Nhón xôi gấc tươm dầu vàng óng mấy ngón tay. Mẹ vẫn nói nhuộm màu thực phẩm sẽ chỉ đỏ xôi chứ không đỏ tay. Mà xôi hàng chị này đích thị là xôi gấc thật vì màu xôi chỉ cam nhạt không đều, chỗ ửng chỗ chỉ hơi lớt phớt, đây đó còn sót lớp vỏ đen nhánh dai dai của hạt gấc.
Cái vị beo béo tự nhiên từ dầu trái gấc không làm ngán hay ngang bụng. Em gái vốn thích ăn xôi gấc mừng ra mặt, cứ nhẩn nha nhón từng chút một, vo vo, nhấn nhấn giữa mấy đầu ngón tay cho “no” cái dẻo mềm của hạt xôi rồi mới bỏ vào miệng. Lâu lắm rồi mới tìm được chị bán xôi còn chịu khó ngồi nạo gấc chứ không “chấm” màu vào cho tiện như hầu hết “đồng nghiệp”.
Bà ngoại chín mươi tuổi vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Bà nói ngày còn con gái ở vùng quê miền Bắc bà hay vớt cá, cua dưới ao đem ra chợ bán. Bà còn chịu khó đi mót thóc, gạo, tự mình dựng được cả chuồng nuôi heo, gà tươm tất nhất xóm. Chắc nhờ vậy mà ngần tuổi này bà vẫn khỏe, lại chẳng bệnh gì. Họ hàng nhiều người mới chớm năm mươi đã mắc đủ thứ bệnh: nào gút, nào dư cân. Họ nói họ ghen tỵ với bà, bà chỉ móm mém cười.
Bà siêng lao động, ăn uống giản dị, đâu như họ làm ít ăn nhiều mới sanh bệnh tật. Nhưng họ ghen tỵ với bà cũng có cái lý. Vì thời của bà chẳng có khói bụi ô nhiễm, con tôm con cá vớt từ sông lên vừa tươi vừa lành, chẳng nhiễm chất thải công nghiệp hay bị chích điện chết. Bà vẫn than con tôm mua ngoài chợ bây giờ tanh quá bà ăn không được. Sớm sớm cậu mua cho gói xôi bà cũng nhăn mặt – mùi hăng quá, lại cứ béo ngậy ngang hết cả bụng, đâu như gói xôi ngày xưa hơi khô khô vì người bán cứ từng ấy nguyên liệu – xôi, đậu – mà đồ thôi.
Hạt đậu chỉ vừa mềm tới chứ không mềm oặt (vì thuốc nhừ). Ngày còn đi học có bà hàng xôi mỗi ngày vẫn đội thúng trên đầu đi qua xóm, rao: “Xôi đỗ xanh, xôi lạc, bánh gai, bánh nếp, bánh mật đây!”. Bà lấy cây đũa cả nhấn xôi vào cái chén con con đong làm một phần rồi mới đổ ra lá chuối cho khách. Mùi lá chuối. Phải rồi, cái mùi lá chuối hơi héo đi với xôi đậu phộng rắc chút muối vừng sao mà “bắt”. Hôm qua bố hái ít lá chuối về, tự nhiên ngửi thấy cái mùi thơm thơm quá đỗi mộc mạc ấy, những ngày xưa chơi ô quan, banh đũa chán chê rồi sà đến thúng xôi của bà Đoán như cứ ùa về.
Bà Đoán mất rồi. Yếu quá bà thôi bán đã vài năm nay, thế nhưng tin bà mất như cái dấu chấm hết to đùng cho gói xôi đậu phộng lẫn ít hột đậu xanh đãi vỏ vàng tươi nhấn vào cái chén con con vương mùi lá chuối. Chấm hết luôn cái hình ảnh bà hàng xôi rất nhà quê Bắc bộ – áo bà ba, quần vải thô đen mộc – giữa lòng Sài Gòn hối hả, hiện đại.
Ai cũng nói mình già, cứ thích đi tìm những thứ đã “hết thời”, trái hoàn toàn với công việc vốn liên quan đến những thứ rất chi gấp gáp, “tân thời”. Có gì đâu. Chẳng phải Christian Louboutin vẫn phác thảo tất cả những đôi giày sang trọng, quý phái – niềm mơ ước của biết bao phụ nữ trên thế giới, chính trong ngôi nhà nghỉ của ông ở Ai Cập đó sao? Nơi ông mô tả là thấm đẫm văn hóa, lịch sử, thanh bình và tràn đầy cảm hứng.
Ừ thì chắc mình cũng giống ông ấy, thích tìm cảm hứng cho cuộc sống hiện đại từ những thứ thuộc về quá khứ. Như hôm nọ làm lại nhà tắm theo phong cách Địa Trung Hải, tự nhiên nhớ cái kiếng mài hạt lúa ở bốn góc hình như ngày trước treo đâu đó trong nhà bà nên nhất định đi tìm chỗ đặt. Đi hết một lượt mấy tiệm kiếng lớn không ai nhận làm vì họ chỉ cắt “vi tính” thôi, mà cắt “vi tính” thì kê kiếng vào cắt một đường gọn hơ, không mài cong cũng chẳng mài lõm được.
Ghé một tiệm nhỏ treo vài tấm kiếng lơ thơ ngoài cửa trông có vẻ “thủ công” cầu may, anh cắt kiếng áo vắt ngang mặt đang nằm ngủ trưa bị dựng dậy mà không nhăn nhó. Anh nói mài hạt lúa phải mài thủ công bằng loại máy thời xưa, máy đó anh có nhưng rã ra bán sắt vụn lâu rồi, để hoài có ai mua, ai xài đâu. Nghe mà tiếc cái máy, tiếc luôn cho cái nhà tắm Địa Trung Hải chắc mất cơ may được khoác lên mình vẻ mềm mại nhờ tấm kiếng mài hạt lúa ở bốn góc.
Ừ thì từ giấy mực lên vi tính là điều tất yếu, là cuộc sống tiện lợi hơn rất nhiều. Là nấu nồi xôi nhanh và đỡ cực hơn, là không biết gì cứ hỏi “bác” Google. Nhưng để mất đi những gì liên quan đến trái tim và đôi bàn tay thì tiếc quá. Người ta chẳng còn muốn ngồi chờ nồi đậu phộng mềm, chẳng còn muốn tỉ mẩn cắt lá dứa thành những cái muỗng con con thơm thơm ăn xôi bắp. Giả sử một ngày kia Ai Cập không còn những đường nét kiến trúc đầy màu sắc cổ đại, cái ông Louboutin chắc sẽ bán luôn ngôi nhà nghỉ của mình ở đó mà tìm một nơi khác ngồi vẽ giày.
Ừ thì già. Nếu mới “băm” đã gọi là già…