Mọi người trên khắp thế giới đều mong ước có được sức khỏe dồi dào, hạnh phúc và thịnh vượng trong năm mới. Niềm mong ước đó đã đi vào những phong tục, tập quán lễ nghi và cả trong ẩm thực, khi trong ngày đầu năm, những món ăn mang biểu tượng may mắn thường được người ta chiêu đãi nhau để cầu chúc nhiều điều may mắn.
Tùy vào nền văn hóa mà những biểu tượng may mắn ở mỗi nơi khác, nhưng tựu trung lại là những thức ăn có hình dáng, màu sắc, đặc tính sống, thậm chí cả tên gọi phải làm cho người ta liên tưởng đến tiền tài, sức mạnh và những điều may mắn trong cuộc sống.
Lâu dài, viên mãn
Hình dạng của món ăn được xem là may mắn thì thường dài và tròn để biểu tượng cho một cuộc sống trường thọ, viên mãn, đủ đầy. Chẳng hạn ở Nhật Bản, người ta ăn những sợi mì dài vào ngày đầu năm để mong ước cuộc sống trường thọ. Sợi mì không được xắn nhỏ mà phải để thật dài trước khi cho vào miệng. Theo phong tục, vào đêm giao thừa, người Nhật đến chùa để cầu nguyện và đánh chuông lớn ba lần trước khi thưởng thức mì miễn phí tại đây. Phong tục này còn phổ biến ở một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Những thức ăn có hình dáng tròn trịa cũng được xem là biểu tượng may mắn ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Hình tròn làm cho người ta liên tưởng đến những đồng tiền, tức là sự sung túc, phát đạt trong năm mới. Thức ăn phổ biến loại này thường là bánh, trái cây hình tròn. Ở Hy Lạp, các gia đình nướng bánh vasilopita, một dạng bánh ngọt được giấu một đồng xu may mắn bên trong. Người Mexico thưởng thức bánh ngọt rosca de reyes có hình vòng tròn, còn người Hà Lan có món bánh nướng phồng hình chiếc nhẫn ollie bollen. Riêng tại Tây Ban Nha hay Cuba, vào đúng thời khắc giao thừa, mọi người sẽ ăn 12 trái nho, mỗi trái tượng trưng cho một vạch giờ trên đồng hồ và cho mỗi tháng trong năm. Những chùm nho trĩu quả cũng được xem là biểu tượng cho sự sung túc, sinh sôi nảy nở trong năm mới. Trong khi đó, người Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác ở vùng Địa Trung Hải thích ăn trái lựu để cầu mong may mắn, bởi quả lựu tròn đầy, hạt dày đặc giúp người ta liên ưởng đến sự trù phú và sinh sôi.
Sắc màu may mắn
Màu sắc của thức ăn không chỉ mang lại vẻ đẹp, sự ngon mắt cho món ăn mà ẩn chứa trong đó cả quan niệm về sự may mắn. Mỗi nền văn hóa có những màu sắc may mắn riêng. Tại Trung Quốc, Singapore hay Việt Nam, màu đỏ là màu may mắn. Trong những ngày đầu năm mới, không chỉ có các vật dụng trang trí, mà những thức ăn màu đỏ đều được xem sẽ mang lại một năm mới thật “đỏ”, thật may. Người Việt ta có truyền thống thờ cúng và thưởng thức dưa hấu vào năm mới. Ngày tết sum vầy, bổ quả dưa hấu có ruột đỏ tươi thì lòng ai cũng phấn chấn vì năm mới sắp tới sẽ gặp được vận may.
Không phải trùng hợp ngẫu nhiên khi những thức ăn mang lại may mắn ở một số quốc gia châu Âu lại có màu xanh, bởi đơn giản vì chúng gần giống màu của tiền giấy! Những lá rau lớn, xanh tươi được xem là điềm may, dù cách chế biến mỗi nơi mỗi khác nhau. Nếu người Đan Mạch có món cải xoăn ninh rắc thêm ít đường, quế thì người Đức ăn món dưa muối. Người ta tin tưởng rằng càng ăn nhiều rau xanh thì sẽ càng dễ gặp may đầu năm.
Sinh sôi nảy nở trong mùa xuân
Một số nơi ở Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu, mọi người ăn cá để chào đón năm mới vì cá là biểu tượng của sự phát triển, tiến bộ (cá luôn bơi về phía trước). Cũng có quan niệm cho rằng cá là biểu tượng của sự sung túc, dư dật vì cá thường bơi và sinh sản theo bầy đàn. Những con cá chép khỏe mạnh vẫy vùng trong nước cũng được xem là biểu tượng của sức mạnh. Bữa ăn đầu tiên của người Hungary trong năm mới phải luôn có món xúp cá chép. Truyền thống của Đức, Phần Lan và các nước trên bán đảo Scandinavia lại cho rằng ăn cá trích vào thời khắc giao thừa sẽ mang lại nhiều may mắn, mặt khác còn để đảm bảo cho các ngư dân đánh bắt cá dồi dào suốt năm.
Trong khi đó, ở nhiều nước như Úc, Cuba, Tây Ban Nha, thịt heo được xem như là một món ăn mang lại may mắn. Người ta cho rằng khi sục vào máng ăn, con heo thường giữ cho chân của chúng được vững vàng và đẩy cái mõm về phía trước, điều này tượng trưng cho sự tiến tới, phát triển và thịnh vượng trong tương lai.
Đậu cũng là món ăn không thế thiếu trong nhiều bữa ăn đầu năm chỉ vì chúng thường nở ra khi nấu, nên được xem là biểu tượng của sự phát triển, lớn mạnh. Nếu người Mỹ ưa chuộng món đậu trắng thì người Ý có món đậu lăng ăn kèm với xúc xích thịt heo, còn người Hungary thích ăn xúp đậu lăng hơn. Riêng các nước nông nghiệp thì không thể thiếu gạo và các loại tinh bột trong ngày Tết.
Thỉnh thoảng, cũng dễ bắt gặp cách chơi chữ trong các món ăn đầu năm, chẳng hạn mâm quả “cầu vừa đủ xài” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài) của Việt Nam. Người Trung Quốc thì thường trưng bày một tô cam và quýt để cầu mong thịnh vượng sẽ đến. Truyền thống này bắt nguồn từ cách chơi chữ “quýt” và “cam” vì khi phát âm nghe giống như “may mắn” và “giàu có”. Vào trước thời khắc giao thừa, các gia đình Trung Quốc thường cùng nhau gói, hấp và thưởng thức món sủi cảo. Theo tiếng Trung Quốc, sủi cảo đọc nghe gần giống với từ “có của”.
Món ăn ngày đầu năm mới không chỉ là một nhu cầu ẩm thực đơn thuần, mà nó là một nét văn hóa thực sự của mỗi vùng. Ăn gì, ăn như thế nào để tâm hồn được thanh thản với năm cũ và phấn chấn chào đón năm mới quả thật mang lại nhiều ý nghĩa.