tình trạng sinh viên ra trường không kiếm được việc hoặc làm trái nghề xuất phát từ khâu dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các sở, ngành từ Trung ương đến địa phương còn yếu.
Mặt khác, quá nhiều trường mọc lên, họ chỉ lo số lượng đầu vào mà xem nhẹ chất lượng đào tạo cũng như định hướng ra trường cho sinh viên. Việc mở mã ngành, chỉ tiêu tuyển sinh những năm trước đều do trường đề xuất chứ Bộ không quy định nên các trường cứ tuyển vô tội vạ, càng nhiều càng tốt, kể cả những ngành không còn phù hợp với nhu cầu xã hội.
Đào tạo tràn lan, chất lượng đào tạo thấp, người học không định hướng được nghề nghiệp… là những nguyên nhân làm cho hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ ra trường không tìm được việc. Đã có nhiều lời than phiền về việc trường đại học mọc lên tràn lan, nhất là ở các tỉnh nghèo. Tỉnh nào cũng có trường đại học, trường nào cũng đào tạo hàng chục ngành từ chính quy, liên thông đến chuyên tu, tại chức…
Hàng trăm ngàn gia đình nông dân chắt chiu từng khoản tiền nhỏ với hy vọng con cái có tấm bằng đại học ngành nghề gì cũng được. Mấy ai ngờ rằng sau khi lấy được tấm bằng đại học với chi phí gần trăm triệu đồng và bốn năm ngồi trên giảng đường, con em họ không thể tìm ra việc làm, rồi vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên phải tha phương cầu thực.
Tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22-3, về vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo đại học như hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, có sự phân biệt trường công và tư…, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nhận có một phần trách nhiệm.
Ông Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân cử nhân thất nghiệp chính vì quy mô, cơ cấu đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng không khớp với nhu cầu của thị trường lao động. Các trường đại học, cao đẳng chỉ đào tạo những ngành mà trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần.Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội.
Theo ông, về nhu cầu nhân lực, hiện cả nước có khoảng 100 khu công nghiệp – khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động. Trong đó, chỉ cần từ 5 – 7% cán bộ có trình độ đại học, 8% cán bộ trình độ cao đẳng, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Giả sử mỗi năm thêm 10 khu công nghiệp – khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ đại học, cao đẳng về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng khoảng từ 13.000-15.000 cán bộ mỗi năm là đủ. Thế nhưng hằng năm, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã cho ra lò trên 200.000 người.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trong một báo cáo với cơ quan quyền lực này trước đây đã dẫn chứng kinh nghiệm ở các nước như sau: Năm 2004, tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng trên số dân toàn cầu chỉ là 100/10.000 người. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 125/10.000 còn ở nước ta đã là 129/10.000. Trong khi đó, ở Trung Quốc cứ 200 người dân thì có một doanh nghiệp còn ở nước ta tỷ lệ ấy là 800/1. Có thể tham khảo tỷ lệ này ở một số nước phát triển: Mỹ 10/1, Singapore 4/1. Vì vậy, nước ta chưa thể áp dụng quan điểm đại học đại chúng theo hướng tăng số lượng sinh viên, số trường đại học và cao đẳng. Với thị trường lao động kém phát triển như nước ta, mỗi năm chỉ cần vài chục ngàn người tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà cho ra lò đến 400.000 thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm lao động chân tay là điều dễ hiểu.
Cũng theo ông Thuyết, các địa phương cũng góp phần làm cho số lượng trường tăng lên nhiều. Khi một trường cao đẳng lâu năm nâng cấp lên đại học, điều đó có nghĩa là chúng ta mất đi một trường cao đẳng tốt và có thêm một trường đại học yếu; còn khi một trường trung cấp lâu năm nâng cấp lên thành cao đẳng thì một trường trung cấp tốt mất đi, một trường cao đẳng yếu thêm vào danh sách “sản xuất hàng kém chất lượng”.
Nâng cấp tất cả lên đại học, cao đẳng lúc này đồng nghĩa với việc những lao động đang thiếu và cần thì ta không đào tạo mà đi đào tạo những đối tượng xã hội chưa có nhu cầu. Thống kê trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy mỗi năm chỉ có 50% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm; 30% trong số này tìm được việc đúng ngành nghề. Để giải quyết tình trạng này, trước hết phải phát triển kinh tế.Kinh tế mạnh thì mới có chỗ làm việc cho mọi người. Tiếp đến, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương phải hạn chế việc mở trường; chỉ những trường nào đầy đủ điều kiện, có tương lai phát triển mới cho thành lập.
Mặt khác, Nhà nước cần phải có chính sách nhất định mới thúc đẩy các đơn vị sử dụng lao động liên kết với nhà trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quản lý tốt việc thành lập và hoạt động đào tạo của các trường, tổ chức hệ thống kiểm định chất lượng và đưa công việc này vào nề nếp.Về phía các trường, phải cải thiện điều kiện đào tạo, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo để có được nhân lực chất lượng tốt hơn.
Điều đáng nói, ý kiến của nhà giáo dục có uy tín này không phải ngành giáo dục và các ngành liên quan cũng như các địa phương không biết.
Băn khoăn lớn nhất của những ai quan tâm đến tình hình nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước là tại sao ai cũng biết mà lại không làm được.
Phạm Thành Sơn