Cụm từ “cân bằng” gợi nên hình ảnh một cán cân với hai bên nặng như nhau và tìm được sự cân bằng.
Với tư cách là một người mẹ hai con đang điều hành một công ty thương hiệu và tài chính, luôn tập thể dục hằng ngày, lại còn lo liệu các trách nhiệm công và tư khác, tôi đã học được một điều: tìm được sự cân bằng giữa làm và chơi là chuyện cực kỳ khó, vì nó không hề tồn tại.
Chúng ta sống trong một thế giới không bao giờ tắt mạng, lại được mong chờ phải luôn có câu trả lời trên mọi diễn đàn vào mọi thời điểm.
Công nghệ đã phát triển với tốc độ khiến chúng ta phải làm việc điên cuồng để theo kịp, điều đó cũng giải thích vì sao nhiều người trong chúng ta lại bị stress đến vậy.
Vào năm 2018, Công ty Barnes & Noble đã công bố doanh thu của mảng sách về bệnh rối loạn lo âu đã tăng thêm 25%.
Thay vì tìm kiếm một sự cân bằng mơ hồ nào đó, đối với tôi, cân bằng giữa làm và chơi trở thành một sự kết hợp, qua đó tôi chờ đón những cái hỗn độn.
Với cách nhìn được đổi mới này, tôi đã không còn lo âu như trước, tôi thấy hài lòng hơn và không còn tự dằn vặt bản thân nữa. Dưới đây là sáu lời khuyên đã giúp tôi lấy lại tỉnh táo.
Hãy từ chối những thứ làm ta tốn thời gian và khiến ta sao nhãng
Ước tính mỗi ngày chúng ta bị “tấn công” dồn dập bởi hơn 5.000 quảng cáo. Với những người vừa thức dậy đã dùng điện thoại (trong đó có cả tôi), hãy thử nghĩ số lượng tin nhắn đọc được trong vòng 5 phút đầu tiên của một ngày mới, và hãy cân nhắc xem liệu chúng có thêm giá trị thực nào vào mục tiêu cân bằng giữa làm và chơi của bạn hay không.
Các dòng “nhắc nhở” tin tức, những lời mời mua hàng và mạng xã hội có thể làm não u tối khi bạn vừa mới ngủ dậy.
Hãy cố đừng dành quá nhiều thời gian đọc email, tắt đi hầu hết mọi thông báo trong điện thoại và bạn sẽ kinh ngạc khi thấy được mình có thêm bao nhiêu thời gian để tập trung vào những công việc quan trọng.
Hãy học cách từ chối
Sẽ tới kịp buổi chơi bóng của con trai hay làm xong một dự án đúng thời hạn? Bạn buộc phải đưa ra quyết định – xem đâu là thứ quan trọng nhất và sẽ có giá trị nhất với bạn – và chọn làm điều đó.
Hãy hạn chế làm nhiều công việc cùng một lúc để có thể dành mọi sự chú ý xứng đáng cho bản thân. Điều này cũng có thể được áp dụng cho thời gian nghỉ ngơi vì sức khỏe và hạnh phúc của bạn.
- Xem thêm: Cái lợi từ kỹ năng từ chối
Đừng sợ từ chối những sự kiện hay cơ hội tới với bạn. Nỗi sợ “mình không đi thì tiếc” chính là kẻ thù của bạn. Một khi có thể từ chối bạn sẽ nhận ra được điều gì là quan trọng nhất với bạn.
Giao phó
Tôi đã từng tham gia một cuộc thi chèo thuyền cấp cao, đó là nơi tôi học được rằng “làm việc theo nhóm sẽ có kết quả đẹp như mơ”, và tôi cũng biết câu đó nghe sáo rỗng đến chừng nào.
Hãy tìm hiểu xem bản thân bạn có sở trường là gì và hãy thuê những người giỏi hơn bạn ở những lĩnh vực khác bạn đang cần hoàn tất.
Đồng nghiệp của tôi ở công ty đều giỏi hơn tôi ở những lĩnh vực riêng của họ, và đó là yếu tố khiến cho hoạt động của đội chúng tôi trở nên hài hòa và hiệu quả.
Điều này cũng có thể được áp dụng trong cuộc sống gia đình. Hãy biết sắp xếp công việc và trách nhiệm của mình với bạn đời hay con cái để bạn có thể hoàn tất nhiều việc hơn mỗi ngày.
Hãy biết suy nghĩ thực tế và chấp nhận giới hạn của mình
Hãy tự hỏi xem bạn làm thế nào để có thể đạt năng suất hết mức có thể trong giới hạn mình đưa ra.
Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng “Nếu chỉ có 4 tiếng để làm việc mỗi ngày, vậy thì mình sẽ làm thế nào để hoàn tất dự án hay kiếm được nhiều tiền nhất đây?” hoặc “Nếu mỗi tuần chỉ có 4 tiếng để tập thể dục, vậy thì bài tập nào là hiệu quả nhất để mình tăng cơ bắp đây?”.
Sau đó hãy dùng những câu tích cực (“Mình có thể làm được!”) thay vì những câu tiêu cực (“Không có đủ thời gian rồi”) để hoàn thành kế hoạch. Những câu tích cực có thể không hiệu quả đối với tất cả mọi người, nhưng hiệu quả với hầu hết.
Đừng cố trở nên bận rộn
Thường sau một sự kiện lớn, một buổi họp quan trọng hay thậm chí là sau một buổi tập thể dục, tôi biết bạn sẽ có một khoảng thời gian rảnh rỗi hơn trước. Hãy tận dụng những khoảng thời gian này!
Đừng vì thấy lịch trống mà bạn cố kiếm thêm việc để làm. Hãy thực hiện những điều bạn đã luôn mong mỏi được làm trong lúc bận rộn, hoặc có thể dùng thời gian đó để tự đánh giá mình về mọi mặt. Hãy cập nhật hồ sơ cá nhân của mình, làm mới trang web, nghiên cứu thêm nhiều thứ và gặp gỡ người mới.
Hãy dành thời gian cho bản thân
Đặt ra một khoảng thời gian cho bản thân là yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn sức khỏe. Thời gian gần đây hầu hết chúng ta đều sống theo lịch của người khác (của con cái, của khách hàng, v.v…) và không còn theo la bàn sinh học của chính mình nữa.
Càng làm những điều mình muốn làm trong công việc và đời sống, bạn sẽ càng thấy hài lòng và yêu đời hơn.
Ban đầu hãy dành chút ít “thời gian cho bản thân” thôi, có thể vừa đi bộ vừa nghe nhạc hay có thể ngâm mình trong bồn tắm muối Epsom lúc chiều tối. Làm được nhiều điều nho nhỏ như vậy cộng lại sẽ thành những lợi ích lớn cho sức khỏe của bạn sau này.